Những ngôi nhà không có đàn bà - Trần Quốc Cưỡng

24.12.2014

Những ngôi nhà không có đàn bà - Trần Quốc Cưỡng

Xóm nhà mái vòm này chỉ bắt đầu nhộn nhịp vào lúc nửa đêm.

            Khi những người đàn ông trở về từ biển khơi. Họ có những ngôi nhà giống hệt nhau. Cùng là mái vòm. Cửa hướng ra biển đông. Cùng sống độc thân.

            Hàng trăm năm nay, Chánh đội Võ Văn vẫn búi tóc quả cam, đi giày cỏ, mặc áo nâu, dây thắt lưng cột lệch sang bên hông. Thân thể cường tráng. Cốt cách phi phàm. Chánh đội có thói quen luyện kiếm dưới trăng. Đường kiếm loang loáng như tia chớp. Về sau biến thành ánh hào quang huyền ảo. “Tuyệt quá!” Lời khen. Tiếng vỗ tay. Một bóng người sừng sững trên bãi biển. “Cậu bé chế nhạo ta rồi. Thế kỷ hăm mốt. Chiến tranh công nghệ cao. Đao  kiếm chỉ là thứ vứt đi”. Ngài Chánh đội tra kiếm vào bao. Ngồi bệt xuống cát. Người được Chánh đội Võ Văn gọi là cậu bé mặc áo trắng cổ vuông rộng, viền xanh sẫm. Anh hai mươi lăm tuổi. Lính của nhà giàn DK1, tên là Khánh. Người hàng xóm của ngài Chánh đội.

            Những ánh chớp lóe lên nhì nhằng từ phía biển. Tất cả nhà mái vòm bật đèn. Tất cả đàn ông đeo thẻ bài trước ngực. Mỗi người xách trên tay một cây đèn bão, đi về phía bãi cát rộng đầu xóm. Con đường từ xóm nhà mái vòm ra bãi cát vướng víu lá rau muống biển nghe rười rượi mát dưới chân. Xót thương những cánh hoa tím biếc nát tan bởi sự vô tình.

            Cư dân xóm nhà mái vòm đặt chiếc đèn nhún nhẩy tung tẩy trước mặt. Họ ngồi trò chuyện trên cát sạch boong. Sạch đến mức tưởng chừng như đem chiếc áo trắng chà xát không lấm chút bụi nào. Chánh đội rút quyển sổ đã sờn gáy, màu vàng ố, nhưng nét chữ ghi chép tỉ mỉ việc chôn mốc, cắm tiêu bảo vệ các đảo nổi, đảo chìm mấy trăm năm trước còn in khá rõ.

            Tuần phủ Nghĩa Nam Nguyễn Khởi kéo theo tri phủ Đông Hà Trần Viên đến làng chài An Vĩnh không tiền hô hậu ủng. Gặp Võ Văn rồi, hai ông miệng xuýt xoa, tay sờ nắn từ đầu đến chân, vuốt ve lưng áo: “Khá khen cho Võ Văn tự đóng thuyền buồm, quy tụ thanh niên An Vĩnh lướt sóng dữ ra khơi chinh phục Hoàng Sa, thu lượm sản vật. Hoàng thượng vô cùng hoan hỉ và nức lời khen lòng can trường, tinh thần ái quốc của người An Vĩnh. Nay sắc phong cho Võ Văn làm Chánh đội suất thủy binh cắm mốc bảo vệ Hoàng Sa”. Tuần phủ quay sang tri phủ, nghiêm mặt: “Nhà ngươi cấp tốc tuyển mộ phu binh. Mỗi năm phải bổ sung bảy mươi suất lính. Cấp thẻ bài ghi danh tánh bản quán từng người. Lo lương thực, đồ dùng đi biển lâu ngày, đề phòng bất trắc. Việc nước chớ nên chậm trễ mà mang tội với triều đình”. Tri phủ Đông Hà miệng vâng dạ không ngớt. Chánh đội Võ Văn cùng đám ngư phủ làng An Vĩnh niềm vui thấm tận đáy lòng.

            Tiếp theo lời khen của cậu bé mặc áo cổ vuông, một giọng nói rổn rảng cất lên: “Khoa học công nghệ sao qua được nhân tố con người. Năm xưa, ngài với đám trai tráng làng An Vĩnh với những con thuyền mong manh, đã muôn lần vượt qua bão tố trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa. Còn chúng cháu bằng những con tàu không số bình thường cũng qua mặt được quân thù hùng mạnh, vận chuyển vũ khí vào Nam làm nên nghiệp lớn”. Người nói giọng hùng hồn là một thanh niên nhà mái vòm, tóc tai xun xần, râu ria rậm rạp. Cũng là người láng giềng của ngài Chánh đội. Cậu bé mặc áo cổ vuông hướng cái nhìn về phía ngài Chánh đội, hóng chuyện: “Cháu chưa từng được làm lễ tế sống, hay tuyên thệ sẵn sàng hy sinh vì bảo vệ chủ quyền lãnh hải trước khi nhảy lên tàu ra biển như các bác, các chú ngày xưa. Nhưng cháu không bao giờ đắn đo khi xả thân cho Tổ quốc trường tồn. Trước ngày cháu ra nhà giàn DK1, cháu yêu một cô giáo dạy văn. Chúng cháu hẹn khi nào cháu mãn nhiệm vụ về đất liền sẽ làm đám cưới. Đâu ngờ sự cố nhà giàn… Mới đây, cô ấy gởi tất cả hình ảnh và thư tình cho Đoàn công tác ra thăm đảo để thả xuống biển cho cháu. Đọc đến đoạn: “Anh ơi! Nếu em biết anh ra đi vĩnh viễn thì hôm ấy em đã trao cái quý giá ngàn vàng của người con gái… Em ích kỷ quá phải không anh?”, cháu thấy thương cô ấy vô cùng!”. Người lính tàu không số bỗng dưng trầm buồn: “Năm nào lễ khao lề thế binh, thuyền trưởng của cháu cũng đến dự. Trông anh ấy già đi nhanh quá. Lần nào cháu cũng nghe anh ấy van vái: “Kiên ơi! Em ở ngoài khơi có lạnh không? Hãy về đất liền thăm mẹ đi em! Mẹ em già yếu lắm rồi! Thuyền trưởng đâu có biết lần nào cháu cũng đứng sát bên anh, nghe cái mùi mồ hôi quen thuộc của anh khi còn nằm chung trên con tàu không số. Cháu làm sao quên được buổi chiều năm ấy. Tàu của chúng cháu bị lộ. Địch bao vây với tàu to súng lớn. Chúng bắc loa gọi đầu hàng. Anh Nghĩa họp chớp nhoáng, ra lệnh: “Tất cả anh em ôm áo phao nhảy xuống biển, bơi vào bờ, tìm đường tiếp tục ra Bắc! Tôi sẽ ở lại đánh thuốc nổ hủy con tàu, bảo vệ bí mật con đường”. Lúc ấy cháu quỳ xuống khẩn thiết: “Anh Nghĩa ơi! Anh đã có vợ con. Anh hy sinh bỏ lại vợ con anh tội lắm! Em chưa có gia đình. Em hy sinh không làm vướng bận ai. Anh có nhiều kinh nghiệm đi biển. Cách mạng rất cần đến anh. Xin anh hãy nghe em!”. Thằng Cẩn, thằng Xuân, thằng Bì đứa nào cũng khản giọng: “Đúng đấy anh Nghĩa. Anh hãy rời tàu ngay kẻo không còn kịp…”.

Không khí bỗng chùng xuống, đọng lại vón thành viên. Ngoài kia, biển vẫn đen ngòm. Từng con sóng bổ nhào xuống ầm ình. Ngài Chánh đội nghe câu chuyện khiến ông chạnh lòng: “Ta được triều đình phong chức Chánh đội thủy binh năm ba mươi sáu tuổi. Thú thật ta chưa từng biết nụ hôn với người khác giới nó ngọt ngào, hấp dẫn thế nào. Trước lúc ta lên thuyền ra Hoàng Sa lần cuối cùng, bạn gái ta dúi chiếc khăn choàng vào tay ta rồi quay mặt. Đôi vai gầy của nàng rung lên nhè nhẹ. Mẹ ta thì giơ tay lên vẫy, miệng cố nở nụ cười cho yên lòng người ra đi, nhưng nước mắt lại chảy ròng ròng. Mấy trăm năm rồi ta vẫn chưa quên được cái phút giây vô vàn thiêng liêng ấy”. Cậu bé Khánh chợt reo lên: “Trời ơi! Vậy là đến nay ngài Chánh đội đã hai trăm sáu mươi sáu tuổi rồi nhỉ? Trông ngài vẫn cường tráng như tuổi hơn ba mươi”.

Xóm nhà mái vòm không hề có đàn bà. Tất cả đàn ông đều sống độc thân. Họ thay nhau đi biển bằng nhiều phương tiện ghe thuyền khác nhau. Họ đi biển vừa để đánh cá, vừa để cứu giúp những người không may bị giông tố nguy nan và để canh giữ sự bình yên cho Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Hôm rồi ngài Phó Đội Phạm Quang hứng khởi khoe với cả làng: “Ta đang đi trên chiếc ca nô 30CV, bỗng phát hiện chiếc tàu lạ đâm sầm vào tàu cá. Ta phóng cây giáo cắm phập vào tay tên giữ vô lăng. Hắn thét lên kinh hãi quay thuyền bỏ chạy có cờ”.

Ngài Chánh đội đứng trước những cư dân xóm nhà mái vòm đang ngồi xúm xít trên bãi biển, ngước nhìn mọi người một lượt rồi chậm rãi cất tiếng: “Xưa nay xóm nhà mái vòm của chúng ta chỉ có anh em phu binh và lính hải quân sống chan hòa, hướng ra biển lớn để bảo vệ chủ quyền và cứu người. Nay tôi đề nghị mọi người hãy dang rộng vòng tay đón các ngư dân về nhập cư. Họ cũng là những người sống chết với biển như chúng ta. Hãy cho họ có một mái ấm để nương thân”. Bên dưới nổi lên một tràng pháo tay giòn giã, thể hiện sự đồng thuận. Ngài Chánh đội nở nụ cười mãn nguyện.

Mấy trăm năm trước, vào một ngày trời xanh mây trắng, Đoàn thuyền do Chánh đội Võ Văn dẫn đầu trên đường ra Hoàng Sa đo đạc bản đồ, chạy băng băng trên biển lặng như tấm thảm màu ngọc bích. Mây trắng như bông thoáng chốc biến thành màu đen ùn ùn, tựa hồ đoàn tàu phả khói mù trời. Gió rong rong từng đợt, từng đợt rồi hút mạnh. Sóng biển vồng lên cuốn xoáy như cái chảo khổng lồ chuyển động bằng tốc độ kinh hoàng. Ngài Chánh đội thét khản cổ họng: “Kéo buồm xuống! Kéo buồm xuống! Nhanh lên! Ôm ống cây! Ôm ống cây vào!...”. Một con thuyền… hai con thuyền… bị gãy bánh lái, nước xoay tròn như cái vụ. Tiếng kêu la tuyệt vọng. Cơn giông đi qua. Biển lặng. Đoàn thuyền biến mất. Những mảnh chiếu, tre nẹp, dây mây trôi dật dờ, dật dờ trên biển vắng…

Những ngôi nhà mái vòm mới nguyên mọc lên trên bãi cát đầy nắng gió. Có những bông hoa tươi thắm không biết của ai đặt trên những ngôi nhà mới xây. Những ngôi nhà mới cũng toàn là đàn ông. Đứng tuổi có. Thanh niên có. Thậm chí còn có cả thiếu niên. Họ sống lặng lẽ. Khi biển sóng cồn gió giật, tất cả những ngôi nhà đèn bật sáng. Ngài Chánh đội vẫn lứa tuổi ba mươi. Vẫn duy trì tác phong đĩnh đạc của ông cha một thuở giữ yên bờ cõi. Anh lính hải quân tàu không số vẫn ngót nghét hai mươi bảy, nhưng lúc nào cũng trầm tư, già dặn như cụ non. Chỉ có chàng mặc áo cổ vuông tuổi hăm lăm luôn vui nhộn.

Vào một ngày tháng Ba (âm lịch) xóm nhà mái vòm vui như tết. Mờ sáng. Từng đoàn người xênh xang áo mão cân đai. Có cả những phu binh múa hát. Có cả những con thuyền buồm. Những tấm chiếu cói, đòn nẹp tre, dây mây và những tấm thẻ bài. Tiếng kèn ò í e. Tiếng trống đùng đình. Mọi người khấn vái. Người dân trong và ngoài nước đến hành hương. Trong đó có những nhà nghiên cứu khoa học lịch sử của nước ngoài đến tìm hiểu về việc chinh phục biển  Đông của người Việt Nam. Người lính tàu không số gặp lại đồng đội của mình lòng vui khấp khởi. Anh chàng mặc áo cổ vuông chảy nước mắt khi nhận ra người yêu mình cũng hòa vào dòng người thắp hương cho những ngôi mộ gió. Nàng van vái, gọi tên chàng. Đốt những lá thư tình mà nàng viết để anh hiểu rằng nàng luôn yêu anh, tôn quý sự hy sinh cao cả của anh. Ngài Chánh đội nét mặt rạng rỡ. Ông len lỏi vào dòng người như để kiếm tìm những bóng hình thân yêu xưa cũ, dẫu ông biết rằng mẹ ông và người bạn gái của ông đã ra người thiên cổ từ lâu. Họ cũng đã hơn hai trăm tuổi rồi còn gì. Nếu có phép lạ, họ còn sống chắc chắn họ phải có mặt ở nơi này để đốt nhang tưởng niệm cho con, cho người từng thề non hẹn biển.

Những người con sinh ra từ làng biển nắng gió, bão bùng luôn luôn chung thủy với biển khơi. Họ sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Lớp lớp cha truyền con nối. Hết thế hệ này đến thế hệ khác làm nghề biển truyền đời, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngài Chánh đội tha thẩn trong sương đêm. Cũng bờ bãi này mấy trăm năm trước ông cha của ngài nắng dãi mưa dầu đóng thuyền, may buồm, cùng đám ngư phủ trai tơ làng An Vĩnh trông hướng gió, nhìn sao trời mà dong thuyền trực chỉ ra khơi. Họ ước mong có được cuộc sống bình dị, yên ổn để làm ăn sinh sống. Họ không hề bị khuất phục trước sức mạnh vô cùng của thiên nhiên và lũ giặc cướp quấy phá. Có những người sống sót trở về xây dựng đình miếu bốn mùa hương khói, truyền lại tình yêu biển cả, tình yêu lao động cho các thế hệ tiếp nối. Và có bao người đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương hoặc nơi đảo xa. Ngài Chánh đội miên man suy tư. Khi về đến nhà mái vòm của mình, ông thấy đèn vẫn còn bật sáng như sẻ chia với những ngọn đèn lắc lư dập duềnh ngoài biển mịt mù xa.

 

 

T.Q.C