Diễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích

08.07.2016

Diễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích

Kho tàng văn hóa dân gian xứ Quảng vô cùng phong phú, đã được khẳng định qua sự tồn tại và phát triển của những làn điệu dân ca, dân nhạc và các nhạc cụ cổ truyền của cư dân chung sống trên mảnh đất này. Chất trữ tình, lạc quan thể hiện qua những điệu lý, câu hò mộc mạc thô tháp song vô cùng thâm thúy. Ngoài ra, còn có các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc trưng của miền Trung như: hò khoan đối đáp, dân ca bài chòi, hát bả trạo đã xuất hiện từ lâu đời và còn lưu truyền trong cư dân đất Quảng cho đến ngày nay.

1. Các loại hình diễn xướng dân gian.

Hò khoan đối đáp

Hò khoan đối đáp đậm tính chất đặc trưng của xứ Quảng, thường diễn ra với hình thức hò đối đáp, ứng đáp. Sinh hoạt dưới dạng thức từng tốp nam nữ chia làm hai nhóm hát với nhau ở sân vườn nhà của các gia tộc, gia đình trong những ngày thời vụ gặt hái hoặc nơi đình làng trong những dịp hội hè đình đám của làng xóm, gia tộc. Sinh hoạt diễn xướng của lối hát hò khoan trước đây khá phổ biến tại vùng nông thôn và còn lan ra một số nơi thuộc ngoại thành Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đồng thời cũng có ở các tỉnh lân cận thuộc dải đất Nam Trung Bộ và xa hơn là tỉnh Quảng Bình.

Dù là hát hò khoan trong lao động trong sân nhà, trên đồng ruộng hay giữa sông nước, khi tâm tình hoặc trong sinh hoạt hằng ngày, lối hát này vẫn rất phong phú về đề tài và hấp dẫn về hình thức.

Bài chòi

Xuất xứ bài chòi là một thể loại dân ca, được hát trong trò chơi dân gian đặc trưng ở vùng Nam Trung bộ còn gọi là "chơi bài chòi”, một trong những trò chơi đặc trưng nhất đối với cộng đồng vùng đất này, xuất hiện từ khá lâu đời, phổ biến nhất là tại các vùng nông thôn khu vực Nam miền Trung vào khoảng giữa thế kỷ XX. Về sau nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thưởng thức của công chúng, diễn xướng bài chòi được phát triển thành loại hình sân khấu ca kịch bài chòi.

Phạm vi nghệ thuật Bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Hình thức và tính cách của trò chơi bài chòi được nhiều người xứ Quảng biết đến vì khá phổ biến ở Hội An và các xã nông thôn thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, song ít biết về cấu trúc nội dung, từ hình vẽ đến chữ viết và tên gọi của mỗi lá bài trong một bộ bài. Mỗi con bài đều có hình vẽ khác nhau rất bình dân dễ hiểu để vui chơi, giải trí. Mỗi con bài đều có tên và có người "hô thai" con bài đó để người tham dự trò chơi bài chòi có thể đoán ra.

Hát bả trạo

Hát bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ ở các vùng duyên hải miền Trung, từ Bình Trị Thiên đến Bình Thuận, đó là phát triển chủ yếu từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Xứ Quảng là một trong những địa phương lưu giữ “nguyên gốc” nghệ thuật hát bả trạo và được biểu diễn ở các địa phương ven biển trong lễ hội Cầu ngư (Nghinh Ông) hoặc lễ đưa tang cá Ông. Ngày nay, nghệ thuật này còn hiện diện trong nhiều hoạt động lễ hội dân gian, hoạt động du lịch... khá hấp dẫn du khách gần xa. Nội dung và ý nghĩa của hát bả trạo xứ Quảng là cầu cho đất nước bình an, mưa thuận gió hòa, cầu trời yên biển lặng, ngư dân được mùa bội thu, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của miền biển, lòng tương thân tương trợ của cư dân miền biển xứ Quảng. Bên cạnh đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của ngư dân đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những hiểm nguy trên biển. Đồng thời, cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là hò và chèo (với động tác cầm mái chèo) khác với hát chèo miền Bắc, để đưa những linh hồn phiêu bạt giữa biển cả mênh mông được về cõi vĩnh hằng.

2. Thực trạng về sinh hoạt diễn xướng dân gian xứ Quảng từ trước tới nay.

Trong bối cảnh xã hội đương đại, sự phát triển của đất nước gắn liền với xu thế hội nhập quốc tế là điều tất nhiên, việc giao lưu không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà còn diễn ra rộng rãi hơn trên lĩnh vực văn hóa. Nhiều sản phẩm văn hóa từ các quốc gia khác ngày càng xâm nhập vào đời sống xã hội của cả nước nói chung và của Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Thế nhưng, việc bảo tồn và phát huy vốn quý văn nghệ dân gian xứ Quảng, trong đó có các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, nhìn chung vẫn chưa được sâu đậm trong đời sống cộng đồng của người dân xứ Quảng, nhất là lớp trẻ, đó là một hiện thực khách quan. Trước đây hơn 10 năm, quận Thanh Khê có đội tuồng không chuyên hoạt động khá đều đặn. Song đến nay đã vắng bóng. Hiện nay tại vùng nông thôn thuộc các xã ngoại thành Đà Nẵng, chỉ còn đôi ba nhóm hát dân ca không chuyên rải rác trên một số quận huyện, chỉ có một vài phường thuộc quận Sơn Trà, một vài xã thôn ở huyện Hòa Vang có đội hát hò khoan và hát bài chòi nghiệp dư mà đa số là những người dân nghèo nàn chỉ thi thoảng tập trung cùng nhau tập luyện chương trình vào những dịp tham gia liên hoan - hội diễn nghệ thuật các cấp, một năm vài lần, hoặc tham gia các Chương trình Điểm hẹn mùa hè hằng năm tại lăng cá ông Phường Phước Mỹ, kế cận bãi biển Mỹ Khê quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Còn phần lớn thời gian họ phải bươn chải lo việc mưu sinh. Vì vậy việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật diễn xướng này, giờ đây đã thực sự trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Đối với loại hình nghệ thuật hát bả trạo, dù đã có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng hiện loại hình này có nguy cơ mai một do việc tổ chức biểu diễn chưa chuyên nghiệp, tính thẩm mỹ chưa cao, trong khi đó tại Quảng Nam có nguy cơ các kịch bản bị tùy tiện cách điệu, cải biên so với nguyên gốc, các hình thức hát múa bả trạo chưa được thống nhất giữa các địa phương. Còn tại Đà Nẵng, biên chế đội hát bả trạo của các địa phương không đồng nhất: Quận Sơn Trà có đội hò bả trạo nữ, quận Thanh Khê có đội hò bả trạo nam và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam lại có đội hò bả trạo nữ.

Tại những dịp lễ hội hoặc trong các cuộc liên hoan hội diễn nghệ thuật do ngành văn hóa, du lịch tổ chức hằng năm cũng chỉ thi thoảng giới thiệu các loại hình nghệ thuật này lên sân khấu, song vẫn chưa có một định hướng chiến lược và những giải pháp thực thi có hiệu quả cao. Nghệ thuật dân gian chỉ đúng nghĩa khi được chính người dân sáng tạo ra, họ vừa là khán giả, vừa là diễn viên và đóng vai trò chủ thể của nghệ thuật đó. Thế nhưng, trải qua một thời gian khá dài, rất nhiều chương trình nghệ thuật ở các quận huyện, thành phố đã được các đạo diễn, biên đạo chuyên nghiệp dàn dựng theo ý thích của mình mà không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo tồn vốn quý âm nhạc dân gian, chẳng hạn Hò khoan thường gắn với môi trường, không gian diễn xướng, và chức năng thực hành xã hội của từng thể loại, song đôi khi trong quá trình dàn dựng các điệu hò bị áp đặt một cách thô thiển làm lai tạp và biến thái các giá trị truyền thống .

Nguyên nhân khách quan:

Sau khi chia tách, Đà Nẵng trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương, Nhà hát Tuồng được giữ lại địa bàn thành phố Đà Nẵng, Đoàn dân ca kịch bài chòi thuộc tỉnh Quảng Nam, sự phân chia này vô tình đẩy loại hình âm nhạc dân gian bài chòi về phía Quảng Nam. Ở Đà Nẵng ca nhạc bài chòi trong một thời gian dài chỉ còn vang vọng trên đất Hòa Vang với Câu lạc bộ Sông Yên. Ở Quảng Nam loại hình này được nuôi dưỡng tại đô thị cổ Hội An với các đội văn nghệ nghiệp dư, song biểu diễn còn đều đặn hơn cả Đoàn dân ca kịch chuyên nghiệp cấp tỉnh, phục vụ du khách là chủ yếu. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhiều người cho rằng những loại hình nghệ thuật truyền thống không còn phù hợp với tiến trình đổi mới của Đà Nẵng, hơn nữa xu thế hội nhập diễn ra rất mạnh mẽ, sự du nhập những sản phẩm văn hóa từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung, Đà Nẵng - Quảng Nam nói riêng ngày càng ồ ạt, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Những băng, đĩa, tranh ảnh, sách, kinh, mạng internet... xâm nhập vào đời sống hằng ngày trên phạm vi cả nước, mặc dù có kiểm duyệt, song trong thực tế vẫn có những lĩnh vực còn bị bỏ ngỏ, chưa thể kiểm soát hết theo con đường nhập lậu, vì thế đã tác hại không ít đến lứa tuổi thanh thiếu niên, từ đó dẫn đến một số lối sống, tập quán truyền thống bị thay đổi cả trong ứng xử, quan hệ xã hội, quan điểm thẩm mỹ.

Trước tình hình này, nếu không kịp thời chấn chỉnh, Quảng Nam - Đà Nẵng đứng trước nguy cơ lan rộng lối sống hiện sinh, thực dụng. Những di sản văn hóa truyền thống, trong đó có loại hình diễn xướng hò khoan, hò bả trạo, hát bài chòi đang dần phai nhạt trước sự thờ ơ, quên lãng của một bộ phận cộng đồng, chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn là kho tàng văn nghệ dân gian vùng đất này đang dần dần hao mòn, biến mất theo những nghệ nhân cao niên, sắp từ giã cuộc đời, trong khi vốn liếng kinh nghiệm quý báu của họ chưa kịp lưu truyền lại cho con cháu đời sau. Các nghệ nhân tài năng hiện nay phần lớn đã tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, trong khi nhiều năm qua việc xét tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hoạt động nghiệp dư, khi làm thủ tục lại quá khó khăn, nhiêu khê nên không động viên được các nghệ nhân này. Mãi đến đầu năm 2016, cả Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ mới có 5 diễn viên không chuyên được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó, việc truyền thông quảng bá giới thiệu các loại hình nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu này của đất Quảng chưa được chú trọng. Do đó người dân và du khách trong nước và quốc tế thi thoảng mới biết đến loại hình nghệ thuật này.

Từ những thực trạng trên cho thấy, trong bối cảnh xã hội đương đại, sự phát triển của đất nước gắn liền với xu thế hội nhập quốc tế là điều tất nhiên, việc giao lưu không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà còn diễn ra rộng rãi hơn trên lĩnh vực văn hóa. Nhiều sản phẩm văn hóa từ các quốc gia khác ngày càng xâm nhập vào đời sống xã hội của cả nước nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Ông Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB bài chòi sông Yên - huyện Hòa Vang cho biết, hiện các thành viên trong CLB xuất thân từ những ngành nghề khác nhau, còn hát bài chòi chỉ là nghề tay trái. “Thế nhưng, anh chị em rất mê hát, mong có người mời thì đi diễn ngay, thi thoảng biểu diễn tại các lễ hội của thành phố, các nhà thờ tộc... Để thỏa lòng đam mê và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, đội cũng thường biểu diễn ở các xã, thôn. Đến đâu cũng được bà con hưởng ứng. Nhưng đội mong có “đất” biểu diễn ở trung tâm thành phố nhiều hơn để người dân và du khách biết đến loại hình nghệ thuật này”. Giữa năm 2015, Công ty Bảo Nguyên Food Đà Nẵng tổ chức hát dân ca bài chòi phục vụ khách, song chỉ 6 tháng sau, hoạt động này cũng chấm dứt vì thu không đủ chi.

Trong khi đó, Trung tâm Quản lý di sản thành phố Đà Nẵng cho biết Bộ VHTTDL đã đề nghị 11 tỉnh, thành phố miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không bao gồm Tây Nguyên), xây dựng hồ sơ quốc gia về nghệ thuật bài chòi dân gian để trình cho UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Tại Đà Nẵng, công tác kiểm kê di sản nghệ thuật bài chòi hiện đang được thực hiện. Hiện nay tỉnh Bình Định đại diện cho các tỉnh Nam Trung Bộ đã hoàn thành hồ sơ đệ trình UNESCO. Nếu bài chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì loại hình nghệ thuật này sẽ được tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản và có các kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi.

Nguyên nhân chủ quan:

Trong nhiều năm qua, nguồn kinh phí cho các hoạt động văn hóa dân gian quá ít ỏi, có một số địa phương, ban ngành liên quan cho rằng đầu tư kinh phí cho văn hóa là tốn kém và hiệu quả không thiết thực bằng đầu tư cho phát triển kinh tế. Phải chăng họ chưa nhận thức sâu sắc được vai trò và vị trí của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chưa thấu triệt quan điểm của Đảng là xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế- xã hội. Âm nhạc dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội người dân Đà Nẵng, nó cũng chính là hồn của dân tộc, là sức sống của một dân tộc.

3. Các giải pháp, bảo tồn hoạt động diễn xướng dân gian trong bối cảnh hội nhập văn hóa.

Giải pháp trước mắt:

Cần phải tiến hành ngay một cuộc tổng kiểm kê toàn bộ di sản âm nhạc ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở này, chúng ta sẽ có được những đánh giá khách quan về toàn bộ vốn âm nhạc dân gian ở đây. Tiếp sau đó sẽ hoạch định các giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật âm nhạc dân gian xứ Quảng trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Có một nguyên lý vô cùng quan trọng là bất kỳ một giá trị văn hóa dân gian nào muốn tồn tại và phát triển thì bản thân nó phải sống được ngay trong môi trường đã sản sinh ra nó. Cùng với cả nước, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang diễn ra thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề giao lưu, hội nhập văn hóa diễn ra như một tất yếu của lịch sử. Chúng ta phải xác định tiêu chí hòa nhập văn hóa chứ không để hòa tan văn hóa. Muốn các giá trị văn hóa đậm bản sắc văn hóa truyền thống không bị hòa tan và biến mất thì làm thế nào để các giá trị ấy thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa hiện nay. Sự thích nghi của nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng không ngoài quy luật vận động và dòng chảy văn hóa dân gian theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng.

Trước mắt cần nhanh chóng sưu tầm các làn điệu dân ca ở những nghệ nhân cao tuổi, thu băng, ghi chép, ghi hình như hình thức sưu tầm sử thi Tây Nguyên. Bên cạnh đó cần dựng lại nguyên gốc sinh hoạt âm nhạc dân gian trên toàn vùng đất Quảng để ghi hình và lưu giữ, nếu chỉ chậm năm năm nữa, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở nước ta, chắc khó giữ được diện mạo cũ để phục dựng.

Trong khi tiến hành một số giải pháp bảo tồn và phát huy trước mắt, chúng ta phải song song thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian trong kế hoạch lâu dài vì thế công tác chỉ đạo, quản lý phải đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp và các ngành liên quan.

Giải pháp lâu dài:

Sau khi trang bị những nhận thức đúng đắn về các vấn đề trên, có thể triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian bằng các giải pháp cụ thể sau:

- Phổ biến sâu rộng trong nhân dân và cán bộ trên phạm vi toàn thành phố những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian.

- Mở các lớp tập huấn về công tác sưu tầm các thể loại âm nhạc dân gian, đồng thời xúc tiến kế hoạch đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này.

- Các trường học thuộc ngành Văn hóa - Nghệ thuật nên mở các lớp dạy hát dân ca, trong đó chú trọng dân ca địa phương có thời lượng nhiều hơn. Cần thiết đưa bộ môn âm nhạc dân gian vào trong chương trình chính khóa.

- Ngành Văn hóa và ngành Phát thanh Truyền hình nên phát huy chức năng của mình để tuyên tuyền, phổ biến sâu rộng vốn âm nhạc dân gian địa phương, khu vực với thời lượng ưu tiên hơn một số loại hình nghệ thuật hiện đại và được phát sóng định kỳ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận dễ dàng và thường xuyên hơn với âm nhạc dân tộc, đồng thời khơi dậy lòng tự hào về văn hóa truyền thống của vùng đất mình đang sinh sống. Ngành Văn hóa nên có những ấn phẩm về âm nhạc dân gian phát hành rộng rãi trong công chúng, nhất là tầng lớp thanh niên, để họ làm quen dần với các thể loại âm nhạc truyền thống của Xứ Quảng.

- Tiến hành tổ chức định kỳ các liên hoan hội diễn nghệ thuật dân gian từ cấp xã, phường đến cấp quận, cấp thành phố. Các nhà hoạt động văn hóa nên hướng dẫn để tránh sự dàn dựng áp đặt làm biến dạng các giá trị văn hóa trong âm nhạc chính thống.

- Hằng năm thành phố Đà Nẵng nên phát động những cuộc sáng tác ca khúc, có sử dụng và phát triển chất liệu âm nhạc dân gian đặc trưng của địa phương.

Những kiến nghị và đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả khai thác loại hình nghệ thuật diễn xướng xứ Quảng hiện nay.

Nhà nước cần có chính sách tài trợ, đãi ngộ cho hoạt động truyền dạy nghệ thuật diễn xướng âm nhạc dân gian, coi trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở có trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của xã hội, địa phương.

Chúng ta thấy rằng du lịch văn hóa ngày càng phát triển trên khắp thế giới, một khi đã nắm bắt được xu thế nhu cầu du lịch sinh thái, ngành văn hóa có thể kết hợp với ngành du lịch giới thiệu các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian xứ Quảng với du khách trong và ngoài nước. Các địa phương nên tập hợp lực lượng diễn viên không chuyên tập luyện các tiết mục hát dân ca trên sông nước Hàn Giang, Trường Giang để phục vụ du khách. Thiết nghĩ rằng ở các làng quê, thuộc huyện Hòa Vang hoặc các phường ngoại thành của quận Cẩm Lệ, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng và các huyện thị Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành, Điện Bàn tỉnh Quảng Nam,nếu được các cấp, các ngành liên quan đầu tư hỗ trợ thì các đội nghệ thuật địa phương có thể tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật dân gian, chắc chắn các đội nghệ thuật sẽ tạo được nguồn lợi kinh tế như các nhóm hát ca Huế trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế, các nhóm hát Quan họ ở Bắc Ninh, từ đó có thể bảo đảm cho đời sống nghệ nhân và diễn viên để họ yên tâm hoạt động nghệ thuật. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian ngay trong chính cộng đồng cư dân đất Quảng.Thay vì nêu ra những cảnh báo chung chung về các nguy cơ, chúng ta cần chủ động phát huy các giá trị di sản văn hóa lôi kéo nhiều hơn nữa công chúng trẻ tuổi đến với sinh hoạt âm nhạc dân gian, chủ động chọn hình thức dễ bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa trong cơ chế thị trường, tranh thủ các ưu thế của thị trường để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Không chỉ ngành văn hóa mà cả giới khoa học, nghiên cứu cũng như các nhà hoạt động văn hóa không chuyên đều trăn trở khi nhận thấy rằng việc vận dụng và tìm ra giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian là một bài toán khó trước đời sống xã hội đương đại. Tuy nhiên, trước hiện trạng nghệ thuật âm nhạc dân gian xứ Quảng đang dần dần mai một, lương tâm chúng ta không thể làm ngơ, phó thác cho xã hội. Mặc dù đây chỉ là giải pháp ban đầu, song chúng ta tin tưởng rằng, nếu được triển khai thực hiện, chắc chắn nó sẽ đem lại những kết quả và lợi ích nhất định đối với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.

Vấn đề quan trọng của việc bảo tồn là phải làm cho nghệ thuật dân gian sống được trong đời sống cộng đồng chứ không chỉ là tồn tại cứng nhắc trong các bảo tàng. Để diễn xướng dân gian xứ Quảng không phải tiếp tục chờ kế hoạch bảo tồn - phát triển, trong khi các đường cao tốc ngày càng tiến sát vào các làng quê vốn xinh đẹp hiền hòa của xứ Quảng.

V.T.B

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích