Ra Trường Sa nhớ Hoàng Sa
Bản đồ quần đảo Hoàng Sa (Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng)
Đoàn đại biểu của chúng tôi bao gồm 70 thành viên đến từ nhiều cơ quan ban ngành khác nhau của thành phố do đồng chí Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố làm Trưởng đoàn. Sau này khi họp đoàn tôi mới biết ngoài đoàn thành phố Đà Nẵng còn có đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đoàn Công ty 899 do Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng, Thiếu Tướng - Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn chung. Thật là một trải nghiệm quý báu đối với tôi, bởi tôi là giáo viên đã được tham gia biên soạn chủ đề huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng trong Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 9. Viết về chủ quyền biển đảo trong những năm gần đây đã có rất nhiều bài viết, nhiều công trình của các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý, ngoại giao góp vào nền học thuật nước nhà. Riêng đối với tôi, từ hành trình thực tế đi Trường Sa đem đến cho tôi những so sánh, đối chiếu huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng với huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa, để góp một phần nhỏ vào tuyên truyền đến đồng nghiệp, học sinh ý thức giữ gìn biển đảo quê hương.
Tàu KN 390 xuất phát từ cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ sáng sớm ngày 05/4/2024. Tàu đi về phía đông nam 2 ngày, đến sáng ngày thứ ba chúng tôi mới bắt đầu lên đảo Song Tử Tây thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây. Đoàn thăm và tặng quà trên đảo Song Tử Tây một buổi sáng, rồi lên tàu tiếp tục di chuyển về phía nam và ghé thăm đảo chìm Đá Thị. Khu đảo chỉ gồm 2 tòa nhà nối với nhau bởi một hành lang hẹp bằng bê tông. Nhìn ra xa chỉ có hàng cọc bê tông phân luồng cho ca nô vào đảo nhấp nhô trên những ngọn sóng. Rời đảo Đá Thị, theo đúng kế hoạch tàu qua đảo Sinh Tồn. Đoàn công tác nhanh chóng thực hiện các hoạt động họp, tặng quà, giao lưu văn nghệ cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân xã đảo. Buổi chiều chúng tôi ghé đảo chìm thứ 2 trong hành trình của mình là đảo Cô Lin. Cũng giống như đảo Đá Thị nơi đây thừa nắng gió, sóng biển chỉ có 2 căn nhà nổi lên trên mặt biển xanh. Sáng ngày thứ năm, đoàn chúng tôi lên xuồng và ca nô để qua đảo Đá Tây A, thăm Nhà văn hóa cộng đồng trên đảo để giao lưu làm việc cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Trưa hôm đó, đoàn công tác lên đảo Trường Sa - “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”. Đoàn đã đi dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm liệt sĩ, thăm chùa trên đảo, đoàn công tác họp cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân để tặng quà. Buổi tối, chúng tôi đã được tham gia vào buổi sinh hoạt giao lưu văn nghệ thắm tình đoàn kết giữa đoàn công tác với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thị trấn Trường Sa. Tàu 390 tiếp tục đi xuống phía nam với chương trình là sẽ ghé thăm nhà giàn DK 1/2 bãi Phúc Tần, tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi (sóng to, gió lớn trên cấp 6) nên chỉ có ca nô nhỏ mang hàng, quà tặng cho các chiến sĩ của nhà giàn. Còn chúng tôi đứng từ xa vẫy tay chào các chiến sĩ, những người ngày đêm làm việc trên ngôi nhà khung sắt giữa biển khơi đầy sóng gió. Tàu KN 390 đã hoàn thành hành trình đi, quay trở về sau 2 ngày chúng tôi đã trở lại cảng Tiên Sa vào một buổi tối đầy cảm xúc. Vậy là, đoàn chúng tôi đã đi qua 4 đảo nổi và 2 đảo chìm của huyện đảo Trường Sa, thời gian thăm, làm việc, tặng quà tuy không nhiều nhưng tôi cũng hiểu phần nào những khó khăn, vất vả của cán bộ chiến sĩ, người dân nơi đây.
Sau chuyến đi tôi cứ luôn suy nghĩ so sánh về thực tế hiện tại giữa hai quần đảo xa bờ thiêng liêng của Tổ quốc là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Xét về mặt địa lý, quần đảo Hoàng Sa gần đất liền nước ta hơn rất nhiều so với quần đảo Trường Sa: Theo tính toán từ đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi, là 135 hải lý (khoảng 250 km), đến huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) tỉnh Quảng Ngãi là 123 hải lý (khoảng 228 km). Từ trung tâm của quần đảo Trường Sa đến Cam Ranh là 243 hải lý (450 km). Về số lượng đảo, diện tích: quần đảo Trường Sa rộng gấp nhiều lần quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể: quần đảo Hoàng Sa gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số thực thể địa lý khác nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2, gồm 2 nhóm đảo chính là: Nhóm đảo Lưỡi Liềm có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phía Tây quần đảo, gần đất liền, gồm 8 đảo chính: Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá. Nhóm đảo An Vĩnh nằm ở phía đông, bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông như: đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá. Quần đảo Trường Sa gồm 1000 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km2. Toàn bộ quần đảo được chia thành 8 cụm nhóm đảo theo thứ tự từ bắc xuống nam là: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên.
Về lịch sử xác lập chủ quyền và thực thi quản lý nhà nước Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thực hiện từ lâu.
Theo các tài liệu của Việt Nam, Trung Quốc, phương Tây thì Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Nước ta có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này qua các giai đoạn lịch sử có liên quan.
Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức của Nhà nước Việt Nam, Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là bằng chứng hùng hồn về sự xác lập và thực thi chủ quyền của Đại Việt ở đàng Trong đối với Hoàng Sa. Sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (Đỗ Bá,1686), Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán,1696), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776), Đại Nam thực lục tiền biên (Quốc sử quán triều Nguyễn,1821) đã đề cập đến các hoạt động của đội Hoàng Sa. Phủ biên tạp lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng 8 âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phước Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hòa thứ nhất (1635), đến thời chúa Nguyễn Phước Tần mới dời qua Phú Xuân. Theo Phủ biên tạp lục, khi thành lập đội Hoàng Sa, có 70 người dân xã An Vĩnh được chọn với nhiệm vụ: “Cắt phiên mỗi năm cứ tháng Hai nhận giấy ra đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiêng, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều,…”. Sang thời Tây Sơn, ngoài đội Hoàng Sa còn có đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba vừa khai thác kinh tế, vừa ứng chiến với những kẻ xâm phạm. Riêng đội Hoàng Sa, đứng đầu là cai đội hay đội trưởng, lại thường kiêm cai thủ cửa biển Sa Kỳ cũng như kiêm quản cai cơ thủ ngự. Chức quan cai cơ thủ ngự phụ trách thu thuế, an ninh trên biển, chống cướp biển. Như thế, ở Hoàng Sa đương thời, việc khai thác kinh tế biển luôn kết hợp nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vùng biển. Sau khi thành lập nhà Nguyễn năm 1802, Nguyễn Ánh lo củng cố xây dựng chính quyền, song vẫn tiếp tục quan tâm đến việc khai thác biển cũng như an ninh trên biển. Chỉ một năm sau khi lên ngôi hoàng đế, tháng 7 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12 viết: “Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chỉ thị cho Bộ Công sang năm Minh Mạng thứ 15 (1834) “phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối”. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165, cũng đã chép rất rõ, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu vua hằng năm cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ còn cắm cột mốc, dựng bia.
Với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre, năm 1884, chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể để củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer đề nghị Chính phủ Pháp xây dựng hải đăng tại Hoàng Sa. Các nhà khoa học của Pháp đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu về hải dương học và địa chất ở quần đảo này. Ngày 08/3/1925, toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp. Năm 1938, Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng OMM đăng ký số 48860 đặt ở đảo Hoàng Sa và số 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa, với dòng chữ: “République Francaise - Royaume d’Annam - Archipels des Paracels 181 - Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa 1816, đảo Hoàng Sa 1938). Từ năm 1939, việc quản lý hành chính 2 quần đảo chuyển sang tay phát xít Nhật. Chúng đã cho xây dựng tại Hoàng Sa và Trường Sa những công trình quân sự bê tông cốt thép cùng các căn cứ hải quân nhưng sau đó thì bại trận và phải rút lui.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Nam giành được độc lập. Tuy nhiên do Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 với Pháp nên phía Pháp vẫn thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 29/11/1946, lấy cớ giải giáp phát xít Nhật, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên của Trung Hoa dân quốc đổ bộ lên các đảo Hoàng Sa. Chính phủ Pháp đã lên tiếng phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp nói trên của Trung Hoa Dân Quốc. Ngày 13/01/1947, Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Pháp gửi một phân đội lính, gồm 10 lính Pháp và 17 lính Việt Nam, đổ bộ đóng một đồn ở đảo Hoàng Sa và quyết định lập đài khí tượng trên đảo này. Tại Hội nghị San Francisco, vào tháng 9/1951, có 51 quốc gia tham dự để ký kết Hòa ước với Nhật. Phía Nhật Bản đưa ra ý kiến thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa ở phía nam đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Tại hội nghị này, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam (thời Bảo Đại) long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, không một đại biểu nào trong hội nghị có ý kiến gì về tuyên bố này. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Chính phủ Việt Nam cộng hòa tiếp quản 2 quần đảo. Tháng 10/1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh Phước Tuy, quần đảo Trường Sa là một phận của tỉnh này. Ngày 13/7/1961, Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã, gọi là xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, lịch sử của quần đảo Hoàng Sa đã thay đổi khác đi từ tháng 1/1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa trên đà sụp đổ, Trung Quốc đã tấn công chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm (Hoàng Sa). Điều này đã vi phạm Luật pháp quốc tế về chủ quyền một cách trắng trợn. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm và chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực thi quyền làm chủ của mình trên biển, các đảo. Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng. Ngày 07/8/1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc trong việc công bố một số tài liệu của Việt Nam liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc giải quyết sự tranh chấp về 2 quần đảo giữa hai nước bằng thương lượng hòa bình. Ngày 11/12/1982, Chính phủ Việt Nam ra quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Sau đó, huyện Trường Sa lại được chia trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đầu năm 1988, tại Trường Sa, Trung Quốc có những hành động khiêu khích bằng quân sự và đánh chiếm đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Huy Gơ, Su Bi. Nhất là trận chiến không cân sức trên đảo Gạc Ma đã có 64 người con của Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền của đất nước. (Ngày nay ở trên các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa đều có bia khắc tên 64 chiến sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma). Đến năm 1995, Trung Quốc chiếm thêm đảo Vành Khăn, đưa số đảo, bãi ngầm đã chiếm ở Trường Sa lên con số 7. Ngày 01/01/1997, thành phố Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Huyện Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Địa điểm của trụ sở UBND huyện Hoàng Sa được đặt tại số 132, đường Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nay chuyển đến đường Hoàng Sa - Phan Bá Phiến, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Theo Nghị định của Chính phủ nước ta ban hành ngày 11/4/2007, huyện Trường Sa có 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: Thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Từ đó cho đến nay, Nhà nước ta vẫn nỗ lực đấu tranh để khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động cơi nới, xây dựng trái phép các đảo trên quần đảo này. Tháng 12 năm 2007, Trung Quốc phê chuẩn thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Do sự phản đối của Việt Nam và yêu cầu giải quyết vấn đề trên cơ sở Luật pháp quốc tế về chủ quyền và công ước của Liên hợp quốc về Luật biển khiến cho mãi đến năm 2012 Quốc vụ viện Trung Quốc mới phê chuẩn được điều này. Tháng 5 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, đã ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh và an toàn hàng hải khu vực. Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan đã kiên trì thực hiện các biện pháp để yêu cầu giàn khoan Hải Dương
- 981 cũng như các lực lượng tàu và máy bay hộ tống của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. Với chủ trương ngoại giao mềm dẻo của Chính phủ Việt Nam, sự lên án của cộng đồng quốc tế, đêm 15/7/2014, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan và đoàn tàu hộ tống ra khỏi vùng biển nước ta. Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng, cơi nới trái phép các đảo, bãi cạn ở Hoàng Sa, Trường Sa dùng sức mạnh để chiếm đóng bãi cạn Cỏ May gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, với việc thực thi chủ quyền và quản lý 21 đảo được chia làm ba đơn vị hành chính: Thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn tỉnh Khánh Hòa đã làm tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Theo các cán bộ trên đảo, những năm gần đây các đảo của Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển cơ sở vật chất và đời sống kinh tế- xã hội nhằm từng bước xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành đơn vị hành chính ngang tầm với vị trí và vai trò trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước ta. Trong hành trình của đoàn công tác số 5, tôi đã thấy tận mắt những đổi thay của đời sống vật chất, tinh thần ở các đảo nổi thuộc huyện đảo Trường Sa. Với chính sách ưu đãi cho cán bộ, chiến sĩ, người dân ra bảo vệ, chiến đấu, sinh sống, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như: tăng 70% lương, nhà ở miễn phí, tạo điều kiện cho con đi học, xây dựng các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, thư viện, các công trình thiết yếu. Tổ chức các đoàn công tác từ các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành ra thăm hỏi, tặng quà, làm việc với cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo, nhà giàn. Mặc dù vẫn còn nhiều thiếu thốn về các điều kiện sinh hoạt như điện, nước ngọt, rau xanh hay máy móc thiết bị y tế, dạy học nhưng với sự quan tâm, động viên, chính sách đãi ngộ hiện nay giúp các chiến sĩ yên tâm công tác, người dân sau thời gian 5 năm ở đảo về đất liền cũng có được một số vốn để làm ăn, sinh sống nên danh sách xin đi ra đảo của tỉnh Khánh Hòa là rất nhiều.
Trong khi đó, tại thành phố Đà Nẵng, suốt 50 năm qua, chính quyền và người dân vẫn luôn đau đáu nghĩ về Hoàng Sa. Theo dõi những động thái của Trung Quốc trên quần đảo này, để có thái độ và hành động đúng đắn, kịp thời. Đã có một giai đoạn, chúng ta nói tránh, nói giảm vì sợ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao với nước lớn, nên công tác tuyên truyền chưa được thực hiện đúng mức. Như khi tôi chuẩn bị đi công tác Trường Sa, có nhiều đồng nghiệp đã không biết đi Trường Sa hay Hoàng Sa, ở vị trí nào dù đứng ngay gần Bản đồ hành chính Việt Nam. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các cấp có rất nhiều hoạt động thiết thực để đấu tranh khẳng định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, kể cả quần đảo Trường Sa. Đó là việc thành lập huyện đảo Hoàng Sa, công bố quyết định chức danh Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa; đặt tên đường Hoàng Sa, đường Trường Sa, đường Nguyễn Phan Vinh, đường Phạm Quang Ảnh, đường Phạm Hữu Nhật,… Đó là thành lập ngôi trường tại quận Sơn Trà tên gọi trường THCS Hoàng Sa.
Đặc biệt là việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa vào ngày 08/8/2017 theo Quyết định số 08/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa, chính thức đi vào hoạt động đón khách tham quan từ ngày 28/3/2018. Công trình được xây dựng tại đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu, thông tin, tuyên truyền những tư liệu lịch sử và pháp lý minh chứng quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục, phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế. Từ khi ra đời đến nay, Nhà trưng bày đã đón hơn 100.000 lượt khách với gần 2000 đoàn khách, trong đó một nửa là học sinh, sinh viên. Đó là việc tổ chức triển lãm: Các tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Việc biên soạn chủ đề: Huyện đảo Hoàng Sa trong Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 9 cũng sẽ góp phần giáo dục học sinh về huyện đảo quê hương. Như ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã viết trong bài Người Đà Nẵng với quần đảo Hoàng Sa (Trích từ sách: Hoàng Sa, Trường Sa trong vòng tay Tổ quốc): “Có thể nói, giờ đây lòng mỗi người Đà Nẵng lúc nào cũng cháy bỏng một khát vọng: Phải đòi lại Hoàng Sa! Người Đà Nẵng bao giờ cũng luôn nhắc nhở mình và dạy con cháu: Huyện đảo Hoàng Sa thân yêu của mình vẫn đang bị nước ngoài chiếm đóng, thành phố quê hương của mình vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng! Và, còn nhớ tức là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên…”. Mà để đòi lại Hoàng Sa thì không phải một sớm một chiều mà còn cần rất nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, cộng đồng quốc tế. Trước mắt thành phố Đà Nẵng phải làm tốt một số công tác sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống trong nhân dân nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí vai trò của biển, chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, phát triển Nhà trưng bày Hoàng Sa thành Bảo tàng với quy mô rộng lớn hơn, sưu tầm nhiều hơn các hiện vật, các bằng chứng về chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo này. Tăng cường tổ chức cho các đoàn, nhất là học sinh, sinh viên tới thăm quan, học tập tại Nhà trưng bày Hoàng Sa để nâng cao ý thức chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Thứ ba, Đảng, Nhà nước ta tăng cường quản lý có hiệu quả về biển, đảo trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển, làm cơ sở xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta trên biển. Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển để làm giàu cho đất nước từ biển.
Thư tư, nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa kết hợp với các nước trong khu vực, trên thế giới, các tổ chức quốc tế cùng thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC),…
Những giải pháp nêu trên, từ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đều góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì vậy, mỗi người dân Đà Nẵng, mỗi người dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên, cùng Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế tiếp tục đấu tranh bảo vệ biển đảo, khẳng định chủ quyền, giữ gìn hòa bình và phát triển bền vững cho đất nước.
(Tạp chí Non Nước số 321+322)