Họa sĩ trẻ Đà Nẵng với mỹ thuật cộng đồng

02.06.2023
Hồ Đình Nam Kha

Họa sĩ trẻ Đà Nẵng  với mỹ thuật cộng đồng

Tranh bích họa do các họa sĩ Hội Mỹ thuật Đà Nẵng thực hiện tại hẻm 75 Nguyễn Văn Linh.

Đà Nẵng là một trong những thành phố trẻ trung, năng động, thay đổi diện mạo bậc nhất, từ một tỉnh nghèo mức sống trung bình, trở thành một trung tâm đô thị lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên, một thành phố được xây dựng trên thiết chế “văn hóa, văn minh đô thị” thành phố đáng sống, thành phố không có người lang thang xin ăn, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, mọi nhu cầu thị hiếu thay đổi, từ ăn no, mặc ấm, chuyển sang ăn ngon, mặc đẹp. Cái đẹp là thước đo, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi tầng lớp, đòi hỏi mỹ thuật đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của người dân thành phố. Từ đó Mỹ thuật Đà Nẵng định hướng và phát triển phong trào mỹ thuật theo đặc thù riêng như mỹ thuật giá vẽ và mỹ thuật cộng đồng.

Mỹ thuật giá vẽ là mỹ thuật hàn lâm, nơi nghiên cứu sáng tác, quảng bá tác phẩm, đưa tác phẩm mỹ thuật phục vụ những người yêu mến nghệ thuật thị giác. Mỹ thuật cộng đồng là đưa những tác phẩm mỹ thuật đến với mọi người, từ đường xóm ngõ hẻm, về cùng người dân để nâng tầm thị hiếu thẩm mỹ người dân thành phố. Mỹ thuật giá vẽ và mỹ thuật cộng đồng là hai khía cạnh, hai hướng sáng tác nhưng phải tương tác, hỗ trợ nhau, như môi với răng, không thể tách rời. Về mỹ thuật giá vẽ nhiều anh chị hoạ sĩ, nhà điêu khắc thuộc thế hệ 4x, 5x, 6x đã định hình phong cách, bút pháp, khuynh hướng sáng tác riêng. Hơn nữa, sáng tạo nghệ thuật giá vẽ là men theo xúc cảm nội tại sẽ tạo dấu ấn riêng cho người hoạ sĩ. Xúc cảm này được thành hình dựa trên trải nghiệm riêng của người đó vì thế sẽ không thể bị hòa lẫn vào đám đông, tạo hướng sáng tác thành nhân tố riêng, định hình tên tuổi trong giới nghệ thuật. Về điêu khắc phải kể đến Phạm Hồng, Đinh Gia Thắng, Lê Huy Hạnh… về hội họa có Vũ Dương, Hoàng Đặng, Duy Ninh, Ngọc Minh, Trọng Dũng, Lê Đợi, Dư Dư, Trần Thị Cúc, Thân Trọng Dũng, Trần Hữu Cân...

Song song đó, Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng cũng chú trọng tổ chức nhiều hoạt động phong trào mỹ thuật phù hợp với thời cuộc và trải nghiệm cuộc sống giới mỹ thuật trẻ. Phát triển nghệ thuật cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng, nhiều hoạt động video Art, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, đưa tác phẩm mỹ thuật gần gũi người dân hơn, rất nhiều tài năng trẻ, khá đông đảo, được quy tụ. Nhiều anh chị em có nghề, được đào tạo bài bản ở các trường chuyên nghiệp thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x. Họ không những định hình phong cách sáng tác mà sau những chuyến đi thâm nhập thực tế, những cuộc trải nghiệm hay những chuyến đi trực họa, gần gũi, nhiều anh chị qua nhiều thế hệ, cùng nhau trao đổi học hỏi kinh nghiệm sáng tác góp phần kế thừa và đưa mỹ thuật thành phố tiếp cận với nghệ thuật đương đại, tạo được phong cách, bút pháp và trường phái phong phú, đa dạng. Nhiều tài năng trẻ phát triển đa năng, hướng đi đa dạng, chất lượng nghệ thuật cao… Đa phần hoạ sĩ trẻ sau này giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và cấp tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Nhiều anh chị đam mê phát triển nghệ thuật cộng đồng như nhóm hoạ sĩ Phan Thanh Hải, Trần Hữu Dương, Đặng Công Tuấn, Phan Tiến Dũng (khoa Mỹ thuật) Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, với nhiều hoạt động nghệ thuật đường phố như sắp đặt, trình diễn và tác phẩm mỹ thuật, 2 bức tranh Acrylic trên toan khổ lớn đạt kỷ lục Việt Nam, và nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, góp phần vào xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Hay nhóm Trần Hải, Ngô Thanh Hùng, Nguyễn Văn Cường, Trần Hữu Cân… Đặc biệt, dự án mỹ thuật cộng đồng Làng bích hoạ 75 Nguyễn Văn Linh do các họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật thành phố tham gia sáng tạo đã làm thay đổi từ không gian đến ý thức người dân. Từ một đường hẻm rác bẩn, nhà cửa xuống cấp, nước đỏ đầy đường, người dân còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn môi trường công cộng… đến một đường hẻm khang trang, sạch sẽ, người dân không còn vứt rác bừa bãi, mọi người biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sống văn minh hơn, không còn tiểu bậy các bờ tường, đi ra hẻm không còn ở trần, mặc quần xà lỏn, ứng xử khách du lịch văn minh, lịch sự và thân thiện hơn.

Rõ ràng, khi những tác phẩm mỹ thuật sống giữa cộng đồng, đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Sự sáng tạo của nghệ sĩ, qua nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn góp phần thổi vào đó sức sống mới của người dân thành phố. Cũng như hẻm 75 Nguyễn Văn Linh, “Đường tranh bích hoạ Mân Thái”, “Nhà văn hoá cộng đồng ” xã Hoà Phú, “Nhà văn hoá Tà Lang - Giàn Bí” xã Hoà Bắc do nhóm hoạ sĩ trẻ: Phan Văn Thành, Trần Hải, Nguyễn Văn Yên, Trần Chí Thành, Hà Châu, Hồ Đăng Chính, Nguyễn Sinh Duyên... sáng tác mỹ thuật cộng đồng theo những chủ đề như: Ngư cụ, ra khơi bám biển, chân dung cuộc sống của đường tranh Mân Thái, phong cảnh, lễ hội của nhà văn hoá cộng đồng.

Cuộc sống ngư dân Đà Nẵng được các họa sĩ đưa vào tranh bích họa tại Đường tranh bích hoạ Mân Thái.

Tạo ra không gian nghệ thuật cộng đồng chính là việc thiết thực để thu hút mọi người hoà mình vào đời sống xã hội, tạo sự kết nối, góp phần xây dựng không gian văn hoá văn minh đô thị, tạo ra sự liên kết giữa người dân với nghệ thuật cộng đồng, nâng tầm giá trị không gian và môi trường sống. Đặc điểm chung của không gian nghệ thuật cộng đồng là những tác phẩm được lựa chọn trưng bày, biểu diễn, bích hoạ không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn phần nào phản ánh văn hoá, lịch sử vùng miền, tác phẩm gần gũi với quần chúng nhân dân, mọi người có thể hiểu và cảm nhận tác phẩm. Khi những tác phẩm mỹ thuật hiện hữu sinh động giữa cộng đồng, đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Đó là niềm đam mê sáng tác, định hướng phát triển của giới mỹ thuật trẻ Đà Thành.

 

Tuy sinh sau, đẻ muộn nhưng mỹ thuật Đà Nẵng đang phát triển từng ngày từng giờ. Điều đó đòi hỏi cần nhiều nhân tố, trước hết là nhân tố con người, mà con người đó phải có ước muốn phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng, làm đẹp quê hương, làm đẹp thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng… Là người hoạ sĩ, nhất là hoạ sĩ trẻ, làm nghệ thuật phải có đầy đủ tư duy, trí tuệ, có tính đam mê về hội họa, chuyên cần làm việc, sự thông minh, tìm tòi sáng tạo trong bút pháp, đường nét, luôn luôn trau dồi kiến thức và hăng say trong sáng tác nghệ thuật.

 Người trẻ ngày nay đến với nghệ thuật tự tin, không lệ thuộc, biết cách xuất hiện, giao lưu qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,Viber… Đáng nói là có những hoạ sĩ trẻ Đà Nẵng hiện nay đang sống được và sống tốt bằng nghề. Đội ngũ họa sĩ thế hệ kế cận của Đà Nẵng hiện nay đang tạo được dấu ấn với nhiều thể nghiệm mới. Bên cạnh những chất liệu truyền thống như sơn mài, sơn dầu, lụa... cũng xuất hiện những tác phẩm với chất liệu mới như đồ họa, khắc gỗ, kim loại, tổng hợp… Đường biên trong sáng tạo nghệ thuật của người trẻ cũng rộng hơn với các khuynh hướng hiện thực, cực thực, ấn tượng, bán trừu tượng, trừu tượng, hay nghệ thuật cộng đồng... Bằng niềm đam mê sáng tạo, có tư duy và quan điểm nghệ thuật trẻ trung và hiện đại, người trẻ luôn tìm ra cách chuyển tải những thông điệp cuộc sống mới với khát vọng về cái đẹp, sự văn minh qua các sáng tác của mình. Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Ngoài tài năng, các họa sĩ trẻ cần nắm giữ trong tay thời gian, sức khỏe, nhiệt huyết sáng tạo và cơ hội của thời đại”. Vì vậy, sứ mệnh phát triển của Mỹ thuật Đà Nẵng được đặt lên vai của những hoạ sĩ thế hệ 8x, 9x... Mỹ thuật Đà Nẵng hy vọng, gửi gắm rất nhiều vào sự thăng hoa, bứt phá của họ để mỹ thuật bước sang trang mới, giữ vững được phong độ, có chiều sâu và bản sắc riêng của Mỹ thuật Đà Nẵng…

H.Đ.N.K