“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng Hường

09.01.2017

“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng Hường

Mười lăm năm (từ 2000 đến 2015), bằng quãng thời gian lưu lạc đầy sóng gió của thân phận nàng Kiều, cũng là quãng thời gian thai nghén, tích tụ và ra đời của tập trường ca Bước gió truyền kỳ (tác phẩm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2016 và được Giải thưởng Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam). Có lẽ Phan Hoàng đã rất cần mẫn, vật vã với chữ nghĩa, nghiêm túc và chắt lọc trong vô vàn những xúc cảm, những chiêm nghiệm về cuộc đời gắn liền với vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử mới viết được thiên trường ca hào sảng lay động lòng người đến thế. Chính vì vậy, Bước gió truyền kỳ là tiếng lòng, là tiếng nước, là tiếng gọi thiêng liêng của thời đại thổi vào hồn người đọc nhẹ nhàng, dịu dàng mà thiết tha, sâu lắng.

Thường trường ca là một thể loại khó bởi người viết cần phải có kiến văn rộng rãi, am tường lịch sử và chuyển vận được cảm thức một giai kỳ rộng lớn cùng với nhiều sự kiện mang tầm vóc vĩ đại của một cộng đồng, dân tộc. Do đó, từ rất lâu trong tâm thức văn hóa của người Việt, trường ca phải “hoành tráng về cả phương diện nội dung, tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật tác phẩm, được viết nên bằng một dung lượng cảm hứng mạnh mẽ, cảm xúc tuôn trào gắn liền với những chấn động lớn lao của lịch sử, của dân tộc, thời đại” (Mai Bá Ấn) và đặc biệt nhằm tôn ngợi những nhân vật có vị trí quan trọng, có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng xã hội. Song trường ca của Phan Hoàng không hoàn toàn như thế! Bắt đầu từ “những ngọn gió vô danh”, được “tiếp sức ước mơ”, chuyển vận thành “bước gió, dựng thành xây lũy biên cương” để rồi nhất định sẽ “vượt thoát sinh tồn”, Bước gió truyền kỳ là khúc tráng ca bất tận về gió. Đó là “ngọn gió vô danh” rất đỗi tự nhiên đi vào lòng người bằng những câu chuyện không chỉ của riêng ai - câu chuyện về lịch sử một dân tộc, mang cảm hứng của thời đại... Nhưng lại thật gần gũi, dung dị, thấm đẫm. Cái mới ở trường ca Phan Hoàng có lẽ bắt đầu từ một nhân vật khá đặc biệt này: Gió!

Gió thổi thì thầm, đi qua thời gian - không gian, dịu dàng, sẵn sàng lắng nghe bao câu chuyện núi sông, vui buồn thế sự; Gió đi vào thẳm sâu tâm thức mỗi người để vỗ về họ những xúc cảm bất tận, mãnh liệt; Gió thổi bùng lên trong mỗi trái tim người Việt tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn tha thiết; Gió nhắc nhở cho chúng ta về một thứ tình yêu thiêng liêng ở những con người bình dị mà vĩ đại biết bao... Gió là núi, là sông, là cây, là cỏ, là mẹ, là cha, là con, là chồng, là vợ... là hóa thân của tâm hồn dân tộc.

Gió thì thầm dẫn dắt chúng ta quay lại với quá khứ oai hùng, với thăng trầm lịch sử, kể lại đầy tự hào về truyền thuyết Lạc Long Quân cùng Âu Cơ sinh ra 100 trứng tạo nên dòng giống con Rồng cháu Tiên. Câu chuyện lịch sử một cộng đồng từ thuở hồng hoang mở cõi đầy máu và nước mắt của bao lớp tiền nhân, đối mặt với vô vàn hiểm họa được kể lại qua tiếng gió dịu dàng nhưng hào sảng và bi tráng, lay động lòng người... để rồi trong mỗi chúng ta như có cảm giác mình được “nhập hồn xóm làng/ nhập hồn sông suối/ nhập hồn núi rừng/ nhập hồn biển đảo...” (Bước gió truyền kỳ).

Gió thì thầm về câu chuyện trẻ thơ trên ruộng đồng nghèo khó nhưng tràn đầy mộng mơ muốn “được hôn tóc cô tiên hay vuốt ve chòm râu ông bụt”, muốn “được bà thương yêu chiều dắt đi lễ chùa cúng Phật”, ngây ngô với “những câu hỏi mở đường bay đến chân trời biền biệt người thân...” (Gió mở đường bay)... để rồi nhận ra một chân lý giản đơn rằng: “- Không có gió thì không có nước/ không có nước thì không có sông/ không có sông thì không có đồng/ không có đồng thì không có ruộng/ không có ruộng thì không có lúa/ không có lúa thì không có ta!” (Đồng dao nghịch gió).

Gió thì thầm với câu chuyện hình thành những địa danh tạc hồn sông núi như Đá Bia, Vũng Rô, đèo Cả, Sài Gòn, Cà Mau, Hà Tiên, Tây Nguyên...; về sự dũng cảm trung kiên của lớp lớp bao người trai đất Việt, về sự thủy chung son sắt đến hóa đá, “giấu kín mùi hương da thịt khát khao đợi ngày sum họp” của những người vợ lính bền bỉ, không hờn, không trách; về những vất vả hy sinh của cha, của mẹ đôi khi hiên ngang “thách thức đại dương/ thách thức những con giông lịch sử” nhưng cũng rất đỗi bao dung “mênh mang bờ cát dài độ lượng” (Gió tiếp sức ước mơ).

Gió thì thầm kể chuyện “vật vã/ kiên trì/ tự lực/ khẩn hoang” lập nghiệp đầy máu và nước mắt của “lớp lớp người người/ tay kiếm tay cờ/ lớp lớp người người/ tay rìu tay giáo/ mắt chớp lửa mặt trời phương nam” (Bước gió truyền kỳ)... để góp phần vẽ nên dáng hình bản đồ nước Việt yêu thương chữ S. Những câu chuyện mở cõi này hào hùng cũng có nhưng cũng không ít đắng cay, se sắt nỗi niềm..., tất cả góp phần làm nên tiếng vọng quê hương, xứ sở, làm nên bản sắc văn hóa độc đáo mỗi vùng miền đất nước: “những ngọn gió mở đường trĩu nặng ước mơ/ khởi từ tình yêu bùn lầy sỏi đá dựng ruộng dựng nương/ từ câu hát theo ới la đằm thắm váy hoa núi đồi Tổ/ từ câu quan họ liền anh liền chị hẹn hò Kinh Bắc cởi áo trao nhau/ từ câu bài chòi hò khoan đối đáp duyên hải miền Trung sóng vỗ/ sông nước nhớ thương đọng lại nỗi buồn sâu thành câu vọng cổ/ nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se cay đắng/ nỗi buồn ly hương dựng mới quê hương” (Gió khẩn hoang).

Gió cũng âm thầm tích tụ thành linh hồn của cả một dân tộc “canh giữ giấc ngủ bình yên đất mẹ/canh gác cái ác mang mặt nạ hữu nghị viễn vông/ cất tiếng hát thương nhớ quê hương mùa hẹn hò cày cấy/ mùa trăng mật dâng hiến lứa đôi/ mùa sinh nở dâng tặng tiếng khóc những ngôi sao hy vọng” (Linh hồn gió). Và giờ đây lời thì thầm của gió gợi lên những khao khát về một cuộc sống bớt đắng cay, “chàng trai, cô gái không còn nỗi đau giằng xé thanh tân/ không còn tuổi già cô đơn mòn mỏi”, không còn những đứa trẻ “mồ côi đói khát tang thương”, không còn những cái đầu nóng “tâm thần phân liệt hiếu chiến” (Linh hồn gió).

Rồi... để trên hết tận cùng đường bay, gió đã “dựng thành lũy biên cương”, “vượt thoát sinh tồn”  để  “mở ra chân trời hy vọng/ tinh lọc bóng đêm quá khứ/ kết nối ánh sáng tương lai” (Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại).

Như vậy, gió trong trường ca Phan Hoàng là biểu tượng có tính đa nghĩa, là hình ảnh sống động vừa thực vừa hư, nó thổi nhẹ nhàng vào tâm hồn người đọc một tình yêu thiết tha với sông núi, với lịch sử, với dân tộc... Tự nghìn năm trước và mãi đến tận bây giờ vẫn vậy, truyền thống hào hùng của một cộng đồng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước đã đi vào Bước gió truyền kỳ như một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngọn gió vô danh được tạo thành từ sinh khí đất trời, từ hào khí dân tộc, từ cội nguồn lịch sử, từ bước chuyển lưu dân, từ nỗi niềm trăn trở của tâm hồn mỗi người hòa cùng hơi thở thời đại. Có dân tộc nào tồn tại, phát triển mà không chất chứa trong nó những nhọc nhằn, thăng trầm cay đắng - dân tộc Việt, con người Việt cũng vậy. Song Phan Hoàng đã đưa người đọc đồng hành, hóa thân vào bước gió, “lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc/ uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm/ dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người” để rồi hun đúc trong họ tình yêu quê hương ngày càng nồng cháy, thắm thiết và khát vọng vào một nước Việt sẽ mãi “vượt thoát sinh tồn vĩ đại dòng giống rồng tiên”.

Thật sự tập trường ca Bước gió truyền kỳ đã thổi hồn dân tộc vào trái tim người đọc. Tôi không đề cập nhiều đến thi pháp nghệ thuật Phan Hoàng đã thể hiện rất thành công ở tập trường ca bởi đây là một vấn đề cần nhiều khám phá, nó thể hiện sự thành công “vượt lên đau đớn và thăng hoa” (trích “Văn bản dở dang” trong Chất vấn thói quen), sẽ được đề cập trong một dịp khác, mà chỉ chú trọng vào xúc cảm thẩm mỹ bạn đọc cảm nhận được khi “chạm vào” những ngọn gió tâm thức, ngọn gió thời đại... để “bay về nguyên thủy ước mơ” (trích “thèm ngọn gió tự do”  trong Chất vấn thói quen).

H.H 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh