Bốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh Nghi

09.01.2017

Bốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh Nghi

Trong nhà anh chị Mẫn mấy hôm nay tươi vui hẳn lên. Niềm vui ấy  hiển hiện trong nụ cười, ánh mắt của bao người trong gia đình. Ai nấy đều  chan hòa trong không gian tươi mới, như thể là trời đất đang vào xuân.

Mà xuân thật rồi ấy chứ, cây mai bên hiên nhà đã nẩy lộc đơm nụ tự lúc nào rồi! Chao ôi! Trông kìa, trên vòm lá xanh tươi mơn mởn ấy, vươn lên không biết bao nhiêu nụ, bao nhiêu đóa hàm tiếu, và cả những bông hoa đã nở rộ, làm tươi sáng cả một góc vườn.

Chị nhìn ngắm cây mai, lòng không khỏi bồi hồi xúc động, chị như thấy lại sáng mùa thu hôm ấy. Anh đang bê cây mai vào nhà, với gương mặt tươi vui hơn mọi ngày. Chị đã rất thích, khi thấy những bông hoa vàng thắm như đang tươi cười với chị.

Lúc bấy giờ, khi anh trao cây cho chị, đã đọc mấy câu thơ: - Tặng em. “Thời gian không mới cũ/ Còn nguyên nụ cười xuân” .

- Sao bỗng dưng anh lại tặng hoa cho em? Mình đang trong giai đoạn khó khăn  mà anh!

- Anh biết chứ, nhưng em không nhớ hôm nay là ngày gì à? Cố nhớ xem...

- A...em nhớ rồi, sinh nhật em.

- Đúng rồi, tặng em, nhưng không phải anh mua đâu, loài hoa này bây giờ muốn mua cũng không có, một người bạn biếu cho gia đình mình đấy.

Ánh mắt và giọng nói của anh lúc đó cũng ấm áp vô cùng.

Chị sung sướng quá, cảm thấy mình như đang được bao trùm trong một  không gian đầy hương thơm của hạnh phúc.

Không hạnh phúc sao được, khi trong khoảng thời gian này, anh đang mất việc, vì công ty của anh làm ăn ngày một thua lỗ, phải giải thể. Mọi việc chi tiêu trong gia đình đều dựa vào chị, Trong khi đó việc buôn bán ở chợ cũng gặp không ít khó khăn. Chị thấy người đi chợ luôn nhìn những hoa quả chị bán với ánh mắt đầy nghi ngại, họ luôn hỏi nguồn gốc từ đâu? Có phun thuốc giữ tươi xanh không?... Cuộc sống trở  nên khó khăn hơn bao giờ. Không hiểu sao, đang trong tình cảnh như vậy, bé Dung bỗng dưng lại hay ốm đau... Anh cũng lo âu không kém, ngày nào cũng để tâm tìm kiếm việc làm. Nhưng khi trở về nhà thì lại ở trong trạng thái mệt mỏi, buồn chán, khiến chị cũng không dám hỏi han gì nhiều, sợ anh quá buồn nản mà đâm ra cáu gắt. Nhưng rồi, sau khi nằm im lặng một lát, anh lại khích lệ chị, bảo: - Em đừng quá lo lắng, rồi anh sẽ có việc làm thôi.

Vậy mà... anh vẫn không quên ngày sinh  của chị.

Chị lại nhớ, cũng vào năm đó, mùa hạ đã qua đi vẫn với những cánh mai vàng xinh, mặc dù thời tiết rất oi nồng, mặc  dù lòng người chất chứa đầy âu lo, buồn bã. Mặc cho tất cả... cây vẫn thắm tươi.  Mà chị có chăm sóc mấy đâu, chỉ  là mỗi lần nấu cơm thì tưới nước vo gạo cho mỗi cây một ít. Vậy mà vườn cây của chị lá luôn  xanh.

Rồi vào một đêm mùa đông. Chị đang nhìn đăm đăm ra ngoài trời, chờ mong... chị chờ mãi, chờ mãi... đêm đã vào  khuya, mưa càng lúc càng nặng hạt,  và hơi lạnh cành nhiều, nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng anh đâu. Mọi khi, giờ  này anh đã về đến nhà rồi.

Chị giơ tay, định khép cửa sổ lại, nhưng rồi đứng yên, lặng nhìn, nơi có mấy chậu cây cảnh. Dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, chị thấy có những đóa hoa vàng đang ngời lên sắc thắm. Chị chú ý nhìn những đóa hoa đang ướt sững trong  khí trời lạnh  giá mà lòng dậy lên niềm yêu mến. Cây đã âm thầm mang lại cho chị niềm vui và hy vọng qua từng thời gian sống.

Rồi chị chợt nhớ, dường như lâu lắm rồi thì phải, nhiều người yêu hoa đã lãng quên nó. Có lẽ, họ không mấy thích thú khi nhìn ngắm  mãi một loài mai mà mùa nào cũng cho hoa chăng? Hay là mai Tứ quý không thể uốn nắn một vóc dáng đẹp như các loài mai khác? Hay còn một lý do nào khác mà chị chưa được biết? Nhưng dù sao đi nữa, thì chị vẫn yêu thích mai Tứ quý. Bởi loài hoa này đã chuyển biến theo dòng thời gian, khi những cánh hoa vàng đã rơi rụng đi, sẽ cho những nụ hồng, rồi hoa đỏ, có những hạt xanh, một thời gian sau những hạt xanh ấy chuyển thành màu đen bóng, trông như răng hạt huyền, trông rất duyên...

Cũng kể từ ngày có mai Tứ quý trong vườn, anh không còn phải đi tìm mua mai vào mỗi cuối năm nữa, mà đem cây mai Tứ quý ấy đặt ngay giữa hiên nhà.

Năm này cũng vậy. Anh đã nói với chị: - Em thấy không? Đẹp, xinh... vừa xinh, vừa đẹp... và rồi anh lại ngâm nga. Thời gian còn mới nguyên/ Một màu xuân trên cành.

Chị bật cười, trêu anh: - Anh mà xuất khẩu, là có ngay vài câu thơ... con cóc...

Chỉ có thế thôi, mà cả hai cùng nhìn nhau cười... không khí trong nhà ấm áp hơn  bao giờ.

T.N.M.N 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh