Chút tâm tình với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Nguyễn Văn Tám

24.12.2014

Chút tâm tình với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý  - Nguyễn Văn Tám

Mấy hôm nay nghe tin ông ăn uống thất thường, ngồi dậy phải có người đỡ, tôi buồn. Tôi cũng không được nghe nhạc sĩ lão thành đồng hương Phan Huỳnh Điểu trả lời khi tôi điện hỏi thăm sức khỏe. Nghĩ đến nhạc sĩ Thuận Yến đã về cõi vĩnh hằng trước đó, linh cảm vừa buồn vừa lo âu ùa về trong tôi cùng một lúc. Ngồi sắp xếp lại mấy tập giấy tờ cũ để bừa bộn trên bàn, vô tình lại rơi ra bức thư đã chuyển màu ố vàng. Tôi nhận ra thư của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gởi cho người bạn già là Ama Trang (tức Phạm Thành Hân – nguyên giám đốc Công ty Khách sạn chuyên gia và giao tế Quảng Nam - Đà Nẵng). Tôi không hiểu tại sao lại có bức thư này hẳn là do quý mến người nhạc sĩ tài năng mà tôi đã cất giữ khi được chuyển lại từ ông Ama Trang. Thư đề ngày 2 tháng 6 năm 1989 của thế kỷ trước, nét chữ chuẩn mực thường thấy ở những người thế hệ “muôn năm cũ”. Thỉnh thoảng tôi gặp ông Ama Trang ở Câu lạc bộ hưu trí Thái Phiên. Bây giờ ông cũng đã già lắm rồi: da mồi, đi chậm, mắt mờ nhưng vẫn hay kể chuyện tiếu lâm cho mọi người vui để giấu đi nỗi buồn tuổi già khốn khó. Ông vốn là người bén duyên với cánh văn nghệ sĩ cả nước. Thời bao cấp, văn nghệ sĩ cả nước dù đi những đâu cũng ghé qua Đà Nẵng. Từ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Phạm Tuyên, Cao Việt Bách, Tân  Huyền, Nguyễn Đức Toàn… ở phía Bắc và cho tới những nhạc sĩ trong Nam ra như Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Thanh Tùng, Hoàng Hiệp, Từ Huy, Phạm Trọng Cầu… đều được ông đón tiếp ân cần chu đáo. Một lần ông nói với bọn tôi: “Họ là những người…khác người”. Ông không nói rõ là khác cái gì mà chỉ nói lập lững, rồi tếu táo đọc câu thơ không biết của ai:“Những người văn nghệ sĩ tài ba. Tắm rửa thật kỹ hóa ra…giống mình”. Ông nói vui để mọi người cười là ông thích lắm. Mười mấy tuổi đã đi bộ đội Cụ Hồ đánh Pháp, rồi qua tận nước Lào làm anh lính tình nguyện. Thời chống Mỹ ông hoạt động ở Tây Nguyên đóng khố, sống lầm lũi lẫn với bà con dân tộc đến nỗi cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho mất lúc nào không biết. Thống nhất đất nước, ông vẫn mang nguyên cái tên của đồng bào dân tộc đặt cho về chốn đô thị phồn hoa. Tôi nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy ông đẩy tôi lên thành bạn để chia sẻ mọi nỗi niềm trên đời.

       Chính nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết bài hát Quảng Nam yêu thương tại phòng số 202 Khách sạn Đà Nẵng. Thuận Yến viết bài Miền Trung nhớ Bác, Thanh Tùng viết Cây lúa Quảng Nam và Nguyễn Văn Tý viết Quảng Nam đất nặng nghĩa tìnhTrên quê hương dâu tằm em hát cũng tại Khách sạn Đà Nẵng, nơi ông làm giám đốc. Tôi nhớ ngày ấy hầu như tất cả văn nghệ sĩ cả nước đến Đà Nẵng đều đến ở khách sạn của ông. Ông dành riêng mấy phòng yên tĩnh và phương tiện tốt nhất có thể cho họ. Ông bạn già Ama Trang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhiệt tình và có duyên với các văn nghệ sĩ như vậy đấy.

        Trong thư hỏi thăm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông lo miền Trung bị bão lụt, hỏi thăm gia đình mọi người như các ông làm chính trị gia. Mở đầu bức thư: “Mấy hôm nay nghe đài báo đưa tin về cơn bão số 2 tàn phá Quảng Nam - Đà Nẵng, tự nhiên tôi bồi hồi nhớ lại những hình ảnh thuở nào đã đi vào tình cảm của tôi. Nhờ anh chuyển giúp lời thăm hỏi thân thiết của tôi đến anh An (Nguyễn Đình An - nguyên Phó chủ tịch tỉnh, anh Học (Hồ Hải Học - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin) cùng gia đình các anh ấy, gửi lời thăm Sở Văn hóa cũng như mấy đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban ngoài ấy…”.

         Thư nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết cho Ama Trang cách đây 15 năm của thế kỷ trước vẫn chứa đựng nỗi niềm cô đơn như ông viết bây giờ: “Tôi bây giờ cũng chẳng khác gì ông thầy chùa, nếu có dịp anh hoặc đồng chí nào ở ngoài đó đi công tác, xin mời ghé thăm tôi chốc lát gọi là tình xưa nghĩa cũ…”.

    Bây giờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng sống cô đơn như vậy trong căn phòng 10m2, vợ mất, con ở xa. Sự nghiệp âm nhạc của ông rất thành công, nhưng suốt đời tủi thân khốn khó. Ông bảo: “gần đây tôi mệt nhiều, khó ăn khó ngủ, buồn rồi lại khóc”. Nghe mà thương ông quá. Tướng mạo của ông sang trọng, lịch lãm nhưng cuộc đời lúc nào cũng u buồn, chật vật. Phải chăng  do thế hệ thời tiền chiến của các ông là những người hay có lòng tự trọng? Địa phương mời ông viết thì ông mới có ca khúc như đã viết về các tỉnh Hà Bắc, Hà Tĩnh, Bến Tre kể cả Quảng Nam - Đà Nẵng.

                   Ngày đó tôi gặp ông ở Khách sạn Đà Nẵng trong chuyến đi thực tế khắp Quảng Nam để viết “Tỉnh ca” do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đặt hàng. Ông đẹp lão sang trọng trong bộ pijama ngủ màu trắng, với mái tóc trắng phiêu bồng quý phái như vừa bước ra từ trang sách cũ thời Tự lực văn đoàn. Tôi lặng lẽ chiêm ngưỡng ông và nghĩ: chẳng lẽ Dư âm là ông, Mẹ yêu con là ông…và Chiếc áo mẹ vá năm xưa cũng là ông?! Rồi bao nhiêu những ca khúc ông mê hoặc tôi và công chúng cả nước một thời chiến tranh chống Mỹ và sau này với Bài ca Năm tấn, Em đi làm tín dụng, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Bài ca người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre…Sau này ông ít viết có thể là do sức khỏe hoặc bởi tâm hồn chưa thanh thản. Với nỗi niềm trắc ẩn, ông dồn hết  vào bài hát để nói thay lòng mình. Con sáo sang sông/ Con sáo sổ lồng/ Con sáo bay đi/ Sáo còn nhớ đến người sơn lồng (Con sáo sang sông). Ông vẫn thủy chung với phong cách viết lấy dân ca Nam Bộ làm chủ đạo - nơi mà ông chọn để sống những năm cuối đời. Tôi chỉ biết chia sẻ nỗi niềm cùng ông và cũng rân rấn nước mắt khi nhẩm những câu hát của người nhạc sĩ đặc biệt tài hoa, một trong những nhạc sĩ cùng thời Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận đã sáng lập ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957.

            Tôi nghĩ, gom tất cả ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại, riêng về mảng dân ca, người đứng hàng đầu hẳn là ông, sau đó là Phó Đức Phương, Trần Hoàn… Phương châm sáng tác xuyên suốt của ông là lấy dân ca làm nền tảng, mãi mãi phù hợp với đường lối sáng tác của Đảng hiện nay và sau này. Ca khúc Mẹ yêu con ông viết đậm chất dân ca ru con đồng bằng Bắc Bộ và bài Chiếc áo mẹ vá năm xưa từ chèo Bắc Ninh! Sau hòa bình ông viết Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh cũng như Người đi xây hồ Kẻ Gỗ đều mang chất dân ca Nghệ Tĩnh. Ông đi nhiều miền, nhiều vùng, chất dân ca đã thấm vào ông, được lọc qua ông thành những ca khúc sống cùng năm tháng. Ông đến đâu vùng đất ấy được sống dậy và thăng hoa. Ở miền Trung nói chung và riêng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, ông đã viết hai ca khúc Trên quê hương dâu tằm em hátQuảng Nam đất nặng nghĩa tình là minh chứng.

          Nguyễn Văn Tý có tài ở chỗ hòa nhập với các địa phương, tìm hiểu dân ca nơi mình đến và những ca từ thô tháp quen thuộc như trâu, bò,  gà, lợn, phân, tro, chăn nuôi, cám lợn, trồng cây vv… được ông thổi hồn vào, đặt nó đứng trong nốt nhạc tạo nên giai điệu uyển chuyển, ngọt ngào: Ta chung tay phải chăm cho đàn lợn ấy (Bài ca năm tấn), Bên nồi cám lợn, nước trong leo lẻo (Người giỏi chăn nuôi), Trâu ơi theo bầy ta về đồng cỏ mênh mông (Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh). Ngay cả những từ thường dùng trong văn bản chính quyền khô như nứa gõ vào nhau : Em vay tiền chính phủ/ Cho bản làng vay đủ (Em đi làm tín dụng) qua âm nhạc của ông trở nên gần gũi, có duyên. Tại sao ông không phải là kỹ sư canh nông mà viết như người trong nghề: Muốn bông lúa to phải lo chọn giống gì/ nhớ câu nhì thục nhất thì…bỏ công chăm bón (Bài ca Năm tấn) và bao nhiêu ca khúc khác của ông cũng vậy.

           Mỗi loài chim hót một giọng riêng biệt, cùng một loại chim có con hót thật hay, có con hót dở. Âm nhạc cũng vậy, ông có giọng điệu riêng không lẫn vào ai. Giữa Sài Gòn hoa lệ tràn ngập âm thanh ánh sáng của nhạc Tây, Tàu, Hàn, Mỹ mà dân chúng vẫn đón nhận hào hứng bài ca về chiếc áo rách do Quang Linh hát. Ông còn nói như tuyên thệ: “Âm nhạc của tôi không bao giờ xa ngũ cung của nhạc dân tộc – đó là khung tác phẩm của tôi”.  Ông có quan niệm rạch ròi: “Tôi khuyến khích học và nghiên cứu mọi nền âm nhạc, nhưng vẫn giữ quan niệm một tác phẩm lớn phải là tác phẩm nói lên được hồn âm nhạc của một dân tộc”.

    Vô tình tôi thấy bức thư ông viết cho người bạn già của ông là Ama Trang mà tôi còn lưu giữ, nhưng không vô tình khi được biết ông cuối đời khốn khó bệnh tật và cô đơn trên giường bệnh. Mong rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn khỏe mạnh ăn được, ngủ được để nghe những ca khúc của cánh nhạc sĩ trẻ đang viết rất khác ông và nhờ ông nhắn lại với họ: Ca khúc đa dạng, làm mới là đúng, nhưng đừng quên cái nôi khi còn ấu thơ và lời ru của mẹ thuở nào: A á ru hời…ơi à ru … Miệng con chúm chím xinh xinh/ như đài hoa đang hé trên cành/ uống nắng sớm và sương lành …A…á ru hời…ơi a à ru.

                                                                                                N.V.T