Người giữ được tứ thơ trong mơ

03.04.2025
Bùi Phan Thảo
Hơn 40 năm làm thơ với hàng trăm bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí nhưng Nguyễn Xuân Tư rất “kiệm” xuất bản thơ. Tập thơ Tin, Yêu - NXB Hội Nhà văn 2025 - mới là tập thơ thứ 4 của riêng ông được xuất bản. Những người yêu thơ ông hẳn đều có chung nhận xét với tôi rằng: Thơ Nguyễn Xuân Tư vẫn giữ chất hồn hậu, mộc mạc, chân tình. Trong thơ ông, tình yêu quê hương đất nước, con người, cuộc sống luôn hòa trộn.

Người giữ được tứ thơ trong mơ

Những câu thơ phảng phất hương đồng gió nội hay ý tình mênh mang, khoảnh khắc nào đó trong đêm mọc lên một đóa hoa thơm thảo. Trong nắng mai lên, đóa hoa lặng lẽ tỏa hương, phô sắc. Người tri kỷ ghé qua, bên thềm nhà, thưởng trà, ngắm hoa, lòng ngân nga những vần thơ…

Tập thơ Tin, Yêu chủ yếu là thơ lục bát và ngũ ngôn. Lục bát mềm mại và giản dị. Ngũ ngôn cô đọng, chuyển được ý và tình. Như đất trời với bốn mùa, những trang thơ mở đầu ngập tràn sắc xuân, nhà thơ mở lòng đón xuân, đón trời đất giao hòa trong thời khắc mới:

 “Tôi mở toang cánh cửa/ Đón xuân mới vào nhà” (Mùa xuân gõ cửa)

Hạnh phúc mùa xuân trong thơ Nguyễn Xuân Tư đầy hân hoan, sẵn lòng sẻ chia với nhân gian. Song để có được hạnh phúc đó, phải đi qua bao năm tháng nhọc nhằn:

“Xin cảm tạ đất trời/ Nhiều hoa thơm, trái ngọt/ Chắt chiu tự bao đời/ Từ thăng trầm, đắng đót” (Xuân hạnh phúc)

 Thơ là người, thơ đi cùng Nguyễn Xuân Tư suốt đời người. Nhưng thơ của ông không phô phang rực rỡ, có khi ẩn khuất, tiềm tàng. Thơ hóa thân vào tiềm thức để rồi khai sinh, khai phóng. Những câu thơ 5 chữ ngỡ nhẹ nhàng mà nặng tình ý với tứ thơ sáng tạo:

“Thơ đi cùng năm tháng/ Lặn vào một kiếp người/ Thơ lặn để rồi mọc/ Mùa xuân về em ơi” (Lặn)

Nguyễn Xuân Tư luôn say đắm cùng thơ. Hạnh phúc khi tứ thơ hay tràn về trong giấc mơ, ông như ngỡ nhặt được và giữ lại được. Nên tỉnh rồi mà ngỡ như mơ. Đó cũng là một hạnh ngộ qua những vần thơ của thi sĩ:

“Đêm qua tôi nằm mơ/ Nhặt được tứ thơ hay và lạ/ Hân hoan niềm vui khám phá/ Tỉnh giấc rồi mà ngỡ đang mơ” (Nhặt thơ)

Qua thi tập này, Nguyễn Xuân Tư là người cảm nhận rõ về cuộc đời, nhận chân những giá trị đích thực, vĩnh hằng của đời sống.

Bài thơ làm chủ đề chính của tập thơ cho thấy hai điều: Tin, Yêu. Tất cả đều viết hoa. Cha ông ta rất có lý khi dùng hai từ Tin Yêu. Có Tin mới có Yêu, không Tin thì ngược lại. Mà có được cả hai điều này không hề dễ. Phải thấu hiểu lẽ đời rằng không ai được tất cả, không ai mất tất cả. Thấu hiểu sẽ nhẹ lòng để không tham, sân, si. Phải đạt cảnh giới nhất định mới có thể Tin và Yêu. Khi đã có đủ thì lòng an yên, cuộc sống sẽ an nhiên, tự tại:

“Trời không cho ai tất cả/ Không lấy của ai mọi điều/ Xuân về đất trời đẹp quá/ Lắng lòng tôi với Tin, Yêu” (Tin, Yêu)

 Một mảng thơ đáng chú ý của Nguyễn Xuân Tư là những vùng đất ông đi qua đọng lại những vần thơ trữ tình, sâu sắc của một tâm hồn nhạy cảm. Những bài thơ này đều ngắn gọn, chuyên chở tình thơ hoặc chuyển tải thông điệp đời sống. Ví như với Đà Lạt, ông viết: “Hồn tôi như tỉnh, như mê/ Bóng ai thấp thoáng đi về trong sương”; Song với Yên Tử, nhà thơ bày tỏ ngưỡng vọng, kính yêu Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Non cao bao bọc sương mù/ chữ Tâm, chữ Đức thiên thu rạng ngời/ Dạy dân yêu Đạo, yêu Đời/ “An dân, trị quốc”sáng soi, vững bền”.

Từng là chiến sĩ, khi ra Trường Sa, nhà thơ xúc cảm với tiếng chuông chùa:

“Hòa cùng sóng biển không lời/ Tiếng chuông như nhắn, như khơi nỗi niềm/ Mưa xuân biển đảo bình yên/ Đảo xa gần gũi yêu thêm chuông chùa” (Chuông chùa ở Trường Sa).

Điều đáng quý là trong các tập thơ của mình, Nguyễn Xuân Tư luôn có những bài thơ hay về quê hương, xứ sở. Ông luôn yêu quê, đau đáu với quê hương Quảng Trị:

“Người quê thơm thảo, bao dung/ Yêu quê, yêu đến vô cùng quê ơi/ Dẫu đi cuối đất cùng trời/ Tình quê luôn mãi trong tôi nồng nàn” (Thăm quê)

Thơ Nguyễn Xuân Tư không chỉ nặng tình mà còn có nhiều bài sâu về ý, sáng về tứ. Bạn bè uống cà phê là chuyện thường, thơ về cà phê cũng được thi sĩ viết nhiều, nhưng viết chỉ 4 câu để có được bài thơ hay là điều rất đáng ghi nhận. Dù ngọt hay đắng, chuyện trò rôm rả hay lặng im cũng là một cách nói để giọt cà phê thêm phần ý vị:

“Cà phê chỉ là cái cớ/ Là nơi gặp gỡ tâm tình/ Giọt đắng mà đời mãi ngọt/ Bên nhau đôi lúc lặng thinh...” (Cà phê với bạn)

Tin, Yêu như những lời thủ thỉ chuyện trò của người thơ, đưa người đọc đến với những vùng đất, con người, để thấy xa gần lại, thấy lòng vui thêm và đồng cảm. Đó cũng là hạnh phúc đời người, hạnh phúc đời thơ khi tác giả tự họa chân dung của mình bằng thơ một cách nhuần nhị, tự trào mà tự hào, bằng lòng với những gì mình có được trong đời:

“Không bon chen, sống thảnh thơi/ Nhiếp ảnh - Thơ - Báo cuộc đời thêm tươi/ Trông lên thì chẳng bằng người/ Bằng lòng với chính quãng đời đã qua/ Lạc quan, cảm xúc thăng hoa/ Bảy mươi mình vẫn như là đang... Xuân” (Lục bát tuổi bảy mươi).

Chúc mừng nhà thơ với tuổi “xưa nay hiếm” mà như đang … Xuân và niềm hạnh phúc đời người, có những khoảnh khắc thăng hoa để cho đời những vần thơ đẹp.

B.P.T