Người về với Như: về với cái ban đầu

13.03.2017

Người về với Như: về với cái ban đầu

Bên dưới tấm hình mình đứng giữa rợp ngợp trời mây, Nhật Chiêu viết:

Con sâu ngủ với sa mù/ Giọt sương có ngủ với phù vân không?

Trong khi ông còn mãi miết tò mò với chuyện ngủ nghê của con sâu và giọt sương thì tôi lại mãi miết tò mò: còn Nhật Chiêu thì sao? rồi tự mình giải đáp, có lẽ ông đang ngủ say mê trong Ba nghìn thế giới thơm  mà ông tìm thấy, nơi có hàng muôn vạn thi nhân tiền nhân đáng kính của hàng trăm năm cộng lại, và cũng là nơi chứa đựng hàng muôn vạn câu thơ lấp lánh vẻ đẹp riêng, tất cả ánh chiếu trong nhau qua mọi không thời gian, xuyên qua 3 tầng thế giới, để cuối cùng rồi đều vạn sự quy Như.

Người về với Như là về với cái sơ tính trong lành, cái đẹp nguyên sơ, cái bắt đầu của mọi khởi đầu, cái chưa là gì ngoài như là chính nó.

Hay về với Như là về với Tố Như? Về tìm gặp đại thi hào đã viết tập đại thành Đoạn trường tân thanh diễm lệ? về với tiền nhân đã từng cười khóc thành thơ? Nghĩa là về với văn chương? Về với tất cả những gì đẹp đẽ nhất?

34 câu chuyện thơ trong Người về với Như được Nhật Chiêu kể lại bằng thứ ngôn từ đẹp đẽ như thơ, thứ ngôn từ sang trọng, độc đáo, độc chiêu đã khiến Nhật Chiêu trở thành Tôi là một kẻ khác , rất khác trong muôn triệu người cũng say mê văn chương và say sưa viết về thi ca của tiền nhân như ông. Nhật Chiêu thực sự là một con sâu - con sâu thơ - ngủ mê trong thế giới mộng huyễn của thi ca, con sâu thơ kiêu ngạo và đỏm dáng, chỉ chọn nhấm nháp những câu thơ đẹp và kết thành những lời tâm tình thủ thỉ cũng đẹp đẽ lóng lánh như lời tự tình của tiền nhân từ hàng trăm năm trước.

Trong Người về với Như, cái cách Nhật Chiêu đặt tựa cho những câu chuyện thi ca của nhân gian cũng dễ khiến người ta mê đắm. Ông học Nguyễn Du, Isa, Vương Duy cái tự tại thong dong trong dáng điệu thi nhân “Ngồi nhìn mây trắng mọc”, ông tiếu ngạo cùng Nguyễn Du trong câu hỏi “Thiên hạ ai cười với Tố Như?”. Ông rủ rê thiền sư Khánh Hỷ của Việt Nam cùng nhà thơ huyền bí Wiliam Blake người Anh và nhà thơ haiku Buson của Nhật Bản cùng về với nhau “Nằm trong hạt cải” đùa chơi, vì những người thơ này dẫu ở cách xa nhau trong không gian và từng đến chơi giữa đời này cách nhau hàng muôn thế kỷ nhưng họ đã lại cùng nhau “Nhìn thấy thế giới trong hạt cát/ Và thiên đàng trong bông hoa dại”. Đến lượt mình, Nhật Chiêu thấy họ và cả càn khôn cùng nằm trong hạt cải đã gieo từ rất lâu rồi trên mảnh vườn văn chương xanh mướt.

“Nhắn ai đừng hỏi ai ơi

Về chơi bên ấy tuyệt vời gió trăng” (Thiền sư Pháp Loa)

“Về chơi bên ấy” là một câu chuyện nhỏ, Nhật Chiêu viết về…cái chết, à không, ông viết về “bên ấy” nơi mà người ta có thể hẹn hò với gió trăng, cùng gió trăng làm những chuyện tuyệt vời. Về chứ không phải đến, về lại nơi mà ta đã từ đó bắt đầu, để lại được tự do, để lại được bắt đầu một câu chuyện khác. Cũng như thiền sư Pháp Loa của Việt Nam, nàng Emily Dickinson của nước Mỹ cũng hẹn hò với cái chết như hẹn hò với người tình, cùng dạo chơi trên một cỗ xe huyền ảo và ung dung: “Bởi vì tôi không thể chờ đón chết/ Nên dịu dàng anh ấy đón chờ tôi”. Cuộc dạo chơi của họ dài hay ngắn, có sự kết thúc nào không hay mãi là vĩnh cữu khi mà bên ấy “Từ hằng bao thế kỷ/ Mà như ngắn hơn một ngày”?

Tôi nhận thấy Nhật Chiêu đặc biệt mê đắm Nguyễn Du, Nguyễn Trãi và nàng thơ huyền thoại Hồ Xuân Hương. Ông dành cho Tố Như đến 5 câu chuyện thơ về những nỗi buồn trông nơi ầm ầm tiếng sóng, ông trò chuyện cùng Ức Trai trong “Lệ bóng hoa tan” và cùng nhận thấy “Mới hay kìa nước nọ hư không”. Còn với Hồ Xuân Hương, tôi lại thấy Nhật Chiêu dành tặng bà những lời âu yếm dịu dàng. Hồ Xuân Hương là một huyền thoại thơ nữ hiếm hoi, cực kỳ hiếm hoi trong thời đại của bà và trước bà. Nhật Chiêu cự tuyệt với cách mà các nhà phê bình văn chương lâu nay đã dành để gọi Hồ Xuân Hương một cách trang trọng nhưng xa cách - “Bà chúa thơ Nôm”. Với ông, Hồ Xuân Hương là một người nữ bị thời đại nam tôn nữ ti của bà dìm vào bóng tối, nơi mà người đàn bà không có lấy một cuộc đời thật sự. Ông gọi Hồ Xuân Hương là Nàng, nàng bước vào thế giới thi ca tưởng chỉ dành cho các bậc quân tử, nơi mà người nữ luôn xuất hiện trong một huyền thoại sáng chỉ về mặt dung nhan, họ bị dìm vào những chuẩn mực về nhan sắc hình thể mà bị tước mất đi vẻ đẹp của tâm hồn. Nơi mà người nữ chỉ là những bông hoa đẹp nhưng không biết nói, không biết khóc cười, không biết khát khao.

Người về với Như là cái cách mà Nhật Chiêu về với niềm mê đắm của ông, niềm mê đắm ấy là sa mù, là phù vân mà trong ấy Nhật Chiêu là con sâu, là giọt sương, là trăng thắp lên như như từ trái tim bóng tối. Cái cách Nhật Chiêu mê đắm thi ca tiền nhân cũng rất khác người, trái tim ông rộng rãi yêu thương tới mức muốn ôm hết cái đẹp của thi ca khắp thế gian vào trong lòng mình, từ Việt Nam đến Nhật bản, Trung hoa, Hàn quốc, đến tận phương Tây xa xôi như Anh, Pháp, Mỹ… từ những áng thơ xưa của tiền nhân xa lắc lơ của thời đại Lý Trần như Trần Nhân Tông, Tuệ Trung thượng sỹ, Huyền Quang… đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, đến cả nhà thơ điên vừa mới kết thúc cuộc dạo chơi trong vườn thơ hiện đại đây thôi như Bùi Giáng.

Và có lẽ, con sâu thơ Nhật Chiêu còn ngủ vùi với sa mù rất lâu thêm nữa để trong những cơn mơ bất tận của mình, con sâu ấy lại tiếp tục nhấm nháp những chiếc lá thơ tuyệt đẹp trong mảnh vườn thi ca xanh mướt của tiền nhân nơi cõi ta bà.                                               

La Mai Thi Gia
(vanhien.vn)