Đóng cửa ký ức

04.03.2022
Nguyên Hương
Trang Facebook cho biết anh sống với đứa con gái tuổi lên mười. Trong những cuộc họp online, người ta thấy bức tường sau lưng anh treo cái ba-lô có hình con mèo nằm giữa cánh đồng hoa rực rỡ, lần khác là mấy cái nơ cột tóc nhiều màu…

Đóng cửa ký ức

Anh là đàn ông đơn thân nuôi con, biết thắt nơ tóc cho con gái, nghe đâu còn tự vô bếp chứ chẳng mấy khi mua đồ nấu sẵn ở quán và đích thân anh kèm con gái học hành chứ không thuê gia sư. Trang Facebook của anh hay đăng những bài toán khó của lớp Ba, lớp Bốn với những dòng trạng thái kiểu như “Phụ huynh ngốc quá nên giải bài toán này mất đến 40 phút 45 giây”…

Hội bà tám thường bất đồng ý kiến nhưng khi nói về anh, tất cả đồng lòng khen đàn ông vậy là quá giỏi. 

Chẳng những giỏi chăm sóc con, anh còn tốt tính nữa. Có những câu hỏi bóng gió về lý do vợ chồng anh chia tay, không một lời chê trách người kia, anh chỉ nói: “Tại mình dở quá”. Có khi anh đến công ty với mẩu ruy băng màu hồng ló ra khỏi miệng túi quần, hội bà tám thốt lời châm chọc, anh cười cười phân bua “Tại sáng nay dậy trễ, con bé đòi thắt bím cột nơ mà không kịp nên nhét đại vô túi quần rồi quên mất…”. Hội bà tám hỏi ai dạy anh thắt nơ bím tóc, rõ ràng cố tình nhắc đến vợ anh. Ờ, chắc là hồi đó anh hay nhìn vợ điệu đàng cho con gái nên giờ mới biết. Phen này hết chối. Thế nhưng câu trả lời chẳng dính dáng gì tới ý tứ của người hỏi bởi anh đáp gọn “YouTube dạy đủ thứ”.


Song, YouTube không dạy đàn ông cách nói dối rằng mình bị nhức đầu, nhức răng hay đau bụng làm cớ để được về sớm vài ba phút kịp đón con tan học. Dạo này dự án đang trong giai đoạn nước rút, công việc bận bịu kinh khủng, ai cũng phải nán lại làm thêm giờ. Anh luôn nhìn đồng hồ một cách sốt ruột và áy náy. Mọi người trêu chọc: “Tới giờ đón con rồi hả?”.

Trêu chọc rồi thì thông cảm để anh về trước, người làm bù phần việc của anh là tôi. Đó là lý do chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau, ban đầu là hỏi han công việc… Rồi dần dần cũng đến câu hỏi: “Chiều hôm qua anh có kịp đón bé không?”. 

Lẽ ra tôi không nên hỏi. Chuyện riêng nhà người ta, kệ người ta, mắc mớ gì mình hỏi để phải nghe tiếng thở dài rồi nhìn người ta lắc đầu bất lực mà thấy nhoi nhói trong lòng vì thương cảm.

- Giờ cao điểm nên kẹt xe, khi tới nơi chỉ còn một mình con bé đứng trước cổng trường… - anh nói bằng giọng cam chịu.

Tôi hình dung cảnh cô bé một mình tủi thân chảy nước mắt, mà có lẽ sự tủi thân không chỉ vì ba đón muộn bởi nhà người ta, ba bận công việc thì còn có mẹ… 

Thương quá đi!

Những ngày sau đó, người nhìn đồng hồ là tôi. Tôi nói đằng nào thì giấc này anh cũng không ở lại làm việc cùng với nhóm được thì hãy đón con đúng giờ. Sau một ngày bán trú giữa bốn bức tường trường lớp, con bé cần được ba chở đi công viên chơi, đi ăn kem… Đừng để con nít phải thiệt thòi vì sự bận bịu của người lớn. 

Ánh mắt sâu thẳm nhìn tôi thay cho lời cảm ơn. Rồi thì cuối những email công việc bắt đầu có thêm dòng “Cảm ơn em nhiều lắm”. Tôi đáp lại khách sáo “Có gì đâu” mà thấy lòng mình chờ mong thêm lần nữa được nhận dòng chữ riêng tư ngoài công việc.

Đến một hôm, tôi nhận được một email ký tên Mèo Bông với nội dung: “Cảm ơn cô. Ba con nói nhờ có cô nên con mới được ba chở đi chơi”.

Anh kể cho con gái nghe về tôi sao?

Tên Mèo Bông nhắc tôi nhớ cái ba-lô có hình con mèo nằm giữa cánh đồng hoa.
*
Mèo Bông nói cô chải tóc êm hơn ba, nấu ăn ngon hơn ba, giảng bài dễ hiểu hơn ba… Có khi Mèo Bông còn méc: “Cô biết không, hôm bữa ba dạy tập làm văn tả giờ ra chơi của lớp em, được cô giáo cho có năm điểm à”…

Anh toét miệng cười và gõ lên trang Facebook những câu nói của Mèo Bông bằng kiểu chữ nghiêng in đậm màu tím như nhấn mạnh rằng chính sự xuất hiện của tôi khiến bao công sức anh chăm sóc con gái bấy lâu nay tan thành mây khói.
Và anh gõ thêm dòng chữ “Mèo Bông khen ngủ với cô ấm áp hơn…”.

Hội bà tám ồn ào: “Hả, ngủ lại nhà người ta rồi hả?”. Tôi sượng trân người, chỉ là một giấc nghỉ trưa trong chuyến dã ngoại. Sao anh dám…

Anh rối rít xin lỗi và ngay lập tức xóa dòng chữ đó.
*
Bỗng vợ anh trở về.

Hội bà tám chia thành ba phe. Phe này ồn ào tình yêu có khi cần phải chiến đấu để giữ được nó. Phe kia lý lẽ tình cũ không rủ cũng tới huống chi là người ta tự tìm về. Phe còn lại thở dài. Mèo Bông dĩ nhiên muốn có mẹ, mà ai cũng thấy là anh thương con như thế nào, nên có yêu tôi đến mấy thì anh cũng sẽ chọn hy sinh. Vài ngày sau, bà hội trưởng hội bà tám tự tách ra thành một phe với phân tích thẳng thừng “Nếu cuộc hôn nhân đó đã thật sự kết thúc thì sau dòng chữ “Mèo Bông khen ngủ với cô ấm áp hơn” hẳn người ta đã ngỏ lời cầu hôn luôn chứ không chỉ xin lỗi suông rồi xóa đi”.

Tôi rơi vào chới với và cuộn ngược trang Facebook của anh, đọc đi đọc lại những dòng trạng thái thân thương, tươi vui của tháng ngày bên nhau, bám vào đó để neo giữ lòng tin mình không thể chỉ là kẻ tạm thời lấp khoảng trống.
Nhưng đó là nói về phía anh, còn tôi thì sao? Tôi có yêu anh sâu nặng đến mức sẵn sàng chiến đấu để người phụ nữ kia phải ra đi? Hay là tôi có yêu Mèo Bông nhiều đến mức sẽ tự lùi lại để cô bé được có mẹ bên cạnh? 

Mà quyền chọn lựa có thuộc về tôi không?

Không biết. Chỉ cảm nhận rõ niềm đau khi ngày ngày vẫn gặp nhau ở công ty mà anh chỉ nhìn đâu đó qua vai tôi. Hội bà tám rào rào, mở Facebook mà coi kìa. À, không thấy, chưa thấy người phụ nữ đó xuất hiện trên trang của anh nhưng đã thấy những tấm hình chụp mâm cơm có ba cái chén, quá rõ ràng cho sự hàn gắn.

Là anh đã chọn lựa. Là tuyên bố chia tay với tôi. Lẽ ra anh nên dành cho tôi sự tử tế tối thiểu bằng cách để trang Facebook lặng im vì quá biết mọi điều trên trang của anh đều trở thành đề tài bàn tán khắp công ty.

Hội bà tám lại chia thành hai phe. Phe này nói đàn ông rõ ràng rành mạch vậy là đúng, có đau thì ai cũng đau một lần cho xong. 

Thế nhưng làm sao cân đong được nỗi đau để biết nó nặng nhẹ bao nhiêu và ngắn dài bao lâu mà xong với không xong? Phe kia phẫn nộ, hàn gắn hạnh phúc gia đình bằng cách cắm dao vào trái tim người mình từng tỏ ý yêu thương, sao? Đúng là đồ khốn. 

Mà như vậy cũng tốt. Kẻ khốn không đáng cho mình nhớ.
*
Không dễ quên như hội bà tám nói, vết thương ấy hằn sâu trong tim tôi. Nhưng dù sao tôi cũng đã có thể gật đầu chào anh như chào một đồng nghiệp và khi họp nhóm, tôi bàn công việc với anh thản nhiên như với mọi người. Có lần đón Mèo Bông đi học về, anh quay lại công ty vì quên gì đó, nhìn thấy tôi, Mèo Bông ngập ngừng hết nhìn tôi rồi lại nhìn anh. Vẻ ngập ngừng tội nghiệp khiến tôi nhói lòng. Một đứa con nít mà không được hồn nhiên là một mất mát quá lớn. 
Lẽ ra tôi không nên quan tâm tới Mèo Bông. Mèo Bông là việc của anh, không phải việc của tôi. Mắc mớ gì mình xót xa, thương cảm một đứa bé được có đầy đủ mẹ cha? 

Nhưng, một lần nữa tôi lại phạm sai lầm cũ, lại để cho cảm xúc sai khiến mình. Tôi đi tới, cầm tay Mèo Bông, dịu dàng hỏi:
- Mẹ nấu canh, kho cá ngon hơn ba rất nhiều phải không Mèo Bông?

Mèo Bông mím môi nhìn anh rồi lắc đầu:
- Dạ không. Mẹ chỉ cắm nồi cơm còn thức ăn thường mua ở quán đầu đường.
Tôi chợt nhớ anh chưa bao giờ nói xấu vợ.
*
Ngay tối hôm đó, tôi nhận được email của anh: “Anh đã chọn lựa sai lầm. Luôn nhớ em. Xin hãy cho anh cơ hội…”.
Nỗi đau bùng lên trong tôi, là vết thương cũ bị xới lên hay là vết thương mới vừa băm xuống, không thể phân định rạch ròi. Tôi cầm tay Mèo Bông và dịu dàng với Mèo Bông đâu phải là tín hiệu níu kéo gửi đến anh.

Tôi đã cố gắng vô cùng để được bình yên. Thậm chí tôi đã định chuyển công ty khác, chỉ là hội trưởng hội bà tám quyết giữ tôi lại. Bà nói như tát vô mặt tôi:

- Ngu à, ở đây ai cũng hiểu mày, đi nơi khác họ tưởng mày là kẻ thứ ba nên phải trốn chạy. 

Kẻ thứ ba. 

Tôi không muốn bị mọi người nhìn mình như kẻ thứ ba. Vậy nên tôi đã ở lại và ngày ngày đối diện với bao nỗi niềm, tôi phải chiến đấu với chính mình để có thể tỏ ra bình thản. 

Mà anh lại muốn xới tung lên sao? Anh có quyền xộc vào đời tôi mỗi khi anh muốn à? Tôi gào lên giận dữ mà nước mắt dâng trào. Tôi nhận ra mình chưa quên. Tôi chưa bao giờ quên anh. Tôi chỉ đang cố thu dọn mọi sự vào ngăn ký ức mà cánh cửa ký ức vẫn đong đưa…

Hội bà tám ồn ào kinh khủng. Bất kể gia đình người ta hạnh phúc hay bất hạnh, giờ đây tôi đúng là kẻ thứ ba. Mà hội bà tám không muốn thành viên của mình là kẻ thứ ba tội lỗi nên bà hội trưởng chặn anh lại ngay cửa phòng và gay gắt:
- Bọn tôi cứ tưởng cậu là người tốt…
*
Một lần nữa anh lại là người chọn lựa, anh chọn được khen là người tốt.

Anh lại nhìn đâu đó qua vai như thể tôi là một bức tranh treo lửng lơ trên cành cây. Mà đúng là tôi đang lửng lơ chân không chạm đất, nhiều khi tưởng mình đang bay… Không chỉ vì nỗi niềm của tình cảnh trớ trêu mà còn vì phải tự hỏi anh có đáng cho mình đau đớn. Một người đàn ông quá lý trí, luôn đặt tình yêu lên bàn cân liệu có xứng đáng với tình cảm chân thành của tôi? Yêu mà còn không đủ can đảm thì anh còn có thể làm được gì?

Tự hỏi được vậy tức là tôi đã lờ mờ nhận ra điều bất ổn. Tuy vậy, trái tim tôi vẫn đập rộn mỗi lần mở hộp thư rồi gặm nhấm nỗi thất vọng vì trong đó chỉ là email công việc. 

Có lẽ tôi vẫn còn chới với rất lâu trong nỗi tiếc nuối mình gặp được người đàn ông tốt, chỉ vì số phận trêu ngươi… Cho đến một đêm, điện thoại tôi reo vang. Là Mèo Bông.
- Cô ơi, cho cháu gặp ba một chút đi.

Anh đang ở đâu? Câu hỏi lo âu trồi lên trong tôi cùng lúc với nỗi cảm thương. Giọng con nít già dặn trước tuổi nghe xót xa quá đỗi.

Tôi cố ghìm cảm xúc của mình lại. Mèo Bông là việc của anh, Mèo Bông là việc của người phụ nữ sai khiến cô bé gọi cuộc gọi rất không nên này. Giờ này anh đang ở đâu là việc của cô ta. 

Tôi cố lấy giọng của người bị làm phiền:
- Lâu lắm rồi cô không gặp ba của cháu.
*
Đau một lần rồi thôi, hội bà tám nói vậy và cũng chính hội bà tám nói làm sao cân đong được nỗi đau để biết nó nặng nhẹ bao nhiêu và ngắn dài bao lâu mà xong với không xong. 

Chính tôi phải kết thúc cho mình thôi.

Cái giá phải trả cho tình yêu khá đắt, tôi phải làm lại từ đầu ở công ty mới, mặc kệ lời hăm dọa của bà hội trưởng: “Ở đó người ta đâu có rõ đầu đuôi chuyện của mày, họ sẽ nghĩ…”.

Bất kể thiên hạ nghĩ gì, tôi không muốn phải tiếp tục chiến đấu với bản thân khi phải gặp gỡ anh hằng ngày.

Ở nơi mới, có lẽ tôi sẽ dễ gài chốt cửa ký ức hơn. 

(PNO)