Thơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã Tiên

08.07.2016

Thơ NGUYỄN CÔNG TOẢN -  Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã Tiên

Trong nhiều anh em bạn bè văn nghệ mà chúng tôi thường biết về nhau, thì các anh Nguyễn Công Toản, anh Hoàng Thanh Thụy, anh Hoàng Công Hầu (nay anh Hầu đã qua đời), với riêng tôi còn hơn cả sự "biết về nhau". Hơn cả là vì tôi và các anh còn là người cùng quê Đại Lộc. Cho dù anh Nguyễn Công Toản rời quê ra học tại Đà Nẵng khá sớm, rồi tiếp tục học ở Đại học Văn khoa Huế từ năm 1958, thế nhưng những hình ảnh đẹp đẽ mà các anh thường gieo vào ký ức của tuổi thơ tôi cứ là  những chàng trai học trò "Trường huyện" lấp lánh trong thơ Nguyễn Bính: Học trò trường huyện ngày năm ấy/ Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ/ Những buổi học về không có nón/ Đội đầu chung một lá sen tơ.

Tôi cũng không rõ lắm thời ấy các anh đã làm thơ hay chưa, nhưng thơ của thi sĩ Nguyễn Bính  thì dường như có dự phần làm huyền thoại thêm hình ảnh của các anh, những chàng trai hào hoa "Trường huyện" trong trí tưởng non nớt của tôi ngày ấy. Thời cuối những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trường huyện quê tôi, tức trường trung học Đại Lộc, còn ở khu vực quận cũ (Lộc Mỹ). Về sau quận lỵ (dưới chế độ Sài Gòn) dời về Ái Nghĩa nên trường Trung học Đại Lộc cũng dời theo. Cũng vào thời đó, học trò ở làng tôi lên trường huyện học tiếp bậc trung học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói gì đến đại học, tú tài 2, tú tài 1, hay diplôme, chỉ cần thi đậu vào đệ thất út oi của trường huyện đã là nức tiếng trong làng rồi. Nhắc lại vài kỷ niệm này cũng là để làm lung linh sáng giá thêm những học trò trường huyện thời ấy, biết chừng đâu cái quê nhà huyền ảo những hồi quang đó, từ bấy, đã ươm mầm nên hình vóc các anh - những nhà thơ bây giờ.

Vậy rồi đằng đẵng thời gian có hơn nửa thế kỷ, trước và sau cuộc chiến tranh khốc liệt, phải sau ngày hòa bình khá lâu tôi mới lại gặp các anh. Bây giờ thì ai cũng đã đến hồi tóc bạc, ai cũng đã là nhà thơ, mỗi người một cốt cách chất chứa một tâm hồn thơ ca bát ngát !

Thơ của anh Nguyễn Công Toản đến với tôi từ đó. Khác với mọi sự ồn ã của bầu không khí thơ nở rộ như nấm sau mưa, thơ Nguyễn Công Toản khu biệt riêng một cõi giới. Có thể gọi thơ anh là tiếng thương thầm đến lặng lẽ của một nhánh sông con. Cái tiếng "thương thầm" mà như Chế Lan Viên đã viết: Ôi sông Hồng, sông Hồng vạm vỡ/ Có khi người thiếu đi một tiếng thương thầm. Vâng, tiếng ấy là tiếng thầm lặng gọi nửa đêm thức giấc. Thầm lặng yêu thương. Thầm lặng phù sa. Cứ thế thơ anh xuất hiện như một thứ mưa đền cây, ấp ủ từ bao tháng ngày chắt chiu đường xa mưa nắng.

Không níu giữ được màu mây ấy

Mây cứ trôi lơ đãng chân trời

Em nghĩ vậy rồi buồn vô cớ

Tôi chẳng nghĩ gì về nỗi em tôi

(Dòng sông buổi ấy)

Thực ra khi đọc thơ, hay xem bất cứ loại hình nghệ thuật nào, tôi cũng đều cố gắng  tuân thủ theo cái điều mà Milan Kundera (nhà phê bình văn học Pháp) đã viết: "Biết về tác giả sẽ chẳng làm tăng thêm giá trị tác phẩm" (Nghệ thuật tiểu thuyết). Nhưng đúng là có những trường hợp  không thể không biết về tác giả, bởi chính hiện thực cuộc đời của nhà thơ hay nhà văn, sự hoan lạc của cả khổ đau và hạnh phúc của họ, giúp cho ta nghe ra những cung bậc âm thanh và ngữ nghĩa được giàu có hơn, phong phú hơn. Tôi đã bắt gặp bài thơ "Mây Hải Vân" của anh Nguyễn Công Toản trong một tâm thế như vậy. Mây Hải Vân hẳn là xưa nay không lạ gì với những thi sĩ từng qua đỉnh núi này. Từ bước chân của cha ông qua các thời kỳ mở đất, ví như từ cái nhãn quan của Chúa Nguyễn Phúc Chu thì mây núi Hải Vân là thế này đây: Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh/Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên (Chỉ thấy mây giăng ba đèo dốc/ Giữa chập chùng mây chẳng thấy người). Và, vẫn là mây núi Hải Vân ấy, nhưng Bùi Giáng thi sĩ đi qua lại nghe vọng động cả một thế giới siêu hình: Ở cuối một chân trời/ Ẩn tàng một chân đất/ Ở cuối một chân đất/ Tàng ẩn một chân mây.

Bây giờ thì Nguyễn Công Toản lại nghe mây Hải Vân, tuồng như chất chứa mọi niềm trắc ẩn. Tôi ngờ rằng, nếu không có một thời năm xưa làm chàng sinh viên Đại học Huế, lặn lội bao lần vượt Hải Vân, có thể bài thơ "Mây Hải Vân" của anh chưa chắc đã ra đời. Phải đắm đuối, phải mê say, phải gập ghềnh tình yêu mấy nỗi mới sinh nở một "Mây Hải Vân" đẹp đến nhường này: Có phải nơi tích mây tích mưa/ Hải Vân nghìn năm vần vũ?/ Có phải điều chi em chờ đợi/ Nỗi buồn ngày ấy không tan?/ Cứ xa xanh mà ngắm sông Hàn/  Cứ gió núi mà hôn phố biển/ Cứ chân trời thắp lên cánh én/ Đời biết về đâu mây Hải Vân/ Mây cứ lang thang, gió cứ đi/ Hải Vân - cồn mây không tích bão/ Một con đường vắt qua cổ núi/ Nối hai đầu thăm thẳm tình xa/ Cứ mông mênh lặng lẽ đợi chờ/ Cứ sóng vỗ ầm ào ghềnh thác/ Cứ bồng bềnh nguyên sơ trắng bạc/ Biết về đâu mây trắng Hải Vân?

Có thể nói đây là bài thơ vượt

trội nhất trong rất nhiều bài thơ của Nguyễn Công Toản mà tôi đã đọc. Vượt trội không phải chỉ vì cái ẩn mật của bản thể, của cái tôi nghệ sĩ bồng bềnh nhạc điệu thanh âm, mà còn là từ cảm thức của thi sĩ chạm vào mây bay đỉnh núi (ngoại giới), đánh thức dậy một thời xa vắng, một ám ảnh khôn nguôi có khả năng làm động vọng trái tim bao người. Thật khó mà lý luận ra cái thần thái của bài thơ, bởi nó như một trò chơi siêu hình dẫn dắt hiện hữu tan vào hư vô xóa nhòa mọi thể hiện tư duy logic.

Thường những bài thơ ruột gan nhất của anh, lúc nào cũng phơi bày rõ cái thể trạng nhà thơ cô đơn nhất. Cô đơn ở đây không chỉ là chỗ vắng người, mà như Lưu Quang Vũ chẳng hạn: Tôi là người lính cô đơn ngay giữa trung đoàn. Nghĩa là, mọi lý do sinh nở niềm cô đơn đều dấy lên từ nội tại, đấy mới là thứ men hoan lạc để thi sĩ chon von chót vót riêng mình một ốc đảo. Gọi đó là thế giới thần giới thì đấy là cách gọi cho tình trạng phóng thể. Và vào những thời khắc như thế, cơ may cho thi sĩ viết ra những câu thơ xuất thần: Hoa Tường Vi nở trong mưa/ Hơi mây thả hương trời đẫm ướt/Chiều đã ngả màu/ Con chim về không hót/ Phía vườn đồi mây vắt vẻo từng không/ Nụ Tường Vi mỏng manh/ Run rẩy trong gió trong mưa/  Hắt hiu lá cỏ/ Tôi cố níu mây lại/ Làm góc trời trong tim/ Nhưng góc trời tàn thu/ Đã không che nổi em (Nụ hoa cuối mùa). Đọc những câu thơ thế này, ta có thể hình dung một thế giới huyền ảo ẩn mật giấu kín đằng sau lớp vỏ ngôn từ như ảo hóa trò chơi thế giới hiện thực. Và đấy mới là khoảnh khắc vi diệu sinh thành từ cuộc hợp hôn của cái tôi thi sĩ và thế giới.

Chỉ có điều, dường như những cuộc đi tìm cho ra cái khoảnh khắc bí nhiệm ấy, đôi khi bước mỏi đường trường, nhà thơ vội vàng bày ra những thực đơn của lý trí, lặp mãi một điều cũ kỹ mà kẻ đi trước đã đắp nên những đỉnh núi, thật khó lòng cho mình vượt qua. Nhưng tôi tin bản lĩnh nhà thơ, tin giọt máu sinh thành thi sĩ mẹ đã đẻ anh ra bên dòng Vu Gia, mà nói như thi sĩ Bùi Giáng: Ở cuối một chân đất/ Tàng ẩn một chân mây. Vâng, nếu không như thế thì làm gì nhà thơ xây thành một "Ngọn đồi cổ tích". Có thể đấy là giấc mơ lấp lánh cái đẹp vào buổi hoàng hôn tuổi tác của anh chăng: Một vạt nắng đang chờ trên đó/ Tôi theo em lên hái chiều rơi/ Em như con nai lạc miền cổ tích/ Tôi muốn dang tay ôm cả ngọn đồi!.

 

(*) Nhà thơ Nguyễn Công Toản, Hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng. Ông nguyên là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

TP. Đà Nẵng (ngày chưa chia tách tỉnh), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Đà Nẵng từ ngày thành phố là đơn vị hành chánh trực thuộc Trung ương. Ông đã về hưu gần hai mươi năm nay. Tập thơ ông tự tuyển "Thơ Nguyễn Công Toản" theo nhà thơ là tập thơ cuối cùng đời ông, vì hiện nay tuổi cao, sức yếu, ông lại qua lần tai biến nặng nên khó sáng tác tiếp được nữa.

N.N.T

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích