Tết, nhớ nhà

26.01.2021
Nguyễn Hiệp

Tết, nhớ nhà

Heo may thổi từ ngôi nhà

Hối thúc những chiếc lá...

Nhớ nhà! Một nỗi nhớ có thật, nghe thì diệu vợi nhưng lại gần gũi, có gì đó dường như ngôn ngữ không thể diễn đạt hết được. Mỗi người nhớ nhà một kiểu nhưng ai cũng nhớ, nhất là trong những ngày cuối năm, những ngày Tết đoàn tụ.

Nhớ nhà! Khối sắt cũng nhũn ra huống chi là con người. Tôi rất nhớ câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn: “Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà!” Là “sắt thép” bên ngoài thôi, tâm hồn bên trong vẫn luôn là điều không dễ biết, dường như trong mỗi con người đều ẩn khuất, giấu nhẹm đâu đó một miền yếu mềm, đa cảm, nhớ nhung. Và lạ lùng thay, cứ mỗi chạp về, Tết đến là cái miền không tên ấy lại thức dậy, thôi thúc đến mức làm cho những “khối thép” phải bần thần, ngẩn ngơ.

Nhớ nhà, không chỉ là nhớ ngôi nhà, diệu vợi lắm, mang mang lắm nhưng cũng chi tiết, vụn vặt đến khùng điên, có những chuyện từ đẩu từ đâu, từ nảo từ nao chợt hiện về mồn một, sống động cứ như mình lại đang ở trong kí ức ấy lần nữa. Con người buồn cười lắm, chuyện cố nhớ thì không thể nào nhớ nổi, chuyện cố quên lại càng nhớ hung. Riêng chuyện nhớ nhà thì thôi rồi, “đến hẹn lại lên”. Bữa ăn cuối năm của gia đình mình chẳng hạn, tất cả sao rõ ràng trước mắt, cả những âm thanh khua chén đũa, tiếng cười nói, câu pha trò của người anh, lời dặn dò của má... Lại ghét mình cái kiểu tự ra lệnh sẽ sống mạnh mẽ dầu có chuyện gì đi nữa nhưng khi đối mặt thực tế thì không phải vậy. Tết này, má không còn nữa, má đi xa, rất xa rồi! Cả năm quần quật áo cơm, Tết, bước về nhà thấy trống vắng, thấy quặn điếng, thấy vụn vỡ, tan nát cõi lòng. Ngôi nhà nhìn mình buồn bã. Biết mình yếu mềm chớ không như mình tưởng. Những ngày này, vì kẹt gì đó, vì lý do gì đó mà không về nhà được thì càng kinh khủng hơn, càng quặn điếng hơn, càng trống vắng hơn và càng nhận ra mình yếu mềm biết chừng nào.

Cái mùi thơm của nhang khói, của cây vạn thọ trên bàn thờ nữa, nó ứ đầy trong ký ức gần đây.

Con dốc đường xe bò ngang nhà của thời xa lắc xa lơ nào, giờ làm gì còn, làng quê đã bị bê tông hóa hết rồi, vậy mà trong cái miền nhớ nhung ấy nó cứ hiện lên nguyên vẹn, cả những bụi cỏ gà và cả những sóng đất hai bên.

Cây mai vàng trước sân, Tết đến cứ như đứa trẻ xúng xính bộ đồ bông vàng rực rỡ, cái màu vàng sáng đến nhói lòng ấy làm sao mà quên được!...

Mai vàng sân, cánh vàng say

Chiều ba mươi Tết đã ngày sang xuân...

Cái cách nhảy chân sáo và tiếng cười như nắc nẻ của đứa em út khi được mua cho bộ đồ mới chẳng hạn, lúc ấy nghe chỉ thấy vui trong lòng thôi nhưng mười mấy năm sau tiếng cười ấy vẫn ngân vang trong ký ức khi độ gió se se ngoài cửa. Nhất là khi người anh còn đứng trên vọng gác nơi miền biên thùy. Mỗi tiếng cười ấy vang lên là mỗi mũi kim chích điếng vào tim, nó làm cho người ta chợt ước gì mình có đôi cánh diệu kỳ để bỏ mặc hết tất cả mà bay về nhà, mà nhào đến trong vòng tay thương thiết của người thân, của má ba, của anh em.

Nhớ nhà! Không cần lục lọi các ngăn ký ức đâu, tất cả cứ hiện dần lên, tất cả cứ như bộ phim cũ chầm chậm chiếu qua tâm tưởng nhưng phải nhắm mắt lại, phải lim dim, vì mở mắt sẽ không thấy gì cả, vì mở mắt tất cả sẽ tan biến ngay lập tức. Nhớ nhà con mắt đờ đẫn ra bởi mình mãi nhìn về miền khác, miền yêu thương và cả những ray rứt không nguôi.

Đừng hòng tìm chỗ đông đảo, ồn ào, vui nhộn mà tránh được nỗi nhớ nhà, ngay giữa chốn đông vui, nỗi nhớ nhà cũng làm cho con người ta lạc lõng, bơ vơ và càng nhói thắt hơn con tim. Vậy mới thấy trái tim con người là nguồn gốc của tất thảy chớ không phải chỉ bộ não, sức mạnh cũng từ đó mà ra, sự thông thái, giỏi giang cũng từ đó mà ra. Và cả nỗi nhớ nhà cũng từ đó mà ra. Nhớ nhói, nhớ bần thần, nhớ da diết, nhớ đến nhổm người dậy mà lao về. Nỗi nhớ nhà ngày Tết là vậy đó. Diệu vợi mà gần gũi không cùng. Mang mang mà thôi thúc vô cùng.

Tết, nhớ nhà! Không hẳn là nhớ hình ảnh, âm thanh, hương thơm mùi mè, kỷ niệm hay những câu chuyện buồn vui lẫn lộn, cũng có thể là nhớ tất cả, cũng có thể đơn giản là... nhớ nhà, thế thôi. Đơn giản vậy đó mà khối thép cũng phải nhũn ra.

N.H

Bài viết khác cùng số

Góp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngTết, nhớ nhàNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Tản mạn bên chén trà xuânBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaMột lần Tết quê ngoạiCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidDấu ấn thời gianTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGCắt tóc cuối nămBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹĐóa xuân lòngMãi mãi mùa xuânXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiNgày xuân nõnCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngThơ cho mùa xuânChùm thơ HaikuMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônNhững mạch gạch Tháp xuânNói đi em...Chiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhLời nhắn nhủLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hình tượng con trâu trong văn học Việt NamCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhNgày xuân nhớ Xuân DiệuThơ là những tình khúc“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Trâu và senChào xuân Tân SửuXuân về trên phốChờ xuânHương xuân