Múa Việt “Bình dân” hay “Hàn lâm?”

14.12.2020
Minh Hằng
Cuộc thi Tài năng diễn viên Múa 2020 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hồ Chí Minh cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan diễn ra ngay sau Đại hội VII Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam (tháng 10/2020) với hơn 100 cá nhân, đơn vị tham gia, được cho là sự kiện mở đầu cho một nhiệm kỳ mới của Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam, hứa hẹn sẽ có nhiều thành công, khi chỉ một cuộc thi đã có 6 giải nhất, 14 giải nhì, 16 giải ba và 6 giải khuyến khích, giấy khen cho các thí sinh tham dự. Ngay sau cuộc thi không lâu, Hội nghệ sỹ múa Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức cuộc thi với hơn 50 diễn viên múa tham gia. Cho thấy đội ngũ kế cận của Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam khá hùng hậu chứ không èo uột như dư luận trong giới lo lắng. Song để họ thực sự trở thành nòng cốt trong các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Hội rất cần có những chính sách và giải pháp đồng bộ.

Múa Việt “Bình dân” hay “Hàn lâm?”

SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA MÚA VIỆT

Liên tiếp các cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn viên múa diễn ra trong phạm vi khu vực, toàn quốc  trong một thời gian ngắn đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho ngành Múa. Trong khi giới hoạt động nghệ thuật cho rằng, Múa đã qua cơn bĩ cực để tiến đến hồi thái lai, thì người hâm mộ lại cho rằng Múa đang trở lại, nhưng liệu có tỏa sáng được hay không vẫn còn là câu hỏi không dễ có câu trả lời. Không bàn đến sự lạc quan trong giới nghệ thuật hay có phần dè chừng của người hâm mộ, mà chỉ cần nhìn vào thực trạng của Múa nói riêng nhiều lĩnh vực nghệ thuật truyền thống nói chung đang “sống dở, chết dở” trước sức ép của gameshow, truyền hình thực tế... đủ thấy, người hâm mộ đã đúng.

Để kéo khán giả về với sân khấu truyền thống, nhiều đơn vị nghệ thuật, nhà hát đã đẩy mạnh xã hội hóa, chủ động tìm đến những kịch bản ngoại, đạo diễn và diễn viên ngoại để hợp tác, xây dựng thành công những tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố ngoại. Nhờ đó, đời sống nghệ thuật có sôi động trở lại, trong đó có Múa. Liên tiếp những vở diễn mới đã được dàn dựng và ra mắt khán giả. Trong những vở diễn gây được tiếng vang phải kể đến vở ballet Hồ Thiên nga do biên đạo múa và toàn bộ ê-kíp người Việt thực hiện trên sân khấu Việt đã thành công rực rỡ với 7 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tình trạng  “cháy vé” đã thôi thúc biên đạo múa Trần Ly Ly hình thành ý tưởng tiếp tục đưa Hồ Thiên nga ra ngoài trời, để ballet tiếp cận gần hơn với công chúng. Sau Hồ Thiên nga, vở Ballet Kiều ra mắt tháng 6 tại Nhà hát Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, cũng đã được người trong giới và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao.

Thành công của Hồ Thiên nga và sau này có thêm Ballet Kiều, cho thấy sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật của êkip thực hiện. Họ đã đưa ra được ngôn ngữ biểu đạt phù hợp tâm lý thưởng thức của khán giả. Các yếu tố vũ đạo, âm nhạc, phục trang, hình ảnh sân khấu, đặc biệt cách xử lý về thủ pháp lớp lang khá hợp lý, tạo được hiệu quả cảm xúc về vẻ đẹp của Kiều - vẻ đẹp không thể hiện ở nội dung câu chuyện mà qua cảm nhận nội tâm của từng nhân vật, mang cảm giác âm hưởng đương đại, dù tác phẩm đã cách xa chúng ta gần 300 năm. Từ Hồ thiên Nga đến Ballet Kiều có thể coi là sự nhảy vọt về Chất thông qua những nỗ lực phi thường của các nghệ sỹ múa. Kết quả trên khiến nhiều người tin rằng, nghệ thuật Múa đang mạnh mẽ trở lại và sẽ có những tác phẩm thoát ra khỏi cái bóng của những vở hoành tráng vang bóng một thời như: Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Tấm Cám, Bà má miền Nam, Theo cờ giải phóng... do các nghệ sỹ ballet Việt Nam một thời tên tuổi như Thái Ly, Chu Thúy Quỳnh, Phùng Nhạn, Thanh Nga, Anh Nghiêm, Mạnh Hùng, Minh Tiến, Trần Minh... thể hiện

SỰ KẾT NỐI GIỮA DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐẠI

Ngôn ngữ Múa vốn là ngôn ngữ hình thể được cộng hưởng và thăng hoa trên nền của âm nhạc, ánh sáng. Thường không phải ai cũng có thể hiểu hết được những vũ đạo múa (ngoại trừ người hoạt động trong nghề) còn đa phần đều phải hiểu múa qua phụ đề (lời thuyết minh trước vở diễn, trích đoạn, tiết mục múa). Do vậy, trong một khoảng thời gian khá dài, múa dường như ít xuất hiện trong đời sống nghệ thuật, có chăng chỉ ở các dịp kỷ niệm, tiết mục múa đơn, múa minh họa trong các chương trình ca nhạc phong trào, tạp kỹ. Ngôn ngữ múa càng trở nên hàn lâm hơn khi xuất hiện những vở diễn hình thể mang tính thể nghiệm như: Nguyễn Du và Kiều  của đoàn kịch thể nghiệm do NSND Lan Hương đảm nhận. Tại thời điểm năm 2012, vở diễn gần như không được xuất hiện trước công chúng. Gần đây nhất là vở nhạc kịch Những người khốn khổ được cho rằng có sự đòi hỏi rất khắt khe về kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu mới được ra mắt khán giả. Ghi nhận Những người khốn khổ là vở nhạc kịch thành công do được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nhưng thành công ở mức nào rất khó để ấn định một câu trả lời thỏa đáng. Với mong muốn mang đến cho khán giả Việt Nam một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam quyết tâm thực hiện tác phẩm, mà xem có thể cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm, được sống cùng các nhân vật và có thể nhìn thấy chính mình. Để đạt được những yêu cầu trên, Nhà hát quyết định thể hiện vở diễn bằng tiếng Anh nhằm giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển, và có phần dịch tiếng Việt chạy trên phông nền khi nghệ sỹ biểu diễn giúp người xem có thể hiểu tác phẩm toàn diện hơn (đối với người không biết tiếng Anh). Nhưng, đáng tiếc đây không phải là lựa chọn đúng đắn, bởi nếu chăm chăm nhìn vào chữ, thì những vũ đạo, tiết tấu vở kịch sẽ nhanh chóng bị lướt qua. Còn nếu nhìn vào vũ đạo, cố nắm bắt nội dung tác phẩm thì sẽ không hiểu lời thoại nhân vật... vì vậy, không có gì là khó hiểu khi nhiều người cho rằng họ đến xem vì tò mò. Tiếc rằng, số khán giả này chiếm một phần không nhỏ trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Từ thực tế này có thể hiểu, yêu cầu “bình thường hóa” tất cả các loại hình nghệ thuật trong đó có Múa là có cơ sở…

Nghệ thuật đang đổi mới để trở lại đường đua, giành lại thị phần trong lòng công chúng. Nhưng, nếu chỉ chú ý phần ngọn (cố gắng Việt hóa tác phẩm kinh điển) mà quên mất công tác giảng dạy, đào tạo thế hệ kế cận, Múa đã khó sẽ càng trở nên khó hơn. Theo NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Tài năng biểu diễn múa 2020: “Thực tế múa đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút lực lượng tham gia. Đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật là đầu tư dài hạn, mất nhiều công sức, chưa thể thấy ngay lợi ích về kinh tế nên không có quá nhiều người mặn mà với bộ môn này. Những năm qua, nhờ những nỗ lực tôn vinh, giới thiệu, múa cũng đã thu hút được sự chú ý của xã hội và có đông người theo học hơn. Học nhiều hơn nhưng để nói xuất hiện tài năng cũng chưa nhiều. Chính vì vậy, việc xuất hiện những cuộc thi như Tài năng biểu diễn múa 2020 sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thêm cho nghệ sỹ, diễn viên múa, học sinh, sinh viên có thêm cơ hội phấn đấu, trau dồi, bộc lộ bản thân, yêu nghề và bám trụ lâu dài”. Yêu nghề, sống chết với nghề là tinh thần rất đáng được trân trọng, nhưng để có những tài năng toàn tâm toàn ý theo nghề, thiết nghĩ cần có nhiều chính sách đồng bộ từ phía Nhà nước, cơ quan chủ quản  để múa được trở lại là chính mình, không còn giữ vai trò là minh họa cho hát, dùng múa để khỏa lấp giọng hát yếu của ca sĩ. Hãy để Múa trở lại thời kỳ vàng son của những năm 60, 70 trong bối cảnh hiện đại và hội nhập.

(baovannghe.com.vn)