Trước hết, đây là giọng thơ đằm thắm mà bạo liệt, dịu dàng, đầy đặc trưng nữ tính nhưng mạnh mẽ. Chị không ngại tỏ bày những tâm trạng của người đàn bà trong tình yêu, trong lao động nghệ thuật. Cuộc đời vốn đầy "những nhá nhem đen trắng", "những dấu lặng trầm, ẩn ức của kiếp người" thì vẫn là đáng sống. Là nghệ sĩ thì phải miệt mài sáng tạo, không có lựa chọn khác.

"Vần thơ gan ruột tươi màu huyết/ Bện dệt buồn vui thẳm phận người" (Nhà thơ).

"Vẫn đắm say/ khúc tình biển cả/ Nồng nàn/ thẳm xanh/ như sắc biển quê nhà" (Sóng tôi).

Người-đàn-bà-nghệ-sĩ trong tình yêu là người đàn bà không có tuổi. Yêu như thiếu nữ lúc xuân thì, qua những dòng thơ tươi mới, trẻ trung:

"Dạ cứ lâng lâng/ tình ru/ phiêu lãng…/ Nhìn mắt ai/ cũng lóng lánh/ Thấy môi ai/ cũng nụ hồng" (Cớ gì).

"Chỉ nhìn nhau đắm say/ đã thẳm sâu tường tận" (Biết đâu đấy).

Qua tâm tư e ấp được tỏ bày:

"Gió thu mỏng mảnh len mái tóc/ Bỗng thèm trong tay ai với ai" (Nụ cười vương nắng).

Cả sự hồn nhiên trong hạnh phúc mà chỉ những người đang yêu mới có:

"Mà trước nàng của mình/ ngôn từ bỗng thành mây…/ Người ấy ngộ ghê/ Luồng điện ấy/ cũng ngộ ghê" (Ngộ ghê).

"Yêu xa cũng rất thiết tha/ Cũng say đắm/ cũng…mượt mà lắm nghen" (Tỏ bày cùng bạn).

Đến sự sâu lắng của tâm tư những người đang ở nghìn trùng:

"Ước gì gói được hương hoa ấy/ gửi đến cho người ngàn dặm xa" (Ước).

"Mắc cạn" cũng là một chân dung cuộc sống của Trương Tuyết Mai. Người nghệ sĩ với "Giọt thầm khoan nhặt nông sâu/ nàng ôm đàn hát khúc đau nhân tình" (Khúc đau); "Chỉ còn mỗi trái tim/ vẫn tươi trong lồng ngực/ vẫn cất lời tin yêu/ dẫu mưa chiều nắng sớm" (Chân dung tự họa).

Người nghệ sĩ thấm thía cô đơn: "Tôi về chốn ấy lui thui một mình"; "Trong khu vườn nho nhỏ/ Có người đàn bà/ ngồi một mình/ lặng thinh"; suy ngẫm về cuộc sống, tình yêu, tình người. Chị thấu hiểu thời của nhiều thứ giả tạo song vẫn có cái thật, dù là sự thật đắng đót:

"Đồ ăn giả/ thức uống giả/ lời tỏ tình cũng giả/ Hồn thật/ bơ vơ/ nhộn nhạo giữa chợ đời" (Bơ vơ hồn thật).

Người nghệ sĩ sống chân thành, đôi khi ngây thơ: "Đã biết giếng không sâu mà vẫn thả dây dài/ sợi dây tôi mắc cạn giữa muôn vàn rỗng không" (Mắc cạn).

Biết đời bạc bẽo thế, lòng người giả trá thế, song người thơ vẫn luôn đầy nhân hậu, bao dung:

"Để thấu đời lắm trái ngang/Để thương hết dạ/ gian nan phận người (Gom nhặt).

Dĩ nhiên, thơ không thể đứng bên lề đời sống xã hội. Trương Tuyết Mai thương những chiến sĩ nơi đảo xa, những đứa con đem tuổi xuân giữ an bình đất nước:

"Mỗi lần nghe báo bão/ lòng mẹ lại cồn cào/ mắt dõi về phía biển/ mong các con bình yên" (Thư mẹ từ đất liền).

Nhà thơ xót xa những cánh rừng "xơ xác buổi chiều, ròng ròng máu chảy", "nỗi đau này sẽ tính sao đây?" (Rừng khóc). Chị căm phẫn những kẻ làm giàu trên máu của rừng và đem lại tai ương cho con người, muông thú.

Đọc thơ Trương Tuyết Mai, những day dứt vẫn đầy lên sau những câu chữ, giữ người đọc ở lại lâu hơn với thơ của chị.

 Bùi Việt Quý
(nld.com.vn)