Điện thoại - Thu Loan

04.04.2016

Điện thoại - Thu Loan

Reng ! Reng ! Reng!

Reng ! Reng ! Reng!

Từng hồi chuông điện thoại reo rộn rã. Không cần nhấc máy bà vẫn biết  con trai đang đợi bà ở đầu dây. Bà biết chắc nó sẽ hỏi gì, bà sẽ trả lời thế nào. Một trăm lần như một! Bà không muốn nghe nhưng tiếng chuông vẫn réo như thúc giục, như sốt ruột. Bà uể oải đi tới cái máy điện thoại.

- A lô! Má đấy à? Con, Khương đây.

- Ừ! Biết rồi! Có chuyện gì không?

- Bà đáp dấm dẳn. Bà nghĩ mình phỏng đoán không sai tí nào!

- Má có khỏe không? - Phía đầu dây bên kia con trai bà hỏi đầy vẻ hồ hởi. Nhà máy cách nhà ba chục cây số. Khương làm ở đó suốt ngày. Anh cố gắng gọi cho bà một lần để thể hiện sự quan tâm, chu đáo. Anh tâm niệm đón bà vào thì cố gắng không để bà thiếu thứ gì.

- Khỏe. Con không sao chứ? - Bà hỏi như máy. Câu hỏi thứ ba trong cuộc đối thoại đã thuộc lòng.

- Không sao. Má ở nhà thế nào?

- Vũ như cẩn - Bà Vân đáp ngán ngẩm.

- À, vẫn như cũ hả. Vậy thôi. Má ở nhà vui nhé. Chào!

- Chào!

Tiếng máy ở bên kia cúp “cạch”. Bà Vân đặt ống nghe xuống, bần thần nhìn chiếc điện thoại xem nó có reo lên lần nữa không. Nhưng cái máy vẫn im thít. Câu cuối cùng của cuộc đối thoại đã chấm dứt rồi. Bài bản. Bà Vân ngồi phịch xuống ghế nệm trong căn nhà rộng rãi. Bà thấy buồn tênh. Bà bỗng bực với mình, bực với con trai. Ở bao nhiêu lâu rồi nó vẫn không biết bà ghét cái điện thoại thế nào sao? Giá như cái điện thoại nói cho bà biết một vài thông tin về quê nhà, về mẹ con con Tuyền đang sống thế nào, mùa màng ra sao, hoặc bà được bộc lộ vui, buồn... Đằng này con bà chỉ quanh đi quẩn lại từng ấy câu hỏi, nói những chuyện cũ mèm mà chả cần hỏi cũng biết. Bà rất muốn nói với con rằng má buồn lắm, má nhớ nhà. Tự dưng hôm nay trời trở lạnh. Con biết không, má vừa thấy cây mận trước sân nhà ra một chùm hoa trắng. Sao má thấy lòng xốn xang quá... Nhưng những câu như thế chẳng lẽ nói qua điện thoại? Thứ nhất là tốn tiền. Thứ hai là bà không quen trò chuyện với một người xa tít tắp, không  thấy nét mặt họ đang như thế nào, lông mày nhướn lên ra sao, môi mấp máy những gì... Và đôi khi chả cần người đối diện trả lời. Nhìn vẻ biểu cảm của họ là hiểu. Thành ra cứ nhấc ống nghe lên là dòng cảm xúc trong lòng bà Vân tắc nghẹn. Chỉ còn thông tin, thông tin và thông tin.

Bà Vân đứng dậy đi quanh nhà, ngó nghiêng tìm áo quần bẩn để giặt. Nhưng mọi thứ đã được Hiền tổng kết từ tối qua. Cái máy giặt thật kỳ diệu. Chỉ cần bấm nút, nó tự hút nước, tự giặt, tự xả, tự vắt khô. Bà chỉ việc lấy ra treo lên móc. Bà nhìn đồng hồ còn quá sớm để nấu cơm. Cái bếp ga nấu cho cả nhà ăn, nhoáng cái là xong huống hồ chỉ có mình bà. Hôm nào không thích bà có thể điện cho quán cơm ngoài đường bưng một đĩa cơm sườn vào là xong bữa. Khương đã để một loạt số điện thoại các loại dịch vụ phục vụ tận nhà. Bà chỉ việc nhấc máy và quay số! Khương hớn hở: “Má thấy chưa? Rồi má sẽ sướng như tiên”.

Bây giờ bà Vân đã biết sử dụng thành thạo mọi phương tiện hiện đại.

Hôm đầu tiên đến, bà lễ mễ mang theo đủ thứ lặt vặt: gạo, gà, dừa non... Bà hăng hái gọi xe xích lô chở cho hết đống đồ về. Bà đứng thập thò mãi trước căn nhà hai tầng khang trang, cửa mở he hé. Bà xem đi xem lại địa chỉ Khương đã ghi vào tờ giấy, không tin được là nhà con trai mình. Ngôi nhà cao to, hoành tráng quá. Đắn đo mãi, bà mới bấm liên tục nút chuông trên tường. Tiếng kêu giòn giã xé toạc không gian buổi trưa yên tĩnh. Khương mặc quần đùi từ trong nhà ló đầu ra. Đang định nhăn nhó, anh liền thay đổi nét mặt, kêu to sửng sốt:

 - Trời ơi má! Sao má không điện thoại cho con. Con đến tận nơi đón má.

Xoắn xuýt đưa bà Vân vào nhà, Khương nói: “Lần sau thấy cửa mở má đừng bấm chuông nữa. Bấm thì bấm một lần ngắn thôi. Má không thấy điếc tai à?”. Khương quay lại thấy chiếc xích lô chất ngồn ngộn đồ còn đợi bên ngoài, anh lại kêu to: “Cái gì thế này! Má muốn bê cả đồ quê vào đây à?”. Sau này bà mới đoán được vì sao con trai bà bực bội khi mang những món quà quê vào nhà. Cả tuần chúng vẫn như món hàng lạc lõng. Nhà Khương ăn gạo thơm từng ký đóng trong bì ni lông, ăn làm gì thứ gạo rẫy vừa cứng vừa khô, nhai kỹ mới  ngọt. Còn dừa thì nhà không có rựa để chặt. Gà không có chỗ nhốt. Con dâu không biết cắt cổ làm gà... Nhưng gặp con bà rất vui. Bà Vân sốt ruột cắt ngang lời Khương: “Thôi thôi, má mệt quá. Nước để đâu?”. Khương đưa bà chai nước lọc mát lạnh. Bà ngỡ ngàng chạm vào những viên đá làm tê tay. Lúc ấy, bà mới biết có cái tủ diệu kỳ biến được một khoảng không gian thành Bắc cực ở nơi nóng nực. Mấy ngày sau bà vẫn còn ngỡ ngàng trước bao đồ vật mới mẻ, khác lạ. Bà mân mê những rèm cửa bằng ren trắng muốt. Bà miết miết ngón tay thô ráp lên mặt bàn mica trơn bóng không một hạt bụi. Bà trầm trồ trước khu bếp sáng choang và ngơ ngẩn bước vào nhà vệ sinh phảng phất mùi thơm. Khương sốt sắng giảng giải: “Đây là cái điều khiển từ xa. Có rất nhiều kênh truyền hình. Má muốn xem gì thì bấm số... con làm mẫu này... Nếu má không thích nghe tin tức thì bấm tìm kênh khác... sân khấu này... phim này... Hay má thích xem video, con đã thuê sẵn mấy bộ này...”. Bà Vân không nhớ hết những công dụng. Nhìn gian nhà đầy ắp tiện nghi bà luôn miệng trầm trồ: “Thích nhỉ! Sướng nhỉ!”. Bà cười tít khi thấy chiếc máy trên tường nhẹ nhàng phả ra một luồng khí mát rượi thần tiên. “Từ nay, má ở với con. Má phải hưởng thú vui an nhàn của tuổi già”. Khương nhắc đi nhắc lại anh không thể yên tâm khi để bà ở Pleiku, giữa khu vườn hoang vắng. Anh đã trải qua những năm tháng nghèo khổ và vất vả ở vùng đất đỏ heo hút ấy. Vì vậy, thuyết phục được bà Vân về thành phố ở với vợ chồng anh là niềm mong ước lớn.

Bà Vân sinh Khương được ba tháng thì ông Năm mất. Bà ở vậy nuôi hai chị em lớn lên, ăn học. Năm Khương lên lớp mười, chị Tuyền tốt nghiệp phổ thông. Chị hát hay, học giỏi. Nhưng bà Vân không thể lo được tiền cho Tuyền đi thi đại học. Nếu đậu còn tiền đóng học phí, ăn ở cùng bao nhiêu thứ nữa. Bà rầu rĩ bảo Tuyền: “Thôi, con là chị, lại phận đàn bà con gái, học nhiều thì cũng từng ấy chuyện: Gia đình, chồng con... Ráng chịu thiệt chút để thằng Khương học đến đầu đến đũa...”. Tuyền không nói gì nhưng mấy ngày liền khóc sưng húp mắt. Tuyền cũng hiểu những khó khăn của gia đình. Cô lẳng lặng xếp sách vở bút mực, trở về với những công việc quen thuộc, với nhịp điệu buồn tẻ.

Sau mấy năm du học, Khương về thăm quê, không tránh khỏi tiếng thở dài ngao ngán. Chị anh đã trở thành người phụ nữ điềm đạm, vợ của người đàn ông bị liệt do tai nạn và là mẹ của năm đứa con lau nhau như trứng gà, trứng vịt một lứa. Làn da mịn màng khi xưa giờ thâm nám vì mưa nắng. Anh ngao ngán nhìn cái giếng sâu hun hút. Tiếng gàu ầm ầm chạy thun thút vào lòng đất, chỉ nhìn không đã thấy chóng mặt. Dĩ nhiên Khương che giấu những cảm xúc của mình. Hàng xóm sẽ cho anh là mất gốc. Anh chỉ nói với chị Tuyền: “Sống thế này mà sống à?”. Chị Tuyền cười cười, không tranh cãi. Ánh mắt đen thẫm có nét gì xa vắng. Mấy ngày sau Khương bay vào Sài Gòn, làm việc cho một công ty nước ngoài. Cuộc sống của anh cứ thế phất lên.

Hôm bà Vân đi, cả làng Nhếch đến uống nước trà, chuyện trò râm ran. Họ chúc mừng bà có người con hiếu thảo, thành đạt. Ai ngờ người đàn bà tần tảo, suốt ngày quanh quẩn ở vùng quê giờ được hưởng vinh hoa phú quý? “Từ nay má không phải lo gì. Ăn ngủ tùy thích! Má khỏe là bọn con mừng”. Hiền, cô con dâu vui vẻ bảo. Bà Vân gật gù, thầm sướng. Thật bõ công bà tần tảo cả đời nuôi con ăn học. Bà thở phào nhẹ nhõm, cảm giác đời mình từ nay sang trang.

Ngày nào cũng vậy, đúng sáu giờ ba mươi sáng, vợ chồng Khương dắt xe ra cổng. Trước đó năm phút đã nghe tiếng còi toe toe  của cô Bảo đến chở Tèo đến trường bán trú. Buổi chiều, cô đón Tèo về. Việc chỉ có vậy nhưng thù lao cho cô Bảo còn hơn thu nhập một người lao động vất vả ở quê. Hiền sắp sẵn quần áo, sách vở cho Tèo. Tèo khoác cặp trên vai, khoanh tay lại và nói như máy. “Cháu chào bà cháu đi học! Con chào ba con đi học! Con chào má con đi học!” rồi chạy nhanh  ra cửa. Tưởng như ở quê, bà Vân dậy sớm đun nước, định lấy cơm nguội rang thì Hiền can: “Má làm làm gì. Buổi sáng ăn đồ khô khó nuốt lắm. Má thích ăn gì ra ngõ nói người ta mang vào cho”. “Thế còn chúng mày?”. “Chúng con ăn ở dọc đường hoặc vào căng tin nhà máy là xong”. Trước lúc ra khỏi cổng Khương không quên đóng hai cánh cửa sắt, vòng mấy vòng xích và khóa lại bằng một ổ khóa to tướng. “Ơ, chúng mày nhốt tao trong nhà à?”. Khương lắc lư thân hình to béo. Anh bĩu môi, tròn mắt cất giọng ngân nga như đức cha đang giảng kinh: “Không mẹ ơi, ở đây không phải là thiên đường như đất rừng thân yêu đâu. Nhà mở cửa suốt ngày, lúa để đầy kho, người đói không dám đến lấy, người khổ không dám thò tay trộm cắp. Ở đây chỉ cần hở ra là bọn trộm lẻn vào dọn sạch trong chốc lát mẹ ạ”.

Khương nháy nháy mắt tuồng như biết bà đã hiểu và thông cảm với cuộc sống ở đây. “Mà má cần gì nữa? Thức ăn và trái cây để sẵn trong tủ lạnh. Đến nhà máy con sẽ gọi điện thoại về cho má. Má cần gì nữa thì gọi điện cho con. Số điện thoại con và Hiền đều ghi trang đầu ở danh bạ điện thoại đấy”.

Dĩ nhiên là bà đã biết. Biết tất cả số điện thoại các nơi quan trọng như cấp cứu, cứu hỏa, sửa chữa máy, hỏi đáp số điện thoại v.v... Chỉ có điều mọi người đi rồi căn nhà càng trở nên trống huênh. Bà ở với cái tivi nói cười, diễn trò một mình. Lúc đầu bà cũng thấy thích thích. Những tin tức, hình ảnh từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về chật chội màn ảnh nhỏ. Rồi phim ảnh, ca nhạc, quảng cáo cứ nhặng xị lên nhưng chúng cứ xa lạ thế nào với bà… Bà không bật tivi nữa. Bà thấy ù tai, nhức mắt, chẳng hứng thú. Bà nằm trong nhà dõi theo bóng nắng nhích chậm chạp qua song cửa, mon men đến bên bà. Bà nôn nao nhớ vùng quê mình sống. Sáng nào bà cũng nấu ấm nước to bằng các cành cà phê đã phơi khô cong. Lửa reo vui lách tách. Nước sôi, bà đổ đầy hai phích. Rồi bà ra vườn kéo nước tưới hết hai luống rau. Nhà bà thu nhập chính bằng mảnh vườn này. Bà trồng cải, xà lách, hành, cà chua... mùa nào thức ấy. Con Tí bốn tuổi lũn cũn chạy theo bà, miệng líu la líu lô hỏi về các loại rau, các loại hoa. Có lúc nó khom lưng, môi chúm lại rón rén bước từng bước để bắt con bướm vàng rực rỡ đang đậu trên hoa cải. Bất giác bà đứng lại cũng nín thở theo nó. Và khi con bé bắt được con bướm hét toáng lên, đôi chân nhỏ xíu chạy quýnh quáng thì bà cũng nở nụ cười tươi rói trước niềm vui sướng cao độ của nó. Gần trưa công việc mới xong. Bà vào nhà cũng là lúc đàn heo đói kêu inh ỏi. Lũ gà quẩn quanh chân đòi ăn. Chưa bao giờ bà có cảm giác nhọc nhằn dù công việc cứ luôn chân luôn tay. Bà nghỉ ngơi chính là lúc ngồi tán gẫu với bà Tưởng, ông Hinh, ông Mai về đủ mọi chuyện: giá cả ngoài chợ, người bạn già nào đó vừa bị cảm, nhà ai vừa dỡ ra  xây lại...

Còn ở đây, bà đi ra đi vào chẳng biết làm gì. Bà đứng tần ngần trước cửa phòng con trai đã khóa lại thở dài quay ra. Hôm trước Khương đi làm về, sửng sốt thấy bà đang ngồi xát một đống quần áo, bột xà phòng đủn lên trắng xóa. Khương rất bực: “Mẹ lẩm cẩm quá. Sao mẹ không giặt bằng máy giặt. Đúng là người già, không chịu thay đổi thói quen!”. Khương nghĩ cách để mẹ được an nhàn. Hôm sau, các cửa buồng được khóa bằng những ổ khóa Việt Tiệp mới tinh. Khi nào đi làm về, Hiền mới dọn hết quần áo bẩn bỏ vào máy giặt nhấn nút. Suốt ngày bà Vân nằm trong phòng khách như con chó ốm nằm thườn trước cửa, chỉ hấp háy mắt nhìn người qua lại. Bà tự hỏi chẳng lẽ ngày nào cũng thế này. Bà lại nhớ vùng quê đầy tất bật lo toan. Chỉ cần giá xăng tăng hay giảm thì làng Nhếch cũng ồn lên, bàn tán. Buổi tối, các cuộc chuyện trò nở như bắp rang. Khói thuốc bay mù.

Reng ! Reng ! Reng !

Reng ! Reng ! Reng !

Chuông điện thoại lại réo. Bà Vân nhấc máy, hỏi luôn:

- Khương đấy hả?

- A lô! Con đây! - Từ đầu dây bên kia vọng lại tiếng con trai quen thuộc: - Ở nhà có chuyện gì không má?

- Có! Có đấy!

Khương giật mình, lo âu:

- Chuyện gì? Có chuyện gì xảy ra?

- Có đấy! Tối về sớm má nói.

- Vâng! Con sẽ về sớm! Chào má.

- Chào.

Bà Vân đặt ống nghe xuống. Vẫn phải chờ đợi như mọi ngày nhưng hôm nay bà thấy thời gian đi chậm hơn bao giờ hết.

Kim đồng hồ chỉ sáu giờ ba mươi phút. Bà Vân nhào ra đón con dâu bằng nụ cười rạng rỡ. Hiền mở khóa, đẩy xe vào nhà. Bao giờ chị cũng về trước tiên. Hiền sinh ra và lớn lên ở thành phố. Cô không đẹp nhưng nước da trắng nên trông trẻ hơn tuổi. Hồi Hiền về ra mắt, bà con xóm làng ai cũng xuýt xoa “Người ở đâu mà trắng trắng là”. “Chắc cô ấy chưa bao giờ phơi nắng”.

Hiền khom lưng, ráng sức đẩy chiếc xe vào nhà, cởi khăn bịt mặt, cởi bao tay và quay sang hỏi bà. Câu hỏi bà biết trước vì ngày nào cũng chỉ có một câu hỏi ấy.

- Trưa nay má có ăn được không?

- Ăn được.

- Ở nhà có chuyện gì không?

- Không có chuyện gì.

Thực ra Hiền hỏi cho có chuyện. Cô cũng biết trước câu trả lời sẽ là như thế. Cô vào nhà tắm xả nước ào ào. Bà Vân ngồi vẩn vơ nhìn cái xách tay của con dâu để ở giỏ xe. Chiếc xách có những dây xích và khóa mạ vàng trông rất sang trọng. Bà ngắm nghía xe rồi nhìn xuống sàn nhà. Đầu óc bà ong ong vì chuyện định nói với vợ chồng Khương.

Gần tám giờ Khương về. Khi hỏi về việc của anh, Khương thường trả lời vắn tắt: “Bình thường”, “Ừ”, “Có một sự cố nhỏ”, “Xong rồi”. Nhưng nhìn chung, anh có vẻ no đủ, thỏa mãn. Bà Vân chỉ thấy nhà thực sự vui lên khi Tèo đi học về. Nó thoăn thoắt mở cổng, nhảy chân sáo vào nhà. “Cháu chào bà ạ. Bà ơi, - Tèo mách ngay - Cô giáo không cho chúng cháu nói chuyện riêng trong giờ học, thế mà hôm nay cô cứ nói chuyện riêng với thầy Hoài đứng ngoài cửa lớp”. “À bà ơi! Cái gì đây bà? -  Tèo mắt sáng rỡ vồ ngay lấy cái kèn lá bà Vân quấn sẵn để trên bàn. Chuyện cô giáo đã bay vù khỏi đầu nó. Nó hớn hở đưa cái kèn lên môi thổi. Toe! Toe! Toe! - A hay quá! Cái gì đây bà?”. “Cái kèn lá đấy cháu ạ. Ở quê toàn chơi kèn này. Làm gì có tiền mua đồ chơi như trẻ con ở đây”. “Nhưng cháu thích kèn này hơn. Ngày mai bà dạy cháu làm nhé. Bà với cháu làm hai cái, ba cái, bốn cái... làm nhiều nhiều cho các bạn cháu chơi nữa”. “Tèo! - Hiền gọi vọng từ nhà dưới lên - Không thổi kèn nữa. Đi tắm mau”.

Bà Vân vẫn nghe tiếng kèn lá vui tai từ nhà tắm vọng ra. Bà như thấy lại thế giới tuổi thơ của mình hiện ra trước mắt. Lúc ấy bà cũng bằng thằng Tèo, cái Tý bây giờ, suốt ngày phơi đầu trần dưới nắng bắt bướm, tìm tổ dế đổ nước, cho dế đá nhau trong ống bơ, dính nhựa mít ở đầu cây để bắt những con chuồn chuồn ớt đỏ chót, chuồn chuồn ngô có đôi mắt lồi to tướng, tò mò rình xem gà mái mơ đẻ trứng (dù rất sợ bị lang mặt). Những chuyện đó quen thuộc đến nỗi đứa trẻ nào ở vùng quê cũng biết, cũng trải qua. Vậy mà Tèo luôn miệng giục: “Thích quá! Kể nữa đi bà! Kể nữa đi bà!”.

Ký ức của bà bị ngắt quãng bởi tiếng Tèo khóc ré lên. Giọng Hiền la xoe xóe: “Nhà thiếu gì đồ chơi mà phải rước mấy cái lá này về cho bẩn nhà hả? Hả?”. Lúc Tèo được bế lên nhà, nó trần như con nhộng, đầu tóc ướt sũng, mặt ỉu xìu. Hiền lau khô cho con bằng cái khăn bông lớn. Mặc quần áo sạch sẽ, thơm tho. Chị ấn Tèo vào bàn chuẩn bị ăn tối. “Bữa cơm kinh tởm - Tèo ngán ngẩm, mắt nhìn lướt các món ăn bày trên mâm: thịt gà luộc, rau sống, canh cải nấu tôm, cật xào. Những món chẳng mấy khi có mặt trên mâm cơm nhà Tuyền. - Con ghét các món này lắm”.

Mặc kệ sự phản đối của con, Hiền vẫn gắp cho Tèo đầy chén. Để thằng bé quên cảm giác khó chịu bà Vân bảo: “Bây giờ Tèo ăn cơm đi rồi bà đố cháu nhé” . “Dạ!” - Tèo hét thật to, vui vẻ xúc một muỗng cơm vào miệng (dù nó vẫn gạt hết thức ăn ra), mắt chăm chăm nhìn bà Vân chờ đợi.

- Đố Tèo biết nhà mình có mấy viên gạch hoa?

Tèo nhìn sàn nhà, bên phải, bên trái, phía trước, phía sau, nhẩm tính. Một lúc sau, nó nói rất tự tin:

- Bốn trăm bảy mươi hai viên.

- Sai rồi! Bốn trăm bảy ba viên! Bà Vân mỉm cười đắc thắng trước sự ngạc nhiên của đứa cháu nội lẫn vẻ tò mò của vợ chồng Khương. Bà Vân chỉ ra viên thứ 473 ngay ở đầu hè dưới chậu hoa. Chẳng hiểu người ta cố lát cho hết viên gạch thừa hay làm thế để làm gì?

- Bà ơi sao bà biết có viên gạch này?

- Ờ... ờ... bà rảnh ấy mà.

- Thôi... thôi... Tèo... Con có biết mấy giờ rồi không?

Hiền nhìn con nghiêm khắc. Chưa bao giờ Tèo có được một buổi tối vui chơi thỏa thích. Chưa bao giờ bà Vân được ôm cháu thật lâu để cưng nựng. Quyền của bà phải thấp hơn quyền cha mẹ.

- Mẹ ơi, để con chơi thêm tí nữa.

- Tèo nhìn bà nội như muốn tìm  sự đồng tình - Chưa tới chiếu phim mà.

- Không! Mai con phải đi học. Mẹ phải đi làm. Phải ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe.

 Tèo năn nỉ:

- Chưa đến chín giờ mà.

- Đứng dậy. Đi ngủ thôi. - Hiền đứng dậy nắm tay Tèo kéo lên trên gác. Tèo phụng phịu quay lại nhìn bà Vân. Bà Vân tránh đôi mắt trong trẻo mở to của nó dù bà thèm biết bao được ôm nó vào lòng, được chơi các trò chơi với nó. Bà biết mình không lay chuyển được vợ chồng Khương. Chúng có phương pháp riêng, có quyền làm cha làm mẹ.

Lúc Hiền quay lại bàn ăn, chén bát đã được thu dọn sạch sẽ. Hiền biết chẳng có chuyện gì để nói nữa xung quanh bàn ăn này, trong gian nhà sạch bóng như gương này. Cô cũng sửa soạn đi ngủ, kết thúc một ngày sống và làm việc. Nhưng hôm nay bà Vân vẫn còn nấn ná ngồi đó bên bộ ấm trà vừa mới rót. Hình như bà đang chờ cô.

Quả nhiên bà Vân ngẩng lên. Hơi chút ngập ngừng, bà bảo:

- Hiền, con ngồi xuống đây. Má có chuyện muốn nói.

Khương mải theo dõi bóng đá. Anh đã quên cuộc điện thoại hồi chiều. Đầu óc anh có nhiều chuyện đáng phải quan tâm hơn.

- Má! Có chuyện gì à má?

- Ờ... là... là thế này - Bà Vân cố lựa từ cho dễ nghe nhất: - Má vào đây mấy tuần rồi. Ở đây rất sướng, chẳng phải lo gì. Nhưng…nhưng má chơi thế đủ rồi. Má nói với hai con... ngày mai... ngày mai má  thu xếp về ngoải.

- Hả! Má... về... - Khương giật mình sửng sốt.

- Má trở về... quê? - Hiền cũng sửng sốt. Ký ức trở lại tâm trí Hiền như một đoạn phim quay chậm. Với cô, những ngày ở vùng đất đó thật kinh hoàng. Nhà cửa thấp tịt, thấp thoáng trong lòng thung lũng. Con đường đất khấp khểnh làm đôi guốc cao gót vẹo cả đế. Hôm rước dâu, mưa xối xả ào ào. Những vườn cà phê xanh rì bơi trong mưa mịt mờ. Bộ váy cưới trắng tinh biến ngay thành màu cháo lòng. Đất đỏ dẻo quánh bám theo chân như những dợn sóng hồng. Về một lần thế cho phép tắc. Những năm sau mượn cớ phải đi học, nuôi con, làm thêm, cô chẳng về lần nào nữa. Cô những tưởng đón bà về đây ở bà phải mừng lắm. Bây giờ kinh tế ổn định mới có điều kiện đền đáp công ơn sinh thành. Cô nói: “Chắc chúng con chăm sóc má chưa được chu đáo làm má không vui?”. Bà Vân xua tay: “Không phải thế. Anh chị quá chu đáo rồi. Má không có gì chê trách”.  Hiền nói mát: “A! Con hiểu rồi. Má chỉ có con gái chứ làm gì có con dâu! Có cháu ngoại chứ làm gì có cháu nội. Con có hết sức mình đến mấy cũng làm sao sánh với chị Tuyền ở nhà.”. “Con nghĩ sai rồi! Má làm gì có tư tưởng đó!”. Bà Vân nhìn Khương như phân bua. “Má ở đây là hợp lý nhất. Ai đời con trai không ở lại ở với chàng rể”. “Không con trai con rể gì hết! Má về là về”.

Bà Vân nghĩ không thể ở thêm một ngày nào nữa. Bà cảm thấy sẽ kiệt quệ vì buồn chán, vì chờ đợi mòn mỏi trong căn nhà trống huênh, vì công việc buồn tẻ, vì những giờ khắc trôi đi chậm chạp. Khương thấy mình lại là ông chủ gia đình, là người quyết định cuối cùng trong những việc lớn. Anh đã có cách để ràng buộc bà, thay đổi bà  như chuyện giặt áo quần bằng máy, uống nước bình thay vì uống nước trà. “Má không đi đâu hết, ở với con, con không để má phải thiếu thứ gì chứ về đó con không gửi một xu. Con -không - gửi. Má đừng trách con không quan tâm, chăm sóc má. Trách nhiệm của con là nuôi má chứ không phải bồi dưỡng cho cả một đàn cháu”.

- Đúng rồi - Hiền đế thêm vào - Má tính coi. Ở đây má muốn ăn gì thì ăn, chẳng đứa nào giành. Về đó có miếng thịt, lũ nhỏ đứa trước đứa sau gắp hết. Má giành sao được với tụi nó? Mà không lý má ăn một mình? Không được đâu má ơi. Má đừng nghĩ chuyện ăn ở đời đời kiếp kiếp ở đất đó nữa.

- Má cứ suy nghĩ đi. Con nói hết rồi đấy. Tình cảm là một chuyện. Lý trí là chuyện khác. Má nên ở lại đây trọn vẹn cả đôi đường: Đỡ gánh nặng cho chị Tuyền mà con cũng yên tâm.

Khương nói dứt khoát. Anh đứng dậy vươn vai như một con voi đủng đỉnh bước về phòng mình kéo theo vợ, mặc bà Vân ngồi im lặng giữa phòng với cái ti vi tiếp tục các sự kiện hình ảnh ở khắp nơi trên thế giới đang ùn ùn kéo đến mà ngoài con mèo ra lúc này chẳng có ai chú ý.

 

Reng ! Reng ! Reng!

Reng ! Reng ! Reng!

Chuông điện thoại kêu gióng giả. Ở đầu kia chỉ nghe tiếng tút... tút... tút... dài chờ đợi. Một lúc sau tiếng tút tút dồn dập báo hiệu cuộc gọi đã kết thúc, vừa như lời khẩn báo: Không có người! Không có người! Chắc xảy ra chuyện gì. Khương vội vàng xin về sớm. Anh gặp Hiền đứng ngơ ngẩn giữa nhà.

- Chắc bà về quê rồi. không  còn bộ quần áo nào.

Khương đứng lặng. Anh không ngờ mẹ lại kiên quyết thế. Cứ tưởng như chuyện giặt quần áo, như nước uống. Cứ tưởng cái điện thoại sẽ giải quyết được mọi chuyện.

- Nào đi! Lên xe mau! May ra kịp!

Vợ chồng Khương ào vào bến xe như cơn lốc. Bến xe chiều chỉ còn những chiếc xe nằm mỏi mệt. Những người bán hàng rong ngồi túm tụm dưới gốc cây tán gẫu. Những chuyến xe đẩy hàng đã lùi vào trong kho. Những công nhân khuân vác đang uống nước trà. Những đám mây bụi lắng xuống vì ít người đi lại. Khương vội vã đến quầy vé hỏi người bán vé đang sửa soạn ra về:

- Chị có thấy một bà cụ tóc bạc ăn trầu, răng đen đến đây không?

- Về Pleiku chứ gì?

- Vâng! Vâng! - Khương gật đầu rối rít. Niềm hy vọng lóe sáng trong anh.

- Đi rồi! Xe vừa xuất bến.

Khương đứng lặng. “Sao má có thể thích cái vùng đất ấy được nhỉ? Đầy vắt và muỗi!”. Hiền nhăn mặt. Cô ngạc nhiên thấy chồng không ngả theo lời mình nhận xét. Khương thẫn thờ nhìn trân trân về phía chân trời, nơi có những ngọn núi xanh thẫm mờ trong mây.

T.L 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú