Với lời đề từ: “Đừng nhốt tim mình trong một cái chai!”, cuốn tản văn Yêu thương là tự do (Phanbook & NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2018) đưa ra một cách sống, cách nghĩ chậm rãi, khắc khoải, sâu lắng mà vẫn đầy bay bổng. Sự khắc khoải mà bay bổng ấy không dễ gì có được nếu ta đánh rơi điều cốt lõi: tình yêu thương, niềm tin dành cho người khác và sự hướng nội, thấu hiểu, chăm sóc ngôi nhà tâm hồn của chính mình.

 

Với những ai từng đọc, theo dõi thơ Sơn Ý trước đây, có thể nhận ra ở từng bài viết ngắn, là một lát cắt rất mỏng manh từ trong cuộc sống, được nói mạch lạc, như những bức hình có tỉ mỉ ghi chú kề bên, đọng lại biết bao là dư vị. Dư vị của mùi hương xuân sắc và mê hoặc, dù thời gian có làm bao cuộc đổi thay.

Nhận xét về Trần Lê Sơn Ý, nhà thơ Du Tử Lê viết: "Không 'đồng thiếp chữ, nghĩa' để chứng tỏ đẳng cấp, không khai thác dục tính để chứng tỏ bản lĩnh thời thượng như một số những cây bút trẻ khác, Trần Lê Sơn Ý chỉ viết bằng những cảm xúc ghi nhận từ đời thường... Nhưng cõi-giới thi ca của Trần Lê Sơn Ý, tự thân “rất trong” và “rất tươi”, đã mang lại cho người đọc nhiều điều thú vị".

Trong lần trở lại với văn chương này, Trần Lê Sơn Ý hướng đến các vấn đề xã hội dưới điểm nhìn gia đình. Cụ thể là cách nhìn của một người phụ nữ của gia đình trẻ đô thị trước các vấn đề của đời sống: tình yêu và sự hy sinh, đời sống vợ chồng, việc nuôi dạy con, lớn lên cùng con, những chia sẻ với cha mẹ già, sự thiếu vắng mơ mộng trong đời sống vật chất khốc liệt, lựa chọn tự do cá nhân của mỗi người sao cho hài hòa trong các quan hệ xã hội…

Trong một bối cảnh các giá trị sống xã hội đang đảo lộn, đặt ra cho mái ấm truyền thống biết bao thử thách, thì cuốn sách này bên cạnh những trăn trở, thao thức, còn truyền cảm hứng về một cách sống hòa ái.

Ở một không gian đô thị chật chội và bộn bề, nhiều gia đình trẻ đang bị mắc kẹt và gặp nan giải trước quá nhiều áp lực vật chất, thì cuốn sách này như tiếng nói nhỏ nhẹ sẻ chia. Và biết đâu trong những lời thầm thì trên những trang văn đẹp, duyên dáng ấy, độc giả sẽ tìm thấy những gợi ý đầy tích cực.

Trần Lê Sơn Ý (sinh năm 1977) là nhà báo, nhà thơ; quê Bình Định; tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí Khoa Ngữ văn – Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Hiện Sơn Ý sống và làm việc tại Sài Gòn. Sơn Ý từng đoạt giải thưởng văn học Lá Trầu 2007, và được giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2008.

 

Sách đã xuất bản: Cơn ngạt thở tình cờ (thơ, 2007),Sao con hỏi mà kiến không trả lời? (tập nhật ký viết cho con, 2018).

Tiểu Vũ
(motthegioi.vn)