Công chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá Lợi

04.04.2016

Công chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá Lợi

Bất cứ ai đang hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật cũng muốn đóng góp thành quả lao động của mình vào đời sống con người để cùng với cộng đồng xây dựng một xã hội tốt đẹp. Với kinh nghiệm sống bằng các phương tiện như: chữ viết, âm thanh, đường nét, màu sắc, hình khối, khuôn hình và các loại hình nghệ thuật khác để tâm sự với đồng loại những trăn trở, suy tư, những từng trải vui buồn mà mình chiêm nghiệm trong đời. Tất nhiên những tâm sự ấy luôn hướng đến phần trong trắng nhất, sáng suốt, sạch sẽ và nguyên vẹn nhất của con người để luôn luôn tiến hóa, khát khao đạt tới chân, thiện, mỹ. Đó là thiên chức của nghệ thuật.

Sáng tạo văn học - nghệ thuật theo tôi, phần lớn là nỗ lực cá nhân của nghệ sĩ. Chỉ có bằng lao động khổ sai suốt đời mới có thể làm ra sản phẩm nghệ thuật chân thật và không ai thay thế được họ. Thời nào cũng vậy, con người vừa là đối tượng phản ánh vừa là mục đích tôn vinh của nghệ thuật. Vì vậy, nghệ thuật luôn đề cao những giá trị tinh thần vốn có của con người, vì lý do nào đó chưa bộc lộ ra được, bị vùi lấp bởi những thói hư tật xấu mà hoàn cảnh xã hội tạo ra. Tóm lại, văn học nghệ thuật chân chính phải phục vụ con người, phục vụ cộng đồng mà con người đang sống trong đó.

Sự tiếp nhận, đánh giá của xã hội đối với tác phẩm nghệ thuật là điều cần thiết và đương nhiên. Công chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật mà nghệ sĩ đã tạo ra. Các tác phẩm thực sự có giá trị phải được qua thử thách này.

Nói như vậy không có nghĩa những hỗ trợ, động viên của đời sống xã hội không giúp gì cho sự cô đơn sáng tạo của nghệ sĩ. Từ những ngày đầu phôi thai, các tổ chức văn học - nghệ thuật ở Quảng Nam - Đà Nẵng trước kia và thành phố Đà Nẵng ngày nay, các thế hệ lãnh đạo vùng đất giàu truyền thống văn hóa này đã thường xuyên quan tâm theo dõi, động viên kịp thời giúp giải quyết những khó khăn cụ thể để các nghệ sĩ có điều kiện yên tâm sáng tạo. Giải thưởng văn học - nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng 5 năm một lần, và đây là lần thứ 3 là một minh chứng. Sự quan tâm này đặt nền móng cho cảm hứng sáng tạo, hứa hẹn một không khí sáng tạo mới, đưa sự nghiệp văn học - nghệ thuật Đà Nẵng phát triển, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân cũng như lãnh đạo thành phố không ngừng phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật Đà Nẵng tương lai.

Vùng đất bên dòng Hàn giang này trải qua bao biến thiên đã để lại những dấu ấn lịch sử bi hùng, tạo nên tính cách con người, tạo nên miền văn hóa rất đáng tự hào trong quá khứ. Hiện thực cuộc sống hiện tại sôi động hào hùng nâng vùng đất này lên một tầm cao mới. Đó là niềm cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ. Những thành tựu nghệ thuật đã đạt được, dù chưa thỏa mãn kỳ vọng của nhân dân, dù chưa đạt đến sự viên mãn nhưng đã có những thành công bước đầu và đang trên đường phát triển mạnh mẽ.

Vẫn biết các giải thưởng không phải là nơi đánh giá chính xác nhất giá trị của tác phẩm, ngay đến giải Nobel cũng vậy. Các nhà văn vĩ đại Lep Tolstoi, Anton Chekhop, Henrich Mania Remaque, Maxim Gorki... không có giải Nobel. Nhưng những giải thưởng trong chừng mực nào đó là sự đánh giá công sức lao động miệt mài của nghệ sĩ. Những giải thưởng được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao hôm nay là nguồn động viên quý báu đến anh chị em văn nghệ sĩ trong thành phố. Đó cũng là động lực thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ, phản ảnh trung thực, sinh động con người và mảnh đất của thành phố cảng năng động, sáng tạo đang thay đổi từng ngày của chúng ta.

Người làm văn học nghệ thuật chẳng ai thay mặt được ai, nhưng tôi cũng muốn chia sẻ cảm xúc của mình với các đồng nghiệp là sẽ phấn đấu hết sức mình, học hỏi, tìm tòi không ngừng nghỉ, trau dồi đạo đức, rèn luyện kỹ năng nghệ thuật để sáng tạo ra nhiều tác phẩm, trước hết là vượt qua chính mình để góp phần làm phong phú đời sống văn học - nghệ thuật, đời sống văn hóa của Đà Nẵng thân yêu, thiết thực góp phần vào sự vươn lên của thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng.

T.B.L 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú