Không phải tại con tàu - Vân Hạ

09.01.2017

Không phải tại con tàu - Vân Hạ

Người đi đang đứng trong dòng người chuẩn bị qua cửa soát vé, hai tay xách hai túi hành lý vé kẹp sẵn trên tay, thì thấy người tiễn hớt hải đi vào nhớn nhác ngó tìm. Nhìn thấy người đi, người tiễn vội lách đám đông hướng tới. “Đề nghị mua vé đưa tiễn!” - nhân viên bán vé nhắc. Người tiễn miễn cưỡng đi lại bàn bán vé mở ví tìm tiền lẻ. Có lẽ vì không đủ kiên nhẫn nên người tiễn rút đại một tờ tiền to đưa ra cho mau. Nhưng không mau được. Thời gian đứng chờ người bán vé đếm tiền lẻ trả lại có khi còn lâu hơn thời gian lục tìm. Đành nhấp nhổm quơ luôn cả mớ tiền thừa nhét vào ví không cần đếm. Xong người tiễn đến bên người đi cúi xuống xách đỡ một chiếc cặp, vừa nói:

- May quá. Em cứ tưởng tàu chạy rồi.

- Tàu chậm một tiếng - Người đi đáp - Cứ tưởng em không ra nên anh đang nghĩ vậy là không gặp được em.

Họ qua khỏi cửa soát vé, rối rít tìm số toa. Toa 10, đây rồi đây rồi. Tiếng loa vang to: “Xin quý khách lưu ý tàu chỉ dừng năm phút, đề nghị người đưa tiễn không lên tàu”.

- Anh lên đi nhanh lên - Người tiễn giục.

- Em đừng lên, không kịp đâu - Người đi chần chừ.

- Cứ mặc em.

Người tiễn nói và leo lên trước. Họ đã tìm được ghế ngồi. Người đi lại giục:

- Em xuống đi không tàu chạy.

- Còn một phút nữa - Người tiễn nói - Khi nào nghe còi thổi xuống vẫn kịp. Anh xếp đồ lên đi. Có bánh mì thịt hộp nước uống trái cây trong này. Anh nhớ giữ sức khỏe. Về đến nơi gọi ngay cho em bất cứ giờ nào, nhớ chưa.

Người đi khẽ vén mớ tóc mái bết mồ hôi trên trán người tiễn, nói:

- Đừng lo cho anh. Em ăn cơm chưa?

- Chưa. Em vừa từ chỗ làm về đến thẳng đây.

- Em cũng phải giữ sức khỏe. Chút nữa về đi đường cẩn thận, đang giờ cao điểm. À, lúc nãy tưởng em không tới anh có ra bưu điện ga gửi lại em chút quà kỷ niệm, chắc vài ngày nữa em sẽ nhận được, không biết em có thích không. Có thể tháng tám anh trở lại. Khi ấy chắc sẽ thư thả hơn. Nhớ thỉnh thoảng...

Cứ vậy họ dặn dò hứa hẹn nắm tay ôm vai xong cả rồi mà tàu vẫn chưa chạy. Một phút rồi hai, ba, năm, bảy... mười mấy phút trôi qua. “A lô. Nhà ga xin thông báo - Tiếng loa ngập ngừng như mắc lỗi - Vì sự cố đột xuất đoàn tàu phải để lại một toa nên chưa thể khởi hành đúng theo lịch trình được. Kính mong quý khách thông cảm”. Bỗng nhiên cả hai cùng thấy không còn gì để nói để làm nữa. Người tiễn ngồi xuống ghế cho đỡ mỏi, đưa mắt quan sát khắp toa tàu như thầm ước lượng hành khách chuyến này đông hay thưa, có thừa nhiều ghế trống không. Người đi đứng tựa vào thành ghế đưa mắt qua cửa sổ nhìn xuống sân ga như không nhìn gì, rõ là trong đầu đang nghĩ về một nơi nào đó  khác.

Một người đẩy xe hàng rong đi đến. Hai cậu Tây trẻ như sinh viên ngồi ở dãy ghế bên kia chặn lại. Cậu Tây cầm lên một cái bánh mì ngọt, người bán giơ lên 5 ngón tay ra giá: 5 ngàn. Cậu Tây giơ 2 ngón tay thẳng và 1 ngón cụp trả: 2 ngàn rưỡi. Người bán lắc đầu. Cậu Tây bỏ cái bánh xuống chỉ vào rổ trứng luộc. Lại ra giá trả giá lại lắc đầu. Cứ vậy hết món này đến món khác cứ cầm lên lại bỏ xuống, vì giá bán trên tàu tất nhiên không giống giá bán ở chợ hay các cửa hiệu. Cuối cùng hai cậu Tây không mua được gì. Người bán hàng vừa đi khỏi hai cậu liền lôi trong ba lô ra một bị bắp luộc thủ sẵn từ hồi nào, chia nhau mỗi người một cái nhồm nhoàm gặm. Người tiễn nhìn người đi, cả hai cùng cười. Người tiễn nói: “Tây ba lô khôn quá. Bắp luộc vừa rẻ vừa ngon vừa chắc bụng. Kể ra đi đường...”.

- Đoàn tàu đã được lệnh chuyển bánh - Tiếng loa đột ngột vang to - Hành khách nào còn đứng dưới sân ga xin khẩn trương lên tàu...

Hai người giật mình như bừng tỉnh. Người tiễn vội đứng bật lên. Người đi nói:

- Thôi em về đi.

- Dạ, em về. Thôi anh đi...

Họ lại nhìn nhau, tay lại nắm tay như không muốn rời. Không khí trên tàu khẩn trương chộn rộn hẳn lên, ai nấy vội tìm về đúng chỗ của mình. Những người còn dưới sân ga cũng đang ồn ã kéo lên. Người tiễn lách ngược dòng người đi ra phía cửa toa một cách vất vả và vội vã như sợ không kịp. Người đi liếc nhìn đám hành lý trên giá, do dự một thoáng rồi quả quyết bỏ chúng đấy chạy theo người tiễn để tiễn ngược người trở về. Xuống hết mấy bậc lên xuống của tàu người tiễn ngoái lại ngăn người đi: “Anh đừng xuống nữa” rồi nhảy xuống. Người đi đứng lại ở bậc lên xuống cuối cùng. Con tàu bất chợt rùng mình lăn bánh, các toa va vào nhau xoảng xoảng làm người đi loạng choạng bám vội vào cột sắt vịn,  vẫn cố nhoài người chìa tay kia xuống với lấy tay người tiễn lần cuối. Người tiễn cũng bước vội theo mấy bước để nắm lấy tay người đi.

- Em về đi - Người đi nói nhanh.

Người tiễn mắt chớp chớp:

- Anh đi...   

Nhưng con tàu đã lại đứng im. Sau cú khởi động giả nó lại đứng im, đứng ì ra đấy một đống thù lù. Đèn trên đầu nó nháy nháy. Nó lại vẫn chưa chạy. Hai bàn tay đang nắm chặt bỗng trở nên lúng túng. Nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ thật bất tiện vì người trên tàu phải nghiêng người xuống còn người dưới sân phải với lên. Đã vậy họ còn liên tục phải né người tránh lối cho những hành khách còn la cà dưới sân ga đang cuống quýt trèo lên. Thế là họ đành rời tay nhau ra. Người đi vẫn đứng nguyên tại bậc lên xuống cuối cùng, tiến thoái lưỡng nan. Định đi theo để tiễn ngược người tiễn, giờ tàu chưa chạy, người tiễn chưa về chẳng lẽ lại bỏ vào trước. Người đi hơi nghiêng đầu nghe ngóng phía trong chắc sốt ruột không biết lũ hành lý vô chủ thế nào rồi. Người tiễn vẫn đứng ngay dưới bậc lên xuống liếc đồng hồ tay. Họ lại không còn gì để nói nữa.

Cuối cùng một hồi còi cũng đã rúc lên (còi hiệu lệnh thổi bằng miệng của nhà ga chứ chưa phải còi tàu). Nhân viên phụ trách toa đã xách đèn trở lại. Người đi né người lấy lối cho ông ta bước lên. Rồi còi tàu cũng be lên một hồi dài. Dù vậy người ta vẫn không dám chắc lần này nó đã chạy thật hay chưa, nếu chưa thì còn bao lâu nữa. Không biết nghĩ thế nào, người đi quyết định  giải thoát cho cả hai, bèn chủ động nói:

- Em về đi.

- Dạ - Người tiễn nói - Vậy em về nhé. Anh vào trong coi hành lý đi.

Đúng lúc cả hai người vừa định quay đi thì con tàu không nói không rằng lừ lừ lăn bánh. Lần này nó chạy thật. Người đi vội giơ tay lên chào tạm biệt, nhưng mới đưa lên nửa chừng những ngón tay đã cụp xuống co lại. Người tiễn bất giác lùi lại, hơi sững một thoáng rồi giơ tay lên vẫy, nhưng cũng chỉ như một cử chỉ đưa tay lên rồi hạ xuống.

 Con tàu cứ thản nhiên kéo dài khoảng cách. Nó cũng không biết chắc tháng tám nó còn được mang người đi trở lại nữa không. Nó là một con tàu vui tính, nó chỉ biết nó không có lỗi. Không ai có lỗi cả. Trời chỉ xúi nó cho họ cơ hội nhìn lại một cái gì đã sẵn có đó mà thôi.

V.H 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh