Thơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy Khuyến

09.01.2017

Thơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy Khuyến

Vua Minh Mạng nổi tiếng hay thơ, sinh thời vua đã làm nhiều bài thơ được tập hợp và in trong Ngự chế thi. Số lượng đến cả ngàn bài, trong số đó nhiều bài đã được khắc trên các di tích ở Huế như điện Thái Hòa, Đại Cung môn, Ngọ Môn, lăng Minh Mạng...

Mặc dù chính sự bận rộn, nhưng vua vẫn giành thời gian rỗi để làm thơ, viết văn. Chính vua Minh mạng đã từng bộc bạch về quan điểm sáng tác của mình. Thơ trẫm làm không cần khéo léo, chỉ luôn miệng ngâm ra để nói chí mình thôi. Những bài ban cho ấy đều nói về việc kính trời lo dân, mong tạnh cầu mưa, để các khanh biết ý trẫm, không phải vụ lời văn hoa mà đua hay với văn sĩ đâu.

Dù chỉ là sáng tác trong khoảng 16 năm từ năm Đinh Hợi đến năm Canh Tý (1827 - 1841), nhưng toàn ngự thi là một thi tập đồ sộ. Khác với những thi tập khác của các nhà thơ mà ta được đọc trước đây, những bài thơ sáng tác đủ đề tài và ghi tháng năm sáng tác rõ ràng. Gần như một cuốn thực lục, vì những bài thơ còn được ghi chú rõ ràng, hoặc nêu lên lý do, hoặc để nhắc lại việc cũ, hoặc giải thích... Từ đó không những giúp chúng ta hiểu kỹ bài thơ hơn, mà qua đó có thể biết được hoàn cảnh, sự kiện vào lúc đương thời, hoặc tâm tư của người viết, những phần này thường không được ghi trong sử sách. Nhưng đó là những sự kiện chính xác, dưới nhận xét cùng đánh giá của người cầm quyền, nhờ đó ta khỏi ngộ nhận bởi những phán đoán nặng phần tưởng tượng cùng thêu dệt và võ đoán của bậc hậu thế.

Khi bề tôi dâng biểu cảm tạ vì được vua Minh Mạng ban thơ ngự chế, nhà vua đã dụ các bề tôi rằng: Vua dụ rằng: “Thơ trẫm làm không cần khéo léo, chỉ luôn miệng ngâm ra để nói chí mình thôi. Những bài ban cho ấy đều nói về việc kính trời lo dân, mong tạnh cầu mưa, để các khanh biết ý trẫm, không phải vụ lời văn hoa mà đua hay với văn sĩ đâu. Các khanh đã tạ trước mặt ta là đủ rồi, cần gì làm biểu, chỉ thêm văn sức. Nếu ngẫm nghĩ những bài thơ ấy mà biết trẫm khó nhọc, thì nên cảm động mà thi thố mưu mô để giúp trẫm những việc không nghĩ đến, cho chính sự tốt đẹp, trong ngoài yên vui, thế là trẫm cho thơ mới không phải là vô ích, thì trẫm vui mừng biết là nhường nào. Nếu chỉ trang sức hư văn thì sợ văn võ trên dưới sẽ chơi đùa trễ nải, không bắt chước được thói Đường Ngu nối hát vui mừng thì cũng vô ích, trẫm chẳng khen đâu. Tự sau có thơ văn gì, không phải trần tạ nữa”.

Theo chúng tôi, vua Minh Mạng không đặt nặng vấn đề thơ văn phải trau chuốt, hoa mỹ, công phu. Hơn nữa vua lại không tỏ ý tranh hay, tranh giỏi với các văn sĩ đương thời. Mặc dù vậy, đọc thơ vua  chúng ta cảm nhận được thơ tuy không đóng vai trò quan trọng như việc quốc gia đại sự, song nó lại đúng và phù hợp với quan điểm làm thơ của Minh Mạng. Ông cho rằng các văn bản hành chính thì có thể do từ thần soạn thay vua, nhưng thơ văn vốn có gốc ở tâm, phát ra ở chí, nếu để người khác thay thế mình thì đâu còn là chí của mình. Do đó, đọc thơ ông thấy giản dị, dễ hiểu, ít điển tích điển cố. Nhận xét về thơ của mình, vua Minh Mạng đã hỏi  Phan Bá Đạt rằng: “Thơ của trẫm so với thơ vua Lê Thánh Tông thế nào ?”. Đạt tâu: “Thơ vua Thánh Tông phần nhiều chỉ cốt điêu luyện ; còn như thơ của thánh thượng làm, thì lấy ngay tình cảnh mà tả ra, cốt để phát minh đạo trị nước, lời lẽ thể cách lại thấy hùng hồn”. Vua nói: “Vua tôi rỗi rãi, cùng nhau làm thơ không những để cùng mua vui, mà có khi cũng để ngụ ý khuyên răn nữa, chứ chẳng phải lấy thơ để làm khí cụ chính trị đâu”.

Trong hơn 3000 bài thơ mà vua Minh Mạng sáng tác, chúng tôi thống kê và lựa chọn được 4 bài thơ có liên quan đến năm Dậu, đó là những bài thơ tết Nguyên đán năm Đinh Dậu, hay tiết lập xuân năm Đinh Dậu viết thơ chúc mừng... Tất cả hiện lên trong thơ của vua thật sống động.

Không những hình ảnh con gà có trong thơ ngự chế mà ngay cả trên Cửu đỉnh (biểu tượng trường tồn của triều Nguyễn), hình ảnh con gà cũng được vua Minh Mạng cho khắc với dáng đứng oai hùng. Điều đó chứng tỏ, vua Minh Mạng rất coi trọng loài gia cầm này, xem nó là biểu tượng của đất nước nông nghiệp.

Nhân dịp năm Đinh Dậu, chúng tôi xin giới thiệu bốn bài thơ được tuyển tập trong ngự chế thi của vua.

Nguyên văn chữ Hán:

 

 

Thiếp chúc mừng tiết lập xuân năm Đinh Dậu (ba bài)

Ngàn lần gặp được đất nước mở mang phát triển, Năm Dậu nuôi dưỡng muôn vật.

Nền văn giáo được chấn hưng binh đao chấm dứt, Lại được rượu uống say trong cảnh đất nước thái bình.

Xuân đến phúc lớn được ban đến tám cõi, Thích hợp để bỏ năm cũ khắp nơi đón năm mới.

Dự báo trộm cướp ngừng lại dân chúng yên vui, Nhờ trời cao phù giúp khắp nơi đều hưởng phúc hưởng thọ.

Sắc xanh tô điểm khắp đường lối trong cung, Âm vận vui vẻ nhạc tấu sáu vần hòa hợp.

Đường hẹp hoa chào dập dìu bươm bướm bay, Xuân đến muôn vật đều biết đến cái đẹp.                                                                               (Ngự chế thi tứ tập, quyển 10)

Qua ba bài thơ trên, có thể nhận thấy tâm trạng của nhà vua khi đất nước được mở mang phát triển, giáo hóa được chấn hưng, cơ đồ được thái bình. Bên cạnh đó là tâm trạng đón năm mới hào hứng khắp nơi, dân chúng yên vui.

 

Ngày đầu năm tết Đinh Dậu

Gió thuận năm được mùa, Ánh sáng tốt lành chiếu rọi ngày đầu năm mới.

Đất nước thái bình muôn dân vui vẻ, Nắng ấm thuận hòa muôn vật như mới.

Rủ  áo chăm sóc bách tính, Trang nghiêm đối đãi quần thần.

Hòa mục chức vua thầy, Tài giỏi thay có người phụ tá thân cận.

Mũ áo chỉnh tề đông đúc, Đao kiếm ngọc bội ngay ngắn rực rỡ.

Tích đức hạnh để phụng sự từ mẫu, Thi ân tuân theo phép của trời.

Xa gần được mở mang ân trạch,Trong ngoài cùng vui xuân.

Lại mong trời cao nuôi dưỡng, Để năm nào cũng được ban sự giúp đỡ đều đều.

Nếu như ở ba bài thơ trên là tâm trạng của vua Minh Mạng trong ngày năm mới, thì ở bài thơ này, với mong muốn hằng năm đều được mùa, mưa thuận gió hòa, bách tính yên vui. Nơi triều chính có người giỏi phụ tá, vua tôi hòa mục, noi theo phép trời, ban ân huệ khắp nơi để cho mọi người cùng vui đón mùa xuân. Bên cạnh đó là những vần thơ ca ngợi cảnh xuân tươi đẹp, sắc đẹp của loài hoa qua cảm nhận của một vị hoàng đế rung động trước cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp. Sự rung động tâm hồn trước khóm hoa đẹp.

Sắc xanh tô điểm khắp đường lối trong cung, Âm vận vui vẻ nhạc tấu sáu vần

hòa hợp.

Đường hẹp hoa chào bươm bướm bay, Xuân đến mới biết hết cái đẹp của

muôn vật.

(Đinh Dậu lập xuân thiếp tử)

Mặc dù người xưa nói “thi ngôn chí” nhưng có lẽ đối với vua Minh Mạng thơ chính là để răn mình, thơ là để kính trời, ái dân, xem việc tạnh, đoán việc mưa, xem xét khắp nơi để hiểu tình hình đất nước, đó cũng là quan điểm làm thơ xuyên suốt trong thi tập của hoàng đế Minh Mạng.

Không chỉ làm thơ để ngâm vịnh lúc nhàn rỗi như nhiều văn sĩ đương thời, vua Minh Mạng còn mang trên mình gánh nặng của đất nước nhân dân.  Những tâm tư, tình cảm của vua đối với cuộc sống của bách tính, là sự vui mừng khi nền giáo dục được chấn hưng, đất nước không có trộm cướp, nhân dân yên ổn làm ăn.

Đất nước thái bình muôn dân vui vẻ, Nắng ấm thuận hòa muôn vật như mới.

(Đinh Dậu Nguyên đán)

Câu thơ dưới đây lại mang tâm trạng vui mừng, thể hiện niềm đau đáu lo cho dân cho nước. Niềm vui đến khi đất nước thái bình, muôn dân vui vẻ, giáo hóa muôn nơi.

Nền văn giáo được chấn hưng, binh đao chấm dứt,

Lại được rượu uống say trong cảnh đất nước thái bình.

 

Dự báo trộm cướp ngừng lại dân chúng yên vui,

Nhờ trời cao phù giúp khắp nơi đều hưởng phúc hưởng thọ.

(Đinh Dậu lập xuân thiếp tử)

Nền thái bình của đất nước bắt nguồn từ trong dân, khi cuộc sống người dân no đủ, thì trộm cướp cũng theo đó không còn. Có được điều đó, ngoài những nỗ lực của bản thân nhà vua, cộng với sự giúp sức của văn võ bá quan thì trời cao luôn luôn được vua nhắc đến. Đó là sự biết ơn của đấng tối cao ban mưa thuận gió hòa, không giáng thiên tai dịch họa giúp bách tính mùa màng bội thu.

Mùa xuân là mùa của những thi hứng bất tận của biết bao tao nhân mặc khách, vua Minh Mạng cũng không ngoại lệ. Chứng kiến sự đổi thay của muôn vật, sự vui hòa của bách tính trong lòng vua cảm xúc dâng trào. Thi hứng cũng theo đó mà tuôn chảy theo dòng thời gian. Đọc thơ ngự chế của vua Minh Mạng, người đọc cảm nhận được nỗi lòng của người đứng đầu nhà nước đối với thiên nhiên xung quanh, với công việc triều chính, hay với những lo lắng bộn bề được thể hiện trong những vần thơ.

Theo lời chú thích của nhà vua trong bài Đinh Dậu nguyên đán: “Ngày đầu năm mới mà có nắng đẹp, gió bấc, năm ấy sẽ rất tốt, lại tạnh ráo ôn hòa, giúp muôn vật sinh nở. Đó là điềm lành bậc nhất vậy”.

Đó cũng là mong muốn của biết bao người khi tết đến xuân về, tống cựu nghênh tân, đọc thơ xưa để lòng được yên tĩnh, để cảm nhận quá khứ với hiện tại và để không phụ những tấm lòng đã gửi vào thiên cổ.

N.H.K 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh