Thăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá Dực

08.07.2016

Thăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá Dực

Chúng tôi, những cán bộ, sĩ quan quân đội, sĩ quan An ninh đang sống ở Hà Nội. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã từng chiến đấu, công tác ở chiến trường Khu V nay trở về thăm lại chiến trường xưa.

Đoàn có trên 30 người gồm các bác sĩ, dược sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, sĩ quan quân đội ...do họa sĩ Giang Nguyên Thái - Trưởng Ban liên lạc cán bộ người Hà Nội đã chiến đấu ở chiến trường  Khu V làm trưởng Đoàn.

Chúng tôi bồi hồi xúc động khi đặt chân xuống sân ga Tam Kỳ - thủ phủ tỉnh Quảng Nam, như những đứa con xa nhà lâu ngày trở lại quê hương chín nhớ mười mong. Chúng tôi đã xa vùng đất lửa chiến tranh đã ngót 40 năm, nay mới có dịp trở lại. Ngày hôm sau chúng tôi rời Tam Kỳ đi thăm căn cứ Nước Oa thuộc huyện Bắc Trà My, cách Tam Kỳ trên 70km.

Nước Oa là con sông bắt nguồn từ rừng già của Hòn Bà cao 1.357m so với mực nước biển. Sông chảy qua các xã Trà Giang, Trà Tân, Trà Ka, Trà Giáp... rồi đổ ra sông Trường thuộc huyện Bắc Trà My. Những năm 1960 -1973 là căn cứ địa của Khu Ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V. Bộ tư lệnh Quân khu đóng ở xã  Trà Tân.

Chúng tôi vào thăm “Đại bản doanh” Quân khu V; vào thăm ngôi nhà của Thiếu Tướng Chu Huy Mân (đầu năm 1975 ông được phong vượt cấp lên Thượng Tướng) ủy viên Trung ương Đảng, phó Bí thư Khu Ủy, Tư lệnh Quân khu V (ông sau này là Đại tướng, ủy viên Bộ chính trị, phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước). Ngôi nhà bé nhỏ với bộ bàn ghế làm việc đơn sơ, chiếc điện thoại, khẩu súng ngắn, sắc cốt, bi đông nước; còn gian ngủ chỉ có chiếc giường nhỏ đơn sơ.

Đoàn vào thăm “Bản doanh” Ban An ninh Khu V tại địa bàn xã Trà Ka cạnh con đường 616. Vào thắp hương tưởng niệm Đài Liệt sĩ An ninh đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất Khu V kiên cường anh dũng.

Khu căn cứ Nước Oa đã được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.

Rời khu Di tích, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bắc Trà My. Nơi yên nghỉ của tác giả bài thơ nổi tiếng “Cuộc chia ly màu đỏ” - Nhà thơ Nguyễn Mỹ. Anh sinh năm 1938, quê ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Là bộ đội tập kết ra Bắc năm 1954 và công tác tại Nhà xuất bản Phổ thông. Năm 1968 vào Nam chiến đấu và công tác tại Tiểu Ban tuyên truyền Khu V. Trước khi vào chiến trường, anh đã viết bài thơ trên. Thế hệ thanh niên thời chống Mỹ, nhiều người đã chép bài thơ này vào sổ tay làm hành trang trên đường ra trận. Trong một trận đánh địch càn lên căn cứ Nước Ta, anh chiến đấu và đã hy sinh ở thôn Yết, xã Tà Dơn, huyện Nam Trà My. Đó là ngày 16/5/1971. Ngày đó, đơn vị tôi cũng ở địa bàn trên và đã tham gia đánh trận càn đó, các lực lượng đã đánh lui 2 tiểu đoàn thuộc sư đoàn không vận Mỹ và một tiểu đoàn ngụy, bắn rơi 1 trực thăng CH47, buộc chúng phải tháo chạy sau một tuần càn lên căn cứ. Anh đã được truy tặng Giải thương Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật. Chúng tôi thắp hương, dâng hoa trước mộ anh. Và Nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã kể về cuộc đời sáng tác, công tác cũng như trận đánh địch càn lên căn cứ mà anh đã hy sinh, mọi người đều rưng rưng ...tôi cũng vô cùng xúc động và đã đọc 4 câu thơ bên mộ để tưởng nhớ anh. Thắp nén hương thơm viếng mộ anh / Bài thơ sắc đỏ giữa rừng xanh / Anh còn sống mãi cùng non nước / Đã hết chia ly- trái trĩu cành.

Đoàn chúng tôi ngược lên huyện Duy Xuyên, đến viếng mộ Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Chị sinh năm 1941, quê Phú Thị, Châu Giang, Hải Hưng. Là phóng viên năng nổ xông xáo của Báo Phụ Nữ Việt Nam, chị luôn có mặt ở những mũi nhọn xây dựng đất nước và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc. Chị tình nguyện vào Nam chiến đấu, trong đơn chị viết: “Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không mảy may tính toán”. Tháng 4/1968, gửi con gái duy nhất 16 tháng tuổi  cho bà ngoại nuôi để vào Nam chiến đấu. Ba tháng ròng, cùng đồng đội vượt dải Trường Sơn vào chiến trường Khu V. Chồng chị là nhà thơ Bùi Minh Quốc đã vào chiến trường trước chị một năm. Chị công tác tại Tiểu Ban văn nghệ Khu V, là phóng viên Báo Giải phóng Trung Trung Bộ. Chị thường xuyên xuống với dân, với dân quân du kích, sống và chiến đấu bên họ như một chiến sĩ thực thụ để có những bài phóng sự, những bút ký nóng hổi hơi thở chiến trường; được đồng nghiệp mến mộ; được du kích và nhân dân khâm phục và tin yêu. Nơi chị hoạt động thuộc các huyện Hòa Vang, Duy Xuyên, Thăng Bình chỉ cách trung tâm TP Đà Nẵng từ 10 - 35km, một vùng vô cùng ác liệt. Đêm ngày 8/3/1969, từ hầm bí mật, chị cùng du kích thôn Xuyên Tân, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên chiến đấu với một đại đội thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh của Nam Hàn khét tiếng tàn bạo. Và chị đã hy sinh ở góc vườn nhà dân. Chị đã để lại cho đời tác phẩm “Hoa Rừng”, “Chỗ Đứng” và tập bút ký “Gương Mặt Thách Thức” cùng tấm gương hy sinh vì dân, vì nước của một nhà báo, nhà văn. Năm 2007 chị đã được truy tặng  Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Gia đình ông Võ Bắc, bà Hồ Thị Anh đã tặng Nhà văn Bùi Minh Quốc (chồng chị) khu đất cách cửa nhà ông bà khoảng 5m để lập ngôi mộ. Gia đình thường xuyên hương khói thờ chị. Con trai ông bà còn cho chúng tôi xem tấm ảnh của chị trên bàn thờ. Người con gái trẻ đẹp, dịu hiền với đôi mắt sáng, mỉm cười như “gặp lại đồng đội” năm xưa... Gia đình kể lại: nhiều đêm chị không ngủ vì nhớ con da diết, cháu còn nhỏ quá lại không có bàn tay chăm bẵm của mẹ. Song, lau dòng lệ, chị dấn thân vào công tác, bám dân, bám những trận đánh, biết rằng nguy hiểm đấy và có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng chẳng có gì làm chị nhụt ý chí, chỉ mong sớm đến ngày toàn thắng.

Chỉ vài nét chấm phá về chị, chúng ta có thể tôn chị là Anh Hùng lắm chứ! Và chúng tôi, những đồng đội, đồng nghiệp, bạn đọc của Nhà văn, Nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã có Đơn đề nghị các cơ quan hữu quan và Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh Hùng Lực lượng vũ trang cho chị.

Đoàn đến viếng mộ Anh Hùng Lực lượng vũ trang, Nhà văn, Nhà báo Chu Cẩm Phong tại thôn Vĩnh Cường, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Anh sinh năm 1941 tại thị xã Hội An. Năm 1954 theo cha tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp khoa văn Đại học tổng hợp Hà Nội. Cuối năm 1964 vào chiến trường, làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Khu V. Từ 1965 là cán bộ sáng tác, biên tập của Thông tấn xã Việt Nam tại Trung Trung Bộ.

Tại căn cứ Nước Oa đã có cuộc chia tay đầy cảm động của anh với người yêu và các đồng chí để đi công tác cơ sở. Và thật không ngờ, đó là cuộc tiễn đưa cuối cùng, anh không bao giờ trở lại.

Tại thôn Vĩnh Cường, từ 10h - 14h ngày 1/5/1971, diễn ra cuộc chiến đấu một bên là 8 người, gồm có Chu Cẩm Phong, Nguyễn Tiêm thường vụ huyện ủy Duy Xuyên, Nguyễn Đình Chuyên cán bộ văn phòng Ban An Ninh huyện và các cán bộ, y sĩ, một số du kích xã (trong đó có 2 nữ). Với một bên là một tiểu đoàn Mỹ, ngụy vào càn địa phương. Cuộc chiến đấu kéo dài 4 giờ đồng hồ và vô cùng ác liệt. Trong trận chiến này có 4 người hy sinh tại chỗ, trong đó có Chu Cẩm Phong và 2 nữ. Bốn người thoát khỏi vòng vây, sau này 3 người hy sinh tại các trận khác. Duy nhất còn đồng chí Lê Yến, nay đã nghỉ hưu. Bên mộ Chu Cẩm Phong, ông đã thuật lại trận đánh năm xưa. Gần một giờ đồng hồ dưới nắng trưa gay gắt, chúng tôi vẫn muốn nghe ông nói nữa về trận đánh này, về những con người dũng cảm và mưu trí. Trước khi hy sinh, các anh, chị đã tiêu diệt được nhiều lính Mỹ, khiến chúng phải khiếp sợ và kính phục...

Nặng tình với đồng đội, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã dành 2 tháng đi về theo dõi thợ làm tấm bia bằng đá nặng khoảng 5 tạ do anh đưa về từ  Ngũ Hành Sơn. Trên tấm bia khắc tên Chu Cẩm Phong cùng 7 đồng chí trong trận đánh ngày đó. Tấm bia có hình chữ V - biểu tượng chữ Văn Nghệ; nếu lật ngược thành nóc hầm chữ A, và đặt nằm xuống là chiếc hầm hình chữ chi nơi các anh ở và chiến đấu trận cuối cùng...

Địa bàn Khu V nói chung và Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng là chiến trường ác liệt nhất miền Trung. Và các nhà báo, nhà văn hy sinh không phải là ít. Như  họa sĩ Nguyễn Xuân An vào chiến trường năm 1971, hy sinh giữa năm 1972 (năm 1998 gia đình đã đưa di cốt về nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Văn Điển, Hà Nội). Họa sĩ Hà Xuân Phong, tháng 7 năm 1974 anh đi chiến dịch đánh Nông Sơn và đã hy sinh. Trong chiến dịch này, Trung đoàn pháo binh 572 chúng tôi phối thuộc cùng Sư đoàn 2 bộ binh đã chiến đấu giải phóng Nông Sơn - Trung Phước. Đoàn Tuồng Trung ương do nghệ sĩ Trần Hưng Quang làm trưởng Đoàn, có hai nhạc công do ăn phải nấm độc nên đã gặp nạn.

Chúng tôi đã đến Đền thờ Liệt sĩ huyện Duy Xuyên thắp hương tưởng niệm các anh, các chị. Sau Đền là nghĩa trang liệt sĩ. Trên các tấm bia ghi 11.200 liệt sĩ (trong đó chưa rõ tên là 3.200 liệt sĩ).

Còn toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 79.940 liệt sĩ.  Ngoài ra  còn có  khoảng trên 30 nghìn liệt sĩ từ các tỉnh trong cả nước chiến đấu hy sinh trên mảnh đất này. Có 37.149 thương binh; hơn 5.000 người nhiễm chất độc da cam; 8.663 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chiếm 1/6 của cả nước.

Bài viết này như một nén tâm nhang gửi đến các liệt sĩ, tưởng nhớ đến các anh các chị, trong đó có các nhà văn, nhà báo. Các anh, các chị không những dùng ngòi bút để ca ngợi những tấm gương chiến đấu và hy sinh dũng cảm của quân, dân ta; mặt khác còn tố cáo những tội ác chiến tranh mà kẻ thù gieo rắc lên đầu những người dân vô tội với thế giới. Mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu như những chiến sĩ thực thụ.

Các anh, các chị đã chiến đấu hy sinh cho đất nước được trường tồn, nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Các anh, các chị sống mãi với non sông! Những tác phẩm các anh, các chị viết giữa chiến trường lửa đạn năm xưa sẽ giúp các thế hệ kế tiếp hiểu nhiều hơn về thế hệ cha ông đã chiến đấu và hy sinh để giải phóng quê hương đất nước như thế nào... Ngày nay chúng ta được sống trong hòa bình xây dựng. Song phải luôn luôn cảnh giác với các thế lực bành trướng đang tìm mọi cách lấn chiếm biển đảo  của Tổ quốc. Và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, hải đảo thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã đổ bao nhiêu xương máu mới có được như ngày nay!

 P.B.D

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích