Thương gánh đậu hũ mùa Covid

29.08.2020
Tôi không biết tên dì, thường hay gọi là dì-bán-đậu-hũ. Mỗi lần chạy xe dọc bờ đông sông Hàn, thấy gánh đậu hũ của dì, tôi mừng vì tuổi thơ của mình chợt hiện về qua những tiếng rao: “Đậu hũ đây! Đậu hũ đây!”.

Thương gánh đậu hũ mùa Covid

Tôi thấy lại hình ảnh của con bé tuổi lên năm, lên bảy xì xụp ngồi ăn chén đậu hũ nóng giữa trưa hè oi ả, nghe gió từ ngoài sông Hàn thổi vào, mà lòng bỗng dưng thấy tiếc nuối. Những trưa hè trốn ngủ, đi bắt bướm hái hoa, tắm sông cùng chúng bạn, nghe tiếng rao quen thuộc là mỗi đứa chạy về mỗi ngả, xin tiền mẹ mua đậu hũ. Chén đậu hũ thơm mùi lá dứa kết hợp với vị chua của chanh và vị thanh của đường là hương vị tuổi thơ ngọt ngào mà suốt những năm sau này tôi không thể nào quên được. Đôi lần ao ước thời gian quay ngược trở về cái tuổi chưa biết lo biết nghĩ, tôi thèm lót dép ngồi bệt nơi vỉa hè, ăn chén đậu hũ cùng chúng bạn. Để rồi giờ đây khi làm mẹ, cứ mỗi lần thấy gánh đậu hũ dung dị của dì, tôi cứ muốn bám víu để xin cho kỳ được một tấm vé trở về tuổi thơ, mà những tưởng nó đã ngủ yên từ lâu lắm rồi.

Thỉnh thoảng một tuần đôi ba lần, tôi vẫn gặp dì-bán-đậu-hũ như thế, đôi khi chỉ để hít hà hơi nóng thơm ngào ngạt mùi lá dứa bay ra từ gánh đậu, thấy đời bình yên đến lạ. Thế rồi Đà Nẵng trở thành tâm dịch… Gặp dì trước ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, vẫn dáng người kham khổ, dì đon đả mời tôi mua đậu hũ. Dì, người Quảng Nam, ra Đà Nẵng thuê trọ để bán đậu hũ hơn 20 năm nay, coi Đà thành này như quê hương thứ hai của mình. Cẩn thận múc từng vá đậu hũ bỏ vào chén, dì nói với tôi: “Ngày mai Đà Nẵng thực hiện cách ly, chắc dì cũng phải nghỉ bán mươi bữa”. Tôi nghe giọng dì chùng xuống, ánh mắt đượm buồn. Tôi hình dung gương mặt bất an, lo lắng của dì giấu sau chiếc khẩu trang. Không bất an sao được khi gánh đậu hũ của dì là tất cả cuộc sống mưu sinh cho một đại gia đình ở quê, là nơi nuôi dưỡng ước mơ được cắp sách đến trường cho những đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Có hôm dì tâm sự: “Thằng con đầu dì lấy vợ rồi, nhưng hằng tháng cũng dặm thêm đôi ba đồng đưa cho nó mua sữa cho con. Chứ nó làm lao động phổ thông, ngày đi làm, ngày nghỉ cũng được mấy đồng đâu con”. Thấy thương dì, thương đôi bàn tay chai sần, rám nắng rong ruổi gánh đậu qua khắp những con hẻm, ngõ phố ở mảnh đất này mấy chục năm. Đôi lần tôi dùng từ “rám nắng” để tả đôi bàn tay của những người mẹ, để tả nét mặt của những người phụ nữ nghèo nhưng thực sự vẫn chưa hình dung được ý nghĩa của từ ấy như thế nào. Đến khi chăm chú nhìn đôi bàn tay dì múc từng vá đậu hũ, tôi thấy những mảng màu da đem sạm đi vì cháy nắng, những đốm đồi mồi màu nâu sậm với kích thước to nhỏ không đều nổi khắp trên mu bàn tay. Tôi mới cảm thấu hết ý nghĩa của từ “rám nắng”, đủ hình dung được những nhọc nhằn, vất vả và sự chịu thương, chịu khó, chịu khổ của những người mẹ nghèo.   

Đà Nẵng thực hiện 2 đợt giãn cách xã hội. Và thế là những người buôn thúng bán bưng, kiếm đôi ba chục đồng để sống đắp đổi qua ngày như dì-bán-đậu-hũ dễ bị tổn thương nhất. Dì-bán-đậu-hũ cũng như nhiều người sống xa quê, chọn Đà Nẵng làm nơi kiếm sống, chưa từng một ngày vắng bóng mưu sinh trên các con đường, ngõ phố. Vậy mà họ đành phải “vắng đi” trong những ngày dịch giã dù vẫn đang hiện hữu đâu đây giữa lòng thành phố, trong căn trọ ẩm mốc và cả đôi khi trong sự cô đơn, nhớ quê...

Dịch bệnh làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có cách nhìn nhận về cuộc sống. Nhiều người chọn cách sống chậm hơn và biết cách cho đi nhiều hơn để giúp đỡ những mảnh đời đang phải tạm dừng mưu sinh. Nhiều du khách đến Đà Nẵng từng biết thành phố bên sông Hàn hiền hòa và mến khách; trong những ngày thật đáng nhớ này, hàng triệu trái tim hướng về tâm dịch Đà Nẵng càng thấy khâm phục khi người dân thành phố đang chung tay vượt “bão”, không những tiếp sức cho tuyến đầu mà còn sẻ chia với nhiều mảnh đời còn khó khăn để không có ai bị bỏ lại phía sau…
Những ngày này, tạm xa tiếng rao “Đậu hũ đây! Đậu hũ đây!”, xa đôi bàn tay gầy rám nắng… Rồi sớm thôi, tôi sẽ lại thấy nụ cười hiền hòa của dì-bán-đậu-hũ vào một ngày người dân Đà Nẵng cùng chung niềm vui chiến thắng dịch bệnh.

Hoàng Hân

(baodanang.vn)