Sơn Trà di tích và danh thắng

15.11.2021
Bùi Văn Tiếng

Sơn Trà di tích và danh thắng

Ảnh Huỳnh Văn Truyền

Quận Sơn Trà được thành lập vào đầu năm 1997 là một trong tám đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương ngày nay (gồm sáu quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và hai huyện Hòa Vang, Hoàng Sa). Bài viết này chủ yếu tổng quan những di tích và danh thắng theo địa giới hành chính của Sơn Trà từ một phần tư thế kỷ nay, không đề cập những di tích và danh thắng vốn liên quan đến tiền thân của quận Sơn Trà là khu vực III thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng đang nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn như Miễu Một thờ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Nguyễn Phục, như Khu di tích cách mạng K20 hay như cầu Trần Thị Lý… - trừ trường hợp hòn Sơn Trà Con cách bờ 550m, nằm ngay cửa Hàn, trước đây thuộc huyện Hòa Vang song nay cũng có thể xem là một danh thắng trên biển của quận Sơn Trà.

1. Có nhiều cách lý giải tên gọi Sơn Trà - dân gian thường đọc trại thành Sơn Chà, còn sách chữ Hán như Đại Nam Nhất thống chí thì viết là Trà Sơn - nhưng có sức thuyết phục hơn cả là quan điểm cho rằng địa danh này với từ tố Trà có nguồn gốc Champa - từ Jaya trong tiếng Phạn nghĩa là Chinh phục. Như vậy mặc dầu không bảo tồn được những di chỉ khảo cổ Champa như quận Cẩm Lệ với di tích Phong Bắc, quận Liên Chiểu với di tích Xuân Dương... nhưng bản thân tên gọi Sơn Trà cũng đã gợi nhớ về thời kỳ những cư dân Champa còn sinh sống trên vùng đất này. Đó là chưa kể một số “trầm tích” văn hóa Champa vẫn còn được lưu giữ như Miếu Bà An Thị ở An Hải Bắc, như Lăng Ông Mân Thái, Lăng Ông Phước Mỹ, Lăng Ông Thọ Quang... là những nơi ngư dân Sơn Trà thờ cá voi/ cá Ông.. Đó là chưa kể bến phà An Hải còn có tên là bến phà Hà Thân - ca dao xưa có câu: Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Đứng bên ni Hà Thân ngó về Hàn phố xá nghênh ngang...; nhưng nguồn gốc địa danh Hà Thân đến nay vẫn chưa ngã ngũ, có người cho rằng Hà Thân là cách gọi tắt tên bà Hà Thị Thân, lại có người bảo Hà Thân là cách đọc trại của Bà Thân - một ông quan địa phương gốc Champa tên Thân họ Bà(1). Mặc dầu tên đường Hà Thị Thân được đặt từ năm 1955 nhưng quan điểm chính thức của chính quyền quận Sơn Trà hiện nay đang thiên về hướng thứ hai, khẳng định sự đóng góp tích cực của cư dân Champa bản địa trong quá trình cộng cư Quảng Nam mở cõi(2). Trải qua quá trình đô thị hóa, bến phà An Hải/ bến phà Hà Thân ngày nay không còn nữa, nhưng với người Sơn Trà nói riêng, người Đà Nẵng nói chung, bến phà này dường như vẫn chưa mờ phai trong ký ức, nhất là khi nhìn thấy những cảnh vật thân quen trong lúc đợi phà như cây đa Hà Thân 600 năm tuổi, như nhà thờ An Hải...

2.Nguyễn Văn Thoại là một người Sơn Trà xa quê và trở thành người được “sông núi khắc tên” - chữ dùng của đạo diễn Huỳnh Hùng trong bộ phim tài liệu về Nguyễn Văn Thoại từng đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 - ở nơi cách xa Sơn Trà hàng nghìn cây số. Nhưng suốt đời Nguyễn Văn Thoại vẫn luôn ý thức mình là người con của làng An Hải - trong văn bia Thoại Sơn/ Núi Sam do ông trực tiếp chấp bút vào năm Nhâm Ngọ 1822, Nguyễn Văn Thoại tự xưng rằng: “lão thần là người Quảng Nam”. Chính vì vậy mặc dầu đền thờ Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc - nơi Nguyễn Văn Thoại đời đời yên nghỉ - được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đã rất nổi tiếng, nhưng Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu ở An Hải Tây(3) cũng là cách để người Sơn Trà thể hiện lòng tri ân và niềm tự hào về Nguyễn Văn Thoại; đồng thời - cùng với con đường mang tên Nguyễn Văn Thoại dài hơn 2000 mét nằm giữa ranh giới quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn - cũng là cách để Nguyễn Văn Thoại mãi mãi gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu

Về di tích lịch sử ở Sơn Trà, còn có thể kể đến Lăng Tiến sĩ ở Bãi Nam/ Bãi Nồm cũng thờ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Nguyễn Phục như Miếu Một bên quận Ngũ Hành Sơn. Năm Canh Dần 1470, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Nguyễn Phục được vua Lê Thánh Tông giao trọng trách chỉ huy một đoàn thuyền quân lương phục vụ cuộc nam chinh năm Tân Mão 1471. Khi đoàn thuyền đến cửa Lạch Trào, còn gọi là cửa Lạch Hới ở Sầm Sơn thì gặp bão lớn dẫn đến nếu muốn đảm bảo an toàn cho cả đoàn thuyền thì có khả năng quân lương sẽ không vào đến địa điểm tập kết đúng thời hạn. Mặc dầu biết rõ sự chậm trễ trong chiến trận sẽ dẫn đến hậu quả khắc nghiệt là người đứng đầu có thể phải chịu tội chết, nhưng vì đại cuộc, Nguyễn Phục vẫn quyết định cho đoàn thuyền trú bão chờ sóng yên biển lặng mới tiếp tục hải trình. Và kết cuộc là Nguyễn Phục đã bị Bộ Hình theo lệnh vua Lê Thánh Tông bắt giam ở Bãi Nam/ Bãi Nồm (Sơn Trà) rồi đưa sang xử chém ở làng Nước Mặn (Ngũ Hành Sơn). Nhận được sớ tấu của chính Bộ Hình giải trình lý do dẫn đến Nguyễn Phục bất tuân quân lệnh, vua Lê Thánh Tông thấy mình đã quyết định vội vàng cứng nhắc liền cho người cầm lệnh bài tha chết đến pháp trường nhưng... không kịp! Giống như con đường mang tên Nguyễn Phục ở phường Thọ Quang chỉ dài hơn 600 mét, Lăng Tiến sĩ ở Bãi Nam/ Bãi Nồm tuy là ngôi miếu nhỏ nhưng lòng tôn kính ngưỡng mộ của hậu thế đối với một người Hải Dương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cũng như bài học về sự cẩn trọng cần thiết của người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật để tránh oan sai đáng tiếc... thì không hề nhỏ, và không phải ngẫu nhiên mà người dân Sơn Trà xưa nay vẫn gọi đấy là lăng kèm theo học vị của Nguyễn Phục - Lăng Tiến sĩ, hoặc là đền kèm theo hiệu của ông - đền Tùng Giang!(4)

Trên địa bàn quận Sơn Trà có những đình làng nổi tiếng, trong có Đình làng Nam Thọ được xây dựng lần đầu từ năm Canh Ngọ 1690 và lần lượt trải qua các cuộc trùng tu vào các năm Giáp Ngọ 1714, Canh Tý 1720, Đinh Sửu 1937 và Bính Ngọ 1966, rất có giá trị về kiến trúc - đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2006. Đặc biệt nhiều đình làng ở Sơn Trà như Đình làng An Hải, Đình làng Mỹ Khê, Đình làng Phước Trường, Đình làng Tân Thái, Đình làng Cổ Mân, Đình làng Mân Quang (gọi đúng phải là Mân Quan) và Đình làng Nại Hiên Đông vừa là di tích lịch sử khẩn đất lập làng vừa là di tích lịch sử đấu tranh yêu nước và đấu tranh cách mạng - từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, chẳng hạn Đình làng An Hải gắn với tướng Phan Văn Đạo của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam; Đình làng Mân Quang gắn với cuộc chiến đấu chống Liên quân Pháp và Tây Ban Nha 1858-1860; Đình làng Mỹ Khê là nơi thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 22 tháng 8 năm 1945 - sớm nhất trên địa bàn thành phố Thái Phiên…

Trên địa bàn quận Sơn Trà cũng có nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo, chẳng hạn như Nhà thờ Tin lành An Hải của Chi hội An Hải thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam; như chùa An Phước của Phật giáo và nhà thờ Gia Phước của Công giáo - cả hai đều gắn với tình cảm quê hương của những người con xa xứ: Nhà thờ Gia Phước thành lập ở phường An Hải Đông vào năm Đinh Mùi 1967 mang tên này là bởi giáo dân hai giáo xứ Ô Gia và Trung Phước đã “gánh theo tên xã, tên làng” (thơ Nguyễn Khoa Điềm) khi phải rời quê hương đến đây tái định cư sau trận lũ lịch sử năm Giáp Thìn 1964; còn chùa An Phước ở phường An Hải Tây gắn với sự đóng góp tài chính của người An Hải xa quê Nguyễn Văn Thoại trong lần trùng tu vào năm Quý Sửu 1793. Quận Sơn Trà cũng là nơi Giáo hội Công giáo Việt Nam đặt Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng - được xây dựng từ năm 2004 và hoàn thành đưa vào hoạt động cuối năm 2012.

Quận Sơn Trà còn có cả những di tích chiến tranh được xem là riêng có của Sơn Trà do đối phương xây dựng trong quá trình xâm lược và tạm chiếm Đà Nẵng, như Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha và Hải đăng Tiên Sa của người Pháp; hay như Trạm Radar Sơn Trà/ Mắt thần Đông Dương và cây cầu Nguyễn Hoàng/ Nguyễn Văn Trỗi của người Mỹ... Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha do chính người Pháp xây dựng năm 1895 theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trên một ngọn đồi thấp sát lối vào cảng Tiên Sa và quy tập hài cốt quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha tử trận từ nhiều nơi trên chiến trường Đà Nẵng, nhưng khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, những hài cốt này vẫn bình yên nằm lại và cả thế kỷ nay vẫn được người Đà Nẵng khoan dung chăm lo hương khói như những con người - chứ không phải những kẻ từng nổ súng giết hại đồng bào mình. Hải đăng Tiên Sa - còn được gọi một cách dân dã là Nhà đèn Sơn Trà - được người Pháp xây dựng vào năm 1902 trên núi Sơn Trà với độ cao 223m so với mực nước biển, là ngọn đèn biển sớm nhất của Đà Nẵng đất liền (nhấn mạnh của Đà Nẵng đất liền là bởi Đà Nẵng hải đảo cũng có một ngọn đèn biển nhưng mãi đến năm 1937 mới được người Pháp xây dựng trên Đảo Hoàng Sa thuộc huyện Hoàng Sa).

Trạm Radar Sơn Trà từ lâu đã được mệnh danh là Mắt thần Đông Dương bởi tầm quan sát không gian rất rộng, là hai tòa nhà màu trắng hình cầu trên đỉnh núi  do người Mỹ xây dựng vào nửa đầu thập niên 1960, trước khi quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng (năm 1990 Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam mở rộng Trạm Radar Sơn Trà bằng cách xây dựng thêm tòa nhà hình cầu thứ ba về phía đông - cũng có màu trắng đặc trưng như hai tòa nhà hình cầu trước đó). Cũng vào nửa sau thập niên 1960, Tập đoàn liên doanh RMK-BRJ (Raymond International, Inc., Morrison-Knudsen International, Inc., Brown & Root, Inc. and JA Jones Construction Co., Inc) của người Mỹ còn xây dựng cây cầu dã chiến nối bờ đông với bờ tây sông Hàn - nửa phía đông cầu Nguyễn Hoàng/ Nguyễn Văn Trỗi nối vào địa phận phường An Hải Tây của quận Sơn Trà, là một trong hai cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi ở miền Nam Việt Nam (cây cầu thứ hai có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni là cầu Long Hồ dẫn từ thành phố Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh - cũng do RMK-BRJ xây dựng vào nửa sau thập niên 1960). Cầu Nguyễn Hoàng/ Nguyễn Văn Trỗi không phải là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn như cầu De Lattre de Tassigny/ Trịnh Minh Thế/ Trần Thị Lý nhưng là cây cầu tuổi đời lớn nhất đang còn ở lại với dòng sông này. Hiện nay cầu Nguyễn Hoàng/ Nguyễn Văn Trỗi với màu sơn vàng đặc trưng được người Đà Nẵng giữ lại để làm cầu đi bộ, với nhịp giữa được cải tạo để có thể nâng nhịp thông thuyền cao hơn 3,6 mét so với bình thường.

3. Về danh thắng ở Sơn Trà, trước hết có thể kể đến cảnh quan biển đảo. Cái độc đáo của quận Sơn Trà so với các quận huyện khác của Đà Nẵng đất liền là có một bán đảo rộng 4.370ha - cũng là một dãy núi ven biển dài 13,5km - rất nổi tiếng. Bán đảo Sơn Trà/ núi Sơn Trà nổi tiếng không chỉ vì có những di tích như Hang Bà Đính ở phường Thọ Quang và Cây me Phước Trường ở phường Phước Mỹ - hai đại bản doanh của đảng bộ và chính quyền Khu Đông Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp, hay như Hải đăng Tiên Sa và Mắt thần Đông Dương nêu ở trên kia, mà còn có những công trình kiến trúc mới như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Penninsula ở Bãi Bắc được thiết kế bởi Kiến trúc sư lừng danh thế giới Bill Bensley - từng được Giải thưởng Du lịch thế giới/ World Travel Awards trao tặng danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới năm 2015” và là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo 21 nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017; như Chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt trên độ cao 693m được xem là ngôi chùa lớn nhất thành phố với điểm nhấn kiến trúc là pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát 67m cao nhất Việt Nam; như Bảo tàng Đồng Đình - một bảo tàng tư nhân mang tên một loại cây họ cau/ caryota mitislour mọc phổ biến ở rừng Sơn Trà, với bốn khu trưng bày chính trong đó ấn tượng nhất là khu trưng bày các bộ sưu tập cổ vật bằng gốm như bộ sưu tập văn hóa Sa Huỳnh và bộ sưu tập gốm Champa...

Bán đảo Sơn Trà/ núi Sơn Trà còn nổi tiếng vì sự đa dạng sinh học, rừng Sơn Trà được xếp vào hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà từ đầu năm 1977. Trên núi là nơi cư trú của nhiều loài linh trưởng - không phải ngẫu nhiên khi còn chiếm đóng Đà Nẵng, người Mỹ gọi Sơn Trà là Monkey Mountain/ Núi Khỉ - trong đó có voọc chà vá chân nâu cực kỳ quý hiếm được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” và xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện, từng được chọn làm hình ảnh nhận diện Đà Nẵng vào năm 2017. Bán đảo Sơn Trà/ núi Sơn Trà cũng nổi tiếng vì có Cây đa di sản đầu tiên của Đà Nẵng chừng 800 năm tuổi, được phát hiện từ năm 1771. Bán đảo Sơn Trà/ núi Sơn Trà cũng nổi tiếng vì có Mũi Nghê/ Hòn Nghê được xem là nơi Đà Nẵng đất liền đón bình minh sớm nhất; có Bãi Đá Đen với nhiều tảng đá to màu đen nằm xen kẽ hoặc xếp chồng lên nhau rất độc đáo; có Bãi biển Tiên Sa - được vua Minh Mạng đặt tên là bãi biển Duyên Thùy - gắn với huyền thoại những nàng tiên giáng trần riêng có của Sơn Trà và với Cảng biển Tiên Sa - điểm cuối cùng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây...

Cảnh quan biển đảo của quận Sơn Trà không chỉ tập trung ở khu vực Bán đảo Sơn Trà/ núi Sơn Trà mà còn nằm nhiều nơi khác trên địa bàn quận, chẳng hạn như Bãi biển Mỹ Khê từng được Tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, còn tờ Sunday Herald Sun của Australia thì đánh giá đây là một trong số mười bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới; hay như Công viên Biển Đông đầy hấp dẫn với bức tượng đá Mẹ Âu Cơ - một tuyên ngôn đầy kiêu hãnh về con người - của cố điêu khắc gia người Đà Nẵng Lê Công Thành; hoặc như Nhà Trưng bày Hoàng Sa được thiết kế theo mô hình con dấu chủ quyền thời vua Minh Mạng không chỉ là nơi trưng bày những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa mà còn là nơi trưng bày tàu cá ĐNa 90152TS bị tàu vỏ sắt Trung Quốc hung hãn đâm chìm hồi tháng 5 năm 2014 khi đang hành nghề hợp pháp ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa...

Danh thắng ở Sơn Trà còn hấp dẫn ở cảnh quan hữu ngạn sông Hàn. Ngoài cầu Nguyễn Văn Trỗi được xem là một di tích chiến tranh đã nêu trên thì từ góc nhìn “đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân”, các nửa phía đông nối vào địa phận quận Sơn Trà của cầu Thuận Phước dài 1856m và là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam, của cầu Sông Hàn là cây cầu quay duy nhất ở nước ta vào thời điểm hiện nay và của cầu Rồng từng được vinh danh bằng Giải thưởng lớn tại lễ trao Giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc EEA năm 2014 tại thủ đô Washington DC của Mỹ, cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp cho “thành phố những cây cầu” - đặc biệt chỉ đứng ở phía Sơn Trà, ở phía đầu con rồng thép do nhà điêu khắc người Đà Nẵng Phạm Văn Hạng thiết kế thì mới có thể tận mục sở thị cầu Rồng phun nước và phun lửa. Ngoài ra cũng có thể kể đến cầu Tình yêu dài 68m nằm giữa cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi mới khánh thành vào năm 2015...

 Tính đến thời điểm này, trên địa bàn quận Sơn Trà đã có không ít di tích nhất khứ bất phục phản/ một đi không trở lại - mượn chữ của Thôi Hiệu trong bài thơ Hoàng Hạc lâu, chẳng hạn như di tích Thành An Hải được xây dựng vào đầu triều Nguyễn, cùng thời với di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải trên địa bàn quận Hải Châu - tháng 2 năm 1860, khi buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, quân viễn chinh Pháp đã triệt phá hoàn toàn Thành An Hải. Hay chẳng hạn như Tuyến đường sắt mà người Pháp gọi là Tramway de l'Ilôt de l'Observatoire là Faifoo dài 35 km, khổ 600 mm nối từ đảo Quan Sát (Observatoire) đến cầu Hội An, do Công ty vô danh cảng và than Tourane (Société anonyme des cocks et houillères Tourane) xây dựng, hoàn thành vào ngày 24 tháng 4 năm 1907 và đến ngày 27 tháng 10 năm 1915 thì tuyến đường ngừng hoạt động hoàn toàn(5).

Hoặc chẳng hạn như ngôi mộ của người lính hải quân Mỹ chơi nhạc trên chiến hạm USS Constitution tên là William Cook - từ trần vào năm Ất Tỵ 1845 thời vua Thiệu Trị - đang bị vùi sâu dưới nền một khu nghỉ dưỡng mới xây dựng năm 2007. Hay chẳng hạn như di tích bến phà An Hải một thời đêm ngày đưa khách sang sông cũng sớm lùi vào dĩ vãng khi cầu quay Sông Hàn được khánh thành từ cuối tháng 3 năm 2000... Tuy nhiên về cơ bản quận Sơn Trà đang sở hữu một hệ thống di tích và danh thắng phong phú đa dạng, trong đó có không ít di tích và danh thắng độc nhất vô nhị mang tầm cỡ quốc gia thậm chí quốc tế...  

 

Chú thích:

(1) Xem thêm Mai Trang, Dấu xưa chợ Hà Thân, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 15/3/2014.

(2) Xem Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà, Tập tài liệu Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà, Nxb Đà Nẵng, 2008, trang 66-69.

(3) Trước năm 1972, Quận III thuộc thị xã Đà Nẵng không có tên phường An Hải Tây mà chỉ có tên khu phố An Hải. Từ năm 1972, khu phố An Hải chia thành An Hải Bắc và An Hải Nam (Viện Sử học, Lịch sử thành phố Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, 1996, tr.249). Sau năm 1975, phường An Hải Nam mới chia thành An Hải Tây và An Hải Đông.

(4)  Ở quận Sơn Trà có con đường mang tên Nguyễn Phục từ năm 2010.

(5)Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Đường sắt Việt Nam (1880-2015) tái bản năm 2016.

B.V.T