Họa sĩ I Nhi Ksor: “Bốn mùa” Bazan

19.06.2017

I Nhi nói câu chuyện tương lai gần với tôi về những bức tranh của mùa mưa cao nguyên. Anh sẽ lại vẽ về những niềm khao khát của ông cha trong sáng tạo và dẫn đường cho những người con Tây Nguyên đi tới chân trời. Đó là suối nguồn của âm nhạc và thơ ca. Đó là tình yêu và sáng tạo.
Trầm tĩnh, ấm áp từ đôi mắt đến giọng nói, và nụ cười. Đó là ấn tượng mà tôi mới tiếp xúc với họa sĩ I Nhi Ksor cùng với búi tóc dài của anh. 

Họa sĩ I Nhi Ksor: “Bốn mùa” Bazan


Họa sĩ I Nhi đưa tôi đi vòng qua Ngã Sáu thành phố Ban Mê Thuột, rồi tới một quán cà phê của họa sĩ trẻ Hồ Hậu, học trò của anh một thời.Anh nói quán cà phê này đang treo một bức duy nhất của anh còn lại trên đất Tây Nguyên. Hỏi vì sao, I Nhi cười nhỏ nhẻ, tất cả tranh đã bán hết. Chà thật thú vị. Tôi uống hụm cà phê Ban Mê đầu tiên...

Khắc khoải một thời xanh

Ấy là câu chuyện thuở lên năm, mỗi cơn mưa vừa tạnh, những lớp đất bùn còn đọng bên thềm nhà, bao giờ cậu bé I Nhi cũng lấy chiếc que vẽ hình những bông hoa. Khi trời nắng lên hong khô những bông hoa của cậu. Nghe như hương hoa hồng lan tỏa quanh đâu đây, tạo nên những tiếng tí tách của những cánh hoa bùn muốn bay lên khỏi mặt đất. Nhiều khi cậu còn bắt chước bố lấy dao chạm khắc lên khối gỗ mít dẻo, gọt thành hình người gác mộ bên hàng rào nơi bìa rừng, luôn luôn rạo rực tiếng chim ca.

Lớn lên, I Nhi mải theo bên cha để nghe tiếng chiêng, tiếng cồng rền vang bên bếp lửa hồng, rồi cứ thế hát múa và cầm tay một cô bé trong buôn Sek mà cười ngẩn ngơ cho đến khi về sáng. Nhất là cái hôm cùng bạn đi săn trong rừng, khi nghe tin cha đang kể sử thi “Chàng Đam San” trong buôn, thế là bỏ hết, I Nhi nghe suốt một đêm. Để rồi cả ngày hôm sau lên đồi vừa chăn bò vừa lấy que trúc vẽ lên bãi cỏ non những hình những chàng trai dũng mãnh kéo căng cây nỏ bắn đàn sói hoang xuống bản phá ngô, và bắt gà, bắt lợn.

Lại có đêm trăng lên, I Nhi mơ về những đôi mắt của cô gái buồn đến mênh mang cánh rừng, mỗi khi đi chợ huyện về. Em nhớ ai mà vương lệ bên dòng suối cạn. Thế là I Nhi vùng dậy vẽ lên không trung hàng ngàn đôi mắt. Vừa vẽ, I Nhi vừa nhớ lại những lời cha hát trong buôn ngày hội, rằng đôi mắt buồn ơi, hãy vui lên khi nắng đang về và cơn mưa đang tưới khắp nương, khắp làng buôn cho cây cối xanh tươi và chim chóc reo ca khắp cánh rừng vui... Khi ấy chàng thiếu niên I Nhi đã tròn 15 tuổi. Ngày buôn Sek ai nấy đều hoan ca, trong ánh bình minh cùng hàng trăm lá cờ, chào đón quê hương được giải phóng (10-3-1975). Đêm ấy I Nhi lại vẽ trên nền nhà hình chú giải phóng quân, với cánh mũ tai bèo hành quân qua buôn, với nụ cười rạng rỡ... Thế là buôn Sek hẻo lánh của người Ê-đê, ở cái huyện xa xôi Ea H’Leo bắt đầu cuộc sống mới. Năm sau, I Nhi được lên thành phố học những cái chữ, cái số mà bao ngày mơ ước để bắt đầu thực hiện tình yêu với sắc màu hội họa...

Rạng rỡ với những ngày Hội Ban Mê

Đã có một chàng trai Ê-đê khác lạ với những hình tượng đam mê trong những ngày hội buôn làng. I Nhi vẽ như cuồng say với sắc mầu nồng ấm và thể hiện sự khao khát trong con tim về tình yêu của những chàng trai và cô gái Ê-đê, qua bức “Lễ trao vòng”, cùng với sự tươi trẻ nhiệt thành trong tác phẩm “Đi dự Hội”... Đó là những tác phẩm đầu tiên của họa sĩ I Nhi, sau bảy năm tu luyện ở Trường Đại học Mỹ thuật Huế (1981-1988) trở về Ban Mê, với tấm bằng đỏ, thủ khoa với bức tranh sơn dầu “Hội Soang Rap” thể hiện một phong cách nồng nhiệt, tự sự chân thành qua những mảng hòa sắc đỏ và đen tràn đầy sức sống.

I Nhi giờ đã là giảng viên của trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk. Mọi câu chuyện bắt đầu từ bức tranh “Đi dự Hội”, khi được trao giải nhất trong cuộc triển lãm tại tỉnh và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lưu trữ. Sau đó, tác phẩm này còn được đưa vào sách giáo khoa Mỹ thuật thực hành lớp 9, trong hệ thống giáo dục phổ thông. “Đi dự Hội”, tranh sơn dầu (1,1mx1,5m) là một vinh dự và là sự khởi nghiệp của I Nhi Ksor.

Có thể nói, từ đó cứ mỗi bức tranh của I Nhi vẽ ra là một giải thưởng đã chờ sẵn. Hàng loạt tác phẩm ra đời từ năm 1988 đến 2004, với đề tài quê hương trong lao động và tình yêu cũng như lễ hội, sinh hoạt của buôn làng. Và đặc biệt, ngoài những giải thưởng cho mỗi bức tranh, I Nhi còn được nhiều nhà sưu tầm tìm đến. Anh nói mình phải bán tranh, có khi vì túng bấn, lại có khi vì sự ngưỡng mộ của bạn bè, hay vì sự cả nể. Thế là lần lượt các bức tranh cứ rời bỏ anh mà đi. Chúng ở khắp nơi, chính I Nhi chỉ còn ngắm những đứa con tình thần của mình qua các file ảnh. Anh bật máy tính rồi kể cho tôi, đó là bức “Rượu mừng”, đây bức “Lễ trao vòng”, còn này là hình của “Mùa gặt”; hoặc đấy là dấu ấn của “Đi dự Hội”, và đây là câu chuyện về “Hội làng” cùng “Mùa tra hạt”...

I Nhi kể trong nỗi bùi ngùi khi nhớ tới những giấc mơ một thời. Và vì sự mưu sinh trong cuộc sống, nhất là trong thời điểm anh vào TP. Hồ Chí Minh để làm luận văn cao học. Anh luôn luôn có ước nguyện nâng cao trình độ để có thể dậy học sinh của mình tốt hơn, dễ dàng hơn. Anh muốn đem nguồn ánh sáng mới cho những người con của miền đất bazan hoang dã một thời được mở rộng con đường học vấn và mỗi người học trò của anh phải là một họa sĩ người Ê-đê tài hoa. Có thể nói, I Nhi Ksor hiện là thạc sĩ về Mỹ thuật đầu tiên và duy nhất hiện nay ở tỉnh Đăk Lăk. Nhưng khi kể về những tác phẩm đang lưu lạc ở đâu đó, nơi xứ người, I Nhi buồn lắm. Đôi mắt anh trở nên u sầu.

Họa sĩ trẻ Hồ Hậu, ngồi bên anh chỉ lên bức tranh trên tường, với hình tượng một người đàn bà nổi giận trước hiểm họa suy tàn của môi trường sống, rồi nói đó là bức tranh duy nhất của I Nhi còn được giữ lại trên miền đất cao nguyên này. Hồ Hậu kể anh mua tác phẩm này của thầy giáo I Nhi trong một sự tình cờ, nhưng lại có rất nhiều người muốn mua lại. Thậm chí có người đã trả giá gấp hàng chục lần tiền anh lấy bức tranh về, nhưng anh không thể bán. Hồ Hậu quyết chí, muốn giữ lại tranh của thầy giáo cho quê hương mình, với giá nào cũng không bán. I Nhi nhìn lại bức “Sự nổi giận của Nữ thần mặt trời” của mình mà buồn đến nôn nao cõi lòng.

Mấy năm gần đây, I Nhi quá bận bịu với công việc trường lớp và sự mưu sinh, bởi lẽ chính anh cũng không thể sống bằng những bức tranh mình vẽ ra. Nên bao dự tính vẫn còn nằm trong kế hoạch của tương lai. Rồi anh kể, cách đây mấy năm anh đã cầm cây cọ trở lại trong một trại sáng tác với đề tài về Lễ hội cà phê. Đó là những ngày tháng lấy lại sự thăng hoa của một cảm xúc dồi dào còn đang tiềm ẩn trong anh. Đó là bộ tứ bình, với đề tài hiện đại, nhưng vẫn thể hiện được vể đẹp truyền thống của người Tây Nguyên. Hình tượng bốn cô gái Tây Nguyên trẻ trung tràn đầy sức sống, trong tác phẩm “Bốn mùa”, với mẫu hình Nude rất Ê-đê. Chuyển động qua ánh sáng thiên nhiên bốn mùa đậm sắc mầu cà phê, bốn cô gái thể hiện sức sống của miền cao nguyên, được ẩn dụ trong ngôn ngữ hội họa hiện đại và hết sức quyến rũ. Đó là một thiên đường cà phê của bức “Bốn mùa” (sơn dầu 1,2mx2,55m), năm 2008. Hẳn đây sẽ là sự lãng mạn cuối cùng của những câu chuyện kể mà I Nhi thường thể hiện qua phong cách hiện thực biểu hiện, bấy lâu nay với sự đối chọi giữa gam mầu “Nóng” và “Lạnh” đầy ấn tượng; Hoang dã và dữ dội, đúng với sắc mầu Tây Nguyên thuần khiết.

Đường dài bao nỗi

I Nhi nói câu chuyện tương lai gần với tôi về những bức tranh của mùa mưa cao nguyên. Anh sẽ lại vẽ về những niềm khao khát của ông cha trong sáng tạo và dẫn đường cho những người con Tây Nguyên đi tới chân trời. Đó là suối nguồn của âm nhạc và thơ ca. Đó là tình yêu và sáng tạo. Giờ đây những giải thưởng đã là quá khứ, kỷ niệm và niềm hân hoan đã được lưu trữ.

I Nhi dẫn tôi về một lớp học vẽ mà anh đang dậy hàng chục học trò luyện thi. Mỗi ánh mắt trẻ nơi đây, trên mảnh đất Ban Mê này đang chờ đợi một tương lai mà người thầy này dẫn dắt. Anh mong muốn cho những họa sĩ trẻ, tiếp nối con dường mình đang đi, và sẽ tạo nên những sắc mầu Tây Nguyên mới. Anh còn tâm sự, mình sẽ sớm cầm lại cây cọ, trong một ngày gần nhất để tìm lại những tháng ngày rực rỡ. Anh nguyện sẽ không vì sự mưu sinh mà phải bán những đứa con tinh thần của mình và sẽ giữ lại cho quê hương, giữ lại cho buôn Sek nghèo khó và hoang vu một thời của mình. Anh trầm tĩnh và ẩn chứa niềm khao khát và tôi tin những điều anh nói về một tương lai.

Nhà thơ Vương Tâm

(Trích tập “Nước mắt thời gian”)