Nguyễn Ngọc Tư tặng quà gì cho chính mình?

11.06.2018

Nguyễn Ngọc Tư tặng quà gì cho chính mình?

Từ “Chấm” rồi đến “Gọi xa xôi”, với thơ Nguyễn Ngọc Tư đã tự vẽ cho mình những khoảng thật riêng để sống, nghĩ và viết.

Trong cõi mênh mông đời sống tưởng rộng thênh này mà hóa ra rất chật, tạo ra được một khoảng không gian cho mình thật khó, quay đi quay lại hướng nào cũng va, cũng chạm. Thế mới thấy đời sống con người hiện đại ngày càng mất đi tính bí mật, riêng tư.

Ở chốn nào người lạ cũng có thể biết “một tôi đây”, tôi là ai, làm nghề gì, gia đình ra sao, sở thích thế nào. Cái tôi nguyên thủy thuần nhất đang dần mất đi. Chúng lu mờ trước những lời réo gọi hối hả, hấp dẫn. Và phải chăng có lúc nào đấy chính Nguyễn Ngọc Tư cũng đang gọi mình.


Tư tặng mình một Thư nháp với “con tem treo vào đám chữ dửng dưng/ nước nguội khi rời khỏi”, tặng mình Một giao thừa nào với “em ngồi cắn móng tay/ dỗ cho nguôi nỗi gió”, tặng mình Sớm nhẹ với “có mơ chẳng nhớ mơ gì/ hơi thở mùa thu mờ sau gáy/ ý nghĩ tựa sao rơi”…Nguyễn Ngọc Tư gọi Nguyễn Ngọc Tư. Từ đấy thơ trong tập Gọi xa xôi ra đời với lời đề tựa đầu sách tặng mình. Ta hãy xem Tư tặng gì cho mình nào?

Nguyễn Ngọc Tư lại tặng mình nỗi Khuây khỏa với “gió Chạp già thêm tuổi nữa/ mộng du mở cửa/ qua sông”, tặng mình cả Buông thả với “nắm tay gió lạ/ chẳng hỏi nhà đâu/ nằm cho nước khỏa/ ngọt nhạt đáy sâu”…

Một vài ví dụ trên đây cho thấy Nguyễn Ngọc Tư tặng mình những gì gần gũi, thân thương nhất. Đó có thể là một lá thư viết dở, một ngã tư đã đi qua, một hồi ức giông gió hay đơn giản chỉ là một bông cúc trắng. Thật tuyệt khi qua gần 40 bài thơ ta không thấy cái hối hả, ồn ào, bát nháo của thời cuộc hôm nay.

Khi mà người ta có thể lên mạng xã hội kéo bè chửi nhau về một chủ đề vô bổ nào đó, hay báo chí ồn ã đưa tin một kẻ giết người yêu phân xác phi tang; hoặc nhan nhản các góc cạnh phân tích về việc tố nhau lạm dụng tình dục, thì thơ Nguyễn Ngọc Tư trốn hết những góc thị phi ấy.

Trở về “không tương lai, quá khứ/ em đứng một mình/ ân cần như trăng nở rộ”; “về úp mặt vào rốn con/ trẻ cười ngặt nghẽo/ trên dấu vết chia lìa/ ngọn gió sinh mệnh cả hai dào dạt cùng nhau”; “ta ủ đốm cười/ nuôi ngọn lửa mê/ tàu vẫn chưa về/ cho mình, ta cháy”.


Và những cảm hứng đó đã được lọc qua một màng lọc tinh tế của người thơ. Thế mới có “trên vách kính cửa hiệu dày hơi nước/ một bàn tay bé xíu khỏa đục mờ/ họ xếp hàng chờ tái sinh trong tiếng cười nói trẻ thơ”, “người yêu giờ thành lạ/ người lạ đứng cả bên sông/ ta buông thả vào mi/ như chưa từng ngờ vực biển”, “cho chị chiếc giường/ chới với chạm bờ chiếu trống/ cho chị chiếc khăn/ ướt đầm không thấm hết muối xương”.Thiên nhiên và cái tôi kéo người đọc băng đi chầm chậm trong dòng chảy khép kín đầu cuối. Đầu tập thơ cũng có thể là cuối tập thơ và ngược lại. Đọc bài thơ nào cũng âm âm, vang vang cái điệu của một con người đang cố vẽ những gì mình thấy ngoài kia, những gì mình cảm nhận hôm nay về tình yêu, tình thân, về chính bản thân mình.

Hay “những người đàn bà leo lét đợi/ cháy bằng vợi vợi/ giấu khói trong mắt/ tóc cuối màu sáng với ban mai”, “từ mơ mang em đi/ anh ngã vào chiêm bao khác/ nhánh sườn bơ vơ/ hõm cổ bơ vơ”, “họ vừa diễn vừa xem/ mình vừa xem vừa diễn/ ai xướng tụng cờ hoa/ mình đóng vai tượng đá”.

Lời thơ mang đậm nỗi buồn, cô đơn, là nhịp của cái tôi thuần khiết không pha tạp. Một bông Hoa cúc “đơm vào đỏ vẫn trắng/ đơm vào tím vẫn trắng/ đơm vào nâu vẫn trắng” và cuối cùng là sự biến mất, hòa nhập “đơm vào mình cúc trắng hóa không”.


Nhưng rồi giờ Gọi xa xôi thì sao? Nguyễn Ngọc Tư có còn ngây thơ nữa không? Câu trả lời nằm ở mỗi bạn đọc, với mỗi người đọc khác nhau hẳn sẽ có câu trả lời khác nhau cho riêng mình.Có thể nói Nguyễn Ngọc Tư từ tác phẩm Ngọn đèn không tắt đến Cánh đồng bất tận, qua Sông và giờ Gọi xa xôi đã qua rất nhiều “những phiên bản ngây thơ”.

Với người viết bài này chỉ cần đọc đoạn giới thiệu tác giả in ở đầu sách: “Nguyễn Ngọc Tư; 1976; quê quán: phù sa; mẹ giấu cuống rốn dưới chân cây đước/ giọt nước mắt đầu tiên phát sáng dưới trăng/ nước tràn bờ sau tiếng khóc” là đã bắt gặp một Tư khác giản dị, đằm thắm hơn. Cạnh đó, sự kiêu hãnh của “nước mắt” thì vẫn còn nguyên đấy.

Phương Phương

(news.zing.vn)