Nhà tôi bên kia sông

17.03.2023
Hồ Loan
Oanh ngồi vắt vẻo trên chạc ba của cây cừa, một tay bưng chén muối ớt, tay kia cầm những quả sung non, tay chấm, miệng nhai rau ráu. Trâm loay hoay mãi vẫn chưa trèo lên được. Một cơn gió qua làm nhánh cừa đong đưa càng khiến con nhỏ hoảng sợ. Phía dưới, Xuyến đưa tay đẩy mông, Trâm la oai oái, cả bọn cười ngặt nghẽo thích thú.

Nhà tôi bên kia sông

Tranh của họa sĩ Nguyễn Minh Đông

Trưa, từng cơn gió dào dạt, đám sưa rộ vàng cả một khúc sông. Tôi ngửa mặt đón lấy những vụn hoa rơi. Bên kia những tầng lá xanh non là hoa vàng, là nắng mới, là bầu trời. Bất chợt, Oanh nhảy ùm xuống sông trước sự ngơ ngác của cả bọn. Xuyến vớ lấy chiếc giỏ tre để ở gốc cừa ném ra, Oanh bắt lấy rồi lặn đâu mất tăm, chốc chốc lại trồi lên vuốt mặt, miệng cười toe toét.

Cả bọn chẳng đứa nào biết bơi trừ Oanh và Hùng, chỉ biết giong mắt nhìn. Khúc sông xanh biếc thi thoảng có chiếc ghe chở cát rẽ nước tạt qua, sóng dạt vào từng búi lục bình, lục bình dạt vào nhau sâm sấp rồi yên ắng lạ.

Trong lúc Oanh đi mò ngao, cả bọn lúi húi nhặt củi, gom rác, chẳng mấy chốc đã chất được một đống to. Lửa liu riu cháy, củ khoai lang vùi sâu dưới những tàn lửa đen ngòm, cứng đơ. Cả bọn lôi ra đập đập cho bớt nóng. Vừa thổi, vừa ăn, răng đứa nào cũng lem luốc, đen nhẻm.

Những con ngao mới bắt lên miệng còn ngậm đầy bùn đất được ngâm trong chiếc xô nhựa với nắm ớt . Đợi cho ngao sạch ruột, cả bọn lại trèo cây hái quả, lang thang nhặt những mảnh nhựa sưa vàng ươm, hoặc đôi xác ve sầu trốn nơi hốc cây. Chiếc vương miện bằng lá cây được kết tỉ mẩn từ đôi tay khéo léo của Xuyến. Căn chòi lá nằm kẹp giữa gốc cừa già được trang trí khá đẹp mắt, từng đám rễ ngoằn ngoèo chằn chịt đan thắt vào nhau.

Buổi kén chồng cho công chúa Ngọc Trâm được cả bọn tổ chức khá long trọng, Hùng đóng vai chú rể, nhưng giờ này chưa thấy mặt. Cả bọn lóng ngóng ngó qua bên kia sông, căn nhà lá ấy, đám cải đã lên ngồng ấy, những chiếc áo máng trên dây phơi đồ cứ vô tư phất phơ trong gió mà bóng dáng Hùng vẫn biệt tăm. Trâm tiu nghỉu gỡ mấy cái hoa dại bên tai xuống, tháo cả chiếc vương miện cầm trên tay mân mê. Bất chợt có tiếng gọi to, là giọng của chị ba, gắt gỏng, bực dọc. Trâm đặt vội chiếc vương miện vào tay tôi rồi ù té chạy. Cả bọn cũng giải tán ai về nhà nấy mà trong lòng đầy nuối tiếc.

 

Nhà tôi và Hùng ở bên kia sông. Cứ mỗi trưa, tôi lại cưỡi chiếc xe đạp cà tàng băng cây cầu Tam Kỳ để qua vườn cừa chơi với nhóm bạn. Những lúc ấy, tôi bên này ơi ới, Hùng bên kia vẫy vẫy báo hiệu đã nghe thấy rồi. Anh chàng cẩn thận quấn áo quanh đầu, rồi sải những sải dài băng sông chơi với bọn tôi, hoặc có hôm tôi qua nhà Hùng, hắn lấy chiếc ghe nhỏ khỏa nước nhè nhẹ cùng tôi đáp lại bên kia bờ.

Lần này, tôi ghé nhà Hùng, cửa khép hờ, con Mốc nhìn tôi chẳng buồn sủa chào một tiếng. Tôi đi ra sau hè ngó nghiêng, miệng kêu ơi ới.

                                                                

                                                                      ***

 

Hùng kể ba mẹ Hùng gặp nhau một ngày mưa tháng tám, tôi thắc mắc:

- Ủa nắng tháng tám nám trái bưởi mà ta?

Hùng nhăn mặt:

- Có để yên cho tui kể hông, không phải ở đâu cũng nắng cháy da như miền Trung mình đâu mấy bà ơi! Sài Gòn mưa nắng thất thường lắm.

- Ờ, qua đoạn thời tiết ấy được rồi, rồi sao về đây mà hổng ở trỏng cho sướng.

- Ba tui muốn về quê sau bao năm sống li hương, cũng là muốn về với quê cha đất tổ, nhưng mà… Hùng lặng người quay mặt ra hướng bờ sông. Hình như có gì đó xao xác nơi lòng.

Chuyện nhà Hùng thì tôi biết rõ, tôi còn biết chú ruột của Hùng trong một lần say dám làm bậy với chị dâu khiến mẹ Hùng nhục nhã bươn đầu ra sông đòi tự vẫn. Nhưng con gái miền sông nước, với bản năng sinh tồn làm sao đuối được, Mẹ Hùng lại mang thêm tiếng là dụ dỗ em chồng. Gã đàn ông ấy, một tay ăn chơi mạt hạng, với cái vỏ bề ngoài bảnh bao, nhưng kì thực là một tên đàn ông thích sống trên thân xác phụ nữ. Với hắn ta, trên đời này, hoa cho người ta hái, nếu không xin được thì bẻ trộm, hắn ngang nhiên tuyên bố. Gã em những muốn cướp không người phụ nữ xinh đẹp của anh trai. Ba Hùng, vì muốn bảo vệ vợ con, vừa muốn tỏ uy quyền của một người anh, cả hai xảy ra xô xát. Mẹ Hùng quỳ lạy van xin, bà nội nhìn mẹ Hùng không được nửa con mắt, bảo cô là hồ li hiện hình quyến rũ con bà, nói rồi lao vào mẹ Hùng. Trong một phút mất đà, bà ngã sóng soài, đầu đập vào cạnh một phiến đá cảnh nhọn hoắc nơi góc hiên, máu bê bết cả khuôn mặt tím tái. Cuộc ẩu đả dừng ngay để đưa bà vào viện.

Thật ra, bà là vợ sau của ông nội Hùng, chuyện nhà rối rắm trăm đường tơ. Bà nói với người ta, mẹ Hùng là cáo chín đuôi. Rồi bà thêu dệt những chuyện liêu trai ma mị cho câu chuyện thêm li kì. Bà bảo chắc gì Hùng đã là cháu trong nhà, cái ngữ đàn bà ấy…

Ba Hùng tái mặt, có những thứ đâu phải ai cũng biết, và cũng có những thứ không phải chỗ nào cũng bộc bạch được. Như chuyện Hùng không phải là con ba, đó là một câu chuyện dài mà chỉ ba mẹ Hùng mới biết, sau này thêm ba tôi và tôi. Cô gái ấy suýt bỏ mạng với nắm thuốc trong tay, chiếc bụng lùm lùm và một trái tim tan nát. Gã trai kia là bạn chung của hai người. Thật nghiệt ngã, cả hai cùng đem lòng yêu gã. Gã biến mất không để lại dấu vết khi chuyện vỡ lỡ. Thay vì mạnh mẽ chối bỏ tình cảm đồng giới với ba Hùng, gã lại chọn cách rời đi. Mẹ Hùng sụp đổ hoàn toàn khi biết giọt máu đã thành hình. Chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Vừa lúc ấy, ông nội yếu, gọi giục ba về, lòng ông còn canh cánh khi ba chưa thành gia thất, ông đi không yên. Cậu con trai với người vợ sau ăn chơi lêu lổng, biết lấy ai hương khói ngày tàn.

Ba Hùng dắt cô bạn về ra mắt bà con nội ngoại, đám cưới chạy tang diễn ra ngay sau đó. Cậu em trai biết tỏng độ “nam tính” của anh mình nên thường xuyên có thái độ cợt nhã với chị dâu. Cưới được dăm tuần, ba mẹ Hùng vào lại miền Nam. Mãi năm Hùng sáu tuổi mới đưa lại về quê.

Cũng phải thú nhận một điều, chú Ba cực kỳ quyến rũ phụ nữ. Mái tóc bồng lãng tử, vài hình xăm sắc sảo trên vai, trên vòm ngực vạm vỡ. Khuôn mặt đẹp và một dáng người phong trần. Chú Ba khiến mẹ Hùng nhớ lại gã trai năm xưa, nhớ những phút giây mặn nồng chăn gối. Đôi lúc lòng bà xao xuyến rạo rực, đôi má đỏ bừng bừng. Có những đêm bà lặng ôm gối ri ri nước mắt.

Người đàn bà một con, hương sắc mặn mà, sống nhạt nhòa bên người chồng lưỡng tính, gượng gạo. Sau rất nhiều nỗ lực, ba Hùng cũng dần thay đổi, nhưng mọi thứ không thoát khỏi cái nhìn giễu cợt của cậu em. Một lần, hắn ghé tai anh trai đề nghị, hay anh nhường chị dâu cho em, kẻo phí của trời. Ba Hùng tái mặt, những đường chỉ xanh hằn hai bên thái dương, tay run lên vì tức giận. Nắm đấm đã thu sẵn, chỉ chờ tung vào mặt cậu em mất nết. Mẹ Hùng lén nhìn sau bức vách, cả một trời âm u mây xám phủ lấy lòng bà.

 

Chú Ba lang bạt giang hồ, thi thoảng ghé qua nhà, liếc nhìn chị dâu, nhếch cười nửa nụ hoang đàng. Ba Hùng giận tím ruột gan, cậu em cùng cha khác mẹ cứ như chiếc gai thi thoảng lại chọc ngoáy vào vết thương âm ỉ. Mẹ Hùng giấu lòng vào bờ tóc rối, đôi mắt mênh mang buồn. Cái giọng miền Tây ngọt xớt mía lùi, làn da trắng nõn nà, cả mớ tóc đen dài ôm lấy bờ vai nhỏ thật khiến lòng người xao động. Những buổi trưa tôi cùng Hùng thẩn thờ dọc mé sông vớt lục bình về thả hồ cá, thấy bà ngồi bên cây cầu cũ, tay đan thoăn thoắt những vành triên xe đạp, mắt nhìn xa xăm nơi từng ánh nắng lung linh rọi chiếu trên những tầng sóng nước.

 

Chú Ba không về nữa, ba năm, rồi năm năm, rồi lâu hơn thế. Hùng đã thành một cậu trống choai, giọng ồ ồ vỡ ra thật ngộ.

Hôm ba tôi rủ ba Hùng chung tay mở quán nhậu, mẹ tôi không ưng, mẹ bảo chung chạ mệt lắm. Ba gạt phắt, tôi với ổng mà bà còn lo, ví như đứa này được nhiều hơn chút thì cũng là các con nó hưởng. Mình có gầy dựng nên cái gì rồi cũng của con Thy với thằng Hùng thôi. Mẹ tôi không nói gì, mẹ bảo bà không liên quan, các ông ưng làm gì thì làm.

Mấy cái chòi được dựng sát mé sông, khách nườm nượp, bởi cung cách phục vụ và cả những món ăn lạ miệng. Có đêm trăng, sau khi dọn dẹp mấy bàn nhậu ê hề, Hùng cầm chiếc vỏ chai rượu ngoại lên ngắm nghía, cái vỏ chai thật đẹp, Hùng đánh mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi gật đầu cười. Cả hai cất chiếc vỏ chai sau chậu kiểng, lúi húi dọn vội chén đĩa, hắn lau bàn xếp ghế, tôi hộc tốc rửa chén bát. Xong xuôi, khách cũng đã về cả. Hai ông ba đang ngồi tính toán sổ sách.

Đêm, trăng ghếch trên những tàn sưa, trăng xiên mình qua mớ nhành cây xương xẩu. Căn chòi nằm chơ vơ nghe nước liếm vào từng cây cọc nhỏ. Hùng khệ nệ ôm chai rượu đựng đầy nước chè và hai chiếc ly nhỏ thật đẹp, một ít khoai tây chiên khách để lại trong chiếc đĩa vuông.

- Nhậu hen!

Tôi gật đầu cười tít mắt. Hắn rót thật khẽ, chia đều nhau, những giọt nước sánh vàng thơm đượm. Hắn nín thở đưa lên mũi, rồi hít một hơi thật dài, đoạn ghé vào môi. Mắt hắn khẽ nhắm, rồi bất chợt khà một tiếng rõ to. Tôi cười sằng sặc:

- Bắt chước ai vậy ta?

- Còn ai vào đây ngoài Lâm tướng quân.

Là hắn nhắc ba tôi, một người đàn ông vạm vỡ quắc thước. Cả tôi và hắn đều thần tượng ông, một nam tử hán đại trượng phu đúng nghĩa như trong mấy bộ phim Tàu chiếu nhan nhản trên vô tuyến truyền hình.

Cả tuần rồi Hùng không bơi qua quãng sông vắng, đám cỏ cháy nằm chênh vênh nghe gió dạt bờ. Mái chòi tạm rũ rượi bên hốc cây, chiếc vương miện méo mó nơi gốc cừa già, những vụn củi cháy dở bị lũ gà bới tung tóe. Đám lá rụng dày cả một khoảng đất trống, xao xác, mênh mang.

Nghe tin Hùng chuyển trường, cả bọn nháo nhác, đứa nào cũng nhằm tôi mà tra. Tôi thẩn thờ nhìn mông lung ra khúc sông, như thể có bóng dáng quen đang sải tay khỏa nước, như thể có chiếc ghe nhỏ đang chèo xiên xiên vạt nắng, sóng vỗ vào mạn từng đợt nhè nhẹ, tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của hai đứa vỡ cả mảng chiều hôm.

                                                            

                                                                    ***

 

Vạt cải ngồng lên vàng rộ, Hùng lẳng lặng cuốc những nhát đất cuối khơi lại con mương dẫn nước vào vườn. Tôi loay hoay với trăm nghìn câu hỏi, lại chẳng thể mở lời. Kéo nhành gai tre làm rào chắn, Hùng phủi phủi hai vạt áo:

- Thy về đi, muộn rồi, không sợ mẹ mắng à!

Tôi vò gấu áo, nghe lòng mình nhàu nhĩ theo từng nếp gấp:

- Thế, chuyển trường thiệt à? Tôi hỏi trống không, ngập ngừng.

- Không thật thì biết làm sao, ba quyết rồi, mốt tui với mẹ lên đường.

- Đi đâu?

- Về quê ngoại.

- Uhm, đi mạnh giỏi, nhớ biên thư về cho tụi tui.

Tôi quay mặt đi không để Hùng thấy đôi hàng nước mắt len vội hai bên má. Ừ, Hùng sẽ về lại nơi gạo trắng nước trong, nơi bốn mùa chan hòa mưa nắng. Nơi có những vườn cây ăn trái xum xuê, nơi có con cá “gô” nằm trong chiếc “gỗ”, nơi ai cũng nói chuyện hết sức “gõ gàng”. Hùng đi, quãng sông này thiếu một tay chèo cho ngày hội đua ghe, con rái cá không còn ngụp lặn hù bọn tôi thót tim đứng đợi, những sải tay dài rắn rỏi thôi không khỏa nước mỗi bận trưa băng sông.

Tôi đâu biết, cuộc ra đi ấy là một lựa chọn không dễ dàng đối với ba Hùng. Ba tôi bảo, ấy là cuộc giải thoát muộn màng, cho cả hai người, nhưng dẫu sao, muộn còn hơn không. Tôi không hiểu, tôi muôn đời không hiểu ý nghĩ của người lớn, mãi cho tới ngày tôi cũng trở thành một người lớn thực thụ, trải đời, hiểu người.

Trâm sụt sùi khóc, chàng hoàng tử trong buổi kén chồng chưa kịp đặt vương miện lá lên đầu cô dâu, chiếc nhẫn cỏ vẫn nằm lăn lóc, mà người thì sắp xa muôn trùng, biết bao giờ gặp lại. Không một lời chia tay, không một câu hẹn hứa. Hùng lên xe lúc cả bọn đang ở trong trường, tán lá me nghiêng mình đậu nơi cửa sổ, tôi với tay hái, cuộn thành vòng tròn đặt vào tay Trâm. Nhỏ đưa mắt nhìn tôi, cả hai im lặng nghe gió lao xao trên từng tán lá.

                                                              ***

Đã hơn mười mùa sưa, vạt hoa cải thôi vàng bên triền sông vắng. Mảnh vườn nhỏ được người ta mua lại, dựng quán, nhạc xập xình inh ỏi suốt ngày.

Tôi đưa tay khẽ dừng cánh quay của chiếc chong chóng, một thoáng, gió giật cánh quạt nhỏ rời khỏi tay tôi, chong chóng xoay tít cho kịp nhịp những guồng quay hối hả. Cồn Chùa nằm gối đầu thung lũng cừa bằng chiếc cầu sắt bắc nhịp nối qua, những quả tim hồng rung nhẹ theo gió. Tôi lặng nhìn qua bên kia bờ, hình dung mái đầu khét nắng của Hùng đang hối hả băng miền cỏ cháy, chiếc áo buộc chặt quanh đầu, những sải tay khỏa nước sáng lấp lánh. Giá Hùng biết, dẫu ở bên bờ nào thì cũng luôn có đôi mắt đau đáu nhìn theo những bước anh đi.

H.L