Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Cuộc độc hành tuyệt đối

15.12.2014

Chiều đầu đông lạnh, tiếng nhạc nhẹ nhàng, những vần thơ nhảy múa và giọng nói của Phương thì quá ư khác biệt trong thế giới sống này. Thật khó có thể tưởng tượng hai con người, một của đời thường, của chức danh một “ông” Đỗ Doãn Phương, Phó Tổng biên tập trẻ (từ năm 33 tuổi) của báo Thể thao Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và một nhà thơ Đỗ Doãn Phương lại có nhiều khác biệt đến vậy.

Gạt bỏ hết mọi thứ ràng buộc, Đỗ Doãn Phương của thi ca thực sự là tiếng vọng của một dư âm khác lạ, dù Phương khẳng định: Đừng nghĩ rằng làm thơ cho chính mình, làm thơ chẳng cần biết đến độc giả là một thái độ cao ngạo. Không, không phải. Đó là một thái độ biết phận mình. Biết rằng mỗi con người là rất khác nhau, và con người mình nhỏ bé đến nỗi, mình có biến mất trên thế gian này có khi cũng chẳng để lại một mẩu tư tưởng. Bên cạnh đó, cảm giác “độc hành” còn đến khi ta nghĩ đến tận cùng của cuộc sống!

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Cuộc độc hành tuyệt đối

Dù gì đi nữa thì Đỗ Doãn Phương, trong ý nghĩ của tôi, vẫn luôn là một kẻ độc hành trên chặng đường thi ca dài dặc. Có 6 tập sách và “dắt lưng” vài giải thưởng, nhưng Phương dường như vẫn là kẻ đứng ngoài cuộc của dòng chảy thi ca đương đại, vì anh, như tôi vẫn thấy, luôn chui vào ốc đảo của riêng mình. Lặng lẽ, kiệm lời, ít giao đãi, thường lắng mình ở một góc khuất và chỉ tủm tỉm nếu có ai đó hỏi đến mình. Tôi có cảm tưởng rằng, đối với anh không có điều gì quá quan trọng trong đời sống khiến anh mất bình tĩnh và trở nên thật “ồn ào”: anh không phát ngôn nhiều trên báo chí, không tụ tập đàn đúm cánh hẩu, không dùng “công nghệ” PR mỗi khi ra sách… Điều đó, đối với một nhà báo và nhà thơ thời @, dường như khá lạc lõng, trong khi đó, anh làm “sếp” ở một tờ báo có uy tín và có thể tự dựng chiêu trò để đánh bóng tên tuổi mình.

Nhưng ngược lại với tất cả những tuyệt chiêu, Phương chọn cách im lặng. Rồi anh giải thích: “Tôi cũng muốn “ầm ĩ lên” nhưng quả thực là dư luận nói chung chỉ quan tâm đến những gì dễ gây ấn tượng. Sau khi nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy có cố khua chiêng tiếp thị cũng… không ăn thua, nên tôi thôi không tổ chức ra mắt nữa, chấp nhận bị chìm đi. Vả lại, bây giờ, nhiều cuộc ra mắt sách như một dịch vụ, nên cũng cảm thấy hơi ngường ngượng nếu mình cũng cố đấm ăn xôi. “Xổ ra một đống thơ tình/ Nửa thành giấy góa, nửa rình tặng nhau” - đành tự trào trong bụng như vậy. Và từ kinh nghiệm của bản thân mình, tôi thấy, các nhà thơ đương đại đừng hy vọng có quảng đại công chúng, mà trước hết hãy làm cho chính mình, cho cuộc độc hành của mình đến đích”.

Đôi khi tôi tự hỏi rằng, với một người “lạc loài” như Đỗ Doãn Phương, anh lấy đâu ra tư liệu “sống” mà viết văn, làm thơ, những áng thơ mang hơi thở của đời sống? Phương không phải là kẻ cao ngạo, nhưng anh luôn lánh mình ở một không gian khác, một mảng thời gian khác, hệt như cảm giác “độc hành” mà anh đã nói ở trên. Cảm giác “độc hành” đưa Phương đi đến tận cùng của cuộc sống. Phương khẳng định: “Như khi phải đối diện với một thử thách khiến bạn suy sụp, khủng hoảng, có thể bạn sẽ tìm được một vài lời an ủi, nhưng cũng có thể không. Nếu thử thách đó lớn đến mức mà ngay chính tôn giáo cũng không thể an ủi được bạn thì bạn sẽ cảm thấy mình cô đơn đến nhường nào. Và trong lúc phải đối diện với sự cô đơn đó để sống, bạn sẽ có cảm giác rất rõ bạn độc hành tuyệt đối, dù xung quanh bạn vẫn đầy người”.

Bởi vậy mà thơ Phương đầy khác lạ, khác lạ ở cái sự cảm và sự biểu cảm ra nơi câu chữ. Hai tập thơ mới của Phương là Hoan caTuyệt ca. Hoan ca đoạt giải thưởng thơ Hội Nhà văn 2011 và sau đó đoạt Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ở đó hiện lên một Đỗ Doãn Phương ẩn mình trong công sở, đọc, duyệt cả chục trang báo mỗi ngày, để hiểu thêm về một Đỗ Doãn Phương “nổi loạn” trong tâm hồn, thường tỉnh giấc mỗi đêm, thường trăn trở trước mỗi bình minh, thường mơ hồ về một thế giới sống của thực tại và luôn lo sợ trước cái chết. Thơ của anh là những tiếng nấc nghẹn vì một nỗi lo sợ mơ hồ, sợ bị tan biến vào lãng quên, sợ bị vùi sâu vào trong quá khứ không có kiếp luân hồi, sợ tuột khỏi tầm tay với những gì đã có và đang có, sợ thời gian qua đi cùng những nỗi lo lắng mong manh vô hình, sợ không kịp nói lời yêu thương, không kịp chia sẻ những điều đang nghĩ… Và tự đáy lòng, anh cầu mong sự bất tử, muốn cứu rỗi sự bất tử… Để làm được điều đó, Đỗ Doãn Phương tìm cho mình một đấng tối cao để ngự trị, để dựa vào mỗi khi tâm hồn bất ổn, hoang mang. Thơ của anh, chính vì thế, là những giãi bày về một thế giới sống đầy mơ hồ và bất ổn ấy. Nó xuất phát từ quan niệm của anh về đời sống nhiều biến động, nhiều bất an và những hiểm họa có thể cuốn người ta đi bất kỳ lúc nào mà không để họ kịp ý thức về điều đó. Bởi vậy mà Phương tâm đắc với bài thơ Viết cho bà ngoại dưới đáy biển mở đầu tập Tuyệt ca.

Ở đó có những câu: Bà có ở dưới này không, nơi tận cùng của ba cõi/ Những con cá xây mặt lại nhìn/ Chúng bảo rằng, chúng ta đang ở trong bể cá lớn/ Và những người chết đang đứng ngoài quan sát. Đấy là cảm xúc trong một lần lặn biển Nha Trang cùng nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhà báo Nguyễn Hồng Thái. Lần đầu tiên lặn xuống đáy biển, tôi có cảm giác rất rõ ràng về sự phù sinh của sự sống. Khi mà, dưới vài mét nước sâu, điều duy nhất ta cần tìm chính là hơi thở của mình. Thở bằng bình ôxy dưới nước không phải dễ, phải loay hoay mãi mới thích nghi được. Rồi tôi nghĩ tới cái chết. Tôi nhớ tới bà ngoại mình (đã mất), và tự hỏi, không biết người chết thì biến đi đâu, tại sao tôi đã tìm ở khắp thế gian mà không còn thấy nữa? Rồi tôi lạnh buốt người với ý nghĩ rằng, những người chết hình như vẫn quanh quất bên chúng ta, vẫn đang quan sát chúng ta hàng ngày, như thể thế giới này, lòng biển này là một bể cá lớn. Những người chết đứng ngoài quan sát ta giống như chúng ta đứng ngoài bể kính, dí sát mũi vào thành kính quan sát đàn cá đang bơi, mà đàn cá không hề biết”. Có lẽ bởi vậy mà tập thơ Tuyệt ca không được làm trong “những khoảnh khắc” ngắn ngủi, với những bài riêng biệt mà là một dòng tâm trạng triền miên của Phương, nó kéo dài hơn một năm trời. Chúng là dòng tâm trạng bên trong được diễn dịch ra dần dần, cho đến lúc Phương chế ngự được dòng tâm trạng đó thì cũng là lúc anh không viết thêm nữa. Phương cảm thấy bài ca “từ bỏ, dứt bỏ” ấy (tức Tuyệt ca) đến lúc đó là hết. Trong chính cuộc sống hàng ngày, anh cũng cảm thấy mình đã chuyển sang một con người khác. Nhẹ nhàng như từ bỏ cuộc tình, nặng hơn là trút bỏ cả thịt da của kiếp này.
 

Điều kỳ lạ là thơ Phương, dù nói về chuyện gì đi nữa thì cũng chạm tới “miền nhục cảm” về tình yêu, si mê, điên cuồng, sự ham muốn, thậm chí cả sự chối bỏ xác thịt. Phương bảo, anh muốn dùng một từ khác, đó là “dục lực”, là cái mãnh lực thôi thúc cuộc sống hàng ngày của mình. “Tôi muốn đi đến tận cùng của mọi cảm giác, tận cùng của tình yêu (với con cái, bố mẹ, người tình), tận cùng của ham muốn (hòa nhập tới đáy), tận cùng của cuộc sống (cái chết), tận cùng của cái chết (sự quên lãng, sự bất tử)… Nhưng đối với Phương, khi đọc lại những bài thơ đầy nhục cảm này, anh lại chỉ cảm thấy tái diễn cảm giác tận cùng của sự chia ly… Đỗ Doãn Phương đã để cho tất cả những điều đó - vui sướng tột cùng hoặc sợ hãi tột độ - lặng lẽ đi vào trong đời sống tinh thần của mình, để rồi lắng nghe những phản ứng của tâm hồn chính anh.

Đỗ Doãn Phương vẫn tự hào vì anh đã được sinh ra và lớn lên tại ngôi làng cổ Đường Lâm, cha anh, nhà văn Đỗ Doãn Quát từng có truyện ngắn Cỏ cây thường gặp khá ấn tượng đăng báo Văn nghệ Quân đội từ năm 1986. Bố anh đã xuất bản tập truyện ngắn Sang vàn ba, và vừa cho ra mắt tiểu thuyết Hình nhân thụ huyết đang dự giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam), có ông anh trai Đỗ Doãn Hoàng là người rất “ồn ào”, quảng giao, khác hẳn tính tình với Đỗ Doãn Phương. Nhiều người vẫn nghĩ Phương bị “lép vế” trước ông anh Doãn Hoàng của mình, nhưng Phương cười bảo, anh chị em hoặc bố con trong gia đình thường có 2 dạng: tương đồng nhau hoặc bù trừ cho nhau. Người thân trong gia đình là những tấm gương gần gũi nhất, ảnh hưởng tới nhau nhiều nhất nhưng theo 2 cách thức khác nhau: ảnh hưởng lẫn nhau dẫn tới tương đồng, hoặc tách biệt nhau dẫn tới bù trừ (chứ không phải tương phản), tức là một người dương lên thì người kia âm xuống cho tái lập sự cân bằng. Tôi và anh trai tôi có lẽ là mối quan hệ bù trừ. Hai anh em tôi đã in chung tập truyện ngắn mini Tình cơm bụi, xuất bản năm 2008. Chúng tôi có nhiều điểm chung, về nền tảng giáo dục và về trải nghiệm trong ký ức, nhưng lại phát triển theo 2 hướng bù trừ nhau”.

Một số người cho rằng, thơ Đỗ Doãn Phương chịu ảnh hưởng của Tagore, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Huy Thiệp... Riêng với cá nhân Đỗ Doãn Phương, anh tự thấy chịu ảnh hưởng nhiều của một nhà thơ xứ Đoài quê anh - nhà thơ Thế Mạc. Ông từng đoạt giải B của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ những năm 1990 với tập thơ Hồ. Ông là người dám đi đến đến tận cùng của những cảm thức về trời đất, vũ trụ. Và với Đỗ Doãn Phương mỗi bài thơ đều rất có ý nghĩa với cá nhân anh, bởi khi viết ra nó - đương nhiên là với những bài thơ thành công - là một lần Phương đã chiến thắng với những gì khiến anh sợ hãi, bất lực. Anh chia sẻ: “Những bài thơ liên tiếp ra đời cho đến khi dừng lại, không thể viết thêm nữa là quá trình tôi vượt qua được một giai đoạn để trở thành con người khác. Giờ đây tôi nhìn lại nó giống như nhìn lại quá khứ của mình, nó vừa thân thiết như là bản thân mình, lại vừa tách biệt vì quá khứ không còn là mình trong hiện tại và tương lai nữa…”.

Huy Tuấn

Nguồn: http://antgct.cand.com.vn