Trong màu áo lính của Thành Chung

20.11.2017

Trong màu áo lính của Thành Chung

Người lính năm xưa Thành Chung, sau những năm tháng gian lao đã thanh thản theo lối “cỏ hoa còn phải đua chen chân người” để “lên trời du xuân”; lạc vào động Phong Nha, Thành chung vẫn nhớ bến nước sông Son tìm về…

 

Nhà thơ Hữu Loan có câu thơ:

            

“Mắt em thăm thẳm đựng màu trời quê”

 

Nhà thơ Đoàn Phú Tứ có cả một bài thơ lấy tên “Màu thời gian” có câu:

             

“… Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngắt…”

 

Vậy là màu không để chỉ màu xanh, tím, đỏ, đen… cụ thể, mà là màu trừu tượng, màu gợi tình cảm, tâm trạng của mỗi người trong các cảnh huống khác nhau.

 

Màu áo lính không còn chỉ bộ quân phục màu lá cây mà là màu thấm đẫm bụi đường hành quân, màu gió sương trần trã, màu máu lửa chiến trường, màu hoa cỏ đồng quê, màu mái tóc “mẹ già thâu đêm vá áo…” . Màu áo lính trong tâm tưởng nhà thơ Thành Chung là vậy. Màu đã thấm đẫm da thịt, tình cảm, phẩm chất cứng rắn thủy chung của con người. “Trong cái buổi thị trường đa màu sắc”  hôm nay, có thể làm “chút phai màu trên áo lính” nhưng màu sắt son của người lính thì vẫn nguyên vẹn như lõi sắt bê tông:

 

“ Chút phai màu trên áo lính của cha

Trong cái buổi thị trường đa màu sắc

Bão tố, nắng mưa, sắt vẫn là sắt.

Vẫn lõi bê tông cốt thép dựng nhà.”

 

                    (Trong màu áo lính)

 

Tấm áo ấy, màu áo ấy, lại được giữ lành qua nhiều thế hệ:

 

“Giống như ai tạc ấy thôi

Một mầu áo lính cha ngồi bên con

Mầu xanh, xanh nước xanh non

Súng con giữ đó, đã mòn vai cha

Măng non lên cạnh gốc già

Cây vươn thẳng, chọi phong ba sợ gì”

 

                  (Giống như ai tạc)

 

Lạ kỳ thay, đi đâu, về đâu, khi mặc chiếc áo phong phanh, lúc khoác bộ đồ nghiêm chỉnh, trong màu áo bốn mùa, Thành Chung vẫn in đậm trong thơ mình màu kỷ niệm chiến trận “toàn đạn bom khói lửa”; màu nắng vàng, màu lúa chín trong ký ức đồng đội:

 

 “…Chia tay nhau chiều đổ nắng vàng

Tay nắm chặt tay vẫn ngỡ ngàng

Bóng mình, bóng núi dài thêm mãi

Trên cánh đồng quê chín lúa vàng.”

 

                        (Gặp nhau)

 

Người lính năm xưa Thành Chung, sau những năm tháng gian lao đã thanh thản theo lối “cỏ hoa còn phải đua chen chân người” để “lên trời du xuân”; lạc vào động Phong Nha, Thành chung vẫn nhớ bến nước sông Son tìm về:

 

“Nối cõi phàm một sông Son

Cho tiên về với lối mòn thôn quê”

 

Người lính ấy nhập hồn mình vào nước non, làng quê, vườn tược, thả giấc “tang bồng” vào sông hồ, hang động, thấy chang mang một màu huyền ảo, màu thiền.

 

Lời xưa hóa đá nơi này

Kìa! Thành lũy núi đã bày ngang mây”

 

               (Lời xưa hóa đá)

 

Mặt sông ngộn bóng mây trôi

Thuyền đi như thể rẽ trời mà đi”

 

           (Rẽ trời mà đi)

 

Ta đi qua những đền đài

Dâng hương thơm trước hình hài nước non”

 

                     (Ngược Tràng An)

 

Những câu thơ gợi về sự còn mất vô thường, lặng câm như đá, lảng bảng như mây, thoảng bay màu hương khói, đền đài - màu thiền. Những câu thơ màu thiền như thế, ngấm vào ta, làm ta yên tĩnh. Ta mãi theo những câu thơ thả nhịp lục bát mà chênh chao cùng trời đất. Lời lục bát mộc mạc, nhịp lục bát dịu dàng, hồn lục bát thanh tao, màu lục bát êm dịu.

 

Thơ lục bát Thành Chung là màu thơ đặc trưng, màu vẽ đậm, nền nã nhất chân dung Thành Chung – người lính thi sỹ đã qua khói lửa chiến tranh rồi tự tinh lọc mình thăng hoa.

 

Năm 1973, ở chiến trường anh viết bài thơ lục bát “Say rừng chiều”, có câu:

 

Trường Sơn điếu thuốc chuyền tay

Một hơi, lính tráng cũng say rừng chiều”

 

                (Say cả rừng chiều)

 

Mùa xuân 2014, anh viết bài “ Trà Xuân”, có câu:

 

"Thuốc lào nhả khói lên trời

Hồn trà, hồn đất, hồn tôi theo cùng"

 

                          (Trà xuân)

  

Hai bài thơ viết cách nhau trước sau bốn mươi năm mà điểm gặp vẫn ở tận cùng của tình yêu người lính.

 

Thời ở Trường Sơn họ mới chuyền nhau một chữ Tình. Đến hôm nay chữ Tình đã chung đúc nên Hồn. Con người và thiên nhiên quấn quện. Màu áo có thể phai, nhưng màu áo lính thì đã hóa vào cuộc đời của lính.

  

Trong năm 2013 – 2014, Thành Chung đã cho ra mắt bạn đọc ba tập thơ. Đó là những hạt ngọc riêng của anh góp nhặt trong suốt những năm tháng chiến tranh và dọc những đoạn đời sau này.

 

Tập “Hoa và lính”, đã lưu lại những kỷ niệm một thời, thấp thoáng đâu đó dấu chân ngập ngừng, hồn nhiên của Thành Chung qua trận mạc.

  

Đến tập “Đất dậy thì” ta bất ngờ rạo rực với những vùng đất dậy lên tình yêu.

 

Tiếp nữa là tập “Hôn lên biển cả” chủ đề tư tưởng rộng lớn hơn, tâm trạng cá nhân bộc lộ sâu sắc hơn.

  

Nay tập thơ “Trong màu áo lính” chất ngẫm ngợi, chiêm nghiệm, khái quát đã thành một màu mới mẻ, nhiều gợi cảm.

  

Vẫn từ tâm tình người lính, hồn điệu đồng quê anh gọi tên con sông của mình “Này sông Mã”:

 

Từ trong xanh thời chăn trâu cắt cỏ

Lằn tuổi trẻ

                 sông chảy vào nỗi nhớ

Nay lớn khôn rồi

                        sông chảy giữa lòng ta!”

 

Thơ Thành Chung đã hòa vào khúc sông ra gặp biển.

Văn Đắc
(nhavantphcm.com.vn)