Đãi KIẾN một bữa

26.01.2021
Quế Hương

Đãi KIẾN một bữa

Sáng nay con Thảo đãi bà món quà nắng khi ào lên tổ chim mở toang cửa rồi tất tả chạy xuống nhà làm việc. Nắng mùa đông quí như mật ong, thơm và vàng óng, chảy thành vũng lên tấm nệm trũng. Bà cụ xòe tay soi nắng. Mười ngón tay bợt bạt nhăn nhúm hồng lên sắc máu. Nằm một chỗ, bà thèm nắng như thèm đường. Có nắng, bà được hong meo mốc. Từ tấm nệm, bà ngắm nắng vắt qua ngọn cây bàng thân thuộc trước mặt. Bà lên tổ chim từ lúc nó mặc áo xanh rồi thay áo đỏ, trần trụi trơ xương trong bầu trời xám xịt đến bung đồng loạt những ngọn lửa xanh. Ngày ngày nó nhìn bà, bà nhìn nó.

Lũ kiến đói lại nhéo một phát dưới lưng nhưng bà không thể tự mình ngồi dậy cởi áo giũ. Phải đợi con Thảo. Chúng nhỏ li ti mà cắn đau lắm. Con Thảo thấy chúng công kênh vụn mì rơi vãi và từ đó không đem bánh mì lên tổ chim ăn sáng cùng bà nữa. 

Tổ chim là cái chóp nhô ra khỏi căn nhà 4 tầng, sát mái. Chim trống đằng sau khung ảnh, giữa bình hoa nylon đầy bụi và đĩa hoa quả mọng chín không bao giờ thối. Chim mái mặc bỉm, quắt queo như trái đậu khô dán người trên cái nệm nước bẩn thỉu, chiếc váy bèo nhèo phủ phần trên, lộ hai cẳng chân teo tóp, lổm ngổm gân xanh, lô nhô xương xóc.

Cũng không thể gọi là tổ khi trơ một mình và thiếu tiếng hót. Con trống đã vĩnh viễn câm lặng. Con mái cũng chỉ lào phào. Cái chết chiếm hữu từng ngày một mà vẫn còn quá chậm so với đợi mong. Sự sống lì lợm chống trả, dai dẳng đeo bám trong cái hình hài đang thối rửa. Nó tập trung ở ánh mắt. Ánh mắt ấy đậu ở cây bàng in bóng cô đơn trên nền trời hay hướng về phía cầu thang ngóng tiếng chân. Bà lão phân biệt rất giỏi tiếng chân lên cầu thang. Uể oải là của con dâu. Nặng nề là của con trai. Hai đứa cháu nội gần như không bén mảng. Bà chỉ biết sự có mặt của chúng qua tiếng nhạc chát chúa dưới nhà vọng lên. Tiếng chân con Thảo bao giờ cũng hối hả, nôn nóng. Nó ùa vào như nắng. Ấm áp.

“Bị sai miết, cháo nóng thành cháo lạnh!” - con bé sà xuống tấm nệm lầm bầm.

Bà lão nhìn tô cháo trên tay con Thảo nhăn mặt:

“Lại cháo muối?”

“Bà bảo bệnh cố không được ăn đường! Ăn chết!”

“Cứ cho tao chết với cháo đường đen!”- Bà lão rên lên.

Không biết lần thứ mấy con Thảo nghe cái xác khô héo nhắc đến món khao khát. Nhưng đào đâu ra cục đường đen trong căn bếp hào nhoáng của nhà này? Vả lại bà chủ cấm cho cụ ăn béo và ngọt vì cụ bị tiểu đường, cao huyết áp. Sau lễ mừng thọ bát tuần hoành tráng đông vui bỗng nhiên cuộc sống cụ bà thay đổi. Cụ được lên tổ chim với cụ ông. Thực đơn cũng khác. Ngọt ngào, béo bổ gạt qua bên còn tinh ngọc của trời, muối của biển. Bệnh máu lộn mỡ dứt hẳn sau mười tháng áp dụng. Mỡ thịt tiêu tùng còn xương với da. Tiếng lào phào nhẹ hơn gió thoảng.

“Ăn hết, cháu cho cố chết với cháo đường đen!” - Con bé lém lỉnh dỗ.

Bà cụ ngoan ngoãn há miệng nuốt ừng ực từng muỗng cháo muối nguội ngắt đăng đắng.

“Mấy hôm nữa tết?”

“Mươi hôm”

“Dưới đó làm mứt món chi không?”

“Quà biếu ê hề, làm chi nữa!”

“Có ai biếu khoai ngào đường đen không?”.

“Ai mà biếu thứ quà quê mạt hạng ấy! - Con Thảo cười ngặt nghẽo - Bà chưởi chết. Đến mạ cháu vô thăm cũng phải gắng cặp gà.”

“Thế mẹ mày có ngào khoai không?”

“Mùa đông thi thoảng”.

“Với đường bát?”

“Ngoài cháu gọi là đường cứt trần. Đen sì, cứng ngắt. Cắn mẻ răng. Mạ cháu làm món ấy ngon tuyệt! Nghĩ tới là thèm” - Con Thảo nuốt nước bọt. Bà cụ cũng nuốt nước bọt.  

“Tao làm món ấy cũng tuyệt! Đường bám đều, sực mùi gừng - Thế mày ăn cơm đường chưa?”

“Chưa”.

“Lùa miếng cơm, cắn một miếng đường. Đi học về đói bụng, ông mày được bát cơm nguội với miếng đường đen là tỉnh cả người!”

“Ông ư?”

“Thế mày ăn bánh bột sắn đường đen chưa? ”- bà cụ vẫn mê mải.

“Thế hồi ấy... - con Thảo ngập ngừng... - nhà cố... cũng nghèo à?”

“Ừ. Nhưng chưa khi nào tao đói như thế này! Thà chúng nó cho tao chết no còn hơn sống thèm” - bà cụ sụt sịt.

 

 Con Thảo đã xuống nhà. Nắng cũng ra cây. Nhưng đường ở lại, miếng phình thành bánh. Nâu đen như đất. Tròn đầy như bầu vú. Quấn mấy sợi rơm vàng. Không hiểu sao thứ đường mía cặn còi hạng bét mà chính bản thân bà cũng quên lãng mấy mươi năm giờ lại về hành hạ bà đến thế. Ngày nào bà cũng tơ tưởng nó. Thứ ngon ngọt thượng hạng được nếm khi đổi đời như mật ong, chocolate lại không thèm. Bà khát vị ngọt đậm của bát đường ký ức, cả cái mùi ấm áp của nó trong căn bếp đen sì bồ hóng bập bùng ngọn lửa củi những ngày mưa xa.

Lưng bà lão lại bị kiến nhéo. Mãi chuyện đường bà quên nói với con Thảo chuyện kiến. Chúng đang ăn thịt bà vì đói. Từ khi con Thảo không đem bánh mì lên tổ chim, chẳng có vụn thức ăn nào cho chúng tha về tổ. Giá có cục đường đen bà sẽ đãi chúng một mẩu ngọt ngào. Một mình trong tổ chim bà không trơ trọi. Cây bàng ngoài kia nhìn vào. Lũ kiến đói lang thang trong phòng. Mấy con thằn lằn rượt nhau trên tường. Chúng sống cạnh bà và nhắc bà biết mình còn sống.

Bánh đường bát đen đôi chó chó chết vẫn là là bay trước mặt bà trêu ngươi, mấy sợi rơm vàng tung tẩy như những ngón tay vẫy. Ảo ảnh rõ như sờ chạm được. Trong đời mình bà đã bao lần chạm tay vào nó. Bà chặt đường bánh tài lắm. Chẻ đôi, chẻ tư, chẻ tám, chẻ nữa, chẻ nữa cho đến khi mấy cặp đường nâu đen cứng ngắt rả thành miếng đều tăm tắp. Lũ con ngồi chầu hẫu quanh nia đợi mót vụn đường tiu nghỉu khi thấy mẹ chặt đường không vụn. Đường ấy bà sắp vào thẩu, đếm hẳn hoi, dự trữ cho một mùa đông dài. Đem kho cá, con cá cứng ngắt, cong vòng, quay đuôi ngó lui. Những ngày mưa dầm dề lê thê thúi đất, bà chỉ cần chạy gạo. Một nồi cơm ghế khoai nóng, một dĩa đường đen. Ăn cơm đường trong căn bếp đen sì bồ hóng còn ấm hơi rơm củi ngon lạ thường. Sau này ăn cơm thịt cá trong căn bếp rộng hiện đại bà không thấy ngon bằng. Những vật dụng sáng lòa của men sứ, thủy tinh phả băng giá lên mặt người làm bữa ăn lạnh lẽo.

 

 Bà lão bỏ liền mấy bữa. Con Thảo đút muỗng nào, muỗng ấy trào ra ngoài. Hoảng quá nó báo bà chủ.

Tổ chim tịch mịch lập tức huyên náo. Tiếng chân rầm rập lên cầu thang. Tiếng người léo nhéo:

“29 rồi! Cập rập lắm!”

“Đổ sâm kéo dài qua Tết!”

“Rồi điếu, hỷ cùng năm à?”

“Cũng được chứ sao!”

Đôi môi khô héo được tưới sâm không tươi lại. Nước thịt bò hầm bó tay. Nước biển truyền vô hiệu. Cả nhà bấn lên vì sợ cụ đi vào lúc năm cạn đáy. Bà chủ càu nhàu:

“Thuơng con cháu chết cũng chọn ngày chứ! Năm dài tháng rộng không đi. Kiểu này thất thu!”.

 Đồng hồ thủng thỉnh gõ mười một tiếng. Con Thảo nhìn xuống nghe ngóng. Cầu thang lặng tiếng chân. Đèn dưới nhà đã tắt. Tổ chim chỉ còn nó và bà lão. Con Thảo cúi sát tấm mền phập phồng gọi:

“Cố ơi cố! Cháu có đường bát đen!”

Chỉ có tiếng thời gian thở đều tích tắc.

Con Thảo sờ ngực - còn ấm. Nắm tay - chưa lạnh. Nó nói như hét vào tai

bà cụ:

“Mở mắt cháu cho cố chết với đường bát đen!”

Thần trí đang chơi vơi của bà cụ khựng lại khi lọt tai mấy tiếng “đường bát đen”. Ngón tay cụ động đậy trong tay con Thảo.

“Cố sờ này!” - Con Thảo mở bàn tay vàng bệt, đặt vào đó một mẩu đen đen. Đó là mẩu còn lại của miếng đường bát chẻ tám nó mua của bà lão bán bánh tráng ở chợ. Nó bị sai đi mua trầu cau và tình cờ thấy món quà quê. Một chồng bánh tráng trong bao nylon, vài miếng cơm dừa trắng phau trong cái thau nhỏ, mấy miếng đường đen sì bên cạnh. Thứ quà quê kệch trông thật lạc lõng trong núi bánh mứt xanh xanh đỏ đỏ chiều cuối năm nhưng lại gợi nhớ hương vị tuyệt vời của béo bùi, ngọt đậm khi hòa quyện. Bổ quả dừa vườn cơm dày, mẹ nó thường cho chị em nó mỗi đứa một miếng đường đen để ăn cùng. Đó là thứ quà hảo hạng của trẻ con nghèo. Nó tần ngần dừng lại. Bà lão bằng tuổi ngoại nó cười bằng mắt lẫn miệng, mời:

“Mua đi cháu! Ăn rồi mới biết! Mứt bánh không bằng!”

Nó vừa đi vừa ăn. Cắn miếng cùi dừa, tiếp liền một miếng đường bát, nhai quyện nhau, ngon tê tái. Đang lịm từng kẽ chân răng, con Thảo bỗng sực nhớ nỗi khát khao của bà lão mình chăm sóc: “Cứ cho tao chết với cháo đường đen!”. Bà cụ tử tế ấy sắp đi mà vẫn chưa thỏa cơn thèm nhớ...

Bẻ ngọn lá bên đường, con Thảo gói miếng đường ăn dở.

 

Cây bàng già vươn người bên cửa sổ khoe nghìn nghịt nõn xuân mướt mát nhưng chẳng ai nhìn nó nữa. Bà già trong cửa đã theo những sợi rơm vàng bay khỏi tổ chim. Con Thảo ngủ ngồi bên cạnh cũng theo giấc mơ về quê ăn Tết. Tổ chim tràn ngập im lặng. Thứ im lặng của bầy kiến đang nối đuôi nhau, con nọ dẫn con kia, loại nọ dẫn loại kia hối hả tới thiên đường. Chúng gọi nhau đi suốt đêm. Gần đến trước, xa đến sau, hàng hàng lớp lớp, xúm xít vào nhau ngất ngây mê man bởi vị ngọt phát hiện.

Bốp! Bốp!

Hai cái tát như trời giáng khiến con Thảo văng khỏi cái bếp kiềng đun nồi bánh tét giữa sân nhà nó. Nó mở mắt và thấy ông bà chủ trước mặt. Bà chủ rít lên:

“Mày... mày... thức trông cố như thế đó hả con khốn nạn?”

Nó nhìn qua bà cụ, há hốc miệng.

Cụ nằm bất động trên nệm. Cái miệng không răng hồi khuya còn mút đường đen và tượng hình nụ cười mãn nguyện nay kiến chen chúc bu đầy. Kiến vẫn tiếp tục theo hàng leo lên tay, lên người bà lão, đông nghìn nghịt như lớp người sắp hàng đi điếu cụ ông cách đây mấy năm.

Kinh hơn nữa là tiếng khóc ồ ồ của ông chủ. Người đàn ông chỉ biết quát giờ khuỵu xuống bên mẹ rống như sấm động khiến bà sợ hãi cũng hờ theo.

Con Thảo lén rời nhà trong lúc ấy. Tội nó to lắm, ông bỏ tù như chơi. Tội cho bà cụ chết ngọt ngào với... đường bát đen!

Q.H

Bài viết khác cùng số

Đãi KIẾN một bữaBóng xuân xanhMột lần Tết quê ngoạiTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàTản mạn bên chén trà xuânDấu ấn thời gianKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtNói đi em...SayĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânNgày xuân nõnMãi mãi mùa xuânThơ cho mùa xuânCắt tóc cuối nămXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiĐóa xuân lòngCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngĐà Nẵng ân tìnhChiều Sơn TràLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố