Tôi về bên sông - tập thơ Văn Triều

29.02.2016

Tôi về bên sông - tập thơ Văn Triều

Lâu rồi tôi có được tặng tập thơ Lỡ vay người tiếng sáo của tác giả Văn Triều. Bẵng đi gần mười năm, mới đây, tôi lại được tác giả trang trọng tặng tập thơ thứ hai Tôi về bên sông (NXB Hội Nhà văn 2015). Xin chia vui với tác giả về đứa con tinh thần này.

Văn Triều là một tác giả tôi thích đọc. Tôi thích đọc bởi thơ Văn Triều không sáo mòn. Tác giả luôn tìm tòi, luôn làm mới thơ. Làm mới nhưng không lên gân, không tung hỏa mù, không làm rối người đọc bằng mớ bòng bong những câu chữ, những ngôn từ lạ lẫm, lắt léo, tối nghĩa. Bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc, tác giả đã tạo được những cách nói riêng, sáng tạo nên những hình ảnh thơ độc đáo, để lại  dấu ấn khá sâu đậm trong lòng độc giả.

“Tôi về bên sông” gồm 57 bài. Dài ngắn tùy theo mạch cảm xúc của tác giả nhưng hầu hết những thi phẩm trong tập thơ đều ít nhiều có liên quan đến sông nước quê hương. Nằm ở trang mười bảy là bài thơ được dùng đặt tên cho cả tập: “Tôi về bên sông”. Bài thơ là tâm tình của đứa con xa quê lâu ngày mới được trở về chốn cũ. Hãy theo chân tác giả trở về bến sông xưa:

“Tôi về bên sông

Đợi chuyến đò ngang

Con đò vô tình bào vào bến lở

Đàn cò về tắt nắng trên lưng.”

 

Về quê, lòng ai không mong ngóng mau mau được gặp lại chốn cũ, người xưa. Vậy mà tác giả lại tha thiết van nài:

 

“Đò ơi chậm sang

Cho tôi ngồi thêm chút nữa”

 

Vì sao ư? Ai đã từng xa quê, nhớ quê hẳn đều dễ dàng thông cảm với tâm tình của tác giả về sự trái khoái này. Đó là nỗi nhớ đối với tất cả những gì thân thuộc, có liên quan:

 

“Đò ơi chậm sang

Cho tôi ngồi thêm chút nữa

Nhìn ngọn đèn dầu đỏ ớt sừng trâu lúc lắc

Tỏa ánh sáng hồng lên trang sách em thơ.”

 

Về bên sông, nghe lại những âm thanh quen thuộc. Ngoài tiếng ru em êm đềm ngọt ngào còn có tiếng bìm bịp kêu nước lớn mà tác giả ngỡ như là tiếng gọi đò:

 

“Bìm bịp ơi! Đừng gọi đò dùm tôi nữa

Ngủ đi thôi

Hoàng hôn buông

Thôi mặc kệ con nước lớn, ròng!”

 

Đó còn là tiếng quốc kêu thương não nuột đơn côi, vô vọng đi tìm quá khứ vàng son đã mất:

 

“Quốc ơi!            

Tìm được gì chưa

Bao năm rồi vẫn thế

Vừa đi vừa kể

Một mình tha thủi bờ sông.”

 

Tôi thích từ “tha thủi” dùng ở đây. Một sáng tạo nhỏ đủ để diễn tả nỗi cô đơn quạnh vắng, sự lầm lụi đáng thương.

Trong bài, có sự liên tưởng bằng cả tấc lòng thương cảm với những người thân yêu:

 

“Nhìn hoa sậy mà thương tóc mẹ

Nhìn bến nước mà nhớ vai em”

 

Hoa sậy và tóc mẹ đều phơ phơ bạc trắng màu thời gian. Còn “bến nước” và “vai em” thì có mối quan hệ gì? Có đấy! Câu thơ gợi ta nhớ lại một thời vất vả chưa xa. Đó là cái thời mà muốn có nước sử dụng hàng ngày trong gia đình, người phụ nữ tội nghiệp phải gồng đôi vai mềm mà gánh nước từ sông, từ bến về nhà.

 

Tình cảm thể hiện xuyên suốt trong tập thơ là tình cảm dành cho gia đình, cho chị, cho mẹ, cho người bạn trăm năm, cho đứa con yêu dấu, cho tuổi ấu thơ của chính mình mà bàng bạc trong đó là tình yêu sông nước quê nhà. Nói chung, đó là những tình cảm bình dị mà hết sức nhân văn.

 

Mở đầu tập thơ là bài “Chị”. Người chị trong bài đã luống tuổi mà vẫn chưa tìm được nửa kia của mình. Nguyên nhân vì sao không rõ. Chỉ biết chị là một thôn nữ gắn bó với ruộng đồng. Và tuổi thanh xuân của chị đã rụng rơi theo những luống cày dọc tháng năm vất vả:

 

“Rơi dọc đường cày một thì con gái

Tuổi ba mươi chị cháy lên đơn lẻ ngọn đèn dầu.”

 

Sang khổ thơ thứ hai, danh xưng “chị” đã được đổi thành “người đàn bà”. Người đàn bà ấy đã già trước tuổi. Mái tóc xanh đã điểm vài sợi bạc. “Cầm cọng tóc trên tay như cầm mảnh vỡ”, chị “nghe nỗi buồn màu trắng trôi qua nằng nặng”. Dùng “nỗi buồn màu trắng” để ám chỉ màu tóc bạc là một cách nói khá mới.

 

Bài thơ thứ hai viết về đề tài người chị là bài “Chị vắng nhà”. Bài thơ gợi ta nhớ đến tứ thơ của bài “Khi chị đi lấy chồng” của chàng thi sĩ sông Côn, Yến Lan. Tuy có cùng tứ thơ nhưng cảm giác của Văn Triều khi chị vắng nhà hoàn toàn khác. Nếu như Yến Lan cảm nhận “Chị đi bát đũa cũng mồ côi” thì Văn Triều lại cảm nhận:

 

“Chị đi

Chợt vắng hương bồ kết

Nép bóng hiên nhà, lá trúc rơi

Lối nhỏ hanh hao chiều nắng đọng

Đầu rào xanh ngắt khóm mồng tơi.”

 

Trong tập, có khá nhiều bài viết về đề tài người mẹ. Mẹ anh, một người mẹ như bao người mẹ khác, hết lòng hết dạ thương con, hãy nghe anh nói về người mẹ của mình:

 

“Tôi có một trăm lẻ bảy ngày trong chiến tranh

Giờ cứ ngoảnh lại nhìn một góc cuộc đời khuất trong bóng tối

Gặp mẹ ngồi che vành nôi

Sợ chiến tranh leo vào câu hát ru buồn.”

                      (Một trăm lẻ bảy ngày)

 

Người mẹ trong “Lời của cây lúa” là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ nông dân lam lũ chân bùn, áo vải. Cả đời gắn bó với những vật dụng quê mùa cho nên có những ước mơ, những giấc mơ mẹ cũng chỉ biết đựng nó bằng thúng, bằng nia. Học tập ca dao, tác giả đã dùng một cái vật thể để đựng một cái phi vật thể khá ấn tượng:

 

“Mẹ tôi già nua chân bùn, áo vải

Đựng giấc mơ bằng thúng, nia.”

 

 Trong bài, tôi thích nhất là hình ảnh gợi nhiều suy gẫm:

 

“Con trâu già vẫy đuôi đi vào cổ tích,

Cha tôi vác mãi chiếc cày không biết đặt đâu.”

 

Chuyện đời thường thôi nhưng không phải người thơ nào cũng dễ dàng phát hiện. Ngày nay, đất nước đang trên đà công nghiệp hóa. Về quê, muốn trông thấy hình ảnh con trâu già gặm cỏ thật không phải dễ. Càng khó thấy hơn hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau như ngày trước. Chính vì vậy mà con trâu già mới “vẫy đuôi đi vào cổ tích” và người nông dân chân quê mới phải “vác mãi chiếc cày” mà “không biết đặt đâu”. Rõ ràng cái cày bây giờ không còn hữu dụng nữa nhưng … vứt bỏ ư? Sao đành lòng khi đã bao năm nắng mưa gắn bó!

 

Trong “Nụ hoa màu đỏ”, ta bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng quê:

 

“Con lớn lên từ bến sông quê

Có hàng cây, đôi mùa nước và bến bồi, bến lở

Có đêm lao xao mái dầm khua về chợ

Rau lục bình ấm áp vị canh chua”

 

Bữa cơm quê với “Rau lục bình ấm áp vị canh chua” gợi ta nghĩ đến những bữa cơm êm đềm nơi chốn ruộng đồng sàn dã riêng có của vùng sông nước Cửu Long.

 

Hình ảnh “Sông Bát Sắc trong chiếc nồi con xôn xao quợn sóng” trong bài “Lửa” để lại trong tôi ấn tượng ngay từ lần đọc đầu tiên khi bài thơ chưa in vào tập. Dòng sông Bát Sắc, còn gọi là Sông Hậu, đoạn cuối trên đường ra biển là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây là dòng sông lớn, có nơi rộng đến bốn cây số. Vậy mà bằng con mắt nhìn nghệ thuật, bằng ngôn từ, tác giả đã thu gọn dòng sông vào trong chiếc nồi con của mẹ!

 

Chính dòng Bát Sắc này đã từng ngày, từng ngày thấm vào máu thịt của anh:

 

“…Và đã bao hừng đông

Mẹ tôi nhóm bếp

Hạt gạo đồng khô, nước sông Bát Sắc

Âm thầm thành máu trong tôi.”

 

Hãy nghe tấm lòng thương cảm, thấu hiểu của đứa con dành cho mẹ trong bài “Những cơn gió của mẹ”:

 

“Chỉ có ông táo mới biết mặn lạt bữa cơm ngày thường của mẹ

Khung cửa mới thấu hiểu nỗi khắc khoải chờ mong của mẹ

Mỗi chiều buông.”

 

“Bài thơ đầu cho con” viết về đề tài con cái. Cách nói “cho” và “trả” trong bài đồng dao “Ông trăng xuống chơi” đã được Văn Triều vận dụng khá sáng tạo:

 

“Trả cầu tre cho câu ca dao

Trả câu ca dao cho buổi trưa em ngồi ru con

Để cánh cò được bình yên trong câu hát!”

 

Ký ức ba vẫn còn đau có lẽ vì ba chính là tác nhân gây ra bất hạnh cho những con vật đáng thương kia. Sẽ là bình thường nếu ba làm những công việc trên chỉ vì niềm vui tuổi thơ hay vì cuộc mưu sinh. Nhưng vì con, vì tuổi thơ thiên thần thánh thiện của con mà cha cảm thấy thật bất nhẫn khi đã thực hiện những hành vi ác độc đó.

 

Tình yêu dành cho con còn thể hiện rõ hơn trong bài “Viết cho con gái”:

 

“Con tập đi trên đôi chân của mình

Gót trần son đỏ

Cha nhìn đâu cũng đầy gai nhọn.

Đời trăm ngàn vấp ngã

Nỗi đau nào giống nỗi đau nào.”

 

Sợ lời con có gai làm đau người khác! Phải nhân ái, phải thương con đến thế nào mới nghĩ được điều tưởng như nhỏ nhặt đó! Lo cho con từng lời ăn tiếng nói chưa đủ, tác giả còn mong:

 

“Bàn tay vắt xôi

Tập cầm, tập nắm.

Mong sao con biết cầm lên bỏ xuống điều gì.”

 

“Biết cầm lên bỏ xuống” quả là điều không dễ. Là người lớn, trưởng thành, từng trải còn khó, huống hồ là em bé, bàn tay chỉ mới biết tập cầm, tập nắm! Mong cho con “biết cầm lên bỏ xuống” là một mong muốn hết sức lớn lao. “Biết cầm lên bỏ xuống” có nghĩa là con đã lớn khôn, đã đủ sức để ứng phó với cuộc đời.

 

Thương con, tác giả không khỏi băn khoăn khi:

 

 “Con hỏi cha về khoa học

Làm sao cha biết trả lời.”

 

Rồi con lại hỏi:

 

“Tại sao nước ròng, nước lớn

Vì ai trăng khuyết, trăng tròn?”

 

Mà cha thì “chỉ biết một đời mải mê chèo chống/Tát nước, be bờ, gánh mạ nuôi con.”

 

Qua đó, ta có thể ngầm hiểu cha đang âm thầm gửi gắm vào con niềm hy vọng thiết tha. “Ngày mai đến trường, đi học” con sẽ trang bị cho mình những kiến thức quý báu để tự trả lời những thắc mắc của chính mình ngày xưa và cả ngày sau; con sẽ dùng kiến thức quý báu của mình để xây dựng quê hương; sẽ thay cha đóng góp cho đất nước những gì mà thế hệ của cha chưa làm được.

 

Viết cho người bạn trăm năm, có nhiều câu khá gợi. Trong bài “Thành phố trẻ” ta hãy nghe những câu tâm sự mang nhiều hoài niệm:

 

“Em hát ru con bằng câu hát cũ

Anh tìm hoài

Sao không thấy bóng cầu tre? …”

 

“Mái ấm” là một bài thơ thể hiện sự thương cảm, yêu thương thật lòng của người thơ dành cho nửa kia của mình:

 

“Đi đâu rồi cũng quay về thôi

Bởi chẳng nơi nào trên trái đất này bình yên bằng nơi ấy

Nơi có đứa trẻ mang dòng máu của anh, gọi anh bằng cha

Và người đàn bà trao anh cả cuộc đời đồng cam cộng khổ.”

 

Trong bài “Sinh nhật bốn mươi”, tác giả viết:

 

“Ngôi nhà ấy

Bề bộn muộn phiền, chất chứa yêu thương;

Có mạng nhện ký ức tơ vương,

Có tường vôi xanh rêu kỷ niệm

Và có người đàn bà nách hai con ngược xuôi trong cái lồng chung thủy

Đội mưa nắng cùng chồng lợp mái trăm năm.”

 

Với tác giả, “em mãi mãi là chiếc bánh kem xinh xắn, ngọt ngào.” Trong thiên nhiên, “cánh tay giao thừa mở cửa mùa xuân” còn “em đón tôi bằng cả khu vườn trăm ngàn nụ hương đất trời vàng, xanh, tím, đỏ.”

 

Tôi yêu sự hoài niệm, luyến tiếc của tác giả về những điều gần gũi thân thương đã mất. Trong bài “Thành phố trẻ”, bên cạnh nỗi mừng vui khi thành phố vươn vai:

 

“Ống khói nhà máy như bãi cọc

Biển trời lớp lớp thuyền mây”

 

là nỗi buồn:

 

“Con lìm kìm chết trong mương nước

Bỏ lại bờ ao dang dở khúc ca dao”

Và “Tiếng quốc lang thang thành kẻ không nhà”

 

Đường cao tốc, một thành tựu của xã hội văn minh, tiến bộ, là niềm vui, niềm tự hào của mọi người. Bên cạnh sự phấn khởi của người công dân trong xã hội mới, ta hãy nghe Văn Triều trăn trở:

 

“Nhịp sống bây giờ cũng thành cao tốc

Người với người vùn vụt qua mau

Mắt chạm mắt

Chưa ấm lòng, đã tắt.

Nụ cười trao nhau

Chưa kịp nhận

Đã rơi …”

 

Tuổi thơ là một đề tài được đề cập đến khá nhiều trong tập. Trong bài “Tiếng gà tuổi thơ”, tác giả viết:

 

“Đêm tỉnh giấc nhớ một tiếng gà

Những vòng chữ o lăn trong đời tôi mắc vào máu thịt”

 

Xa quê, xa cả tiếng gà, tác giả thương nhớ khôn nguôi:

 

“Ngoái nhìn dòng sông, bến nước, tôi đi

Bỏ tiếng gà ở lại

Trăm suối ngàn sông biền biệt bao năm ròng, xa ngái

Tiếng gà gào khản cổ đêm sương!”

 

Cho nên sống nơi viễn xứ, lâu lâu tác giả “chợt giật mình nhớ tiếng kêu đêm” bèn “cầmdấu sắc, huyền lần theo những vòng chữ o lăn về tuổi nhỏ.”

 

Cầm dấu sắc, huyền của tiếng gáy ò ó o lần theo những vòng chữ o lăn về tuổi nhỏ là một cách nói khá mới, khá độc đáo.

Trong bài “Tuổi thơ tôi”, tác giả viết:

 

“Tuổi thơ tôi là căn nhà chòi cạnh gốc đủng đỉnh cuối vườn

Là trò chơi trốn tìm dễ ợt”

 

“Dễ ợt”, một khẩu ngữ Nam Bộ được đưa vào thơ khá tự nhiên mà vẫn không thiếu chất thơ.

 

Ai là người trong cuộc từng trải nghiệm nỗi nôn nao chờ đợi mẹ sẽ dễ dàng tiếp nhận hình ảnh:

 

“Tuổi thơ tôi là bãi cỏ cạnh cầu ván không tên

Mỗi chiều ngồi đợi mẹ”

 

Nhớ kỷ niệm xưa, tìm về chốn cũ, tìm mãi không thấy dấu chân trâu, hình ảnh quen thuộc tuổi thơ, tác giả tiếc nuối:

 

“Chiều nay tôi chạy khắp mặt đồng

Thèm vấp lỗ chân trâu.”

 

“Thèm vấp lỗ chân trâu”, một nỗi thèm thuồng ngộ nghĩnh mà không phải ai cũng có thể đồng cảm ngoài những người đã từng gắn bó với ruộng đồng.

 

Nhớ lỗ chân trâu, người thơ Trà Vinh chúng ta còn nhớ cả tiếng ễnh ương trong mưa:

 

“Đêm mưa ngập vườn

Tiếng ễnh ương trôi lênh đênh vào lòng tôi cư trú”

                                               (Tiếng nấc)

 

Tiếng ễnh ương “trôi lênh đênh” rồi lại “mắc cạn” trong lòng tác giả. Cách nói lạ thể hiện ấn tượng sâu sắc của âm thanh tiếng ễnh ương trong hồn quê chân chất. Không gian làng quê êm ả không chỉ có thế. Nó còn có cả “Tiếng quốc treo trong lùm cây, khắc khoải”. Cách nói khiến ta nhớ đến từ “quải” trong câu “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” (Vọng Lư Sơn bộc bố) của Lý Bạch. Cùng cách nói này, trong bài “Khảo cổ” có câu “Cây nỏ thần vẫn còn treo trong truyền thuyết”. Trong bài “Một năm lẻ bảy ngày”, tôi thích từ  “ghim” trong câu “Thương dì! Viên đạn ghim vào duyên nợ”; từ “vấp” trong bài “Sinh nhật bốn mươi” cũng khá lạ:

 

“Tôi quơ tay tìm chiếc lưỡi cày,

Chân vấp tiếng gà gáy muộn”

 

Trong bài “Cao tốc”, tác giả phát hiện một hình ảnh lạ:

 

“Con bò đứng trên chân rạ

Ngước mặt nhìn trời

Nhai mây”

 

Nhìn những ngọn tre làng quê cong cong như cái cần câu, tác giả có sự liên tưởng hết sức độc đáo:

 

 

“Lặng lẽ chống trời cong mấy ngọn tre”

                                        (Tháng chín)

 

Ngoài những từ dùng sáng tạo, độc đáo trên, tôi còn thích những câu mang tính chất triết lý. Trong bài “Không tên” có câu:

 

“Lòng người chứa cả biển tình

Vậy mà có lúc xỏ không vừa cọng chỉ vị tha.”

 

Trong bài “Hỏi”, tôi thích cách nói:

 

“Hạt muối dẫu nát thân trong chày cối

Khi tan vẫn còn vị mặn

Huống hồ tôi.”

 

Thắc mắc này không phải dễ dàng giải đáp. Thế cho nên câu trả lời của “cánh đồng hoa” và của “em” không đủ thỏa mãn, tác giả bèn nhờ đến sự trợ giúp của google, một công cụ hiện đại gần như thần kỳ có thể giải đáp bất kỳ câu hỏi nào. Vậy mà “Một giây sau, thế giới gởi lại câu trả lời: không tìm thấy.” Tôi thích ý tưởng này: “Hỏi google”. Hồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ rất hay thắc mắc nhưng không biết hỏi ai. Tôi vẫn luôn mơ có được “một ông thầy thông thái” kề bên để hỏi. Khi có google, tôi vui mừng xiết bao bởi đã thỏa ước mơ! Có lẽ người thơ Văn Triều cũng thế. Nhưng không phải điều gì google cũng biết. Thế là tác giả tiếp tục đi tìm câu trả lời ở nơi khác:

 

“Tôi hỏi đời, đời thản nhiên bảo tôi là kẻ nợ.

Nợ của cánh đồng hột lúa,

Nợ cánh cò câu ca dao,

Nợ cha ông tấc đất,

Nợ đất đai mùa màng sinh sôi nảy nở,

Nợ lòng người câu thủy chung …”

 

Về cách chơi chữ, dùng từ đồng âm, gần âm, tôi thích cách nói trong bài “Khảo cổ”:

 

“Tôi mang kỷ vật cha ông

Trưng bày trong bảo tàng dân tộc.

Nào trống đồng, nỏ thần, bài thơ thần trong quyển sách trời …

Nhắc nhở con cháu lời rùa vàng

Đừng hòng kẻ nào đánh cắp

Chỉ sợ đánh mất mà thôi.”

 

Làm thơ, một công việc hết sức nhọc nhằn. Vậy mà người thơ Văn Triều thản nhiên tuyên bố:

 

“Tôi lặng lẽ làm thơ

Như tập nấu cơm khi vợ vắng nhà”

 

“Tập nấu cơm” với đàn ông nói chung, với Văn Triều nói riêng có lẽ là công việc khá nhiêu khê. Khó nhưng vì điều kiện buộc phải làm. Làm rồi từ từ sẽ quen. Và có lẽ đã quen nên người thơ Trà Vinh của chúng ta đã sáng tạo nên được những “món ăn” khá thú vị dâng tặng cho đời. Mong rằng sắp tới đây công chúng yêu thơ sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, lạ, độc đáo mà “đầu bếp-người thơ” Văn Triều tiếp tục sẽ sáng tạo nên.

Châu Thị Cẩm Liên
(nhavantphcm.com.vn)