MONG MỎI “VƯỜN MẸ” SẼ SỚM THÀNH HIỆN THỰC -  Trung tướng Ngô Quý Đức

08.12.2021
 Trung tướng Ngô Quý Đức

MONG MỎI “VƯỜN MẸ” SẼ SỚM THÀNH HIỆN THỰC -  Trung tướng Ngô Quý Đức

Trung tướng Ngô Quý Đức 

Năm 2021, tôi về thăm Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), một xã được 3 lần nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, bất ngờ được nghe kỹ sư Phan Đức Nhạn nêu ý tưởng xây dựng không gian “Vườn Mẹ” một công trình lịch sử - văn hóa nhằm tôn vinh cuộc đời, tấm gương cao đẹp của 350 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, cùng với 1.347 liệt sỹ của xã đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Anh Nhạn đã từng chia sẻ rất tâm huyết về ý tưởng này: Lạc Câu là làng có từ thời cha ông mở cõi. Thời kháng chiến chống Pháp, Lạc Câu thuộc tuyến đầu, đối mặt với địch của vùng tự do tại Quảng Nam và của Liên Khu V. Để chống lại chiến thuyền Pháp, nhân dân ta đã lập hàng cừ trên sông vùng Cây Mộc. Từ thời chống Mỹ, Bình Dương trở thành ngọn cờ đầu của vùng Đông Thăng Bình. Nhắc tới cái tên Bình Dương, kẻ thù hoang mang, khiếp sợ. Nhân dân Bình Dương luôn kiêu hãnh, tự hào với quê hương 3 lần được tuyên dương Anh hùng. Bình Dương đã phải chiến đấu, hy sinh để có vinh dự ấy. Gần 2.000 thương binh liệt sỹ, hàng trăm người bị bắt bớ, tù đày, hàng trăm người bị địch thảm sát. Sau 10 năm chiến đấu (từ 1964 đến 1975) đã có 4.700.7.800 người dân ngã xuống. Sự hy sinh mất mát, tang thương không thể kể xiết.

Theo kế hoạch, dự kiến trọng điểm công trình này là chọn dãy nổng cát bên dòng sông Trường Giang liên hoàn, từ nổng ông Nhánh tới nổngng cây Nài vốn là trận địa quan trọng thời chiến tranh chống Mỹ ở vùng cát cháy Bình Dương. Gần đây, qua bài viết “Vườn Mẹ” của chính Phan Đức Nhạn đăng trên báo Nhân dân ngày 27.7.2021, tôi càng thấu hiểu và đồng cảm hơn ý tưởng của tác giả đồ án. Tôi xin nêu một vài cảm nhận chia sẻ về công việc rất đáng trân trọng này.

Anh Phan Đức Nhạn - Đại biểu Quốc hội khóa 11, Quyền Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Mở Chu Lai, Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh… là người con sinh ra, lớn lên, chiến đấu, trưởng thành từ quê hương Bình Dương. Mỗi khi gợi nhớ lại quá khứ về cuộc chiến trên đất Bình Dương quê mình, thì bao nỗi đau về những năm tháng khốn khó một thời trong bom đạn, mà biết bao người cha, người mẹ, người con nơi mảnh đất này phải hy sinh để có được cuộc sống ấm êm, yên bình, hạnh phúc hôm nay.

Anh Nhạn - cậu bé tên Nhạn trong Nhật ký Chu Cẩm Phong luôn thôi thúc trong lòng trách nhiệm góp sức cùng người dân quê nhà theo đuổi ý tưởng lập không gian “Vườn Mẹ” tại xã Bình Dương. Bởi lẽ, tái hiện lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng ấy là nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ đang sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Dù vậy, đến nay khi đã về hưu anh mới có thời gian triển khai.

Điều thú vị, sau khi hình thành, bên cạnh việc tái hiện những hầm hào công sự, chốt điểm tiền tiêu, trận địa chiến đấu của nhân dân Bình Dương kiên cường, tạo ra bảo tàng sống của các loài cây cỏ cụm lông chông, xương rồng, dương liễu, những loài cây đặc thù của vùng cát, “Vườn Mẹ” còn là địa điểm tái hiện những làng nghề truyền thống một thời của nhân dân vùng cát bằng nông nghiệp, ngư nghiệp…

Hàng năm, cứ đến ngày 27.7, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước ta luôn dành những tình cảm thiêng liêng nhất để tưởng nhớ, biết ơn những thương binh, liệt sỹ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chắn chắn “Vườn Mẹ” sẽ là một điểm viếng thăm, tham quan không thể thiếu trên quê hương xứ Quảng.

“Vườn Mẹ” đã khơi dậy nhiều cảm xúc trong lòng những người còn sống, tạo nên bức chân dung về người Phụ nữ Việt Nam với đầy niềm tự hào và tình yêu thương. Chúng ta đồng tình và chia sẻ cùng kỹ sư Phan Đức Nhạn về sự tri ân những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu để các thế hệ mai sau mãi mãi ngưỡng mộ, biết ơn và thêm tự hào với truyền thống anh hùng của nhân dân Bình Dương. 

Đồng thời, công trình này cũng nhắc nhở không ai được có quyền lãng quên, lạnh nhạt, thờ ơ với những người mẹ, những anh hùng, liệt sỹ đã mãi mãi nằm xuống, khi họ nằm xuống không có nghĩa là đã mất vì ngàn đời tổ quốc vẫn còn ghi. Ai cố tình né tránh người đó sẽ có tội với lịch sử của một vùng đất, của dân tộc Việt Nam.

Vì lẽ đó, tôi mong mỏi “Vườn Mẹ” sẽ sớm thành hiện thực. Để trang sử vẻ vang chói lọi của Tổ Quốc thêm một lần được ghi dấu sự hi sinh, chiến tích đáng tự hào của Mẹ Bình Dương, đất Bình Dương cũng như lớp lớp bao người đã lấy máu xương của mình để tạo nên hình hài đất nước như ngày nay. Có như thế lịch sử mãi mãi không nằm trong trang giấy mà nó sẽ nằm trong trái tim, trong trí nhớ của người Bình Dương cũng như người dân khắp mảnh đất hình chữ S này.

Lịch sử vì thế sẽ được nhắc lại qua những chiến công, vùng đất khiến kẻ thù khiếp sợ, đồng thời mỗi chúng ta sẽ được bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc qua mỗi công trình như “Vườn Mẹ”...

 

Đà Nẵng, tháng 7.2021

Trung tướng Ngô Quý Đức 

(Nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn Bộ Quốc Phòng)