Phùng Vương - tiểu thuyết Phùng Văn Khai

26.10.2015

Phùng Vương - tiểu thuyết Phùng Văn Khai

Sau hai cuốn tiểu thuyết thế sự Hư thực (2009) và Hồ đồ (2011), Phùng Văn Khai dồn tổng lực cho cuốn tiểu thuyết thứ ba vốn được ấp ủ từ dăm năm trước đó. Cho đến khi ra mắt độc giả, tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương được kiến thiết và hoàn tất trọn trong mười năm.

 

Về hai cha con nhân vật lịch sử Phùng Hạp Khanh và Phùng Hưng, tài liệu chính sử cũng như dã sử không còn nhiều, nhà tiểu thuyết gặp không ít khó khăn khi viết. Công việc của nhà văn giờ đây là đọc các tài liệu có liên quan, gián tiếp hay trực tiếp để thu lượm. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, theo tôi, nhà văn phát huy cao độ trí tưởng tượng của mình trên từng trang sách. Độ dài của tiểu thuyết (hơn 600 trang) đã không làm nản chí độc giả ngày nay vốn rất thông minh, khó tính và thậm chí đôi khi hơi…đỏng đảnh. Tôi nghĩ đó là thành công của tác phẩm.    

 

Đọc một tác phẩm mới, độc giả thường quan tâm trước hết không phải là những tìm tòi thuần túy hình thức, hay kĩ xảo văn chương mà thường là sự đón đợi tư tưởng nghệ thuật của nó. Riêng tôi khi đọc Phùng Vương rất quan tâm tới tư tưởng “hưng dân” và “hòa hiếu” của hai cha con Phùng Hạp Khanh và Phùng Hưng, như là hai nhân vật chính của tiểu thuyết, không chỉ vì chúng có ý nghĩa thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cao hơn là ý nghĩa triết học về sự tồn tại của một thực thể như thực thể xã hội Việt Nam. Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo đã nhấn mạnh: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng với ý nghĩa là sự kế tục sự nghiệp của Phùng Hạp Khanh là bằng chứng của tinh thần yêu nước nồng nàn vốn như là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ trong quá khứ đến hiện tại. Yêu nước và tự cường, tự hào dân tộc là cội nguồn sức mạnh đoàn kết toàn dân tập trung dưới cờ nghĩa đánh đuổi quân ngoại xâm. Nhưng một người có tầm kích trong thiên hạ phải là người có cái thiện tâm đối với dân - coi trọng dân, nuôi dưỡng dân. Phùng Hạp Khanh đã nói với những người thân tín rằng: “Kể từ khi nung nấu việc lớn, không khi nào lòng ta không hướng về Thánh Tản Viên sơn. Nhân hôm nay, ta nói để hiền đệ và tiểu tử hãy nhớ cho kĩ: Tản Viên còn thì nước Nam còn, đời đời sẽ là như thế. Lũ giặc Bắc sớm muộn gì cũng sẽ  bị dân ta đánh đuổi. Sở dĩ ta còn dùng dằng là do quá thương dân. Sức giặc đang cường mà liều thân với chúng muôn dân sẽ lầm than điêu háo biết đến bao giờ mới vực dậy được. Tiểu tử! Người nên nhớ cho kĩ, đại trượng phu ở đời mưu việc lớn đuổi giặc hưng dân, chứ không phải ham lập chiến công cho riêng mình bằng mọi giá mà vung phí máu xương của sĩ tốt đâu” (PV, tr.77). Khi dẫn quân vào chiếm Phong Châu ông lại nhắc nhủ tướng sĩ: “Nay các huynh đệ vào Phong Châu phải lấy việc an dân làm đầu” (PV, tr.189). Phùng Hưng sau này nối nghiệp cha, duy trì tinh thần chủ đạo “hưng dân” và hơn nữa cổ súy cho tinh thần “hòa hiếu” không chỉ với nội bộ mà còn cả với ngoại bang. Sau một trận huyết chiến, tướng giặc là Thang Ân Bá trận vong tại chân núi Ngõa Cương, Phùng Hưng đã hành xử rất mã thượng: “Ta đã lệnh cho cho Vũ Khánh nhặt xác y chôn cất tử tế. Nơi sa trường gươm đao không có mắt nhưng đại kế lâu dài vẫn phải lấy hòa hiếu làm đầu. Nay viện binh giặc có tới hơn vạn tinh binh. Quân ta vừa đắc thắng, tuy không thiệt hại mấy song nếu phải tử chiến với giặc cũng không phải thượng sách” (PV, tr.269). Tôi nghĩ, bài học nghệ thuật mà Phùng Vươngđem lại cho độc giả là bài học về giá trị của con người trong giá trị của lịch sử (như bài học về “kéo pháo ra kéo pháo vào” trong chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyễn Giáp). Tất cả những điều vừa phân tích trên khiến cho tiểu thuyết mới của Phùng Văn Khai thấm đượm cảm hứng đương đại. 

 

Tiểu thuyết chương hồi vốn là “đặc sản” của văn chương Trung Quốc. Nay được tiếp biến bởi một nhà văn thế hệ 7X như Phùng Văn Khai kể ra cũng là một vấn đề vừa có ý nghĩa lý thuyết vừa có ý nghĩa thực tiễn của sáng tác văn chương. Khi mà các lý thuyết, phương pháp có vẻ đã cũ ở phương Tây ồ ạt du nhập vào ta, lại hóa ra mới, một số không ít nhà văn “hoắng” lên, vồ vập và ôm đồm vận dụng. Nhưng đa số thất bại. Trong khi một số không nhiều nhà văn vẫn cứ đủng đỉnh “lối cũ ta về” lại thành công. Tiểu thuyết chương hồi gắn với kể chuyện có lớp lang, có trật tự thời gian, chú ý “kể” (sự việc và hành động) hơn là “tả”  (tâm trạng) hoặc trữ tình ngoại đề. Ba mươi hai hồi của tiểu thuyết Phùng Vương phù hợp với những câu chuyện được mở ra trong một không gian đủ cả “bốn phương tám hướng”. Trong cấu trúc chung thì hai nhân vật chính, mỗi người được phân đoạn hoạt động trong một phạm vi nhất định phù hợp với vị trí và chức năng của mình. Đến hồi thứ tư thì Phùng Hưng mới xuất hiện, đến hồi thứ mười lăm khi Phùng Hạp Khanh mất thì Phùng Hưng mới thay vị trí của người cha thống lĩnh nghĩa quân Đường Lâm. Cấu trúc theo chương hồi tạo nên sự linh hoạt và dính kết giữa các phần, đoạn được dẫn dắt theo lời kể có niên biểu của người kể chuyện (ở ngôi thứ ba). Cách chuyển phần, đoạn, hồi trong Phùng Vương rất co giãn, uyển chuyển, nhanh với kiểu câu văn giáo đầu “Lại nói về những biến cố của nhà Đường”, “Lại nói tiếp chuyện ở châu Đường Lâm”, “Đây nói tiếp chuyện cha con Trương Thuận, Trương Bá Nghi ở Tống Bình”,…Cấu trúc theo chương hồi quả là một thứ “bình cũ rượu mới”. Tôi thấy Phùng Văn Khai tỏ rõ sở trường sở đoản khi viết tiểu thuyết theo lối cấu trúc này mà không hề gợn một băn khoăn nào về thành bại của tác phẩm (giả sử một tình huống Phùng Vương được viết theo phương pháp của cái gọi là “hậu hiện đại” thì sự thể sẽ tới đâu?!).   

 

Dĩ nhiên hai cha con Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng, với tư cách là hai nhân vật chính, là nhân vật lịch sử kiểu như Hồ Quý Ly trong Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, hay Nguyễn Hoàng trong Minh sư của Thái Bá Lợi, Nguyễn Công Trứ trong Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang. Mối quan hệ giữa lịch sử và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, từ lâu vẫn là vấn đề chưa thật thông suốt trong văn giới. Phùng Văn Khai, cũng như các nhà văn khác, phải đối diện với vấn đề này. Để xem nhà văn giải quyết vấn đề này như thế nào? Nhưng có một phương pháp so sánh để làm nổi bật sự vật, vì thế trong Phùng Vương, tác giả cũng đồng thời dựng nên các nhân vật đối sánh ở phía đối lập thuộc quân ngoại bang như cha con Trương Thuận - Trương Bá Nghi, Cao Chính Bình… 

 

Nhân vật trong Phùng Vương chủ yếu được khắc họa qua hành động, ít khi đi vào những miền phức tạp của tâm trạng vì yêu cầu của một tiểu thuyết chương hồi. Nhân vật thường có một tiểu sử tóm tắt, kiểu như: “Phùng Hạp Khanh, người nổi danh từ cuộc nổi dậy của ông vua đen Mai Thúc Loan gây chấn động một thời sau thời gian dài âm thầm cùng gia nhân gia tướng về quê cũ Đường Lâm, cùng thổ hào quanh vùng ngày đêm dồn tâm sức cho công việc khẩn hoang, mở đất, khai sông, trồng trọt đã khiến cả xứ Đường Lâm ngày càng trù mật” (PV, tr.10). Dưới trướng của Phùng Hạp Khanh, các nhân vật nổi tiếng khác như Đỗ Anh Doãn, Bồ Phá Giang, Phan Đường… đều được vẽ theo cùng một kiểu cách “truyền thần”.      

 

Nhân vật chính nhất Phùng Hưng xuất hiện từ hồi thứ tư: “Luôn theo sát trại chủ là công tử Phùng Hưng. Mới mười hai tuổi công tử đã ra dáng một thiếu niên với vóc dáng khỏe mạnh. Khác với hai em thường hay ưa thích chơi và học tại gia, Công Phấn rất hứng thú khi được cha cho đi cùng ra ngoài mỗi khi có việc” (PV, tr.51). Đây là dấu chỉ của một con người hành động trong tương lai. Đến hồi thứ mười lăm, sau khi cha mất, Phùng Hưng đóng vai Trại chủ Đường Lâm và sau đó là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân chống lại quân ngoại xâm Đường thống trị trong thời Bắc thuộc lần thứ ba (602-905). Sơ đồ của một nhân vật thường là: xuất hiện - nổi tiếng - hành sự - kết cục (bi kịch hoặc thành công). Hồi thứ ba mươi hai trong Phùng Vương là: “Cao Đô hộ sứ sợ ốm chết trong quân/ Phùng Vương tế đất trời lên ngôi quân trưởng”. Sự nghiệp của Phùng Hưng thành công như một tất yếu lịch sử đúng với yêu cầu “3T”: Tài, Tâm, Tuổi (theo nhiều nguồn tài liệu thì ông sinh năm 761 mất năm 802), công thành danh toại ở độ tuổi “tứ thập bất nhi hoặc”. 

          

Viết về một thời đại cách nay đã hơn nghìn năm, phục dựng lại lời ăn tiếng nói của con người thời ấy đâu phải chuyện dễ như trở bàn tay. Ngôn ngữ tiểu thuyết trong Phùng Vương, theo tôi, về cơ bản đã tạo dựng được không khí lịch sử và sắc diện con người thời đại cổ xưa. Tuy nhiên đôi khi tác giả vì quá say mê mà quên đi cái tính chất lịch sử cụ thể của ngôn từ, đã hiện đại hóa như kiểu: “Bộ râu quai nón rậm rì vuốt ngược lên cặp lông mày xếch đen như một vệt hắc ín” (PV, tr.13), khi tả Bồ Phá Giang. “Hắc ín” là từ nhập ngoại mới có từ thời người Pháp đến Việt Nam. Cách nói “trường kỳ kháng chiến” là của thời đại cách mạng từ sau năm 1945, thời xa xưa chắc không ai nói hoặc viết: “Sau cuộc thua binh, Lý Nam Đế rút vào trong động Khuất Lão giao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Triệu tướng quân trường kỳ kháng chiến” (PV, tr.162). Những đối thoại của các nhân vật thường dài nên nhiều khi lấn át hành động trong khi con người của thời đó chắc hẳn không dài dòng văn tự như ta thấy trong văn bản tác phẩm. Tuy nhiên những thiếu sót này là nhỏ trong thành công chung của tiểu thuyết Phùng Vương tái tạo và làm phát lộ lịch sử.

 

 Hà Nội, tháng 7.2015

 Bùi Việt Thắng
(nhavantphcm.com.vn)