Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành “THÁI BÁ LỢI tuyển tập”

30.11.2021
Minh Toàn
Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt bạn đọc (11/2021) bố tuyển tập Thái Bá lợi gồm 5 quyển. Tập 1: Truyện ngắn, bút ký; Tập 2: Tiểu thuyết Thung lũng tình yêu, Thung lũng thử thách; Tập 3: Tiểu thuyết Bán đảo, Họ cùng thời với những ai, Trùng tu; Tập 4: tiểu thuyết Khê ma ma, Minh sư; Tập 5: Tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng và những bài viết về nhà văn Thái Bá Lợi.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành “THÁI BÁ LỢI tuyển tập”

Thái Bá Lợi sinh ngày o8/4/1945 tại làng Thơi (Văn Thai), xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hiến sống và viết tại Đà Nẵng. Ông đoạt nhiều giải thưởng, tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Minh sư được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (The S.E.A Writer Award) năm 2013. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật 2012 cho hai tác phẩm Họ cùng thời với những ai Trùng tu.

Nhà văn Thái Bá Lợi

Bộ tuyển tập gồm 5 quyển, in đẹp, trang nhã đã  tuyển hầu hết các tác phẩm trong đời văn Thái Bá Lợi. Trong phần mờ đầu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn có nhận định: 

Dù đã gắn bó với văn chương nửa thế kỷ, Thái Bá Lợi | không phải là người viết nhiều. Nhưng các sáng tác của ông dù chỉ là một bài viết ngắn cũng để lại cho người đọc “có điều gì đó đọc được”. Một nhà phê bình dẫn câu của Lep I. Tônxtôi đối với một nhà văn: “Nào, anh có thể nói cho tôi biết thêm một điều gì mới” để nhận ra rõ hơn về tác giả này từ trong cảm hứng đến lối nhìn và cách viết.

Thái Bá Lợi được xem là một trong số nhà văn viết về chiến tranh được đông đảo bạn đọc chú ý và giới nghiên cứu phê bình văn học ở nước ta đánh giá cao bởi từ rất sớm, những năm đầu sau 1975 ông đã có những tác phẩm về chiến tranh bằng một lối viết, một nhãn quan mới mẻ vượt thoát khỏi không khí lãng mạn sử thi nặng về ca ngợi của dòng văn học chiến tranh thời bấy giờ.

Có thể nói người đọc biết nhiều đến Thái Bá Lợi từ truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn viết năm 1976, in trên Văn nghệ Quân đội tháng 4/1977. Tác phẩm đã thể hiện một cảm quan nhạy bén, bình tĩnh và bằng trực giác của nhà văn để nhìn lại cuộc chiến tranh từ nhiều góc độ: nhìn trước - sau, bên trong và bên ngoài một cách tỉnh táo hơn, gần gũi hơn với hiện thực. Từ những khoảng sáng lộng lẫy, lấp lánh sắc màu của cuộc chiến nặng tình người, tình yêu thương đồng đội, quê hương, sự hi sinh cao cả trong chiến đấu khốc liệt... đan xen với những tính toán, giả trá và phản bội của con người bước ra khỏi chiến tranh làm cho tác phẩm có tính chân tính chân thật cao, thuyết phục được người đọc.

Ngoài những tác phẩm viết về chiến tranh Thái Bá Lợi còn viết về những đề tài khác, nhưng chiến tranh, người lính luôn ám ảnh trong những trang sách của ông, luôn là cái chân để vững chắc để tác giả gửi gắm những điều ông muốn tâm sự cùng người đọc.

Minh sư, cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khởi đầu câu chuyện từ hai con người đi tìm quá khứ của người thân đã mất trong chiến tranh để làm người dẫn dắt chuyện được tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật đồng hiện giữa hai tuyến nhân vật song hành tạo nên sự đan xen giao nối giữa quá khứ và hiện tại, lịch sử được nhìn lại dưới góc nhìn của người đời nay. Nhưng đến đoạn nhân vật chính của Minh sư, Đoan quận công Nguyễn Hoàng thường dạy quân dân của mình rằng nếu như khi có một công tích lớn mà điều ác tăng lên thì công tích đó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm nối dài thêm đau khổ cho chính mình và cho người khác. Người đọc nhận ra đây không phải là cuốn sách chỉ viết về những người mở cõi. Trùng tu, cứ tưởng đó là câu chuyện của người lính từng đánh nhau thời Mậu Thân ở Huế trở lại sau chiến tranh để làm công việc trùng tu kinh thành nhưng chính vẫn là câu chuyện chiến  tranh của một tiểu đoàn mùa xuân ấy đã vào Huế chiến đấu với quân Mỹ, đến khi rút ra chỉ còn lại mấy chục người. Nhưng rồi lại không phải vậy nếu ta đọc đoạn cuối của tiểu thuyết: “Lá thư mới nhất nó viết rằng dù khó khăn đến đâu việc trùng tu Huế trước sau cũng làm được. Nó nói cảm xúc của nó đầy ứ trên mỗi viên gạch, mỗi bậc thềm mà nó đi qua, mà nó nhớ lại rõ ràng hơn nhờ ký ức gian khổ mà chúng tôi từng trải qua. Những việc ấy làm sao quan trọng bằng việc trùng tu những điều năm tháng đi qua đã để lại, những con người bước từ trong đó ra, kể cả nó và tôi”.

Thái Bá Lợi là người luôn quan tâm đến việc đổi mới thủ pháp nghệ thuật, nhất là trong tiểu thuyết. Vẫn là kể và tả quen thuộc nhưng trong các tác phẩm Bán đảo, Trùng tu, Khê ma ma, Minh sư... tác giả đã đan xen giữa đồng hiện, tái hiện, giữa quá khứ và hiện tại, không gian và thời gian được sử dụng nhuần nhuyễn nhưng đến Câu chuyện Đà Nẵng ông lại trở về với tiểu thuyết chương hồi truyền thống. Thái Bá Lợi muốn người đọc văn mình bớt đi sự nhàm chán. Về ngôn ngữ ông thường dùng câu đơn, sáng sủa và rạch ròi, nhưng cũng có lúc ông dùng câu phức như: “Tôi và nó hai trong số vài ba chục người sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế tình cờ gặp nhau ở đây” mong muốn đạt được đặc điểm ám ảnh và đa nghĩa của nghệ thuật trong đó có văn học. Văn đối thoại của Thái Bá Lợi cũng được người đọc chú ý bởi sự trau chuốt và gọn gàng.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, những người quý mến Thái Bá Lợi không chỉ về văn chương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt bộ sách Thái Bá Lợi tuyển tập với hi vọng giúp bạn đọc yêu mến nhà văn có cái nhìn hệ thống về những đóng góp của ông cho văn học Việt Nam hiện đại, nhất là dòng văn học viết về chiến tranh.