Nam Thọ và An Phước - Hai ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất ở Sơn Trà

15.11.2021
Lê Xuân Thông - Đinh Thị Toan

Nam Thọ và An Phước - Hai ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất ở Sơn Trà

Phật giáo truyền nhập vào Đà Nẵng, đầu tiên là tại Ngũ Hành Sơn với sự kiện thiền sư Huệ Đạo Minh - một thiền sư người Việt, gốc ở huyện Du Xuyên, Thanh Hóa - đến dựng chùa Bình An trên ngọn Thủy Sơn, năm Canh Thìn (1640). Từ đó, Ngũ Hành Sơn trở thành một trung tâm của Phật giáo người Việt Đà Nẵng(1).

Cùng với trung tâm Phật giáo Ngũ Hành Sơn là nơi được các danh tăng cả Trung Hoa và Đại Việt đến tham thiền, lập đạo tràng xiển dương Phật pháp, tạo nên ảnh hưởng to lớn trong xã hội lúc bấy giờ, các địa phương khác của Đà Nẵng cũng hình thành những ngôi chùa làng (còn gọi là chùa dân gian), hoàn toàn do nhân dân làng xã xây dựng, quản lý và là cơ sở hành trì tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của họ. Nằm liền kề trong dải đất hữu ngạn sông Hàn, Sơn Trà vắng bóng những ngôi cổ tự có niên đại lâu đời với chứng cứ xác tín như Ngũ Hành Sơn. Thông qua tư liệu Hán Nôm có niên đại muộn vào thế kỉ XIX, XX còn bảo lưu tại vùng sở tại, có thể nhận biết được có hai ngôi chùa làng có lịch sử xây dựng lâu đời nhất trên địa bàn quận, đó là Nam Thọ và An Phước.

Chùa Nam Thọ

Chùa Nam Thọ hiện tọa lạc trên đường Phan Bá Phiến, thuộc phường Thọ Quang. Bên cạnh các ngôi chùa dân gian có tiếng lúc bấy giờ như chùa làng Đà Sơn (nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), chùa Long Thủ, còn gọi là chùa An Long (thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu), chùa Linh Sơn ở xã Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, xứ Quảng Nam (nay thuộc quận Cẩm Lệ), theo tương truyền dân gian, ở Đà Nẵng, dưới thời chúa Nguyễn, có một số làng khác cũng đã xây dựng chùa chiền như làng Dương Lâm (nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), làng Lỗ Giáng (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), và làng Nam Thọ. Là chùa của làng nên tất thảy đều do nhân dân trong làng đóng góp tạo dựng dưới sự chủ trì của các hương lão, chức sắc, chùa Nam Thọ không phải là một ngoại lệ.

Lúc bấy giờ, chùa được xây dựng bằng những vật liệu đơn sơ, nhà tranh vách ván, kiến trúc đơn giản theo lối nhà dân dụng nên độ bền thấp, thường bị hủy hoại bởi thiên tai hoặc các tác nhân khách quan khác. Chùa vì thế, được thay đi dựng lại nhiều lần. Chính điều đó nên ngày nay chúng ta khó lòng có được những căn cứ vật chất xác thực để tìm hiểu lịch sử, xác định được niên đại chính xác của ngôi chùa này trong các thế kỉ XVII, XVIII giống như rất nhiều ngôi chùa làng khác. Cũng cần nói thêm rằng, chùa và đình là những tự sở mang đậm dấu ấn của cộng đồng làng xã. Một số nơi hai công trình này được xây dựng cạnh nhau trong sự tương liên về đất đai và thậm chí là lối đi. Có thể thấy điều này ở làng Nam Thọ và Mỹ Khê (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Mãi đến thế kỉ XX, do sự thay đổi về đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề về sở hữu, sử dụng và gìn giữ nên các công trình xây dựng hàng rào ngăn cách, biệt lập không gian tế tự.

Chùa Nam Thọ hiện còn hai văn bia Hán Nôm do nhân dân địa phương tạo lập trong dịp trùng kiến chùa, một có niên đại Duy Tân thứ 7 (1913), và một có niên đại Duy Tân thứ 8 (1914). Nội dung ngắn gọn, chủ yếu nêu lý do việc tôn tạo chùa và công đức của nhân dân địa phương. Theo đó cho biết dưới thời Tự Đức (1848 - 1883), chùa Nam Thọ bị binh lửa chiến tranh hủy hoại, chỉ còn vết tích. Vì vậy, đến năm Duy Tân thứ 7 (1913), dân làng đã tạo dựng ngôi chùa mới trên nền móng của ngôi chùa cũ. Văn bia viết:

恭惟陰扶默相佛聖無私心感誠通人情思本原前張族張文琟心誠奉佛有奉供私田在本社原簿田共三高五尺四寸以爲寺田香火於嗣德年間一經兵火寺宇尚存遺址這田畱爲公用玆本社再造佛寺告成復將這田從前奉祀并紀念前灵庶追先志銘之于碑以示後人弗替引之云尒

维新柒年仲冬吉日南壽社本社仝誌

Kính nghĩ: Phù trì kín đáo, nâng đỡ lặng yên, Phật thánh không hề tư kỷ. Tâm thức cảm thông sâu sắc, tình người nhớ lại cội nguồn. Nguyên trước họ Trương, Trương Văn Chuy, tâm thành thờ Phật, phụng cúng một sở tư điền, ở trong sổ bạ trước đây của bổn xã, tổng cộng có ba sào năm thước bốn tấc ruộng để làm hương hỏa tự điền. Trong thời Tự Đức, giặc cướp tràn vào, lửa đạn bốn bề nổi dậy, chùa chiền chỉ còn lại di chỉ. Ruộng ấy lưu dùng cho việc công. Nay, bổn xã tái trùng tu chùa Phật đến ngày hoàn thành lễ tạ. Từ nay, ruộng ấy chi dùng vào việc cúng đơm, cũng là để giữ làm kỷ niệm của tiên linh, thứ nữa là ghi tên người xưa có lòng phụng Phật vào bài minh trên bia đá để con cháu đời sau chẳng quên việc ấy vậy.

Ngày tốt tháng trọng đông (tháng 11) năm Duy Tân thứ 7. Bổn xã xã Nam Thọ cùng ghi.

Không rõ, chùa Nam Thọ nguyên ủy có phải là ngôi chùa Nam An xưa hay không, nhưng trong địa bạ lập năm Gia Long thứ 14 hiện còn lưu giữ tại làng nay có kê khai đất vườn chùa một khoảnh ba sào. Nếu đúng thì chí ít vào cuối thế kỉ XVIII, chùa đã được dựng nên.

Sau năm 1913, chùa tiếp tục trải qua nhiều lần đại trùng tu mới có được diện mạo như hiện tại. So với các ngôi Phật tự khác trên địa bàn thành phố, chùa Nam Thọ có diện tích không lớn. Ngoài tam quan, chùa có chính điện, nhà tổ, lầu Quan Âm, tăng xá, nhà bếp và nhà vệ sinh.

Chính điện nằm chính giữa khuôn viên, dựng trên nền đất cao hơn sân khoảng 50 cm. Mái kiểu trùng thiềm với đồ án lưỡng long triều nhật ở nóc và tứ linh ở các góc mái. Bên trong chính điện chia làm ba gian với ba bàn thờ nằm sát tường sau. Bàn thờ giữa tôn trí ba tượng Phật và hai tượng Bồ Tát. Cao nhất là tượng Phật kiết già trên tòa sen, áo choàng hở ngực, mắt mở, nét mặt an hòa, hai tay kiết ấn ngửa lòng đặt trước bụng dưới. Thấp hơn về trước là tượng Di Đà tiếp dẫn, kích thước tượng nhỏ. Thấp nhất là tượng Phật Chuẩn Đề, ngoài hai tay kiết ấn trước ngực, mỗi bên còn lại có 8 tay, mỗi tay đều đeo vòng màu ngọc bích, lòng bàn tay cầm các bảo vật khác nhau như đào tiên, bình nước, kiếm, hoa sen... Trái, phải hai bên tượng Phật có tượng Bồ Tát Phổ Hiền và Bồ Tát Văn Thù cưỡi linh thú. Bàn thờ tả, hữu tôn trí tượng Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát trong tư thế đứng trên đài sen, một tay kiết ấn, tay còn lại cầm minh châu hoặc bình cam lồ.

Nhà tổ nằm trong cùng một không gian với chính điện, cách chính điện bằng một bức tường ngăn cách ở phía sau. Bàn thờ chính giữa nhà tổ tôn trí lần lượt từ trên xuống dưới là các vị Đạt Ma sư tổ, Phật Di Đà tiếp dẫn và Địa Tạng Bồ Tát. Thấp hơn về phía trước là di ảnh các vị cố trú trì. Hai bên bàn thờ, sát tường là hai văn bia chữ Hán như đã nói ở trên. Ngoài bàn thờ ở gian giữa, các bàn thờ còn lại phối thờ hương linh.

Phía tả chính điện là lầu Quan Âm hình lục giác đều, nền cao gần bằng chính điện. Phía hữu là tăng xá. Khu nhà bếp và nhà vệ sinh nằm sau cùng khuôn viên.

Trải qua biến thiên lịch sử, chùa Nam Thọ ngày nay tọa lạc yên bình giữa khu dân cư đông đúc. Vẻ cổ kính nay không còn và dấu ấn của một tự sở có lịch sử lâu đời đến nay đã phai nhạt. Ít ai biết rằng, ngôi chùa này đã từng là ngôi chùa làng được người dân sở tại góp công góp sức để xây dựng nên, ngót nghét trên 200 năm thăng trầm có lẻ.

Chùa An Phước

Chùa An Phước thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Theo tấm bia đá khắc năm Quý Sửu (1853) nay còn dựng tại chùa thì chùa An Phước được dựng đồng thời cùng với các cơ sở tín ngưỡng khác trong làng như đình, đền miếu, tuy nhiên không nói rõ năm xây dựng. May mắn là trong danh sách những người phụng cúng có tên một nhân vật lịch sử nổi danh, một đại công thần triều Nguyễn, quê làng An Hải (Đà Nẵng) là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), giúp chúng ta xác định được thời điểm xây dựng chùa. Văn bia có đoạn:

大南廣南省奠磐府延福縣安留下總安海社緬念前人誠心奉供功德無量玆本社立碑誌以垂永遠所有奉供恭勒于左欽差統制按守朱篤屯領保護高綿國印並管河僊鎮邊務阮文瑞奉供亭寺諸庙宇瓦庫各項並許弁兵銀拾笏[…]

Xã An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, kính ghi nhớ những người trước đã có lòng thành phụng cúng, công đức vô lượng. Nay bổn xã dựng bia để lưu truyền mãi mãi. Những người phụng cúng kính xin khắc vào bên tả:

 Quan Khâm sai Thống chế án giữ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản việc biên phòng trấn Hà Tiên Nguyễn Văn Thoại phụng cúng: chùa, đình, các miếu thờ: ngói, gạch, nhà kho các hạng, cùng cho bạc nhà binh 10 nén […]

Qua thân thế và sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu, chúng ta biết được đó là lần ông về thăm quê năm 1827. Như vậy, chùa An Hải cũng như nhiều công trình đình miếu khác của làng được xây dựng năm 1827.

Thác bản văn bia chùa An Phước (Niên đại: Quý Sửu 1853)

Ngoài Thoại Ngọc Hầu, văn bia còn cung cấp một bản danh sách công đức của nhiều người dâng cúng nhiều ruộng đất và hàng trăm quan tiền. Điển hình như tín hữu Trần Thị Quy dâng cúng vào chùa đến hơn một mẫu ruộng và một trăm quan tiền. Điều đó cho phép hình dung về chùa làng An Hải lúc bấy giờ chắc hẳn được xây dựng bề thế, chủ yếu bằng vật liệu gỗ và gạch vôi vữa. Là một ngôi chùa tọa lạc bên cạnh chợ Hà Thân (cũng do Thoại Ngọc Hầu chỉ đạo lập nên trong dịp này) - trung tâm thương mại của bảy xã vùng hữu ngạn và cả các xã lân cận vùng tả ngạn sông Hàn, chùa An Phước luôn đón nhận tín hữu gần xa đến đây dâng hương bái Phật, công đức vào chùa, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của không chỉ nhân dân An Hải mà của cả một khu vực rộng lớn. Cũng bởi vậy, chùa luôn được chăm chút tôn tạo, tồn tại nghiêm trang giữa trung tâm đô hội.

Một biểu hiện rõ ràng nhất là vào năm Duy Tân thứ ba (1909), chùa được trùng tu sửa chữa với sự góp sức của hàng trăm tín hữu trong vùng, bao gồm đủ loại thành phần xã hội, trong đó có đến hàng chục cựu chức sắc lí dịch của xã An Hải. Nó càng cho thấy vai trò của chùa An Phước đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Đà Nẵng. Dưới đây là một đoạn trong bài kí văn bia:

大南沱曩讓地安海社本社豪里士壯大小等緬念佛恩誠心奉供銀錢切光佛像修補祠器並買田畱置在本社安福寺當年至上元午供一延以酬佛惠所有姓名誠供数干恭勒于碑

Chúng tôi là hào, lí, sĩ, tráng lớn nhỏ ở xã An Hải, nhượng địa Đà Nẵng, nước Đại Nam chạnh nghĩ đến ơn Phật, thành tâm phụng cúng tiền bạc để bài trí tượng Phật, tu bổ khí dụng thờ tự và mua ruộng lưu tại chùa An Phước của bổn xã. Năm nay, đến dịp thượng nguyên, một lòng phụng cúng để báo ân huệ của đức Phật. Những người thành tâm phụng cúng kính khắc tên vào bia đá.

Có lịch sử lâu đời là vậy, nhưng đến nay, sau khi thuộc diện giải tỏa, chùa đã được di dời về gần chợ đêm cầu Rồng, tọa lạc trên đường Mai Hắc Đế. Nét cổ kính đã được thay mới hoàn toàn bằng tòa nhà cao lớn có diện tích rộng rãi. Giống như nhiều ngôi chùa hiện đại khác, các công trình của chùa không có gì khác biệt về kiểu thức trang trí và thờ tự. Hai văn bia chùa hiện nay được gắn vào tường hiên phía trước. Sau nhiều lần di dời và tháo lắp, bia đã có dấu hiệu mòn mờ chữ, tuy vậy nội dung toàn văn vẫn được bảo lưu. Hy vọng đây là tư liệu hữu ích cho những ai thực sự quan tâm đến lịch sử ngôi cổ tự này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyên Lam Chân Tuệ Định (2008), Lược sử Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hoá, Huế.
  3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Lê Xuân Thông (2012), “Chuông đồng Phật giáo người Việt tại Đà Nẵng”, Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, (1-6/2012), tr.91-98.
  5. Lê Xuân Thông (2013), “Chùa dân gian ở Đà Nẵng thời chúa Nguyễn”, Huế xưa & nay, (115), tr.44 -52.
  6. Văn bia các chùa Nam Thọ và An Phước.
  7. Tư liệu điền dã vào các năm 2012 đến 2020.

L.X.T - Đ.T.T