Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - Nhạc sĩ của thiếu nhi

25.05.2015

Mùa hè năm 2015, Nhà xuất bản Tổng hợp Đà Nẵng phát hành 1.000 tuyển tập nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, giới thiệu 133 ca khúc thiếu nhi quen thuộc: Bé khỏe bé ngoan, Chúc tết, Con đường học trò, Hổng dám đâu, Những búp sen hồng…“Nhạc sĩ của thiếu nhi” luôn dành nhiều cảm xúc cho âm nhạc trẻ thơ. Các tác phẩm của anh đầy ắp những cung bậc, giai điệu âm nhạc tươi vui, phù hợp với sự hồn nhiên của trẻ nhỏ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - Nhạc sĩ của thiếu nhi

 

Phóng viên: Viết nhạc cho thiếu nhi không dễ, anh làm thế nào để tác phẩm của mình lôi cuốn trẻ nhỏ?
 
* Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Ở những năm 1980 thế kỷ trước, các anh đi trước thường bảo tôi phải viết cho thiếu nhi những bài hát sao cho dễ hát, dễ nhớ, dễ thuộc. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, tôi đã có suy nghĩ: thiếu nhi ở nông thôn hay thành thị; thiếu nhi miền Nam, miền Trung hay miền Bắc; nhạc sĩ phải xét đến yếu tố khác biệt trong đời sống âm nhạc của các em để sáng tác. Đến thế kỷ 21, sự đòi hỏi trong thưởng thức âm nhạc của thiếu nhi đã có sự thay đổi. Các em yêu thích những ca khúc ấn tượng và mới lạ. Với ca khúc cũ, vốn quá quen thuộc, khi hát, các em sẽ trình diễn theo phong cách mới, có sự thay đổi mạnh mẽ về tiết tấu.

Vậy nên, khi viết cho các em, tôi cố gắng nắm bắt tâm lý, cảm xúc trẻ thơ để giúp tác phẩm đến thật gần với các em hơn. Chỉ có bắt nhịp đúng tâm tư, tình cảm, cảm xúc của trẻ thơ, để các cháu nhỏ thấy được mình trong đó thì các em mới yêu thích. Ngoài ra, trong lời ca, tôi vẫn chú trọng hướng dẫn các bạn nhỏ hướng về điều tốt đẹp. Việc nhạc sĩ phải hóa thân vào đời sống của thiếu nhi để nói lên tiếng nói của các em là yếu tố quan trọng để tác phẩm đến được với các bạn nhỏ.

* Bên cạnh sáng tác dành cho thiếu nhi, anh cũng dành nhiều sự quan tâm, đầu tư sáng tạo các ca khúc tuổi hồng, những ca khúc về lực lượng thanh niên tình nguyện?

* Có thể nói, tôi là người khởi xướng xây dựng phong trào vì âm nhạc tuổi hồng. Trước đây, khi đến với phong trào thiếu nhi, tôi có hỏi các anh chị hoạt động tại các nhà thiếu nhi rằng, khi hết tuổi thiếu nhi, các em chưa vào đoàn thì các em làm gì? Tôi nhận được câu trả lời là các em sẽ phải nghỉ. Điều này khiến tôi trăn trở. Năm 1990, tôi đã viết một loạt bài báo cổ vũ các nhạc sĩ viết cho lứa tuổi mới lớn, tuổi hồng. Từ đó, có rất nhiều bài hát viết cho tuổi mới lớn ra đời, thị trường âm nhạc xuất hiện khá nhiều album ca nhạc tuổi hồng, đặc biệt là việc tổ chức thành công chương trình “Ca nhạc tuổi hồng” trên đài truyền hình, được khán giả yêu thích một thời gian.
  
Với âm nhạc dành cho thanh niên tình nguyện, sau hơn 10 năm gắn bó, tôi có cảm giác mình đang lẻ loi. Ban đầu, cũng có một số anh em trẻ theo phong trào nhưng dần dần, khi thấy sáng tác không có tiền, lại vất vả, nên anh em rút lui, theo đuổi hướng sáng tác khác có thu nhập cao. Bây giờ, với đề tài này, nhạc sĩ lớn tuổi không thể đi viết, nhạc sĩ trẻ  không muốn theo, nhạc sĩ trung niên sau một thời gian theo đuổi cũng thấy mệt mỏi… Dù đây là một phong trào tốt, nhưng để kiếm nhiều bài hát chất lượng thật khó, có lẽ cũng do thiếu sự đãi ngộ dành cho các nhạc sĩ đến với phong trào này.
 
* Đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, anh quan tâm điều gì nhất?
 
* Tôi muốn nhấn mạnh thêm về vấn đề đãi ngộ. Thực tế, có những sáng tác cá nhân, viết về tình yêu đôi lứa, có khi được thụ hưởng tác phẩm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Còn rất nhiều sáng tác âm nhạc viết cho đất nước, cho quê hương từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời hòa bình của các nhạc sĩ lão thành, khi được sử dụng trong hàng loạt chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm, ngày hội lớn… đều không được trả tiền tác quyền. Theo nguyên tắc bản quyền, chương trình không doanh thu không bán vé thu tiền thì nhạc sĩ không có tiền tác quyền. Tuy nhiên, cũng trong chương trình ấy, các ca sĩ, nhạc công vẫn được nhận cát-sê, người phục vụ hậu đài hay lao công vẫn được nhận bồi dưỡng, thì tại sao những tác phẩm góp sức làm nên vẻ đẹp lộng lẫy của chương trình, của lễ hội, lại không được trả tác quyền, không được nhận nhuận bút tác phẩm? Cũng với thực tế này, lớp nhạc sĩ trẻ nhìn vào và cho rằng, chỉ cần sáng tác nhạc đáp ứng nhu cầu thị trường, như thế mới có tiền, sống được và sống tốt.

Ngoài ra, trước đây, có hàng loạt ca khúc khi kiểm duyệt đều bị cấm phát hành rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng nay, có quá nhiều ca khúc được kiểm duyệt dễ dãi, khiến xã hội và làng văn hóa nghệ thuật xuất hiện hiện tượng sao chép, đạo nhạc gây nhiều tranh cãi. Thực tế hiện nay, các tác phẩm âm nhạc được phổ biến rộng rãi không đáp ứng được nhu cầu người nghe, nhiều người ngao ngán vì không cảm nhận nổi. Phải chăng do sự chi phối của các doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà sản xuất chương trình, khiến những bài hát trên truyền hình, phát thanh phải chạy theo? Hậu quả của tình trạng này rất khó khắc phục.
 
* Còn những dự định của riêng anh thì sao?

* Cuối năm 2014, tôi đã hoàn thành luận văn thạc sĩ âm nhạc học với đề tài “Nhạc võ Tây Sơn”. Luận văn đã được Hội đồng Khoa học Nhạc viện TPHCM thông qua. Tôi làm luận văn này trong 9 năm, bỏ nhiều công sức, tâm huyết đi thực địa, gặp các nghệ nhân, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, sưu tầm băng đĩa và các tư liệu…Từ trước đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống về nhạc võ Tây Sơn Bình Định nên tôi muốn đi sâu tìm hiểu nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát huy loại hình này. Luận văn đã hoàn thành, tôi muốn sẽ viết lại thành một cuốn sách để giới thiệu nhạc võ Tây Sơn - Bình Định đến rộng rãi trong công chúng.

Thúy Bình

(sggp.org.vn)