Sông mây trên đỉnh núi - Giấc mơ của sự trở về

02.06.2023
Phạm Thiều Hạnh

Sông mây trên đỉnh núi -  Giấc mơ của sự trở về

Hơn ba năm, từ khi cô giáo, nhà văn Nguyễn Thị Phú cho ra mắt tác phẩm Ở hai phía cầu vồng - những tập truyện ngắn viết về tuổi học trò, bất ngờ những ngày cuối tháng Giêng, tôi được chị chia sẻ tin vui về bản thảo sáng tác mới: Sông mây trên đỉnh núi. Có cái gì đó lãng đãng, mơ mộng, nhẹ nhàng mà bay bổng như đang lưng chừng núi, lưng chừng mây, gợi bao mênh mang xúc cảm. Bỗng chốc, tôi bị cuốn vào dòng chảy trong trẻo của những xúc cảm trẻ thơ hồn nhiên, ngộ nghĩnh của cậu bé “mắt xanh” đang độ tuổi dậy thì, lần đầu được cùng mẹ về thăm quê ngoại. Hòa trộn, đan xen cùng mạch cảm xúc tinh khôi ấy là những xáo động dạt dào, lắng sâu trong tâm hồn người mẹ chất chứa bao niềm thương, nỗi nhớ dành cho quê hương, gia đình sau nhiều năm xa cách.

Với sở trường của một cô giáo dạy văn, chuyên viết cho thiếu nhi, cùng độ chín muồi sau nhiều ấp ủ, suy tư, thấu cảm, ở tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Thị Phú “làm mới” cảm xúc người đọc bằng sự rộng mở, đa chiều khi đi sâu khai thác những chuyển biến nội tâm phong phú của người lớn và trẻ thơ trong tình yêu đối với quê hương, gia đình, nguồn cội. Dưới cái nhìn trìu mến, sự quan sát tinh tế, cùng lối kể chuyện nhẹ nhàng, pha chút dí dỏm của tác giả, hai mẹ con, Doan Samford và Joshua, đã dẫn dắt người đọc mải mê theo chân họ trong chuyến hành trình đến với những miền đất thanh bình của quê hương.

Ở chặng dừng đầu tiên, tác giả đã để nhân vật người mẹ được sống thật với những cảm xúc dâng trào khi cô trở về mảnh vườn xưa, căn nhà cũ thân yêu, được chạm tay vào nỗi nhớ thanh xuân, cùng con dạo chơi kinh thành Đại Nội cổ kính …“mười mấy năm xa quê, lòng cô đau đáu niềm thương ấp ủ ngày sum họp…” Còn với Joshua, riêng khu vườn của ngoại là cả thế giới ngập đầy những điều lý thú mà thật ấm áp, gần gũi trong tình thương của ông bà ngoại. Chính tình thương yêu đã khiến con tim còn non nớt, ngại ngùng, của cậu bé dần được cởi mở, từ chỗ “hờn dỗi” với ký ức tuổi thơ “tràn ngập ánh trăng và không gian cổ tích” của mẹ… đến ngạc nhiên, thích thú, rồi nhanh chóng bắt nhịp với thói quen, giọng nói, món ăn “đậm chất Huế”, lời bày vẽ ân cần, cái xoa đầu dịu dàng của ông bà ngoại… hay lúc đắm mình trong từng khoảnh khắc chuyển động thú vị của cỏ cây hoa lá khi lần đầu được đung đưa trên chiếc võng “Cái cảm giác chòng chành trong gió mát dưới những tán lá cây trong vườn râm ran tiếng ve khiến thằng bé tưởng như tâm hồn nó đang mở rộng ra, rồi thoắt cái bay bổng lên đọt cây rất cao ấy tìm những con ve sầu, hoặc cũng có thể bay tít tận lưng trời qua những khoảng trống lá cây”.

Từ những tình tiết nhỏ trong cuộc đối thoại giữa mẹ và con trên chuyến bay “Đã bảo kể từ khi lên máy bay, chúng ta bắt đầu nói với nhau bằng tiếng Việt”, lời dặn dò con trai và cho cả chính mình “mọi người đều phải nhớ đường về quê hương, về ngôi nhà thân yêu của mình” đến những ý nghĩ hiện diện trong tâm tưởng người mẹ “con cần được nhìn và cảm nhận về quê hương của chính mình chứ không phải qua lăng kính người khác”, hay khái niệm quê hương theo cách nghĩ của ông ngoại “không chỉ là di tích, thắng cảnh văn hóa mà là cuộc sống đời thường của người dân nơi bến tàu, chợ búa, làng chài, trường học… nơi đó thể hiện rất rõ nét văn hóa dân tộc”… cho thấy sự khởi nguồn cảm hứng, ý niệm sáng tác của tác giả qua từng trang viết thấm đẫm tình yêu thương. Lắng đọng trong ấy, là nỗi nhớ không nguôi, là ước vọng gìn giữ những giá trị đẹp đẽ của nguồn cội, mà bất cứ ai ở đâu, dù khác biệt về nơi sinh ra hay màu da, tiếng nói… đều có chung nỗi khát khao tìm về. Như cảm xúc xốn xang, nghèn nghẹn khi Doan Samford được sống trọn với những gì cô  phải chịu thiếu vắng, khắc khoải bấy lâu “Lâu nay, xa quê, chất Huế có phần phai nhạt. Giờ, về quê, phải tranh thủ “nạp chất Huế” vào người.”

Điều thú vị, thông điệp thiêng liêng ấy còn được tác giả lồng ghép khéo léo giữa những chi tiết đời thường và chuyển biến nội tâm của nhân vật qua những cuộc gặp gỡ ở những vùng đất mới. Mỗi chuyến đi là sự trải nghiệm đầy cuốn hút không chỉ ở thiên nhiên tươi đẹp, ở giá trị văn hóa độc đáo… Ẩn trong đó, là sự mở rộng về góc nhìn, cách nghĩ, lối tư duy cởi mở, cảm nhận ngày một tinh tế, lắng sâu trong cảm xúc của từng nhân vật. Như khi hai mẹ con được đắm mình giữa thiên nhiên Đà Nẵng tươi đẹp với nắng vàng biển xanh, “cuộc hội ngộ thân thương” cùng những người bạn ở “Làng Xì T” giúp Joshua hiểu thêm về “thời xưa” của mẹ; khi người mẹ trở nên “hoài cổ”, muốn được sống lại ký ức Hội An xưa với “dáng vẻ trầm tư, tĩnh lặng” nhưng vẫn yêu lắm Hội An hôm nay “đang đẹp lên từng ngày trong nét cổ kính”. Còn cảm nhận của cậu con trai về Hội An lại có nét phát hiện ngộ nghĩnh, đáng yêu “Mọi con đường đều nhỏ, có nơi quá nhỏ. Đứng bên này hắt nhẹ ly nước, nước cũng đổ xuống phía bên kia đường…”, hay sự quan tâm tinh tế của cậu bé khi thả vào chiếc hoa đăng trên dòng sông Hoài điều ước duy nhất dành cho mẹ khiến cô vỡ òa cảm xúc “cười đến chảy nước mắt”...

Đặc biệt gây ấn tượng ở chặng cuối hành trình ngược lên miền rừng núi Đông Giang, người đọc cảm thấy như mình là người trong cuộc, được ngắm, được cảm, được thăng hoa cùng các nhân vật trước tuyệt tác của tạo hóa qua những đoạn tả cảnh thiên nhiên đại ngàn thật trữ tình, hùng vĩ “…Trước mắt họ là không gian mênh mông đồi núi điệp trùng, tít tắp. Phía nào cũng là núi. Nhấp nhô xanh. Màu xanh cây lá lớp lớp với nhiều cấp độ màu sáng - tối, đậm - nhạt, non tươi hay hoe vàng sắc nắng. Dưới sâu kia là thung lũng, là những dòng suối chảy in vệt màu trong suốt xanh…”. Hay qua những câu chuyện kể “mang đậm hồn cốt” của người dân Cơ Tu về nhà Gươl, cây sáo tuốt, bánh sừng trâu, bếp lửa nhà sàn… với ý nghĩa tốt đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh của miền đất, con người nơi đây “…bếp của người Cơ Tu không bao giờ nguội. Họ quen với hơi ấm, với mùi khói và xem đó như là hơi thở cuộc sống…”. Trong đó, đọng lại nhiều xúc cảm thương yêu nhất là câu chuyện về những đứa trẻ Cơ Tu với ánh mắt hoang dã mà tâm hồn mộc mạc, trong veo như suối nguồn. Sự ngây thơ mà lém lỉnh của “các cư dân miền núi” khi đối diện với những điều mới lạ, khi kể chuyện về ma rừng hay lúc bày ra những trò chơi dân gian thú vị… được khắc họa thật sinh động cho thấy tác giả đã dành cho các em tình yêu đặc biệt nhường nào!

Bằng sự uyển chuyển, linh hoạt khi hóa thân thành trẻ nhỏ với những ý nghĩ mơ mộng, giàu tưởng tượng qua nhân vật Joshua, Hoàng Phúc, bé Thơ, anh Minh; lúc chân chất mà vững chãi trong tình yêu với buôn làng của già làng, người dẫn đường A Lăng Chơn…, khi  nhạy cảm, chuẩn mực, tâm lý trong cách nhìn nhận, ứng xử của ông bà, cha mẹ coi trọng việc lắng nghe, làm bạn và chia sẻ cùng con cháu của ông bà ngoại, Doan Samford, Đại Ngọc, tác giả thật mềm mại, ý nhị khi truyền cảm hứng đến bạn đọc tình yêu thiên nhiên, môi trường, những giá trị văn hóa đầy bản sắc dân tộc cùng quan điểm giáo dục vừa nhân văn, vừa hiện đại, văn minh. Như ông bà ngoại dạy cháu không chỉ cách trồng cây mà cả tình thương ấm áp dành cho cây cối; cách cảm nhận hay ho, ngộ nghĩnh của cậu bé về ông ngoại “ông có mùi của gió và không khí, nghĩa là ông ngoại rất very fresh”; hay sự nhẹ nhàng mà nghiêm nghị lúc người mẹ dạy con trai “không nên phê phán những gì đã trở thành thói quen của con người ở mỗi miền, mỗi đất nước khác nhau” đồng thời “phải luôn tự cân bằng tâm lý cho chính mình nếu không mình sẽ chịu bực bội và đau khổ vì những điều không đâu vào đâu”. Song không vì thế mà người lớn áp đặt con trẻ theo ý mình như cách ông ngoại Joshua  “giải thích cho nó hiểu rằng chỉ vì mẹ nó muốn con trai nói chuyện với những người Việt Nam bằng tiếng Việt, đó cũng là cách thể hiện tình cảm với quê ngoại” và để cháu có thời gian tự suy ngẫm.

Không chỉ con trẻ mà người lớn cũng học hỏi được kinh nghiệm quý giá và hình thành những tư duy tích cực từ trải nghiệm của chính mình “Biết đâu, không so sánh, con người lại hạnh phúc?... Phải chăng, khi người phụ nữ thoát khỏi những vướng bận, lo toan về cuộc sống, khi họ thực sự được nghỉ ngơi từ tâm hồn đến thể chất thì họ mềm mại, dịu dàng giống như gió thoảng, như mây lững lờ trôi, như ánh trăng, sao...”. Ai từng đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Phú hay gặp gỡ chị ngoài đời, hẳn sẽ thấy thấp thoáng trong câu chuyện, bóng dáng quen thuộc, gương mặt, cái nhìn hồn hậu, nụ cười hiền pha nét hóm hỉnh, tinh nghịch của cô giáo Phú dường như không hề đổi thay theo thời gian. Phải chăng vì vậy mà những trang viết của chị luôn tạo được sự thích thú, đồng cảm từ người đọc, dù là trẻ thơ hay người lớn?

Đọc xong cuốn truyện đầy những trải nghiệm lý thú, những câu chuyện chứa đựng giá trị nhân văn được chuyển tải sống động mà thong dong như một cuộc dạo chơi, có cảm tưởng nhà văn Nguyễn Thị Phú muốn gom trọn những gì mình yêu thích, tâm đắc gửi gắm vào tác phẩm. Từng có dịp đồng hành cùng tác giả qua những chuyến đi thực tế ở vùng cao, tôi hiểu tấm lòng và những khát khao mãnh liệt trong tâm hồn chị muốn dành thật nhiều tình yêu thương cho trẻ thơ. “Cái tham” của chị thật đáng yêu bởi ước vọng lan tỏa nguồn năng lượng thiện lành từ trái tim dịu dàng, rộng mở, luôn ở tâm thế nhìn cuộc đời và con người theo hướng tích cực, giàu lòng bao dung.

“…Ta biết mình đến từ đâu

Và ta sẽ trở lại chốn ban đầu

Ta cũng sẽ đến nơi có những màu da

khác biệt

Ngôn ngữ không thể là rào cản

Khi ta có trong lòng cuốn tự điển của

tình yêu…”

Bất chợt trong tôi lại hiện ra khung cảnh dòng suối trong vắt, nên thơ với cuộc hội ngộ thú vị giữa ba người bạn nhỏ: Joshua - cậu bé “mắt xanh” đến từ nước Mỹ xa xôi, Hoàng Phúc - đứa con trai thích mơ mộng ở miền xuôi và cô bé Thơ người Cơ Tu, thơ ngây, linh lợi. Tưởng như rất khác biệt, ấy vậy mà, những rung cảm hồn nhiên giữa mênh mông đất trời đã xóa nhòa mọi khoảng cách khiến ba con tim thơ dại xích lại gần nhau… Một điểm nhấn thật tươi sáng, mát lành!

Tác phẩm khép lại với giấc mơ tuyệt đẹp về dòng sông mây trên đỉnh núi của cậu bé Joshua mang đầy xúc cảm lẫn suy tư về sự bắt đầu và kết thúc, nỗi nhớ và sự lãng quên, ký ức và hiện tại… Song lại gợi mở, khơi dậy thật nhiều điều đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi người về tình yêu thương, hạnh phúc gia đình, lòng biết ơn đối với cuộc đời này… Sông mây trên đỉnh núi - Một giấc mơ có thật, hiện hữu giữa đời thường.

P.T.H