Chùm truyện ngắn - Hoàng Nhật Tuyên

08.07.2016

Chùm truyện ngắn - Hoàng Nhật Tuyên

Mẹ

 

Ngôi nhà của mẹ nằm ở một xóm nhỏ, trước sân có cây mận sum suê lá. Nay tuổi đã trên tám mươi nhưng trông mẹ còn nhanh nhẹn và khá tỉnh táo. Mỗi lần chúng tôi đến thăm nhà mẹ mừng lắm và  kéo chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế gỗ, sai đứa cháu lấy nước rồi trò chuyện. Có điều, lần nào cũng giống lần nào, sau khi hỏi han tôi chuyện  này, chuyện nọ, y như rằng, mẹ lại xoay qua nói về anh. Khuôn mặt già nhăn nheo, đầy vết thâm đồi mồi, môi dính vết trầu đỏ, mẹ vừa nhai vừa nói: Hồi xưa...

Đúng vậy, bao giờ nói về anh, khuôn mặt mẹ cũng trầm ngâm rồi bảo, hồi xưa...

- Mấy con biết không, hồi xưa, hồi thằng Toàn lên chín, lên mười, ai cũng bảo nó giống cha như đúc! Mẹ chỉ tay lên bàn thờ, kìa ảnh ông Tư, ba nó đó! Con thấy giống không? Tội nghiệp thằng nhỏ, đi chơi ngoài đường, nghe người ta nói, chạy về hỏi mẹ. Mẹ trả lời: Ừ, rất giống! Nó cười và nó đợi. Nó bảo, nhất định khi về ba sẽ thương con lắm. Nhưng ông Tư không về. Ông ấy hy sinh trong một trận đánh nhau với Pháp đúng vào năm nó lên bốn tuổi. Tội nghiệp, nó khóc, nó buồn. Cũng may, sau này, có người bạn cũ, là bạn học, cho một tấm ảnh của ông Tư. Tấm ảnh nhỏ xíu, mang đi họa lại để thờ. Nhìn hình, nó bảo: Uớc gì ba còn sống trở về!

- Con biết không, hồi xưa, khi chưa lên đường đi bộ đội, nó ăn nhiều lắm. Có bữa, trời mưa lụt, đi thả lờ ngoài đồng về, mẹ nấu hai lon gạo, ghế thêm sắn, vậy mà nó ăn một hơi gần hết nồi cơm...

- Con biết không, nhà dột, tự nó đi cắt tranh về đánh thành tấm, rồi nhờ hàng xóm cùng giúp lợp giùm. Nó siêng năng mà lại khéo tay, đan nong, đan nia cũng được. Trong xóm ai nhờ điều gì nó cũng giúp...

- Con biết không, hồi nó lớn lên, mẹ bảo, con lấy vợ đi cho mẹ nhờ. Nhà còn có mình con, con đi đâu mẹ còn có con dâu. Nó cười. Con chưa gặp người nào hiền lành, kiếm vội biết đâu chỉ làm mẹ khổ...

- Con biết không, có lần mẹ ốm nặng, lại đang lúc làm mùa, một mình nó vừa lo chuyện cày cuốc rồi thuê người cấy hộ, vậy mà nhiều đêm ngồi thức canh chừng, sợ mẹ có bề nào...

Mỗi lần chúng tôi đến, mẹ lại kể thêm một số chi tiết về cuộc đời anh. Tôi với Toàn cùng chung một đơn vị chủ lực của tỉnh. Ngày quen nhau, chúng tôi chưa tròn hai mươi. Thiếu ăn, thiếu mặc, gian khổ của bộ đội thời chống Mỹ làm sao kể hết. Hai đứa hứa với nhau, ngày hòa bình đứa nào còn sống sẽ đến thăm mẹ đứa kia. Anh mất cha và tôi cũng vậy. Hứa thì hứa vậy thôi, chứ đứa nào cũng nghĩ mình sẽ sống. Sau những trận đánh nhau ở đồng bằng, rút lên rừng, tôi với anh thường treo võng nằm bên nhau, thôi thì tía lia đủ chuyện. Anh kể về quê mình, mẹ mình, thỉnh thoảng lại thở dài với câu hỏi: Không biết bây giờ bà cụ ở quê ra sao? Nhiều lúc ruột gan tôi cũng cồn cào như anh, nhưng đành an ủi nhau, không sao đâu, hòa bình đến nơi rồi.

Rồi anh ra đi. Ra đi trong một trận mà đơn vị chúng tôi đánh nhau với một đại đội của địch đi càn, lấn chiếm vùng giải phóng sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Máu anh đổ ướt cả áo tôi bên cái hầm công sự còn màu đất mới. “Nhớ nói với mẹ tôi rằng tôi thương mẹ lắm...”. Anh tắt thở khi lời dặn dò chưa kết thúc.

Ngày hòa bình, chúng tôi đã đưa anh về nghĩa trang quê nhà và may mắn tôi sống ở thị trấn không cách xa nơi mẹ anh sống là bao. Kỷ vật của anh tôi mang về cho mẹ là chiếc võng ni lông đã ố màu. Chồng hy sinh. Đứa con duy nhất của mẹ là anh cũng không còn nên mẹ sống chung với  gia đình đứa cháu gọi dì. Mỗi lần chúng  tôi  rủ nhau đến thăm là một lần mẹ lại kể về anh.

- Con biết không, hồi sắp đi thoát ly, thằng Toàn cứ đi quanh nhà rồi nhìn mẹ nói: “Cái hiên nhà mình mưa xuống rất dễ trợt. Đêm hôm mẹ đi phải cẩn thận”.

Những câu chuyện mẹ kể về anh cứ đầy dần qua những lần chúng tôi đến thăm. Thời gian trôi đi, nay mẹ đã già nhiều. Lưng đã còng. Mắt đã mờ. Có những lần  chúng tôi đến, mẹ khó nhọc mới ngồi dậy được, giọng mẹ cũng không còn rành rọt như ngày nào, nhưng vẫn như trước, nói lòng vòng vài câu, mẹ lại nhắc đến anh.

Vừa rồi, chúng tôi rủ nhau mua tí quà và ghé thăm mẹ. Biết chúng tôi đến mẹ mừng. Bàn tay gầy guộc của mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Một lát, mẹ hỏi:

- Nói thiệt mẹ nghe, trước khi chết, thằng Toàn có được ăn no không con?

- Dạ, có! Tôi nói dối để mẹ yên lòng. Nhưng thực ra, hôm ấy chúng tôi đánh nhau từ sáng tới chiều, trận chiến diễn ra quá ác liệt, nước chúng tôi còn không có uống nói chi đến chuyện ăn no...

 

Bến đợi

 

Chị không thể nhớ được, mình đã đưa người đàn ông ấy qua lại trên cái bến sông này bao nhiêu lần rồi. Đó là người đàn ông, có dáng cao to, khuôn mặt khá đẹp và trông rất phúc hậu nhưng bị cụt mất một chân, cụt phải đến sát vế. Hằng năm, đều đặn, cứ vào mùa hè thì anh từ thành phố về và lại nhích từng bước khó nhọc cùng với cây nạng gỗ, bước xuống cái dốc thoai thoải trước khi nhờ chị giúp đỡ để lên thuyền.

Chị nhớ, hình như lần đầu anh chưa quen, mà ngày hôm trước trời lại mưa, con dốc ở bến sông hơi trơn, cây nạng gỗ không chống đỡ nổi và anh đã trượt chân, người lăn dài xuống tận mép nước, làm chiếc áo dính đầy bùn đất. Chị đã giúp anh gột hết bùn trên áo rồi đưa anh sang sông.

Họ làm quen từ đó và được biết anh vốn là bộ đội hồi chiến tranh, có giai đoạn đã chiến đấu tại quê của chị. Theo anh kể, ngày xưa, anh có yêu một người con gái là một nữ du kích xã. Hai người đã hứa với nhau, ngày hòa bình sẽ tìm đến nhau để thành vợ thành chồng. Dù bị mất một chân ở chiến trường, nhưng cuối năm một chín bảy lăm, khi đất nước thống nhất mới được vài tháng, anh đã tìm đến chốn xưa. Song, cô gái không còn nữa, trên bàn thờ chị chỉ còn chiếc lược bằng mảnh xác máy bay do anh tự tay làm lấy và tặng chị năm nào. Rồi anh bùi ngùi ra đi, và sau đó, khi có gia đình cũng như việc làm dưới thành phố, thỉnh thoảng vài năm đúng vào mùa hè, anh lại tìm về để thắp hương cho chị.

Đàn bà đôi lúc bực bội, cho rằng đàn ông thường bội bạc. Người phụ nữ lái đò không tin điều đó. Chị biết có rất nhiều người tốt, và anh là một trong những người như thế. Chị tin chồng chị cũng như thế.

Ngày ngày, ngồi trên chiếc thuyền nhỏ đưa khách sang sông, chị hay nhìn lên con dốc. Chị ước gì một ngày nào đó chồng chị sẽ xuất hiện, dù anh có cụt tay, cụt chân đi nữa cũng không sao, chỉ cần anh trở về. Chị sẽ chạy vụt tới ôm chầm lấy anh.

Chồng chị vốn là nông dân nhưng cũng có thân hình cao lớn như người khách kia, chỉ tội da đen hơn. Ngày xưa anh cũng là du kích, sau đó được rút lên bộ đội chủ lực của tỉnh. Chị và hai đứa con bị địch bắt vào khu dồn cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Chị và hai đứa con đã chờ, song chung quanh, làng trên, xóm dưới các gia đình có người ra trận đã về. Riêng gia đình chị thì không. Ai cũng trả lời chị là anh bị mất tích trong một trận ở tận vùng sâu. Giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công đã được gửi về. Nhưng chị không tin anh chết. Theo chị, mất tích không hẳn là chết, vì nếu đã chết thì thế nào anh cũng báo mộng cho chị hoặc cho hai con.

Từ ngày gặp anh thương binh cụt chân, ở chị, niềm tin chồng mình sẽ về càng lớn hơn. Anh ấy đã nói với chị rằng, nếu còn sống chồng chị nhất định sẽ tìm về.  Rồi có lần anh còn lấy bút ra, ghi tên tuổi của chồng chị và hứa về thành phố sẽ nhờ các cơ quan tìm giúp. Chị biết anh nói thật và chờ…

Thời gian trôi đi, hai đứa con của chị đã lớn, đã lấy vợ lấy chồng. Tóc chị đã bạc. Tóc của người thương binh thỉnh thoảng đi nhờ đò của chị  cũng bắt đầu nhuốm bạc.

Nhưng hai năm nay, không rõ vì lý do gì, người thương binh chưa trở lại. Tin về chồng chị, vẫn vậy, vẫn chưa có.

Chiều nay đang mùa hè nhưng trời lại đổ mưa dầm. Thụng thịnh trong chiếc áo tơi, ngồi ở đầu thuyền chờ khách, lòng chị bỗng rộn lên niềm vui. Trên con dốc thoai thoải phía bên kia sông, có một người đàn ông cao lớn trong chiếc áo mưa màu rêu đang chầm chậm bước xuống. Chị vội vã chèo thuyền sang. Nhưng rồi lòng chị chợt se lại. Chị biết mình lại phải chờ, người khách xuống bến không phải chồng chị, cũng không phải anh thương binh với chiếc nạng gỗ mà là một chàng trai còn rất trẻ, người của làng chị, vừa hết hạn thi hành nghĩa vụ, trở về quê.

 

Chiếc chìa khóa

 

Ông hơn bà năm tuổi, cùng nghỉ hưu một tháng. Tham gia công tác lâu nên tiền lương hưu của hai vợ chồng cũng không đến nỗi nào. Bà thương chồng, mỗi kỳ nhận lương, bao giờ cũng bỏ vào ví của ông mấy trăm để ông có cái tiêu vặt. Mấy đứa con đều có gia đình, đứa nào cũng làm ăn phát đạt nên thỉnh thoảng cũng biếu cha một ít.

Nhưng bà lấy làm lạ, vài ba lần đem quần áo của ông bỏ vào máy giặt, mở chiếc ví từ túi quần ra xem thử, bà thấy chỉ toàn giấy tờ. Sinh nghi, lần sau, mới đưa tiền cho ông vài ngày bà liền kiểm tra. Cái ví vẫn như lần trước, không một đồng. Chẳng lẽ chồng mình chơi đề hay cá độ ? Không, bà biết ông ghét cay ghét đắng mấy trò đỏ đen này. Mua quà cho các cháu? Bà khéo léo kiểm tra từng đứa. Mấy đứa nhỏ đều lắc đầu. Thế thì ông tiêu vào việc gì? Bà tự hỏi nhưng không thể lý giải được. Rồi sực nghĩ tới chuyện chiều thứ bảy, chủ nhật nào ông cũng đi suốt, có lúc bà nhờ chở đi chợ ông cũng không, người bà bỗng sôi sùng sục. Có thể lắm, chồng bà đã sáu mươi nhưng tóc còn đen nhánh, mặt mày đầy đặn, trông điển trai lắm, nhiều đứa trẻ hơn nhưng ngó bộ còn kém xa ông. Thời nay lắm cha về hưu vẫn sinh trò bồ bịch. Bà nghĩ, mình già rồi, chẳng ghen tuông gì nhưng bà tức. Bà ăn không ngon song không nói ra, sợ con cái nghe thấy, chướng lắm. Đôi khi bà nói bóng, nói gió nhưng hình như ông giả vờ không chú ý, chỉ cười hè hè, bắt sang chuyện khác.

Sáng thứ bảy, đứa con gái đầu đến chơi, ông kêu riêng ra sân, nhỏ to xin tiền. Bà biết hết, song giả vờ chẳng quan tâm và bắt đầu kế hoạch theo dõi. Đúng như dự kiến của bà, chưa được hai giờ chiều, ông rục rịch dắt chiếc xe đạp ra sân. Đợi ông rời khỏi nhà, bà liền vội vàng dắt chiếc xe máy ra cửa, bám theo. Ông đi chậm nên có lúc bà phải dừng lại sợ ông thấy.

Quanh co, hết đường nọ lại quẹo đường kia, cuối cùng bà thấy ông dắt xe vào dựng trước một ngôi nhà ở xóm nhỏ ven đô. Máu trong người xông lên mặt bà nóng ran. Bà đoan chắc trong kia sẽ có con ranh nào đó làm chồng mình mê muội, lấy tiền nhà mang đến cho nó. Bà phải xem cho ra nhẽ, con kia mặt mày lớn bé ra làm sao. Đợi thêm một lát, bà liền lặng lẽ khóa xe và bước thẳng vào nhà.

Bà ngạc nhiên vô cùng, vì trong nhà không có cô gái nào cả, chỉ có chồng bà và ông Hạnh, bạn hưu của chồng mình cùng một bà cụ đau ốm đang nằm trên chiếc giường gỗ.

- Trời ơi, chị, chị cũng đến đây hả? - Thấy bà, ông Hạnh tỏ ra vui vẻ - Bà cụ bị nặng quá chị à, mà con cháu đều nghèo khó cả. Mấy anh em tụi tui phải vận động nhau góp lại giúp bà cụ...

Bà hơi bối rối khi ông Hạnh cho bà biết người đau ốm kia là mẹ của bạn ông Hạnh và chồng bà - một chiến sĩ đặc công cùng đơn vị đã hy sinh hồi chống Mỹ. Bước đến gần người bệnh, chân hơi run và một lát sau bà mới tìm được cách tháo bỏ tình huống khó xử. Bà luống cuống hỏi chồng: “Ông có cất chùm chìa khóa tủ không?”. “Không, bà cất, tôi đâu biết!”. Thấy chồng lắc đầu, bà liền ngồi xuống hỏi han người bệnh, sau đó vội vã chào ông Hạnh, và nói với chồng: “Để tôi  về tìm chiếc chìa khóa cái đã, có việc cần!”.

Trời ạ, mình già rồi, lẽ ra... Trên đường về, bà tự trách mình, song chỉ một lát, bà thấy người nhẹ hẳn, vì bà biết rõ, mình vừa cất chiếc chìa khóa trong ngăn kéo đầu giường trước khi đạp xe theo ông.

H.N.T 

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích