Trong bóng văn chương - Nguyễn Đình Vĩnh

24.12.2014

Trong bóng văn chương - Nguyễn Đình Vĩnh

Với những người làm công tác giáo dục ở Đà Nẵng thế hệ chúng tôi, Huỳnh Văn Hoa là một người thầy. Ngôi vị này không hẳn từ vị trí quản lý mà anh đảm nhận - tư lệnh ngành trong hơn mười năm của một thành phố - mà từ những gì anh đã nghĩ, đã cống hiến và lưu dấu. Một Huỳnh Văn Hoa mực thước, chín chắn và nhập thân. Một Huỳnh Văn Hoa thường ý thức về tính hệ thống đến đôi lúc cứng nhắc, lạnh lùng.

         Trong lĩnh vực mang vác chữ nghĩa, với Văn chương từ những góc nhìn, Huỳnh Văn Hoa hiện lên là một con người khác - con người của những bóng nhìn nghiêng, bởi tính hệ thống vẫn là thế mạnh của anh nhưng lại là hệ thống do tự anh xác lập. Nơi đây, anh bồng bềnh với những mong tìm riêng, những góc khám phá lạ.

         Văn chương từ những góc nhìn do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2014 gồm 47 bài viết phẩm bình, luận giải về các tác giả, tác phẩm thuộc nhiều thể loại: thơ, văn tế, báo chí, chân dung văn học… Ở đây, có những mảng Huỳnh Văn Hoa tập trung nhiều như bàn về các nhà văn nhà thơ xứ Quảng: Báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng; Phan Khôi-nhà văn, nhà báo, nhà lý luận xuất sắc; Phan Khôi với Chương Dân thi thoạị; Phạm Hầu - cành mai vừa hé vài hoa sớm; Con đường thơ Đông Trình; Nghĩ về thơ Đà Nẵng sau 1975; về mùa xuân trong thơ: Non sông là trang viết của Người; Một bài thơ ấm áp ân tình; Đi tìm xuân qua Mưa nguồn của Bùi Giáng; Nguyễn Bính và những mùa xuân cô lữ; Sắc xuân trong Đường thi; Mùa xuân trong thơ Haiku; về màu sắc như là một đặc tính, yếu tố tạo nên thi pháp của nhà văn: Màu sắc trong văn chương; Màu tím trong thơ ca; Màu sắc - một phương diện mỹ học trong tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên; về Chế Lan Viên: Chế Lan Viên với cái nhìn nghệ thuật trong thơ; Quảng Trị trong thơ Chế Lan Viên; Mùa xuân đọc những bài thơ về hoa của Chế Lan Viên; về Xuân Diệu: Xuân Diệu bàn về thơ; Ngày xuân nhớ Xuân Diệu…

          Huỳnh Văn Hoa đã chọn tiếp cận vấn đề dưới những góc nhìn mới. Đó là, tìm thấy sự trải lòng của Phan Châu Trinh, huyết lệ của một người anh hùng khóc một người anh hùng, là gửi niềm cảm khái cho bản thân qua 10 bài thơ khóc ông Tú Chiểu. Đó là sự phát hiện, với 1766 số báo, Tiếng Dân là hiện thân của khát vọng về dân sinh, dân chủ và ông chủ tờ báo - chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng - bằng uy tâm của mình đã vững vàng lèo lái dây cương cả bản báo suốt 16 năm ròng… Cũng từ việc tìm hiểu các công trình nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn của Phan Khôi, Huỳnh Văn Hoa đã cho thấy “… nhu cầu hiếu tri đã thôi thúc Phan Khôi không ngừng dung nạp những tri thức mới mẻ của phương Tây, nhất là những kiến thức về luận lý học, kinh tế học, triết học, đạo đức học… Cái tài của ông là, những gì đọc được từ sách vở, ông vận dụng vào thực tiễn và trên cơ sở đó, có những kiến giải riêng” (trang 46); đó là sự cảm nhận cái tâm trong sáng, vì một suy nghĩ về thơ, giá trị của thơ ở Phan Khôi khi “Ông không quan tâm đến tác giả bài thơ, dù là vua hay dân, chỉ bàn đến thơ có hay hay không” (trang 55). Nghiên cứu màu sắc trong tập thơ Điêu Tàn của Chế Lan Viên, tác giả khẳng định “Bảng màu của một tác giả ở một thời kỳ sáng tác nhất định đều phản ánh cái nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ đó về cuộc đời, về nghệ thuật (trang 110). Hoặc giả, Huỳnh Văn Hoa đi tìm những nét mới nằm trong vấn đề tưởng đã cũ, đã quen. Đó là, dưới góc nhìn không gian, thời gian nghệ thuật, dưới góc nhìn về độ trùng điệp của âm, của nghĩa ở thi pháp học để thấy Phạm Hầu muốn nói đến cái vô cùng, cõi tuyệt đích; Bùi Giáng là thi sĩ của những mùa xuân phôi pha; để thấy, với Chế Lan Viên, sự vật chỉ có thể phát hiện được toàn bộ bản chất, nếu nó được nhìn từ bề sâu, từ bên dưới, từ phía sau, từ bên trong, và Dương Thị Xuân Quý mãi một sắc xanh nguyên…

          Thế mạnh của Huỳnh Văn Hoa là ở chỗ, anh đã hệ thống các vấn đề và kiến giải trong trường liên tưởng, Văn tế chị- một tác phẩm độc đáo của Nguyễn Hữu Chỉnh đặt trong thể loại văn tế thời trung đại khi so sánh với Khuê ai lục của Ngô Thì Sĩ, Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du, Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái; hoặc Đi tìm cái mới của Chương Dân thi thoại  đặt trong gần 10 thế kỷ của cha ông khi bàn về vấn đề lý luận sáng tác.

           Thế mạnh của Huỳnh Văn Hoa còn là ở chỗ, có những tác giả, anh tiếp nhận trong cảm quan của người cùng thời vì thế mà hơi văn, lời văn của anh như hừng hực độ nóng của dòng cuộc. Một số bài thơ được anh chọn thẩm bình cũng chứa đựng những nét riêng, tinh tế của cuộc sống: Đi ăn cưới vợ cũ; Một vọng phu buồn của Bùi Hoàng Tám, Sợi tóc – Đời người của Phạm Đình Ân; Gái quê của Hoàng Minh Nhân… Hai bài viết về Dương Thị Xuân Quý khá nhẹ nhàng, sâu lắng. Nhưng có lẽ, tôi thích bài viết về Đông Trình hơn cả. Con đường thơ Đông Trình với 16 trang viết, Huỳnh Văn Hoa để tâm hồn mình đi qua những tập thơ, những lời tâm sự về thơ, đi qua cái bóng dáng con người hành động và ý thức về thân phận của Đông Trình để khẳng định “Thơ Đông Trình vào những năm 1968 đến 1975 là những trang văn đầy chất lửa, đốt cháy lên bao khát vọng của tuổi trẻ”, “là hồi kèn thôi thúc xung trận, kêu gọi mọi người đứng lên theo tiếng gọi non sông”…

               Huỳnh Văn Hoa cũng đề xuất những vấn đề cần tiếp tục đầu tư tìm hiểu, chẳng hạn, với Cao Bá Quát “Chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những nơi ông đến, những người ông gặp, chỉ căn cứ vào địa danh và tên gọi trong thơ, đời sau hiểu rằng, đất Quảng đã không ít lần được Cao Bá Quát đề cập đến, cả vui lẫn buồn” khi nghiên cứu về Xứ Quảng và thơ Cao Bá Quát; với Phan Khôi Tiếc rằng, đến nay, chưa có công  nghiên cứu nào bao quát toàn bộ sự nghiệp văn chương và học thuật của Phan Khôi” (trang 51).

         Đọc Văn chương từ những góc nhìn, ta cũng thấy, cái tôi cá nhân trong nghiên cứu ở Huỳnh Văn Hoa cũng thể hiện rõ. Anh tiếc “đến nay chưa ai sưu tập đầy đủ những bài thơ ông (Cao Bá Quát) đã viết về con người và vùng đất xứ Quảng này” (trang 20); anh bộc lộ mối cảm hoài “Nhớ chị (Dương Thị Xuân Quý) là nhớ một trang đời tuyệt đẹp và những trang viết tuyệt vời nhân hậu” (trang 96); “Nhớ Hải Triều là nhớ một chiến sĩ kiệt xuất của Đảng trên Mặt trận văn hóa văn nghệ” (trang 100); “Nhớ Thạch Lam là nhớ về một nhà văn đã góp phần đổi mới nghệ thuật văn chương Việt Nam hiện đại, tiếp cận với văn học thế giới” (trang 212); “Chao ôi, đọc đến đó, ta thương cảm, xen lẫn trân trọng về người phụ nữ có tâm hồn trong sáng, cao đẹp biết bao này!” (trang 177). Anh cũng trăn trở nhiều với vốn văn hóa của nhà văn, của người nghệ sĩ, bởi lẽ nếu không trau dồi nhiều và miệt mài học tập, nhà văn, nhà nghệ sĩ sẽ lặp lại chính mình “Các nhà văn bây giờ thì sao? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng cảm giác chung là tri thức của họ thiếu vững chắc. Nhiều người dùng sai từ Hán-Việt, dùng không đúng các từ trong tiếng Pháp, tiếng Anh, thậm chí tiếng mẹ đẻ cũng không chính xác. Hình như một số nhà văn Việt Nam chưa tạo được thói quen dùng tự điển khi viết” (trang 267). Tuy vậy, đôi khi Huỳnh Văn Hoa sử dụng thao tác luận trong nghiên cứu (kiểu mà Giáo sư Phan Ngọc hay sử dụng) đã đẩy đến chỗ quá mức, như nhận xét về màu sắc trong văn chương: “Ở mỗi nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ có phong cách, đều có những cách nói rất lạ và độc đáo về màu sắc” (trang 141) hay trong những bài viết về Đá trong thơ; Màu tím trong thơ ca, sau khi thấy tác giả hệ trình những tần suất trong văn chương, người đọc dường như vẫn còn ngóng đợi những nhận định về giá trị nghĩa, giá trị biểu cảm chung mà những ngữ liệu ấy đem lại…

         Với Văn chương từ những góc nhìn, Huỳnh Văn Hoa đã gửi thêm một tiếng nói vào đời sống của phê bình văn học Đà Nẵng, văn học miền Trung. Tiếng nói đầy thức nhận của một người luôn mải miết trên hành trình học văn - dạy văn - hành văn. Và hành văn để thấy rằng, bóng văn chương vẫn luôn ảo diệu, lấp lánh. Tôi, người viết bài này, cũng hy vọng sẽ được thấy nhiều hướng tiếp cận về tập sách này, từ những góc nhìn khác.

 

                                                                                           Đà Nẵng, 10.2014

                                                                                           N.Đ.V