Người tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung Sáng

09.01.2017

Người tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung Sáng

Những năm đầu thập niên 60, khi vào khoảng 6-7 tuổi, lần đầu tiên tôi biết đến thế giới nhộn nhịp của một Hội chợ chào đón mùa xuân. Nơi ấy  là một khu đất rộng lớn thường ngày bỏ trống giữa thành phố, một bên nối liền với Khu giải trí thường dành cho những sân khấu cải lương bình dân và một bên nối một đoạn đường ngắn được vây chắn bởi những vách tường đầy sắc màu sặc sỡ.

Sau khi mua vé vào cửa, ba tôi dẫn tôi ngang qua rất nhiều gian nhà bạt tụ tập đông đúc người tham gia thi thố những trò chơi vui nhộn. Phía trung tâm Hội chợ, một chú hề với bộ trang phục ngộ nghĩnh cầm mi-cờ-rô cười nói huyên thuyên. Dường như chú hề điều khiển cả trò chơi lô tô trúng thưởng, nên ở đây thỉnh thoảng rộ lên những tiếng hò hét, cười nói mừng vui... Tôi cũng rất ấn tượng khi nhìn thấy một người lái mô tô chạy trên một sợi dây lơ lửng giữa không trung nhả khói đen ngòm. Hoặc khi bước vào một ô cửa để ngang qua một nơi có tên là “9 tầng địa ngục”, nơi đây, dường như lối đi vận hành lắp đặt theo kiểu thang cuốn hiện nay, nên người khách cứ đứng yên mà vẫn được dẫn ngang qua những cảnh tượng rùng rợn bằng mô hình bọn quỷ sứ, đầu trâu mặt ngựa đang xử tội những đứa con bất hiếu, những tên giết người cướp của, những kẻ độc ác, gây ra lắm tội lỗi khi còn ở thế gian... Xong hết mấy phần này, thì tôi bắt đầu cảm thấy thật sự mỏi chân, căng thẳng, mất hứng thú, cứ nằng nặc đòi ba dẫn về. Ba tôi bảo: “Ráng chút nữa đi, coi cho hết kẻo uổng tiền”.

Đột nhiên, chừng một đỗi, ba tôi dừng lại trước một nhà bạt nhỏ nói: “Coi kìa. Một người tí hon. Con đã thấy bao giờ chưa?”. Tôi sững sờ giương mắt nhìn vào bên trong, một sinh vật nhỏ bé y hệt một con người đi qua đi lại trên chiếc bàn vuông, bốn phía giăng dây giống như một sàn đấu võ đài mi-ni. Anh ta cao hơn chiếc chai coca-cola một tí. Tôi không nghĩ anh là một người lùn. Bởi trông anh thật mảnh khảnh, nếu không muốn nói là hơi cao so với dáng người. Chắc hẳn anh là một người tí hon - một giống người tí hon đến từ một xứ sở nào đó mà tôi thường nghe trong những câu chuyện cổ tích...

Công việc biểu diễn của người tí hon là đi qua đi lại, nhào lộn trên sàn gỗ, thỉnh thoảng lại thò người ra khỏi dây văng, phùng má, trợn mắt với những đứa trẻ con... Chỉ có vậy, mà hầu như bọn trẻ đã ghé đến nơi này, chẳng đứa nào muốn rời xa. Tôi định đưa tay vào cầm bàn tay nhỏ xíu của người tí hon một chút để biết cảm giác ra sao, nhưng người quản lý đứng bên ngăn cản, không cho bất cứ ai bước vào quá gần. Họ cũng không cho anh ta chuyện trò với khán giả. Ai ủng hộ thì cứ ném tiền vào chiếc mũ để một góc trên sàn gỗ. Ai tò mò, thắc mắc muốn hỏi điều gì, thì cứ hỏi người quản lý, ông ta sẽ giải thích. Ông ta nói người tí hon này đã 18 tuổi. Đoàn xiếc hiện nay mua lại anh từ một đoàn xiếc nhỏ, nên không biết anh có gốc gác, quê quán từ đâu. Anh là một người thông minh, vui tính và khỏe mạnh...

Từ sau lần đó, về nhà, tôi cứ bị ám ảnh mãi hình bóng người tí hon. Tôi băn khoăn muốn biết, anh đến từ đâu? Hằng ngày ngoài giờ biểu diễn, làm trò... anh sẽ làm gì? Anh học hành, bầu bạn với những ai? Và liên tiếp mỗi buổi xế chiều, tôi đều tìm cách dè xẻn sao cho có đủ khoản tiền để mua một tấm vé vào cổng Hội chợ mùa xuân, chủ yếu để nhìn ngắm người tí hon.

Một lần, may mắn làm sao, nhờ đến sớm, tôi bước vào gian biểu diễn của người tí hon khi anh ta chỉ ngồi một mình, xung quanh không một ai, kể cả người quản lý. Anh ta đang lục lọi những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh gì đó trong chiếc túi cũng rất bé bỏng, chắc là để chuẩn bị cho phần biểu diễn sắp đến. Tôi mừng rỡ bước đến thật gần chào anh: “Anh tí hon!”. Anh nhìn tôi, nheo mắt chào lại bằng nụ cười tươi tắn. Tôi nói: “Anh cho tôi cầm tay chút”. Anh đưa bàn tay cho tôi. Ôi thật là lạ lùng! Bàn tay anh mềm mại, nhỏ nhắn, thiên thần hơn bất kỳ bàn tay một đứa trẻ con nhỏ nhít nào tôi từng biết.

Tôi mạnh dạn hỏi:

-  Anh tên chi?”

Anh đáp lí nhí, nhưng cũng đủ nghe:

- Tí. Tí hon đó!

- Anh từ đâu đến đây?

- Tôi không biết. Tôi đi theo họ.

- Chắc anh đi nhiều nơi lắm hở?

- Nhiều lắm! Đến cả Lào, Cao Mên, Miến Điện...

- Anh có ba mẹ, anh chị em không?

- Tôi không biết.

- Năm sau, anh có trở lại đây không?

(…)

Người tí hon chưa kịp trả lời, thì đột nhiên người quản lý thường khi bước đến. Ông ta ồn ã: “Các cháu nhỏ đi chơi đi... Để chúng tôi chuẩn bị. Một lát nữa rồi quay lại nhé!...”. Người tí hon lùi vào bên trong. Tôi lo lắng, không biết ít hồi anh có bị người quản lý quở trách chi không. Tôi đi khỏi một khúc, quay lại vẫy tay, vẫn thấy người tí hon đứng nhìn theo.

Rồi mùa xuân năm ấy trôi qua thật nhanh. Mùa xuân năm sau và nhiều mùa xuân sau nữa lại qua... Dù biết bao biến đổi nhất định của thời cuộc, trên mảnh đất Khu giải trí năm xưa cũng vẫn tiếp tục dành cho việc tổ chức Hội chợ vào những mùa xuân. Tôi không ngớt háo hức âm thầm ngóng đợi gặp lại người tí hon...

Mỗi năm, có rất nhiều đoàn xiếc, đoàn nghệ thuật xuất hiện đem đến Hội chợ mùa xuân nhiều trò chơi mới lạ, nhưng không đoàn nào đem người tí hon của tôi trở lại. Ký ức tuổi thơ rồi cũng dần nhạt phai. Tôi không còn hy vọng. Mỗi lần nghĩ lại người tí hon, tôi tưởng tượng, sau đó chắc anh trải qua những cuộc phiêu lưu ly kỳ như chuyện cổ tích: anh bị một tên cướp bắt cắp khỏi đoàn xiếc. Tên cướp bỏ anh ngồi trên chiếc nón rộng vành đi vào một khu rừng. Anh bất ngờ bu được lên một nhành cây sum suê lẩn trốn và tẩu thoát. Một chú chim kết bạn cùng anh, đưa anh đi khắp mọi nơi chốn trên thế gian. Cuối cùng, một cách rất tình cờ, chú chim đưa anh về một ngôi làng tí hon bí ẩn trên trái đất, ngay chính ngôi nhà anh từng được sinh ra và gặp lại cha mẹ, anh em của mình...

Nhờ hình dung một kết cục như vậy, nên tôi thấy an lòng, không lo nghĩ nhiều về người tí hon.

 

Hồi năm ngoái, trong một chuyến ngao du ở Bangkok, Thái Lan, mấy người bạn tôi rủ rê, phải dành hẳn một buổi chiều tối tham quan khu mua sắm Asiatique, bên cạnh dòng sông Chao Phraya. Bởi nơi đây, không chỉ là địa điểm du lịch, vui chơi giải trí nhộn nhịp, mà nó còn có nhiều điểm gần gũi, tương đồng với cảnh quan ven sông Hàn thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây.

Thật vậy, trên đường đến Asiatique, từ xa đã nhìn thấy chiếc Vòng quay mặt trời tương tự chiếc Vòng quay ở công viên châu Á Đà Nẵng nhìn từ mọi hướng. Nghe nói, khu chợ này được lấy cảm hứng thiết kế từ những ngày đầu giao thương ven sông của Bangkok trong suốt triều đại Vua Rama V năm 1868 - 1910.  Chỉ có điểm khác biệt đáng nói, là nó giống như một bến tàu truyền thống với hàng ngàn kho lưu trữ hàng hóa, trong đó có một số kiến trúc hơn 100 năm tuổi vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Còn sông Hàn quê ta, tuy đẹp lung linh, nhưng quá non trẻ, cấu trúc ham hố và các dự án quy hoạch chưa được xác lập rõ ràng.

Khách tham quan Asiatique, ngoài việc ghé vào các gian hàng mua sắm quà lưu niệm, hoặc thưởng thức ẩm thực ở các nhà hàng, còn lại đa phần dạo chơi, tụ tập chụp ảnh bên những chiếc xe điện chạy trên đường ray, những mỏ neo, xe đẩy..., hoặc những người bôi kín lớp sơn màu đồng, đứng giả làm tượng các nhân vật trong các tác phẩm văn học nổi tiếng.

Có thể nói, khu tham quan nơi đây là một khu giải trí có tỉ lệ lớn hơn nhiều lần với mô hình Hội chợ mùa xuân mà tôi từng thấy từ thời thơ ấu ở thập niên 60. Bởi vậy, nghĩ lại không biết ngày ấy ai là bầu sô, mà đã có đầu óc tổ chức rất phong phú vào thời điểm khoa học công nghệ còn khá lạc hậu. Sau khi dạo quanh một vòng chán chê, tôi đề nghị mọi người cùng đoàn dừng lại ở một gian nhà bạt biểu diễn con rối.

Đó là một gian hàng nhỏ, không đông khán giả lắm nên quan sát rất thuận lợi. Đập vào mắt chúng tôi, là mấy chú rối áo quần sặc sỡ đang ngồi bên dàn nhạc, đàn hát những bài ca tiếng Anh quen thuộc vô cùng sinh động. Phía sau, có chừng chục chú rối kích cỡ khác nhau ngồi xen lẫn trên một chiếc bục gỗ, chưa rõ thể hiện vai trò gì. Phía sau nữa, bên trong bức màn, có lẽ là những người điều khiển con rối.

Sau khi vừa chấm dứt một bài hát, chúng tôi nhìn thấy, một chú rối từ phía sau cầm chiếc mũ đứng dậy bước về hướng khán giả. Tôi sửng sốt, không tin vào mắt mình. Đó không phải là một chú rối. Đó là một người tí hon!

Mọi người đứng cạnh tôi cũng đều lao xao! Thích quá! Nó là một người tí hon. Nó không phải con rối. Thưởng tiền nó đi. Người tí hon hớn hở đi vòng quanh nhặt những tờ bạc bị ném rơi trên sàn cho vào mũ. Tôi nhìn kỹ anh ta, lại càng lạ lùng hơn. Trông anh ta giống hệt anh chàng Tí, người tí hon trong ký ức tuổi thơ của tôi. Nếu thật vậy sao mấy chục năm rồi mà không thấy anh ta già? Hoặc là người tí hon không già? Hoặc đây là một người tí hon lưu lạc khác?

Ngay khi người tí hon đi ngang qua trước mặt, không kìm hãm được băn khoăn, tôi khom người xuống gọi: “Tí. Anh Tí?”. Và tôi chỉ vào người mình: “Việt Nam. Việt Nam. Biết không?”. Lúc đó, người tí hon dừng hẳn lại. Tôi cảm nhận như anh gật đầu nhè nhẹ. Tôi đưa tay ra, ngỏ ý muốn anh đến gần để hỏi thêm đôi điều nữa, nhưng có một ai đó kéo tôi về phía sau với một câu nói bằng tiếng Thái. Chắc là người của ban tổ chức nhắc nhở, tôi đành phải tuân theo.

Tiếng nhạc lại trỗi lên. Mấy chú rối nhạc công lại dạo đàn chuẩn bị một bài ca mới. Người tí hon, cầm mũ chạy vào phía sau màn, rồi nhanh chóng trở về vị trí cũ cùng những chú rối khác ngồi trên bục gỗ.

Tiết mục của ban nhạc rối lần này là một bài hợp ca. Tất cả những chú rối phía sau cùng hát hòa bè đong đưa người theo điệu nhạc. Cả người tí hon cũng làm y hệt như vậy. Lúc này không thể phân biệt được anh ta là người hay rối.

Trước khi cùng mấy người bạn đi sang gian hàng khác, tôi đưa tay hướng về người tí hon vẫy nhẹ. Tôi không thấy anh ta có một động thái nào khác với những chú rối kề cận, ngoại trừ ánh mắt nhìn lại tôi. Tôi tin chắc như vậy. Bởi, ánh mắt ấy thật xa xôi, đầy u uẩn, và có lẽ đến nhiều năm sau nữa, nó khiến tôi nhớ mãi, không quên.

T.T.S 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh