Mũi tên đỏ - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

27.10.2017

Từ mùa đông đến cuối mùa xuân, Vân Dương chìm trong ngàn lau trắng xóa.
Ngôi nhà sàn nằm bên bờ suối. Lau cỏ bời bời.
Từ đồn đến ngôi nhà sàn ấy phải đi qua một con đường quanh co, khá chênh chao. Một bên đường rừng mai xào xạc gió, bên kia là lòng suối khô cạn phơi giữa trời mảng lưng nâu xám của những tảng đá khổng lồ, đôi khi to như một ngôi nhà. Chẳng hiểu làm thế nào mà nước lũ có thể vần những tảng đá to nhường ấy di chuyển, khi mà mỗi năm vị trí của chúng luôn thay đổi, từ chỗ này xuống sâu chỗ khác. Giữa quãng đường có một cây vàng anh. Cũng là mùa đông, hoa vàng anh nở vàng rực, đứng trên đồn nhìn xuống thấy nó hệt như một đốm lửa ấm áp. Một lần qua cây vàng anh, tôi gặp Nhụy ở đó.

Mũi tên đỏ - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

Nhụy đang khóc.

Giữa bời bời lau cỏ là ngôi nhà của Nam. Nam còn rất trẻ, cao và gầy. Cậu ta chẳng có gì đặc biệt so với những chàng trai Vân Dương khác ngoài tài làm nỏ. Nỏ ấy mà, một loại vũ khí người ta dùng để săn bắn. Đôi khi chẳng phải để săn bắn, mà chỉ là để treo chơi trong nhà thôi.

“Em chưa bao giờ đi săn” – Nam khẳng định.

Trong nhà sàn, Nam treo rất nhiều nỏ. Nam bảo không bao giờ săn bắn, nhưng rất nhiều người đến nhờ Nam làm nỏ. Họ mang theo nguyên liệu, tức là các loại gỗ.

“Chỉ ai em quý thì em mới nhận lời, không thôi”. 

Những người trong bản Vân Dương bảo nỏ Nam làm luôn bách phát bách trúng. Mà ở rừng bây giờ chẳng còn con gì đáng giá để săn bắn, người ta từ lâu đã tận diệt chúng rồi. Chỉ còn chồn cáo, chuột và chim.

Nhụy là bạn gái của Nam. Hai người được giao ước là vợ chồng ngay từ tấm bé. Ở Vân Dương, cứ hễ con trai quyết định làm rể nhà nào là sẽ làm công cho nhà ấy, cho đến khi đôi trẻ cưới nhau. Nếu đôi trẻ ấy vì lý do nào đó không cưới nhau thì sao? Nhà cô gái sẽ phải đền công cho chàng trai. Công xá thế nào, lại tùy vào thỏa thuận. Thông thường là hơi nhiều. Đôi khi nhà gái vì không trả nổi công, mà buộc phải giữ lời giao ước.

Lần tôi gặp Nhụy dưới gốc vàng anh, Nhụy đang khóc, có thể chính vì thế. Nhưng lúc đó Nhụy không nói vậy. Nhụy nói con trâu của Nhụy giận chủ, không chịu về. Nó đang mải chơi ú tim dưới lòng suối. Tôi lần đường xuống suối tìm trâu. Giữa lúc tôi đang loay hoay không biết làm thế nào để dắt con vật to tướng, đen trũi, có cái mõ liên hồi kêu lốc cốc ở cổ lên cho Nhụy thì gặp Nam. Nam đứng trên tảng đá nâu xám, tảng đá trông y hệt một chú cá voi lưng gù giữa lòng suối cạn. Trên tay Nam là một chiếc nỏ. Nỏ đẹp sững sờ. Thân nó óng lên một màu vàng dịu nhẹ.

Câu đầu tiên Nam nói với tôi chính là:

 “Gỗ hồng bì đấy. Gỗ này chỉ làm chơi thôi, còn để bắn thì không chuẩn đâu”.

Coi như một sự giới thiệu về chiếc nỏ, khi thấy ánh mắt tôi bị hút vào nó.

Còn câu thứ hai, khi Nam thấy tôi đang cầm cái thừng ngắn cũn của con trâu, như thể cái thừng buộc vào mũi nó cho có lệ, chứ không phải để dắt nó đi:

 “Trâu của vợ em”.

Câu thứ ba, khi tôi lẽo đẽo đi sau con trâu, và Nam đang ngồi vắt vẻo trên lưng nó:

 “Vừa nãy anh suýt chết đấy. Nếu anh không mặc áo bộ đội”.

Tôi chẳng hiểu vì sao tôi suýt chết nếu không mặc quân phục xuống bản. Có thể vì Nam đang cầm chiếc nỏ, thứ mà người ta dùng để săn bắn. Nhưng tôi chỉ thấy nỏ mà không thấy tên. Và cuối cùng, về sau Nam nói Nam không bao giờ đi săn, dù là chủ nhân của hàng chục chiếc nỏ treo quanh nhà.

 ***

Đồn nằm giữa lưng núi, nơi ngàn lau trắng xóa. Con gái xứ Vân Dương hệt hoa lau, không quá đẹp, nhưng duyên dáng. Những sáng chợ phiên, các cô đi chợ qua đồn, hút mắt đám lính trẻ xa nhà và cô đơn. Các cậu đứng trong sân, hoặc ngồi xếp một hàng trên hè, hoặc kiếm cớ đứng vẩn vơ ở cổng chỉ để ngóng các cô qua. Ngày đầu tiên tôi đến Vân Dương làm nhiệm vụ cũng chính là ngày chợ phiên như thế, và vì tò mò, cũng ngóng cổ về phía đường như thế, song thủ trưởng của tôi bảo: đừng bao giờ léng phéng với con gái xứ này. Hậu quả khôn lường lắm.

Và chẳng hiểu sao tôi lại sợ.

Nhưng tôi lại quen với Nhụy, cô là một trong những cô gái xinh nhất bản Vân Dương. Nhụy là vợ chưa cưới của Nam, người mà khiến tôi chết mệt vì những chiếc nỏ tinh tế, đẹp đẽ, đầy uy lực của một thứ vũ khí sát thương, lại đầy nét quyến rũ như một tác phẩm nghệ thuật. Nói như thế nào nhỉ? Nói như Hòa, một gã buôn lợn chợ phiên, cũng kiêm một tay mê nỏ, bảo: trên đời có những thằng ngớ ngẩn. Gái đẹp không mê, lại mê vũ khí. Thật hết biết mà.

Nghe nói Nam rất quý Hòa, nên làm cho gã nhiều nỏ lắm, gã còn gửi tặng những người bạn gã ở tận trong Sài Gòn. Tôi nghĩ bụng: gã tặng bạn gã thật, hay chỉ là một trò khốn kiếp?

Tôi nhớ đến Hòa, vì lần gặp gã ở nhà Nam, Nam cho tôi xem một loại mũi tên chuyên để đính kèm với những chiếc nỏ cho đẹp. Một loại khác dùng để đi săn. Nam bảo khi mũi tên sơn đen, nghĩa là người ta dùng chúng để săn thú rừng. Đó là một thứ thuốc độc. Còn khi mũi tên sơn đỏ…

Nam không nói nữa, dù tôi có tò mò gặng hỏi đến đâu, chỉ nói thuốc đỏ rất hiếm, giờ trong rừng đã không còn.

***

Mùa xuân, hoa lau nở trắng. Người Vân Dương bảo đã đến hẹn đám cưới của Nam và Nhụy.

Nhưng đám cưới không diễn ra. Nhà gái bảo hủy hôn, và nghe đâu đang chạy tiền đền nhà trai, nghe đâu nhà trai đòi đền rất nhiều tiền.

Thủ trưởng một hôm gọi tôi lên, không khí căng thẳng. Thủ trưởng bảo:

 “Tôi đã cố cảnh báo các cậu, sao không nghe lời?”

Tôi vẩn vơ nghĩ: Tôi không làm gì cả. Tôi không quyến rũ Nhụy và cô ấy cũng không thích tôi. Tại sao hôn nhân của họ không thành lại là vì tôi?

Thủ trưởng dặn tôi nên hạn chế xuống bản. Anh sẽ tìm cách nói chuyện với trưởng bản, nhờ can thiệp vì Nam hận tôi lắm.

Tôi vẫn xuống bản tìm gặp Nam, ba lần liền. Nhưng cánh cửa ngôi nhà đó không mở cho tôi.

Buổi sáng ngày giáp Tết, sương mù dày đặc thung lũng. Phiên chợ giáp Tết đã tàn, các cô gái Vân Dương đã về bản. Đám lính trẻ chúng tôi cũng chuẩn bị thịt lợn, gói bánh chưng. Đồn biên phòng nhiều năm kết nghĩa với bản Vân Dương, năm nào đồn cũng chia thịt lợn cho Vân Dương để làm bữa liên hoan chung.

 Giữa lúc tôi bận rộn và không ngờ nhất, Nhụy xuất hiện.

 Nhụy gầy gò, đôi mắt hoang hoải, vòm áo vồng lên dưới bụng, như che giấu một hình hài. Có lẽ Nhụy đang mang thai.

 “Hôm nay anh đừng ra ngoài nhé. Em sợ lắm. Thằng Nam mang nỏ đi rồi. Cả mũi tên đỏ”.

 “Đi đâu? Mũi tên đỏ là thế nào?” – Tôi lạnh người.

 Nhụy bật khóc, kéo tay tôi.

 “Mũi tên đỏ, nghĩa là nó sẽ bắn chết người đấy”.

 “Mũi tên đỏ. Nhưng…”

 Tôi lao ra khỏi đồn, như tên bắn, mặc dù không hiểu tại sao lại làm thế, và chạy trên con đường quanh co, nơi thi thoảng có chiếc xe máy ngược chiều ầm ì nhìn tôi khó hiểu.

Tôi chỉ muốn gặp Nam. Trong đầu còn âm âm tiếng Nhụy với theo:

  “Chỉ cần sượt qua da thôi là hết đường sống, anh ơi…”

 Đường ngập trong sương mù.

 Đến gần cây vàng anh. Một linh cảm nào đó khiến lòng tôi xao xuyến. Tôi đi chậm lại.

 Gốc vàng anh kia rồi, trong lờ mờ sương, hình như có người đang đứng tựa lưng vào đó.

 Tôi lại gần, sương mù như tan ra, bầu trời sáng hơn và như có nắng. Người đứng tựa lưng vào gốc vàng anh cúi gục đầu. Một vệt đen nho nhỏ dài và thẳng như cắm phập vào giữa cổ.

 Đến tận nơi, tôi mới thấy thực ra là một mũi tên dài và đỏ đã được cắm vào thân cây, sát cổ người bị trói vào gốc vàng anh.

 Người bị trói là Hòa, gã đang khóc, đầu cúi gầm bên mũi tên cắm sâu vào thân cây vàng anh trổ hoa vàng rực.

 Tôi cởi trói cho Hòa, và bỏ mặc gã, tôi rẽ lối xuống lòng con suối cạn.

 Trên tảng đá hình cá voi lưng gù, Nam đang ngồi vót tên. Chiếc nỏ vàng óng ánh vân gỗ nằm bên cạnh. Không có mũi tên màu đỏ nào ở đó.

 Nam nhìn thấy tôi, mỉm cười, trên má cậu còn lưu vết một dòng nước mắt.

 Bên suối có những cây đào phai. Giữa ngàn lau trắng muốt, những bông hoa đào màu hồng nhỏ xíu điểm xuyết, hệt như một bức tranh phong cảnh thần tiên.

 P.T.T

(daibieunhandan.vn)