Trên đường biên của lí luận văn học

15.05.2015

Trên đường biên của lí luận văn học

1. Khi đặt tên cho cuốn sách mới nhất của mình là Trên đường biên của lí luận văn học, hẳn giáo sư Trần Đình Sử có nghĩ đến ý niệm “đường biên” trong triết học của Mikhail Bakhtin. Theo đó, đường biên không phải là một không gian đóng, khép kín, hạn chế mà mang tính chất mở, chưa hoàn kết, luôn vận động. Từ những đường biên, những lằn ranh, con người mới có thể tư duy về tồn tại.
Lí luận văn học là hoạt động tư duy về văn học. Lí thuyết nói chung, về bản chất, là sự tra vấn ý nghĩa của thế giới, khiêu khích những cảm quan thông thường, khơi gợi những cách nghĩ mới, đề nghị một góc nhìn khác về đời sống. Theo nghĩa này, đời sống thực sự của lí thuyết chỉ có thể là ở trên những đường biên và người làm lí thuyết phải là người đứng trên những đường biên chứ không thể cố thủ trong những phạm vi đã được xác lập kiên cố, an toàn. Chỉ khi chấp nhận đứng ở vị trí “mạo hiểm” như thế, lí thuyết mới thực sự mang một tiếng nói kích thích và đối thoại. Tên của cuốn sách, tự nó, đã gợi ra những suy tưởng về bản chất thực sự của lí thuyết cũng như vị trí lập ngôn của người làm lí thuyết, cho dù không phải đợi đến công trình này, Trần Đình Sử mới xác lập một vị trí như thế. Ông đã và vẫn đang làm việc trên đường biên, để đối thoại với người khác, và với chính bản thân ông.
 
2. Trên đường biên của lí luận văn học xuất hiện vào bối cảnh nền lí luận văn học nước nhà đứng trước những đòi hỏi phải chuyển mình thay đổi. Cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn, thuận lợi hơn với những hướng đi, những diễn biến mới của học thuật thế giới khiến giới nghiên cứu trong nước không thể không nhận ra những bất cập của hệ hình tư duy vẫn đang thống trị, những nhân tố tạo ra sức ì của nó, khiến lí luận phê bình mất đi nhiều tính hiệu lực của mình khi đứng trước những hiện tượng, những vấn đề của thực tiễn văn học. Để tạo ra sự đổi mới cần thiết ấy, về cơ bản, có hai giải pháp: một là điều chỉnh, thay đổi, nới rộng, cải biên hệ hình cũ, hai là giới thiệu, du nhập, thể nghiệm những tư tưởng lí luận mới.
 

Cuốn sách của Trần Đình Sử lựa chọn cả hai giải pháp ấy: vừa nhìn lại, điều chỉnh hệ hình cũ, vừa dẫn nhập bước đầu những hướng lí thuyết mới mà theo ông là cần thiết và phù hợp với thực tiễn đời sống văn chương và học thuật ở Việt Nam hiện nay như giải cấu trúc, kí hiệu học, tự sự học kinh điển và hậu kinh điển... Những nỗ lực này thể hiện tập trung nhất ở phần thứ nhất của cuốn sách “Mấy vấn đề lí luận marxist và lí thuyết hiện đại”. Cần phải nói ngay ở đây, dù khi điều chỉnh hay khi dẫn nhập cái mới, Trần Đình Sử đều chú ý đến việc không kinh viện hóa lí thuyết. Ông trình bày các luận điểm một cách lớp lang, mạch lạc, cố gắng tìm những dẫn chứng phổ biến để minh họa, diễn giải những luận điểm lí luận mới để cho thấy không có hiện tượng văn học nào là cạn kiệt, chỉ cần có những góc nhìn mới, cách đọc mới. Ông đúc kết, thâu tóm những tư tưởng lí luận thành những mệnh đề cô đọng, có khả năng gợi mở tư duy: Văn học như là tư duy về cái khả nhiên, Nghệ thuật học cách nói của bản thân thế giới, Nói được những điều đáng nói là khoái cảm vô biên của văn học... Trên thực tế, không nhiều người làm lí luận ở Việt Nam hiện nay có khả năng hình thành được những diễn đạt riêng của mình, giản dị, khúc chiết nhưng kích thích cách nghĩ, cách nhìn về văn chương ở người đọc như thế.
 
Phần thứ nhất của cuốn sách cũng là phần quan trọng nhất, được tác giả dồn nhiều tâm huyết nhất. Giữa việc nhìn lại, điều chỉnh hệ thống lí luận marxist với việc dẫn nhập những lí thuyết mới ở đây có mối quan hệ biện chứng với nhau: muốn khắc phục tình trạng đông cứng của hệ thống cũ, không thể không chú ý đến việc nhận thức đến những gì đang sống động bên ngoài hệ thống; sự dẫn nhập những cái bên ngoài hệ thống không đồng nghĩa với việc phủ định sạch trơn những cái đã có mà nhằm tạo ra sự đa dạng hơn, cởi mở hơn, năng động hơn trong tư duy, trong cách tiếp cận vấn đề, thay thế những nhân tố thủ cựu, cản trở. Theo đó, hệ thống lí luận cũ chỉ có thể mất đi sức ì của mình khi nó biết tự phê phán những giới hạn của mình và có khả năng dung nhận, chung sống với những quan điểm khác, tư tưởng khác.
Cụm bài nhìn lại lí luận văn học marxist ở Việt Nam trong cuốn sách có thể chia thành hai mảng. Mảng đầu tiên xoay quanh chủ đề nhìn lại lịch sử dẫn nhập, diễn giải và điển phạm hóa lí luận marxist ở Việt Nam đồng thời đối chiếu di sản này với thực tiễn của lí luận marxist trên thế giới. Trong mảng thứ nhất này, cuốn sách của Trần Đình Sử cũng chỉ ra sự phiến diện của hệ thống lí luận marxist ở Việt Nam khi chưa nhận thấy bản thân lí luận marxist trong bối cảnh toàn cầu hóa tự nó đã mang tính đa nguyên, đa dạng và quan trọng không kém, nó tồn tại như một trường phái, khuynh hướng bên cạnh nhiều trường phái, khuynh hướng lí thuyết khác, có những khả năng đồng thời cũng có những hạn chế.
Mảng thứ hai là những bài viết điều chỉnh, xem xét lại những khái niệm, mệnh đề của lí luận marxist hiện vẫn đang rất phổ biến trong học thuật nước nhà, trở thành những kiến thức được giảng dạy ở nhà trường từ phổ thông đến đại học. Trần Đình Sử chất vấn những vấn đề then chốt, thậm chí được xem là nền tảng của lí luận văn học marxist ở Việt Nam: bản chất ý thức hệ của văn chương, phản ánh luận, thuyết hình tượng, khái niệm phương pháp sáng tác. Sự chất vấn, điều chỉnh những mệnh đề, khái niệm này không hề đơn giản khi một thời gian rất dài, chúng được vận dụng hầu như không cùng với ý thức phê phán (với quan niệm đương đại về lí thuyết, sự vận dụng luôn phải đi liền với ý thức phê phán lí thuyết một cách tự giác), đến mức, hình thành nên những cách diễn đạt sáo mòn, quán tính mà người ta có thể nhìn thấy từ những bài văn của học sinh phổ thông đến những bài báo trên các tạp chí chuyên ngành. Ý thức phê phán của Trần Đình Sử không nửa vời hay chỉ nắm lấy ngọn. Trong mỗi bài viết, ông cố gắng truy nguyên nguồn gốc của vấn đề, lịch sử dẫn nhập và diễn giải các luận điểm, những quan niệm đa dạng, nhiều chiều xung quanh các khái niệm. Chỉ như thế, mới có thể khắc phục được sự phiến diện của những quan điểm văn chương từng được nâng lên như là những nguyên lí. Việc cần phải thay đổi cái nhìn một chiều, thay thế những khái niệm được du nhập không phù hợp và vận dụng một cách máy móc, ấu trĩ được ông diễn đạt một cách quyết liệt.
 
Bên cạnh việc phê phán những ngộ nhận cũ, những bài viết của Trần Đình Sử đồng thời cũng ý thức tạo lập những luận điểm, những mệnh đề mới. Trong cụm bài nhìn lại phản ánh luận marxist, Trần Đình Sử không phủ nhận mệnh đề “văn học phản ánh hiện thực”, nhưng mệnh đề này rất cần phải được hiểu một cách phức tạp, sâu sắc hơn, theo đó, nên nghĩ về văn chương như là sự kiến tạo hiện thực. Văn chương kiến tạo hiện thực, do đó, nó cũng là một hình thái để con người thể nghiệm ý nghĩa của đời sống, mở rộng chiều kích tinh thần và do đó, giải phóng con người ra khỏi những giới hạn sẵn có. Mệnh đề này không chỉ nhấn mạnh đến bản chất sáng tạo của văn chương, nó còn tương ứng với những kiến giải của triết học, khoa học hiện đại về bản chất đa bội, đa nguyên của thực tại. Ý thức được bản chất kiến tạo hiện thực của văn chương, người đọc mới có một xuất phát điểm phù hợp để tiếp cận những hiện tượng nghệ thuật hiện đại vốn thách thức truyền thống mô phỏng. Ở một bài viết quan trọng khác, Bản chất xã hội, thẩm mĩ của diễn ngôn văn học, Trần Đình Sử chỉ ra đặc trưng của diễn ngôn văn học không phải nằm ở cấu trúc thuần túy ngôn từ, do đó, không cần phải xem xét đến bình diện xã hội của nó. Theo ông, “diễn ngôn văn học phải là diễn ngôn tạo hình cho những cái chưa thành hình, phát ngôn cho những điều đang ấp úng, đặt tên cho các hiện tượng chưa có tên gọi trong từ điển” (trang 180). Mệnh đề này giúp ta có thể hiểu được sâu sắc hơn bản chất và động lực của những hành vi sáng tạo diễn ngôn văn học, của những cuộc cách mạng ngôn ngữ nghệ thuật. Chúng không bao giờ chỉ là những phép tu từ hình thức thuần túy mà luôn gắn liền với những nhu cầu biểu đạt, khát vọng giải phóng vô thức xã hội, cất lên những tiếng nói bị kìm nén. Mệnh đề của Trần Đình Sử cho phép liên hệ đến ý niệm về văn chương mà Jacques Derrida từng gợi ra, theo đó, văn chương được xem là một thiết chế dân chủ. Có thể dẫn ra nhiều hơn nữa những mệnh đề mới mà Trần Đình Sử đề xuất trong cuốn sách của mình. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, ít nhất, với cá nhân tôi, những mệnh đề này không chỉ đem đến một cái nhìn thấu đáo hơn, tinh tế hơn về bản chất của văn chương, chúng còn là những mệnh đề giàu sức gợi mở, không lệch nhịp so với thực tiễn phong phú, đa dạng và đang vận động theo nhiều hướng của nghệ thuật hiện đại.
Ở cụm bài dẫn nhập những lí thuyết hiện đại, cuốn sách bước đầu giới thiệu một số hướng nghiên cứu vẫn đang rất năng động và hiệu lực hiện nay như thuyết diễn ngôn, kí hiệu học, tự sự học hậu kinh điển, giải cấu trúc. Dẫn nhập lí thuyết hiện đại thế giới vào Việt Nam là một hoạt động đang diễn ra khá tích cực hiện nay, dẫu về cơ bản hoạt động này vẫn ở trong tình trạng manh mún, tự phát. Trở ngại lớn nhất của việc giới thiệu và thể nghiệm lí thuyết mới ở Việt Nam là tâm lí e ngại, định kiến cho rằng chúng không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hay chỉ mang tính trang sức. Sẽ cần một bài viết khác để trao đổi thẳng thắn với những quan điểm này. Trở lại với cuốn sách của Trần Đình Sử, có thể thấy ông có một thái độ cởi mở trước những bước đi của học thuật thế giới. Xét đến cùng, mọi lí thuyết đều giúp ta nhìn sâu hơn vào phương diện nào đó của văn học mà trước đó chưa được nhận ra, từ đó, lí thuyết có thể gợi ra những khả năng khác cho hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn chương. Giải cấu trúc, có thể với một nhà nghiên cứu Việt Nam khác, nó là trò chơi bình tán ít ý nghĩa nhưng với Trần Đình Sử thì “Linh hồn của giải cấu trúc là tinh thần phê phán, là sự phản tỉnh, ý thức hoài nghi khoa học [...] Thiếu tinh thần phê phán và phản tỉnh về văn chương và xã hội thì đọc văn, học văn làm gì?” (trang 228). Khi đặt vấn đề nghiên cứu hình tượng nghệ thuật như là kí hiệu, Trần Đình Sử cho thấy nếu nghệ thuật giao tiếp bằng hình tượng, thì đó trước hết là sự giao tiếp của con người với chính mình và “tiếng nói” của hình tượng là một thứ “ngôn ngữ không lời”. Như thế, bản chất kí hiệu của hình tượng nói lên nghệ thuật là kinh nghiệm cá nhân độc đáo và cái mà hình tượng biểu đạt không bao giờ chỉ là ý nghĩa sự vật hay những gì đã nằm trong những kinh nghiệm biểu đạt quen thuộc. Nghệ thuật sáng tạo hình tượng để chạm vào những gì ngôn ngữ thông thường không chạm đến. Với Trần Đình Sử, giới thiệu lí thuyết mới không đơn thuần là làm việc tổng thuật; từ lí thuyết, ông muốn đi đến những khái quát mang tính triết lí về nghệ thuật. Những khái quát này không kinh viện, chúng thấm đẫm tinh thần của một thứ mĩ học thực tiễn, chúng được đúc rút từ một ý thức luôn đặt lí thuyết trong mối quan hệ mật thiết với sự sống.
 
3. Hai phần còn lại của cuốn sách dành để nói về một số vấn đề của lí luận phê bình văn học Việt Nam và thi pháp học – lĩnh vực đã làm nên tên tuổi của Trần Đình Sử như một nhà lí thuyết có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong cộng đồng nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Cả hai phần này đều tiếp nối một thái độ tri thức được thể hiện rõ nét ngay ở phần một. Đó là sự thẳng thắn, không vòng vo, né tránh khi mô tả thực trạng hay đường nét vận động của đời sống văn học như xu hướng ngoại biên hóa của văn học, sự thiếu vắng tính nhân văn trong phê bình văn học, sự khủng hoảng của lí luận văn học. Đó là thái độ tự đối thoại với mình trong cụm bài bàn về thi pháp học. Ở đây, ta thấy Trần Đình Sử không an tâm hoàn toàn với những gì mình đã xác lập. Chỉ cần nhìn vào mốc thời gian dưới những bài viết trong cuốn sách của ông, có thể thấy khá nhiều bài được ông hoàn thành đã lâu, nhưng khi đưa vào sách đã có sự hiệu chỉnh, bổ sung đáng kể. Hơn hết, có thể thấy, Trần Đình Sử cố gắng xây dựng thi pháp học như một hệ thống mở, có thể dung chứa nhiều mô hình. Ông phác ra những hướng đi cần phải tiếp tục, cần phải đào sâu hơn.
Trên đường biên của lí luận văn học là một phần nỗ lực của Trần Đình Sử để nắm bắt những diễn biến mới nhất của học thuật thế giới, thay đổi, điều chỉnh những quan điểm có nguy cơ trở nên hạn hẹp, xơ cứng, phủ định những ngộ nhận, ấu trĩ đang tồn tại trong học thuật hiện nay. Nói là “một phần”, bởi nếu ai quan tâm đến hoạt động của giáo sư Trần Đình Sử, hẳn sẽ nhận thấy cuốn sách còn chưa tập hợp đầy đủ những bài viết mới nhất của tác giả mà ông công bố trên các tạp chí chuyên ngành gần đây hay cập nhật trên trang cá nhân của mình rất thường xuyên. Nhìn vào khối lượng công việc mà giáo sư vẫn miệt mài theo đuổi ấy, điều làm tôi cảm động hơn cả và muốn nhìn như một bài học cho mình chính là phẩm chất của một trí thức thực sự. Là một trí thức, không bao giờ được dừng lại khát vọng muốn biết, không nên nản lòng trước thúc ép bên ngoài, không được tự thỏa hiệp với những cái sai, cái ngộ nhận của bản thân, và nên để tư duy của mình mạo hiểm xê dịch ra đường biên. Từ đường biên ấy, sẽ thấy có những đường bay
Hà Nội, 2015
T.N.H ( Nguồn VNQĐ)