Minh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá Lợi

04.04.2016

Minh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá Lợi

BBT: Là tác phẩm viết về công cuộc mở cõi về phía nam của chúa Tiên Nguyễn Hoàng cuối thế kỷ XVI. Trong quá trình sáng tạo, tác giả đã dùng các thủ pháp nghệ thuật như đồng hiện, hồi ức, để đưa câu chuyện gần 500 năm trước gắn kết với hiện thực đời sống hôm nay.

Tiểu thuyết Minh Sư đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (Asean Write Award) 2013 của Hoàng gia Thái Lan. Chúng tôi xin trích giới thiệu đoạn kết của tác phẩm.

 

…Núi Hải Vân từ dãy Trường Sơn đổ dần về phía đông chân nhúng xuống biển. Đỉnh đèo nơi quốc lộ 1 uốn lượn bây giờ cũng là đường thiên lý ngày xưa, là nơi thấp nhất để con người có thể vượt qua. Thời Đoan Quốc công trấn thủ hai trấn Thuận Quảng, Thuận Hóa không phải chỉ đến đây mà còn kéo dài về phía nam sát đến sông Thu Bồn. Vì đường núi quá hiểm trở nên dân cư hai bên chân đèo ít có liên hệ với nhau, vì vậy những người sống phía nam đèo, từ sông Cu Đê đến sông Thu Bồn lại gần gũi với Quảng Nam hơn.

Vào năm Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng gần tròn tám mươi tuổi, ông lên Hải Vân để vào Quảng Nam. Suốt chặng đường lên đèo ông chỉ phải nằm cáng hai lần còn thì ngồi trên lưng ngựa. Người lính hầu dắt ngựa đi trên những đoạn đường mòn gập ghềnh cheo leo giữa các bờ đá. Phải đổi ngựa hai lần và gần một ngày ông mới lên được tới đỉnh.

Hôm ấy trời nắng yếu, lưng chừng núi có mây phủ, còn trên đỉnh có sương mù. Đoan Quốc công ngồi trên một phiến đá chờ cả canh giờ mà sương vẫn chưa tan. Gần cuối ngày nhờ có làn gió tây thổi từ trên núi xuống đẩy mây ra biển làm nắng cứng hơn nhìn rõ vịnh biển dưới chân núi và một vùng đất bằng rộng rãi chói chang nắng ấm ở phương nam. Vì vùng đất phương nam rộng rãi này mà vua Lê Thánh Tông gọi đó là Quảng Nam. Nhưng trời chưa trong hẳn, những đám mây nhẹ cứ sà vào đỉnh núi rồi lại kéo đi làm phong cảnh lúc ẩn lúc hiện trong mây. Càng về chiều gió càng thổi mạnh, trời trở lạnh. Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng của ông đêm nay sẽ nghỉ lại trên đỉnh núi. Có sao đâu vì ông thường thích ngủ nghỉ ở nơi cao ráo. Cái lạnh thấu xương trên đỉnh núi đã có đống lửa và những tấm chăn ấm mà đoàn ngựa thồ chở lên.

Quây quần bên đống lửa quanh Đoan Quốc công đêm nay vẫn là những con người đã cùng sống chết với ông mấy chục năm qua, nhưng không còn đầy đủ nữa. Thái phó Nguyễn Ư Dị, Luân quận công Tống Phước Trị lần lượt qua đời. Thân vương Mạc Cảnh Hướng vào vùng Trà Kiệu Quảng Nam giúp rập công việc trong đó. Các con trai lớn của ông là Hà, Hán, Thành, Diễn đã mất sớm trong chiến trận và tật bệnh. Con thứ năm Cẩm quận công Hải đang làm con tin ở triều đình ngoài Đông Đô. Chỉ còn con thứ sáu Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên đang cùng ông vào Quảng Nam chuyến này. Đỗ Chiêu thì sau tuần chay thanh tịnh khai sơn chùa Thiên Mụ đã xin ông xuất gia, giờ không biết đang thọ giáo với pháp sư nào, ở am cốc nào chưa có tin cho ông. Đỗ Chiêu phát nguyện chỉ khi nào tỏ việc, có được chút mùi vị tương chao thì mới về gặp ông. Đoan quốc công hiểu rằng như vậy là ông khó gặp lại Đỗ Chiêu trong hiện đời này. Phạm Dữ, cùng nhiều tướng khác, nhiều người không còn trẻ nữa thì vẫn quanh ông, cùng với cái thân già này nhọc nhằn cáng đáng việc nước.

Nhớ ngày chia tay Đỗ Chiêu, hai con người đã gắn bó với nhau hơn bốn chục năm lại bàn về phước lành. Đỗ Chiêu có kể cho ông nghe câu chuyện Tôn Giả A Na Luật đệ nhất thiên nhân, một trong mười đệ tử lớn của đức Phật, có sức nhìn thấu tam thiên, đại thiên thế giới nhưng mắt thịt bị mù. Một hôm đang vá áo thì hết chỉ, Tôn Giả nói: có ai ở đó không, nhờ xâu cho một múi chỉ. Đức Phật đang ngồi bên cầm lấy kim xâu chỉ cho Tôn Giả. Sau khi vá áo xong biết mũi chỉ mình vừa vá áo là do đức Phật xâu cho, ngài nói: “Bạch đức Thế tôn, công đức của Phật trùm khắp ba cõi, mà Thế tôn phải xâu chỉ cho con. Con thật có lỗi lớn”. Đức Phật từ tốn đáp: “Dù có như ông nói thì hằng ngày ta vẫn bòn mót, gom góp từng chút phước mọn này đây”. Đoan Quốc công nghĩ rằng Đỗ Chiêu kể câu chuyện này với ông như có ý nhắc ông không bao giờ sao nhãng những việc dù lợi ích nhỏ. Lại nhớ một lần khi Phạm Dữ thỉnh ý Đỗ Chiêu nên tụng đọc bộ kinh nào. Đỗ Chiêu đã nói: Ông trì tụng kinh điển vậy là quá nhiều rồi. Bây giờ đến lúc thực hành theo lời Phật dạy đi. Dù ông có thông tỏ Tam tạng giáo điển mà không thực hành cũng như một người bệnh suốt ngày tụng đọc đơn thuốc mà không chịu uống thuốc thì đừng bao giờ mong khỏi bệnh. Đêm nay Đỗ Chiêu lại không có ở đây.

Đoan Quốc công nói với quần thần:

- Sáng mai bọn ta sẽ xuống núi đi vào vùng đất rộng rãi phía nam. Trong đó lành dữ đều có cả, đang chờ bọn ta. Tuy ta kiêm tổng trấn Quảng Nam đã hơn ba mươi năm nhưng sự sâu sát thì chưa nhiều bằng Thuận Hóa, công lao khai khẩn, an dân là của các ông đang ngồi quanh ta đây. Nhiều năm nay, triều đình ngoài Đông Đô, dân chúng các nơi đều coi xứ Thuận Quảng này có chính trị khoan hòa, pháp luật công bằng, quân lệnh nghiêm túc nhờ mọi người cố gắng nên tàn quân nhà Mạc cùng các đảng cướp khác không dòm ngó được, dân trong xứ đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng. Đó là người ngoài nhìn vào. Còn bọn ta ở trong lòng Thuận Quảng, ta phải biết rận trong chăn. Người Chiêm đang sống cùng người Việt, tuy bề ngoài có phần hòa hợp nhưng hiềm khích vẫn còn. Cái chết của Đô đốc Bùi Tá Hán cũng đã hơn ba mươi năm luôn nhắc ta nhiều điều. Ngài là người có công lớn, được dân tạc tượng thờ khi còn sống, ở thời ít giặc giã mà cái chết của ngài thật bí ẩn. Người ta chỉ tìm thấy chiếc áo bào đẫm máu của ngài trên cành cây, người và ngựa đều không tìm thấy. Việc tuy đã lâu nhưng chưa cũ đâu. Lần này ta cùng các ông vào trong đó cố mà hiểu ra vì sao lại có những chuyện này.

Càng về khuya khí núi càng lạnh. Lính hầu phải cho thêm củi vào đống lửa. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm đốt lửa trong rừng. Họ tìm những cây bằng lăng còn tươi, chặt thành những khúc ba bốn thước, xếp chạm đầu vào nhau rồi lấy củi khô nhóm lửa. Vài canh giờ sau củi tươi mới bén lửa cháy đượm suốt đêm...

- Ông nào pha thêm một ấm trà mới đi. Cảnh trí thế này thì làm sao mà ngủ được. Đoan Quốc công vừa nói vừa cầm lấy một khúc cây, chọc cho tàn lửa bốc cao lên.

Lúc này, Phạm Dữ vừa cùng đội cấm vệ đi tuần một vòng quanh núi về, đang hơ đôi tay lạnh cóng bên lửa. Đoan Quốc công hỏi:

- Này ông Phạm, tôi nghe nói dưới chân núi có một tộc người Chiêm lớn lắm đã đổi sang họ Việt.

Phạm Dữ vừa xoa tay vừa trả lời:

- Thưa Quốc công đó là tộc Phan ở làng Đà Sơn cách chân núi sáu dặm, trong phủ Điện Bàn. Tộc này đã đổi sang họ Việt đến đời thứ bảy. Hiện Phan Công Hiến có vợ họ Nguyễn đang làm quan trong trấn, chức ngự sử. Ông đang chờ Quốc công dưới làng.

- Vậy thì ngày mai ta phải gặp ông ấy. Bây giờ các ông hãy nghỉ đi giữ gìn sức lực, đường còn xa.

Đoàn tùy tùng tuân lệnh Đoan Quốc công ai về chỗ nấy, chui vào những cái lán dựng tạm quanh các đống lửa. Có khoảng mười đống lửa bập bùng trên đỉnh Hải Vân đêm nay. Đoan Quốc công không thấy buồn ngủ, ông ngồi bên đống lửa uống trà. Khi mọi người đã vào giấc, ông mới đứng dậy dạo một vòng quanh nơi hạ trại. Trăng hạ tuần đang nhô lên từ biển dát ánh bạc lung linh. Những đám mây bay lững thững trên đầu làm bầu trời đầy sao lúc mờ lúc tỏ. Đoan Quốc công cất bước nhẹ nhàng để không làm quân sĩ thức giấc. Ông nghe có tiếng nói chuyện thì thào bên một mô đá. Ông lặng lẽ đi về phía ấy.

Hai người lính gác chống kiếm đứng bên nhau. Gió tây quất từng cơn lạnh ngắt. Bước chân của Đoan Quốc công tới càng gần, tiếng thì thầm nghe càng rõ.

Một người lính nói:

- Quốc công năm nay đã gần tám mươi rồi mà vẫn chưa được nghỉ ngơi. Ngài còn dẻo sức lắm, bữa qua còn xuống ngựa đi bộ một đoạn xa. Chắc là Quốc công cầm quân cho đến ngày nhắm mắt.

Người lính kia góp vào:

- Mình phận lính tráng hiểu sao được tính toán của ngài. Lần này vào Quảng Nam có công tử Nguyên cùng đi, nghe nói ngài sẽ giao công tử trấn thủ Quảng Nam. Ngài là bậc kiệt hiết, mỗi bước đi đều tính toán kỹ càng chứ đâu hồ đồ như bọn ta. Khi ngài rời triều đình vào đây hơn bốn mươi năm trước đã tính cho ngày nay rồi. Mà ngày ấy Quốc công mới trên ba mươi tuổi. Thật là kỳ đặc, tính được thời vận như thần.

- Tôi không nghĩ vậy.

- Ông nghĩ sao?

- Chẳng có tính toán gì đâu. Chẳng qua Quốc công sợ bị Trịnh Kiểm giết, tìm đường chạy thoát thân vào đây, gặp đất rộng thì mở thôi.

Đoan Quốc công đã nghe hết câu chuyện, ông đi thụt lùi để hai người lính không nhận ra mình. Một mảnh rêu dưới chân làm ông trượt ngã. Hai người lính giật mình vội thổi bùi nhùi đốt đuốc lên. Họ nhận ra người vừa đang lóp ngóp bò dậy là Đoan Quốc công. Bó đuốc trong tay họ run bần bật. Đoan Quốc công trấn an họ:

- Không sao đâu. Tắt đuốc đi đừng làm động quân sĩ đang ngủ. Hai anh hãy đi với ta tới đống lửa uống trà.

Hai người lính lại càng run hơn. Miệng họ lắp bắp không nói ra thành tiếng. Họ như hai cái bóng mất hồn theo sau Đoan Quốc công đến đống lửa có cái lán của ông.

- Đừng run. Hãy ngồi xuống đây nói tiếp câu chuyện còn dở ấy cho ta nghe. Ta biết nghe mà, các anh đừng sợ.

Hai người lính vẫn chưa hết run, chắp tay vái Đoan Quốc công lia lịa:

- Chúng con có tội, chúng con có tội, xin ngài xá cho.

- Tội phước chưa nói ở đây, các anh nói chuyện tiếp đi, nhưng nói nhỏ nhỏ thôi để quân sĩ nghỉ.

Hai người lính nhận được cái nhìn hồn hậu của Đoan Quốc công, họ đã dần định thần. Họ đã hiểu chắc mình không bị tội chém vì khi quân, nhưng lời vẫn lúng búng trong miệng không nói ra được. Đoan Quốc công khêu cho đống lửa cháy to hơn:

- Các anh không nói thì ta nói vậy. Các anh có tội là dám nói sau lưng ta. Nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này. Nào ta có nghĩ ngay được chuyện mở cõi như giờ đâu. Nhưng gặp vận mà không làm là có tội. Cũng như các anh quý mến ta cho ta một bữa ăn khi đang đói, nếu ta tham lam đòi ăn thật nhiều, hoặc khinh khi các anh chê bữa ăn dở thì hai tội ấy như nhau. Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có nhiều người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ đã dạy ta nhiều điều. Đó là lời nói thực lòng, các anh hãy tin ta, không có gì phải sợ sệt cả. Để phạt tội nói chuyện người sau lưng, các anh phải uống trà với ta chờ sáng.

 

“Ta và các ông đã nguyện ước vui buồn có nhau, đồng cam cộng khổ, trên lo khuông phù cơ nghiệp nhà vua, dưới chăm cứu giúp dân chúng cùng nhau làm trọn sự nghiệp muôn đời. Nhưng mệnh trời đã hẹn khó nài, ta đành phải từ biệt các ông. Con ta là Thụy quận công còn chưa hiểu việc quân cơ, ít am hiểu chính sự, đều phải nhờ vả các ông giúp rập để giữ vững cơ đồ lớn lao. Các ông chớ quên lời ta dặn. - Đoan Quốc công nói xong cầm tay Thụy quận công: - Phàm đạo làm tôi phải trung, đạo làm con phải hiếu, tình anh em bạn bè lấy tin yêu làm đầu, không được quay ngoắt tráo trở để mất nhân tâm. Con phải nhớ lời ấy, chớ có trễ quên...”.

Đó là những điều sách xưa ghi lại vào ngày Mậu Ngọ tháng 5 năm Quý Sửu, Hoằng định thứ 14 (1613) mười một năm sau cái đêm kỳ bí mà Nguyễn Hoàng trò chuyện sáng đêm với hai người lính trên Hải Vân. Đối với Thành hình ảnh người thống soái già rót trà mời lính và tôn họ là minh sư đã khép lại những suy tưởng của anh về Nguyễn Hoàng. Anh muốn ấn tượng mạnh mẽ đó ở lại với anh mãi mãi, dù rằng nếu bây giờ Đoan Quốc công có ở bên anh thì ông sẽ cho những điều của anh là hư vọng.

Sách xưa còn chép lời Nguyễn Hoàng dặn con: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, có sông Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở. Phía nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bền. Núi sinh vàng sắt, biển có cá, muối thật là đất dũng võ của những kẻ anh hùng, nếu biết dạy dân luyện binh để chống với họ Trịnh đủ để xây dựng sự nghiệp muôn đời. Nếu thế lực không địch nổi, thì cố giữ đất đai để đợi thời cơ…” Không phải Thành không tin vào những điều sách đã chép mà anh thấy nó xa lạ với những điều anh hình dung về Nguyễn Hoàng. Trong mười một năm từ cái đêm Hải Vân đó Đoan Quốc công đã kịp làm những việc mà không phải dễ làm. Vừa qua Hải Vân, sau vài ngày xem xét hình sông thế núi, ông lập dinh trấn Quảng Nam, xây dựng kho tàng, chất chứa lương thực ở xã Cần Húc (Duy Xuyên) quê của chị Tư Trà, người vợ liệt sĩ đang băn khoăn tìm kiếm những đứa con riêng của chồng hồi ở căn cứ đang lưu lạc đâu đó rồi lại đi tìm sự hòa hợp cho mọi con người sống trên đất đai này. Công tử thứ 6 Thụy quận công Nguyễn Phước Nguyên được sai trấn giữ dinh. Ông cùng Phạm Dữ, đã ngoài sáu mươi tuổi, có vẻ còn lọm khọm hơn ông về làng Đà Sơn gặp người đứng đầu tộc Phan gốc Chiêm Thành Công Hiến, rồi Hiến cho năm người con trai theo Đoan quốc công về phương nam mở đất và ở lại đó dạy dân sở tại việc canh nông, chấn hưng phong hóa. Rồi chỉ hai năm trước khi mất, khi quân Chiêm Thành sang lấn chiếm, Nguyễn Hoàng sai chủ sự Vân Phong đem quân đánh lấy đất Phú Yên đặt làm phủ có hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Thành cứ lần giở những trang sách viết về mười một năm cuối cùng của Đoan Quốc công. Có sách chép Nguyễn Hoàng so núi Hải Vân hiểm trở với núi Ma Thiên Lĩnh ở đất Ba Thục. Sách lại kể vào một ngày thượng tuần tháng Bảy, đang đi thuyền trên phá, Đoan quốc công ngồi ỏ mũi nhìn lên bờ, thấy giữa nơi đất bằng phẳng nổi lên một vùng xanh rậm rạp, cây cối um tùm, hoa kỳ cỏ lạ bèn cho thuyền cập bờ. Trong vùng có cây đa, gốc lớn mấy người ôm, cao hơn trăm thước, cành lá tốt tươi, thân rắn rỏi, uy nghiêm. Trên cành chim lành lượn đậu, tiếng hót dậy vang. Đoan quốc công thấy một thảo am trong lùm cây rậm, tường vách sụp nát, rường mái đổ nghiêng. Ông cho gọi những bậc cao niên đến hỏi biết am đã có từ lâu, dân làng không biết tổ khai sơn là ai. Đoan Quốc công cho tu sửa lại thành một già lam tráng lệ, đặt tên là Sùng Hóa tự. Năm Đinh Mùi (1607) lập chùa Bửu Châu ở Trà Kiệu (Quảng Nam). Năm Kỷ Dậu (1609) dựng chùa Kính Thiên (Quảng Bình). Sau khi dựng dinh trấn Quảng Nam ở Càn Húc, Nguyễn Hoàng lập chùa ở phía đông trấn, tên chùa là Long Hưng.

Sách lại chép dưới thời Đoan Quốc công, Thuận Quảng nhiều năm được mùa. Năm Kỷ Sửu (1589) được mùa lớn kéo dài đến mấy năm sau, trăm họ giàu mạnh. Năm Mậu Thân (1608) được mùa to hơn, mỗi đấu gạo chỉ giá 3 đồng tiền, ngoài đường không ai nhặt của rơi, sĩ nông công thương an cư lạc nghiệp. Bấy giờ từ Nghệ An đổ ra gặp đất hạn mất mùa, nhiều người chết đói, có nơi người ta ăn thịt lẫn nhau. Dân chúng xiêu dạt chạy vào Thuận Quảng.

Những sự kiện ấy Thành đọc được trong sách nhưng nó lại ít đọng lại với anh vì anh nghĩ rằng con người Nguyễn Hoàng không nặng vì những công tích ấy. Việc của ông là tạo cho những người quanh ông, những người nối nghiệp sau ông có được trí sáng suốt trong xử thế, lòng hòa hợp khi đối xử với nhau và bớt đi càng nhiều càng tốt khả năng làm điều ác. Ông vẫn thường dạy quan dân của mình rằng nếu như sau khi có một công tích lớn mà điều ác tăng lên thì công tích đó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm nối dài thêm đau khổ cho chính mình và cho người khác.

Vậy ông có nhận quả báo nào không? Câu trả lời là có. Một thời, người ta xóa tên ông khỏi những trường học, những công trình, những con đường mà người trước đặt ra để nhớ ơn ông. Nhưng nếu bây giờ có sống lại, ông sẽ nói rằng ngay cả chuyện đó cũng là minh sư của ta và ông lại nở một nụ cười xả bỏ với Thành.

T.B.L 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú