Vai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống người dân Đà Nẵng
Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng Phong Lệ” năm 2023.
1. Đặt vấn đề
Ở nước ta, văn hóa, văn nghệ dân gian được xem là một bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc. Ở Đà Nẵng, ngay sau ngày giải phóng (29/3/1975) đến nay, việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt là những người tâm huyết với văn hóa truyền thống của đất nước. Họ đã không ngừng nghỉ, nghiên cứu, sưu tầm và đạt được nhiều thành tựu, góp phần trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của mảnh đất cũng như con người Đà Nẵng.
Vài thập niên gần đây, quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng diễn ra khá mạnh mẽ, nhiều lần thành phố mở rộng về các hướng, tăng khu vực vùng ven, tăng khu vực ngoại thành… đã tạo cho Đà Nẵng mang một diện mạo mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà sự phát triển của đô thị hóa đem lại (tạo sức hút mạnh mẽ tới khu vực nông thôn, chi phối một số mặt của đời sống - kinh tế - văn hóa - xã hội tại khu vực này, và ở mức độ nào đó, còn tạo nên các chuẩn mực để người dân nông thôn vươn tới…) thì không thể không phủ nhận những mặt trái của quá trình đô thị hóa đã tác động nhiều mặt đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân (chẳng hạn sự thay đổi quá lớn về không gian, cảnh quan đã làm cho nhiều ngôi làng được phủ xanh bởi phi lao, cau, dừa, tre, đồng ruộng phì nhiêu…, với lối sống và văn hóa truyền thống đã bị thay thế bằng những khu nghỉ dưỡng hay những khu chung cư, khu đô thị hiện đại; những tri thức dân gian về ứng xử hay các di tích, phong tục, tập quán, lễ hội bị biến đổi dần… Rõ ràng, khi không gian sống bị thay đổi đã ảnh hưởng đến các khía cạnh văn hóa của cộng đồng cư dân thì việc bảo tồn văn hóa truyền thống của họ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn…). Vì vậy, vai trò của các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị “thuần phong mỹ tục” của văn hóa truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội… là hết sức cần thiết.
2. Vai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống người dân Đà Nẵng
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”; nêu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế… nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Từ quan điểm đó, các cấp, các ngành đã chú trọng hơn trong công tác phát huy các giá trị văn hóa trong đó có văn hóa dân gian. Nhiều công trình văn hóa dân gian được đầu tư nghiên cứu, xuất bản; việc ứng dụng thành quả của các nghiên cứu đó cũng được chú trọng hơn nhằm góp phần phát huy sức mạnh nội sinh, phát triển đất nước. Thời gian tới, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống của người dân Đà Nẵng.
Xây dựng và giáo dục nếp sống, lối sống, đạo đức, nhân cách con người
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian góp phần trong việc xây dựng và giáo dục nếp sống, lối sống, đạo đức, nhân cách con người, bởi con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của sự phát triển xã hội. Đạo đức, nếp sống, lối sống, hành vi và nhân cách của mỗi con người dường như được hình thành, sửa đổi, dưỡng nuôi theo thời gian thường thông qua môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội… mà trong đó, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian góp một phần không nhỏ. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, con người từ khi mới sinh ra cho đến khi lớn lên, dường như ai cũng từng trải qua một thời thơ ấu gắn liền với quê hương, gia đình, được nằm trong vòng tay thương mến của người thân, trong chiếc nôi, cánh võng,… được nghe những bài hát ru ngọt ngào của bà, của mẹ, của anh, của chị… nhè nhẹ đưa ta vào giấc ngủ say. Chính sự yêu thương ngọt ngào, ấp áp ấy theo thời gian sẽ ngấm dần vào máu thịt, trở thành ký ức và đi theo ta đến hết cuộc đời. Nhà thơ Thạch Hà trong bài thơ “Tìm lại tiếng nôi” đã nói hộ lòng của bao người mỗi khi nhớ về thời thơ trẻ: “Con trở về tìm lại tiếng nôi đưa/ Bên khóm tre già trưa hè bóng rủ/ Câu à ơi mẹ ru con ngủ/ Năm tháng ấu thơ da diết quê nghèo/ Tiếng mẹ ru tạc đá mang theo/ Ngang dọc những nẻo đường phiêu dạt/ Lời ru nâng con qua thăng trầm đắng-chát/ Đến bây giờ còn in dấu chân non..”.
Có thể thấy, ký ức là một phần không thể xóa nhòa trong tâm trí của mỗi người, cho dù ai rồi cũng lớn lên, phần nhiều sẽ rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình đi đến một nơi nào khác, thì con đường làng, cây đa, giếng nước, mái đình, căn nhà xưa, khoảng sân đầy bóng trăng những đêm hè, tiếng hát ru thời thơ ấu… cũng trở thành máu thịt. Tất cả góp phần trong việc điều tiết, xây dựng hành vi và giáo dục nếp sống, lối sống, đạo đức, nhân cách cho mỗi chúng ta. Chính vì vậy, nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian nhiều thế hệ ở Đà Nẵng đã không ngừng sưu tầm, nghiên cứu và cho ra đời những tác phẩm có giá trị như: nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe với các công trình Tết xứ Quảng (2005), Văn hóa dân gian Hòa Vang (2008), Vè xứ Quảng & Chú giải (2016)…; nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng với Vănhóadângianđất Quảng dưới góc nhìn đương đại (2019); nhà nghiên cứu Đinh Thị Hựu với Tiếng địa phương trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng (2011), Hò khoan xứ Quảng (2013), Vè đấu tranh ở Đà Nẵng (2015), Câu đố xứ Quảng (20118); nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt có tác phẩm Ca dao dân ca kháng chiến đất Quảng; nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Thân với Tìm về đất Quảng…
Đặc biệt, diễn xướng dân gian là một loại hình trình diễn nghệ thuật đã hiện diện từ lâu trong đời sống của cư dân xứ Quảng, góp phần vào đời sống văn hóa phong phú của người dân. Vào những ngày Tết, ngày hội… chúng ta bắt gặp khá nhiều những loại hình diễn xướng như hát sắc bùa ngày Tết, hô bài chòi, hát bả trạo, hò đưa linh, hò khoan đối đáp… Những thập niên qua, đã có khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian gắn bó với lĩnh vực này, tiêu biểu như nhà nghiên cứu Trương Đình Quang với các công trình Lịch sử kịch hát bài chòi, Men rượu hồng đào (Dân ca Quảng Nam), Với bài hát và ca kịch quê hương, Tai nghe trống chiến trống chầu, Hát bả trạo - Hò đưa linh (viết chung với Thy Hảo Trương Duy Hy)…; nhà nghiên cứu Trần Hồng với các tác phẩm Âm nhạc ca kịch Bài chòi, Hát Sắc bùa, Hò đưa linh; nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt với Sắc bùa xứ Quảng; nhà nghiên cứu Văn Thu Bích với tác phẩm Âm nhạc dân gian miền Biển Đà Nẵng; nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh với các phẩm 119 Trò chơi đồng dao của trẻ em, 219 Trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non, Trò chơi dân gian của các tộc người Việt Nam, 70 Trò chơi âm nhạc dành cho trẻ em,…
Còn nhiều và rất nhiều những công trình của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác, nhưng qua những tác phẩm kể trên phần nào cho thấy, những đóng góp của các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian đóng một vai trò không nhỏ trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người, giáo dục và hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ như Nhà sư phạm nổi tiếng Sukhomlynsky từng viết rằng: “Tuổi thơ không thể thiếu âm nhạc cũng như không thể thiếu trò chơi và chuyện cổ tích, thiếu những cái đó, trẻ em chỉ còn là những bông hoa khô héo…”.
Hình thành phong tục, tập quán của cộng đồng
Văn hóa, văn nghệ dân gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các tập quán, phong tục, nếp sống của người dân, của cộng đồng. Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, mỗi thành viên đều đắm mình trong dòng suối dân ca với những lời răn dạy về chuẩn mực đạo đức được thể hiện qua các hình thức: hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên,... Đồng thời mỗi thành viên còn được cả một hệ thống phong tục tập quán định hướng, buộc tuân theo như phong tục theo chu kỳ đời người (sinh đẻ, cưới xin, tang ma), tập quán ứng xử trong cộng đồng làng, dòng họ, gia đình, tập quán phong tục ứng xử với môi trường thiên nhiên,... Toàn bộ các khuôn mẫu ứng xử, các chuẩn mực này đều được hình thành theo cơ chế dân gian (được truyền dạy bằng truyền miệng, thực hành) và là các thành tố loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Đà Nẵng - luôn tâm huyết với những vấn đề về văn hóa dân gian, nhất là những phong tục tập quán của người dân xứ Quảng, trong ấn phẩm Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời (2010), ông cho rằng “Khi nói đến những giá trị văn hóa phải bàn đến nhiều lĩnh vực tinh thần của con người như văn học, mỹ học, phong tục, tập quán […] những yếu tố lạc hậu sẽ bị loại trì, rơi rớt ra ngoài một vòng đời, không còn đóng vai trò thực tiễn trong phong tục, tập quán của người dân xứ Quảng. Vì vậy, không nhìn nhận những tập tục theo một vòng đời tồn tại ở xứ Quảng là cố định, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tinh thần, vật chất của mỗi người mà nhìn nhận các tập tục vận động không ngừng và phát triển. Chính thế, mới bàn đến tập tục xứ Quảng là cách góp phần ôn lại chuyện xưa, theo tinh thần “ôn cố tri tân’, hiểu về một phong tục đi liền theo một vòng đời đã một thời in dấu sâu đậm trong sinh hoạt tinh thần của mỗi người, mới tiếp tục đẩy mạnh, phát huy truyền thống tinh thần, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, loại bỏ những tàn dư lạc hậu còn đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Mặt khác, văn hóa dân gian còn góp phần xây dựng các chế tài xử phạt, hoặc khuyến khích khen thưởng là cộng đồng. Các chế tài này thể hiện qua hương ước, luật tục, tập quán pháp, cấm kỵ,... Đặc biệt là dư luận của cộng đồng gây sức ép đối với các thành viên vi phạm, chúng được lan truyền qua cơ chế văn hóa dân gian (truyền miệng) đã tạo sức ép buộc các thành viên phải tuân theo khuôn mẫu ứng xử. Dư luận cũng góp phần điều chỉnh các hành vi, ứng xử của mỗi thành viên và buộc họ phải tuân theo. Như vậy, văn hóa văn nghệ dân gian thông qua các môi trường cộng đồng (gia đình, dòng họ, làng xóm, tộc người,...) tác động đến việc hình thành các ứng xử của mỗi thành viên.
Sự tác động này khá chặt chẽ ở cả 03 công đoạn là định hướng chuẩn mực, tạo thành khuôn mẫu ứng xử và tạo ra chế tài thực thi giám sát. Đây là mô hình hình thành nhân cách, tạo ra nếp sống và quản lý xã hội chặt chẽ của văn hóa dân gian. Hiện nay, trong xã hội đương đại bên cạnh vai trò văn hóa dân gian tác động, quản lý còn có các yếu tố mới đang phát triển như vai trò của truyền thông đại chúng, vai trò của nhà trường, luật pháp,... Trong thời đại công nghệ số, với sự lan truyền thông tin mạnh mẽ, phức tạp, vai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian với việc xây dựng nhân cách, đạo đức nếp sống và quản lý xã hội càng giữ vị trí quan trọng trong phát triển bền vững. Đặc biệt, trong phát triển bền vững, vai trò của con người, vai trò của gia đình được đề cao thì vai trò của văn hóa dân gian với việc hình thành nhân cách, đạo đức cũng ngày càng phát triển. Thời gian các kỳ nghỉ được dài hơn, thời gian rỗi hàng ngày, hàng tuần cũng tăng, do đó các sinh hoạt mang tính chất câu lạc bộ theo nhóm sở thích cũng được tổ chức thường xuyên và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. Ở đây nhiều sinh hoạt văn hóa, nếp sống, vui chơi,... cũng hoạt động theo cơ chế dân gian. Như vậy, trong phát triển bền vững, khi con người đứng ở vị trí trung tâm, các yếu tố văn hóa dân gian ngày càng được khơi dậy và phát huy.
Trong việc bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường là một trong 03 trụ cột chính để phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường càng đặt ra cấp bách hơn khi nước ta đang phải đối mặt với khủng hoảng sinh thái trên phạm vi toàn quốc và toàn cầu. Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam với môi trường tự nhiên. Đồng thời các công trình nghiên cứu cũng khái quát một số quy luật quan hệ với thiên nhiên của người Việt, gợi mở cho quan điểm phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
Bên cạnh xu hướng nghiên cứu mang tính chất cơ bản trên, các hội viên Hội Văn nghệ dân gian cùng các nhà khoa học triển khai nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng về tri thức dân gian với vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên. Nhiều năm qua Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã xuất bản nhiều công trình, tổ chức các hội thảo về vấn đề này đã tạo hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng, người dân, đặc biệt là các cơ chế chính sách về bảo vệ tài nguyên rừng, biển. Tại Đà Nẵng có các công trình nghiên cứu đề cập đến tri thức của cư dân hành nghề biển, luật tục về khai thác rừng của người Cơ Tu như Bảotồnvăn hóa dân gian Cơ Tu huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng (Đinh Thị Hựu, Võ Văn Hòe chủ biên), Văn hóa dân gian Cơ Tu - Truyền thống, biến đổi và năng lực thích ứng (Võ Văn Hòe), Văn hóa Đà Nẵng từ những góc nhìn (Đinh Thị Trang)... Từ các nghiên cứu này, các tác giả đã đề xuất nhiều khuyến nghị về xây dựng cơ chế bảo vệ rừng, các tri thức bản địa sử dụng nguồn nước, đất phù hợp với từng loại hình ở từng vùng, từng dân tộc… Các nghiên cứu của nhiều hội viên Văn nghệ dân gian và các cơ quan khoa học thực sự đóng vai trò quan trọng cho việc hoạch định chính sách bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Như vậy, cuộc sống đang đòi hỏi các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trả lời các câu hỏi của thực tiễn. Hàng loạt vấn đề đặt ra đối với giới nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Trước yêu cầu cấp thiết như vậy, Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã bước đầu chuyển hướng nghiên cứu, từ thế mạnh nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng. Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng chủ trì tổ chức một số tọa đàm khoa học như “Văn hóa dân gian Đà Nẵng trong đời sống đương đại”, “Nghiên cứu văn hóa biển dưới góc nhìn dân tộc học”, “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng Phong Lệ”, “Di sản mỹ thuật kiến trúc trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng”… các nhà nghiên cứu cũng tích cực nghiên cứu, tiếp cận văn hóa, văn nghệ dân gian dưới góc độ ứng dụng và phát triển. Nhiều hội viên cũng có những tham luận tại nhiều Hội thảo khoa học trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và quốc gia với nhiều đề tài đa dạng. Các công trình vừa nghiên cứu các thể loại văn hóa dân gian truyền thống đang vận hành trong xã hội đô thị mới, dưới sự tác động của cơ chế thị trường. Các thể loại này còn tác động đến đời sống kinh tế - xã hội thế nào? Đặc biệt là các vấn đề mối quan hệ giữa văn hóa trung tâm và văn hóa ngoại vi? các đặc trưng sinh hoạt văn hóa dân gian (tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian…) có tác động đến đời sống cư dân đô thị, cả tích cực và tiêu cực, từ đó đề ra các khuyến nghị, giải pháp; Các sinh hoạt quan hệ của các nhóm xã hội, các câu lạc bộ, quan hệ dòng họ, đồng hương chi phối đến đời sống xã hội của cư dân đô thị; Sự di dân, dịch chuyển văn hóa từ nông thôn vào thành thị hình thành các nhóm cư trú riêng biệt mang đặc trưng văn hóa tộc người, tôn giáo tộc người và các địa phương khác nhau…
Như vậy, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, sự tác động quá trình đô thị hóa với văn hóa dân gian và ngược lại đang là quá trình tác động hai chiều, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian không những sớm chủ động nghiên cứu mà còn có nhiều đóng góp giải quyết những vấn đề phát triển của đô thị.
Trong phát triển kinh tế
Không chỉ góp phần hình thành nhân cách lối sống của con người, bảo vệ môi trường,… văn hóa, văn nghệ dân gian còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương. 50 năm kể từ ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng đến nay, nhiều nhà nghiên cứu của Hội Văn nghệ dân gian đã có nhiều công trình đề cập đến mối quan hệ giữa tính đặc thù của văn hóa dân gian với phát triển kinh tế, tiêu biểu như bảo tồn phát huy nghề và làng nghề truyền thống, du lịch, giới thiệu hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố... xác định nhiều loại hình văn hóa dân gian là nguồn lực của du lịch nhằm phát triển kinh tế. Từ đó, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân gian đang hiện diện trên địa bàn thành phố.
Điều này chúng ta thấy thể hiện rất rõ qua việc ứng dụng, sử dụng nguồn tư liệu của những nhà nghiên cứu trong việc bảo tồn, phát triển các nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở Đà Nẵng. Năm 2002, nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt cho ra đời ấn phẩm Chuyện làng nghề Đất Quảng, đây là một công trình nghiên cứu công phu của tác giả, ghi lại những câu chuyện dân gian xoay quanh các làng nghề ở xứ Quảng. Đến năm 2007, Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã xuất bản công trình Nghề và Làng nghề đất Quảng do các nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Hoàng Hương Việt - Bùi Văn Tiếng (Chủ biên). Từ đó đến nay, nhiều công trình nghiên cứu của hội viên Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng liên quan đến nghề truyền thống ở xứ Quảng nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, các nghiên cứu không chỉ đi sâu vào phân tích lịch sử nguồn gốc các nghề và làng nghề thủ công truyền thống của địa phương mà còn đề ra các xu hướng phát triển, các yếu tố phát triển, đề xuất, khuyến nghị nhiều vấn đề về chiến lược, cơ chế, chính sách đã thực sự đóng góp tích cực trong phục hồi nghề và làng nghề, phát triển kinh tế của địa phương.
Ngày nay, du lịch được xem là một trong 05 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố, điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 43- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 24 tháng 01 năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những công trình nghiên cứu về lễ hội, đình, chùa, miếu, hát hò khoan đối đáp, hô Bài chòi,… hiện diện trên mảnh đất Đà Nẵng của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã trở thành những sản phẩm mà ngành du lịch luôn hướng tới. 50 năm trôi qua, các nhà nghiên cứu thuộc Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng đã xuất bản nhiều công trình như: Tập tục Lễ hội đất Quảng (Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng, Đinh Thị Hựu…), Văn hóa dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng - Tác giả - Tác phẩm (Nhiều tác giả), Văn hóa dân gian Đà Nẵng - Cổ truyền & Đương đại (Võ Văn Hòe chủ biên); Ẩm thực đất Quảng (Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng, Đinh Thị Hựu…); Bài chòi xứ Quảng (Đinh Thị Hựu, Trương Đình Quang); Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng (Võ Văn Hòe chủ biên),… Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu về tín ngưỡng, lễ hội, sắc phong, di tích lịch sử - văn hóa, mỹ thuật dân gian… của các tác giả Nguyễn Thượng Hỷ, Hồ Xuân Tịnh, Hồ Tấn Tuấn, Nguyễn Hoàng Thân, Đinh Thị Trang... Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, hàng năm Hội đều xuất bản ấn phẩm Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, đây là tập hợp các nghiên cứu, sưu tầm của hội viên trong năm về văn hóa văn nghệ dân gian.
Bên cạnh cho ra mắt những ấn phẩm nghiên cứu về lễ hội, các nhà nghiên cứu thuộc Hội Văn nghệ dân gian còn tham gia góp ý, phục hồi nhiều lễ hội khác như lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ, lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng, lễ hội Cầu ngư, cũng như nhiều lễ hội các đình làng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như Túy Loan, Hải Châu,…
Theo thống kê của chúng tôi, trên địa bàn thành phố hiện có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp thành phố và 39 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Đã có 07 di sản văn hóa phi vật thể của Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng đã chung tay cùng các địa phương Trung Bộ xây dựng Hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ của Việt Nam” và đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Ma Nhai thuộc Danh thắng Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Châu Á - Thái Bình Dương. Qua đó thấy rằng, những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian có nhiều lợi thế nghiên cứu phát triển du lịch. Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian sẽ đóng góp nhiều cho định hướng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh... Trong lĩnh vực này, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Tuấn đã cho ra mắt nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như Đình làng Đà Nẵng (Viết chung), Đà Nẵng - Di tích và danh thắng, Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng; nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang với Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn,…
Bên cạnh còn có nhiều loại hình tín ngưỡng đa dạng, phong phú như: tín ngưỡng thờ Mẫu; tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên; tín ngưỡng thờ cúng âm linh (cô hồn); tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (Ông Ngư); tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng và các vị tiền hiền; tín ngưỡng thờ Thiên Hậu, Quan Công của cộng đồng người Hoa;… khá độc đáo, được cư dân gìn giữ và thực hành nghi lễ cúng tế, thờ tự suốt hàng trăm năm qua, đã tạo nên nét đẹp trong đời sống tâm linh của mảnh đất và con người Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hệ thống các lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội tôn giáo được tổ chức thường xuyên, liên tục suốt nhiều thế kỷ qua đã tạo nên một Đà Nẵng đa sắc màu, an lành và hạnh phúc. Những lễ hội hàng năm đã thu hút du khách không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế tham dự, trở thành mảnh đất của lễ hội trong lòng miền Trung… Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này đã được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đà Nẵng quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và cho ra đời những ấn phẩm có giá trị, góp phần quảng bá văn hóa Đà Nẵng đến với bạn bè trong và ngoài nước, đóng góp vào ngành du lịch của thành phố, nhất là du lịch tâm linh.
Thay lời kết
Văn hóa, văn nghệ dân gian trong thời kỳ đổi mới và hội nhập có xu hướng phát triển mạnh loại hình văn hóa dân gian ứng dụng, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển bền vững. Từ những tri thức được lưu truyền, văn hóa, văn nghệ dân gian không chỉ góp phần bồi đắp, giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua sự trao truyền bảo tồn nếp sống ở mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc mà còn phát huy lợi thế về đặc thù nghiên cứu trở thành một ngành khoa học ứng dụng ở đô thị, nông thôn, góp phần phát triển ngành nghề thủ công, du lịch. Từ đó, vai trò của người nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian cũng chuyển đổi từ người say mê sưu tầm vốn cổ trở thành người tham gia đánh giá, thẩm định các chính sách, đưa ra các khuyến nghị phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững.
Đ.T.T