Làm mới cái cũ để giữ thương hiệu Đà Nẵng

02.06.2023
Diệp Dân Hùng

Làm mới cái cũ để giữ thương hiệu  Đà Nẵng

Đà Nẵng sau khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương năm 1997 và  được công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia năm 2003, đã có nhiều thương hiệu của riêng mình, mà những ai là người Đà Nẵng không thể không tự hào. Mỗi khi nói đến Đà Nẵng, người ta đã biết cái tên đó gắn liền với cái gì, từ hữu hình đến vô hình, là một chủ trương “không đụng hàng” hay một sản phẩm, một địa danh nổi tiếng nào đó...

Về những thương hiệu mang tính “phi vật thể”, Đà Nẵng đã có những chủ trương lớn mang đậm tính nhân văn như: chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và sau đó là chương trình “5 xây 3 chống”, chương trình “Thành phố 4 an” tuy không ấn tượng bằng “5 không 3 có” nhưng cũng là những cái rất riêng của Đà Nẵng. Về những “thương hiệu vật thể”, Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng có “nước mắm Nam Ô” mà món “bánh khô mè Bà Liễu” tiếng tăm cũng vang khá xa, được giới thiệu là đặc sản của quê nhà, thi thoảng còn được chọn làm quà gửi cho người ở xa, thậm chí vượt ra khỏi biên giới quốc gia, đến với bạn bè, bà con xứ người... Về mảng địa danh - danh thắng Đà Nẵng có Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thành Điện Hải, Ngũ Hành Sơn với Làng đá mỹ nghệ Non Nước; bán đảo Sơn Trà, Hải Vân Quan; quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà; đặc biệt bãi biển Mỹ Khê được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh và mới đây lọt vào danh sách 10 bãi biển đẹp nhất châu Á do TripAdvisor công bố...

Nói đến Đà Nẵng cũng không thể không nhắc đến những chiếc cầu bắc qua sông Hàn và danh hiệu “Thành phố của những cây cầu” với những vẻ đẹp độc đáo về kiểu dáng kiến trúc và cả những hoạt động, sự kiện đi kèm như cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng phun nước, phun lửa. Bên cạnh đó vẻ đẹp của dải lụa xanh mang tên sông Hàn còn được tô điểm bởi hai con đường ven sông được xếp vào hàng đẹp nhất cả nước...

Nhiều người Đà Nẵng, trong đó có người viết cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện về những thương hiệu của Thành phố mình, nhất là khi được bạn bè gần xa nhìn nhận, đánh giá và khen ngợi mỗi lần họ đến Đà Nẵng, và cả những bạn ở nơi xa nhưng khi “nghe nói” về Đà Nẵng với rất nhiều cái độc đáo và đáng sống, đáng đến. Và tất nhiên đều mong những niềm tự hào mang bản sắc Đà Nẵng đó trường tồn với thời gian, được tất cả người Đà Nẵng, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường đều phải có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn và phát huy lợi thế đó, để Đà Nẵng mãi đẹp, mãi xanh, sạch và quyến rũ theo năm tháng không bị mất đi những nét độc đáo mà không phải ở đâu cũng có được.

Cùng với thời gian, dù trải qua những giai đoạn thăng trầm, Đà Nẵng vẫn đổi thay nhưng cũng có những thời điểm trầm lắng lại do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là hơn hai năm bị chững lại do dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, để duy trì hình ảnh và thương hiệu của thành phố là một đòi hỏi chính đáng của người Đà Nẵng vì họ không muốn mất đi những gì đã có. Có ý kiến cho rằng, nếu chưa làm thêm được cái gì mới thì Đà Nẵng nên làm mới lại những cái cũ. Thực tế là những năm qua, vào mỗi dịp kỷ niệm lớn của thành phố và đất nước, cũng có những lễ khởi công hay khánh thành chào mừng các công trình mới nhưng số lượng còn khá khiêm tốn. Mới nhất là dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 137 năm ngày Quốc tế Lao động vừa qua, Đà Nẵng đã “làm mới một cái cũ” là Đài tưởng niệm tại Quảng trường 29 Tháng 3 và khai trương một cái mới là Đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan. Trước đó năm 2022 là Công viên APEC mở rộng; Nút giao thông đầu cầu Trần Thị Lý...

Nhân câu chuyện này, cũng có ý kiến cho rằng, để thu hút du khách đến Đà Nẵng nhiều hơn, trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn gặp không ít khó khăn, trong khi chưa có thêm được những công trình bề thế, mang tính điểm nhấn thì nên làm mới lại những cái cũ vốn đã là thương hiệu của thành phố. Chẳng hạn như việc “trang điểm” lại những cây cầu bắc qua sông Hàn, tạo thêm nét lung linh về đêm. Nói đến cây cầu, còn là chuyện đưa vào khai thác một cây cầu “rất cũ” nhưng có ý nghĩa về mặt lịch sử là cầu Nguyễn Văn Trỗi, nơi dự kiến là cầu đi bộ ngắm cảnh kết hợp dịch vụ du lịch rất độc đáo nhưng chưa triển khai, mặc dù đã “sơn phết” cho nó nhiều năm qua.

Một số điểm cũ cần làm mới nữa có thể kể đến như bờ Đông sông Hàn nhất là đoạn từ cầu sông Hàn hướng bán đảo Sơn Trà thuộc tuyến đường Trần Hưng Đạo mà những năm qua còn tương đối nhếch nhác. Hy vọng khu vực này sẽ khang trang hơn được làm mới trong dịp Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2023 được tổ chức ở đôi bờ sông Hàn, trong đó có khu vực nêu trên.

Làm mới cái cũ ở Đà Nẵng còn là làm mới chợ Hàn, chợ Cồn, vỉa hè trên những con đường “xưa cũ” nhưng luôn nhộn nhịp quanh năm như: Trần Phú, Hùng Vương, Phan Châu Trinh; công viên 29 Tháng 3 nhiều năm qua còn thiếu khởi sắc…

Nói về làm mới cái cũ phi vật thể nhưng đã làm nên “Thương hiệu Đà Nẵng”. Các chương trình “5 không - 3 có”, “Thành phố 4 an” luôn cần phải hiện hữu một cách rõ nét, nhất là đối với một thành phố cần sự năng động, tươi mới như Đà Nẵng. Để mai một đi những chủ trương đã một thời làm nên Đà Nẵng nhân văn, đáng sống là có lỗi với các thế hệ đi trước, với những người đã chung tay góp sức, đồng cam cộng khổ để dựng nên Đà Nẵng hôm nay. Nói về điều này, một người bạn của tôi đã thẳng thắn: “Làm lại “5 không 3 có” cho nó sống lại. Và làm có chút thương hiệu “Thành phố dám sống” rồi tiến tới đáng sống… Mong mỏi có chút “hương vị” cũ để đi tới đâu, người dân các tỉnh thành bạn vẫn nhắc mà mình cảm thấy tự hào là người dân thành phố Đà Nẵng”.

Chúng ta đã có những cái cũ nhưng mang tính nền tảng, cả vật thể và phi vật thể. Đó là những “cái cũ” mang tính tích cực, luôn cần được giữ gìn, phát huy để Đà Nẵng luôn và mãi “sáng-xanh-sạch-đẹp”, văn minh và hiện đại. Trong khi chưa làm được cái lớn, cái mới thì việc quan tâm làm mới những cái cũ để trong mắt và cảm nhận của bạn bè gần xa, Đà Nẵng vẫn đang có một năng lực nội sinh dồi dào. Nơi có những chủ nhân luôn đau đáu một tình yêu quê hương, luôn tìm tòi, suy nghĩ để góp phần làm đẹp cho quê hương.

Tin tưởng rằng, dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai thì khi nhắc đến Đà Nẵng, người ta sẽ còn biết đến những “thương hiệu” riêng có gắn liền với mảnh đất này, cả “thương hiệu hữu hình” và “thương hiệu vô hình”. Nó sẽ làm cho Đà Nẵng khẳng định được vị thế, tầm quan trọng của mình trong khu vực và cả nước, tiếp tục khẳng định “Thương hiệu Đà Nẵng”, nơi hội tụ của nét đẹp, văn minh, hiện đại, giàu tính nhân văn và hiếu khách. Người Đà Nẵng sẽ tự hào hơn khi thành phố quê hương duy trì và phát huy được “thương hiệu” mà biết bao người đã làm nên, để nó mãi trường tồn theo năm tháng.

D.D.H