Chùm tản văn - Trần Huy Minh Phương

08.07.2016

Chùm tản văn - Trần Huy Minh Phương

Hiến xác

Kính tặng nhạc sĩ Đỗ Lập và Phan Thị Kim Diệu!

 

Ông bạn vong niên làm những việc không ai ngờ tới. Lúc đầu là đi 63 tỉnh thành để lấy dúm đất quê hương làm nên sa bàn Đất Việt. Chất liệu để ông làm sa bàn là từ đất, từ cây mít sau vườn nhà cháy bỏng tình yêu nước non quê nhà, dâng tặng thủ đô nhân đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội vào dịp 2010. Vừa rồi lại chuyến xuyên Việt lần hai, giờ vẫn đang đi giai đoạn hai của hành trình 63 tỉnh thành. Chuyến đi này là tuyên truyền về tình yêu biển đảo, lấy bút tích, chữ ký của đồng bào gửi ra các chiến sĩ hải quân. Đã hơn 10 quyển sổ lớn chi chít chữ và bút tích của đồng bào cả nước. Những quyển sổ ấy và cả chiếc xe đi dặm dài hành trình ấy ông cũng hiến tặng Bảo tàng và chiến sĩ hải quân. Ông bạn vong niên ấy tuyệt nhiên không nhận ai một đồng nào, chỉ nhận tấm lòng truyền lửa đến đảo khơi một tình yêu nước trước sự săm soi, lăm le bành trước của giặc.

Lại nữa, hôm rồi ông có dịp tới chỗ ở của chúng tôi trà nước xong xuôi, ông nhả khói từ điếu thuốc không rời tay và nói một câu, một thiện nguyện mà tôi nghe thêm lần bất ngờ từ lão bạn 71 tuổi này! Ông nói: “Tau muốn hiến xác cho khoa học sau khi tau chết, tấm thân này có gì để tiếc, để giữ cho nhọc mệt. Mày chỉ tau cách thức liên hệ với ai, chỗ nào nhé!”. Tôi nghe xong, im lặng hồi lâu và tán thán vô cùng công hạnh ấy. Lão cười như không có chuyện gì xảy đến.

Tôi lục trong trí nhớ mình coi có ai đã từng làm hạnh nguyện hiến xác này, thì ra có cô bạn chung cơ quan. Xung quanh tôi toàn là những người tốt, những người làm thiện nguyện trong âm thầm mà cao cả, tôi không chịu thấy để học ở họ mà chỉ nghĩ và tìm những cái xa xăm, không thật, tự mình vẽ bóng. Tôi thấy mình bời rời.

Được biết, chị bạn làm chung cơ quan từng hiến máu nhân đạo 33 lần, vậy mà sức khỏe vẫn tốt lắm! Chị nghe tôi hỏi cách thức liên hệ để đăng ký hiến xác cho khoa học thì vui vẻ đưa tờ giấy xác nhận có ghi địa chỉ, điện thoại liên hệ. Chị bạn ấy hiến xác sau khi chết cho khoa học từ năm 2012. Tôi hỏi chị ta: “Vì sao bạn có ý nguyện hiến xác cho khoa học vậy?”. “Vì trước đây mẹ tôi từng có ý nguyện này nhưng cả nhà không ai thuận tình. Tôi thấy ý nguyện của mẹ hay và tìm hiểu sâu thì thấy đó là việc nên làm. Túi da này có gì mà phải gìn giữ, chắt chiu vì nó mãi!”. “Vậy bạn có gặp trở ngại từ phía chồng con, anh chị em trong nhà?”. “Tôi đã thuyết phục. Hiện giờ trong nhà tôi, ngoài tôi còn có một người nữa cũng đã hoàn thành thủ tục xin được hiến xác cho khoa học sau khi chết”. Tôi lại cố tình hỏi thêm một câu rất vô duyên: “Hiến xác như vậy rồi có được ưu tiên gì không?!”. “Đã hiến xác lại còn mong cầu, đã làm điều tốt lại còn nghĩ chuyện ơn huệ thì thiệt là phi lý và không còn là lẽ đạo nữa rồi!”. Tôi nghe giật mình và thẹn cho mình xiết bao!

Chính vì ôm giữ, nuối tiếc, cho là trân quý, tìm cầu, tô vẽ cho thân này đẹp, muốn là trường cửu nên mãi khổ lụy vì nó. Có thân mà không sử dụng thân đúng mục đích hóa ra uổng phí một đời người.

Ông bạn già đi xuyên Việt hai chuyến vì người khác, rồi tâm nguyện xả thân này cho khoa học sau khi qua đời cũng là vì mọi người. Người bạn nữ trong cơ quan hiến máu nhân đạo rồi hiến xác cho y tế cũng nhẹ như không. Họ có khác nhau về tuổi tác, vóc hình, giới tính nhưng sao lúc này tôi thấy họ hiện thân của vẻ đẹp tinh khiết, vẻ đẹp của sự cho đi, cho chân thật, không bận tâm, không ngẫm ngợi. Họ an nhiên xiết bao. Cũng như những nhánh huệ cứ thầm hiến hương và tâm trong veo ấy mỗi ngày bên bàn thờ Phật vậy! Nó tan chảy đến hết đời thì ra đi nhẹ nhàng…

 

Bụt ơi!

 

Bé đang đọc truyện cổ tích và thích thú đọc to câu: Bụt bỗng xuất hiện với cây phất trần, râu tóc bạc phơ, gương mặt phúc hậu và nói: “Vì sao con khóc? Con có điều gì cần ta giúp đỡ?”. Mẹ bé đang thêu tranh gần đó nhoẻn miệng cười khi bé đã đọc tròn vành rõ chữ. Bé chợt hỏi: “Mẹ ơi! Ông Bụt có phải là ông Tiên đó không ạ?”. “Ơ… hình như là vậy!”. “Tại sao là hình như mà không là chính xác vậy mẹ?”. “Thôi, mẹ con mình hỏi ba đi nhé!”. Ba ngồi đọc báo gần đó, nghe hết câu chuyện của mẹ và bé. Ba đã dừng trang báo từ nãy giờ. Ba nói nhẹ nhàng cùng mẹ và bé về Bụt rằng…

Hồi nhỏ, ba đọc cổ tích hay thấy có hình ảnh Bụt hiện ra như một ông tiên hiền lành thường cứu người gặp khổ nạn. Câu cửa miệng thường nhắc nhớ nhau: “Vì sao con khóc?”. Ờ, Bụt gọi, Bụt thương và Bụt từ trong mơ đi ra với những khát vọng được chia sẻ vỗ về.

Lớn hơn chút thì biết Bụt không là tiên ông, không là người râu tóc trắng như bông và có cây phất trần như trong phim cổ trang có tiên - ma. Mà Bụt là Bụt-đà, Phật-đà, Bậc giác ngộ, Giác giả, Phật. Đó là những tôn từ chỉ người đã giác ngộ, là Thầy của Trời người, mở ra cánh cửa giải thoát viễn ly sinh tử cho muôn loại chúng sanh. Vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, ở Ấn Độ, là minh chứng chân thật cho đến tận hôm nay sau gần 2.600 năm.

Đoạn, ba xoa đầu bé và nói rằng: Con cùng ba lạy Bụt đi nhé! Bụt không cho con bánh kẹo, không cứu con như ông tiên hay cô tiên có trong cổ tích nhưng Bụt đem lại sự an lành, thảnh thơi và mầu nhiệm tự trong bản thân con có được và giữ được. Nó như hơi ấm của thân thể được giữ chặt dù cho bên ngoài có mưa giông, có bão tuyết thì nó tự thân vẫn nóng ấm trải đều khắp châu thân đó con! À, rồi từ từ con sẽ hiểu thôi con ngoan ạ!

Thế rồi ba cùng con chắp tay hình búp sen mắt nhìn về tôn nhan Bụt. Bụt ngồi thảnh thơi tọa thiền tại cội bồ đề. Ngài đẹp thanh thoát. Chưa lúc nào ba thấy con mình chăm chú nhìn Bụt như vậy. Dù mỗi ngày ba đều công phu hành trì tụng kinh niệm Phật (Bụt). Bỗng bé thụp người xuống cúi lạy đấng Thế Tôn. Ba thấy đôi mắt bé rạng rỡ và bình an.

Chiều nay trong gian nhà ấy, mọi người cùng một niệm gọi Bụt (Budha - Phật) với lòng lành. Không phải họ khóc, không phải họ cầu cứu, không phải họ cần ban ơn. Họ đang gọi ông Bụt trong tâm đang bùng nhen phát khởi.

Bé chợt gọi: Bụt ơi! Bụt ơi! Bụt ơi!

Bé chợt lạy và gọi: Nam mô Bụt! Nam mô Bụt! Nam mô Bụt!

Ba và mẹ nghe như thiên nhạc đang trỗi, mưa hoa mạn thù sa đang reo đầy nhà...

Lúc này dường như mẹ nắm được một nguyên lý thiết thực. Mẹ nói với ba mà như reo: Có cầu tức sẽ có cung; có xin thì sẽ có cho; ham chuộng hướng ngoại nên quên bên trong nhà cũng có của quý; còn tâm sợ hãi nên mong cầu cứu, do đó bỏ quên mất tâm dũng, chí hùng tự khi nào.

Ba chỉ nói: Con cúi đầu lễ Phật. Ngài là bậc nhất trong những người nói về sự thật.

Bé ôm choàng qua vai ba và mẹ, sau đó bé nắm tay mẹ đặt vào tay ba rồi bé hát bài: “Cả nhà thương nhau”. Mái tóc đung đưa đung đưa trong mắt trong hồn nhiên đầy hạnh phúc. Phút giây ấy ba thấy bé cũng là Bụt, mẹ bé cũng là Bụt và tất cả đều là Bụt. Tình thương ấy tuôn trào không ngừng lặng.

Tôi nghe và thấy họ như vậy trong chiều nay mà lòng như trong veo, mát lành hơn bao giờ. Nhà hàng xóm đó thôi! Nhà hàng xóm ven đô mà họ sống an nhiên như cõi Tịnh độ giữa nhân gian này vậy. Tối đó tôi thầm học cách lạy Bụt từ con của họ. Bé có đôi mắt sáng như Bụt. Miệng bé gọi Bụt như từng đóa sen đang nở vàng rực một góc trời đầy hương tinh khiết. Và rồi Bụt. Và rồi Phật. Và rồi tôi từ từ thanh lắng lại như ly nước sôi đã để yên hàng giờ. Nó không còn gợn, không còn nóng và lắng lại những cặn lợn cợn. Tôi uống nó. Tôi uống tôi từ bài học của bé nhà bên.

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 07.4.2016

T.H.M.P

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích