Âm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy Sơn

04.04.2016

Âm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy Sơn

Nhà thơ nổi tiếng của Cuba Phêlich Pita Rôđrigết (Felix Pita Rodrigez) - tác giả bài thơ nổi tiếng Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ đến thăm Việt Nam được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nước đọc Nhật ký trong tù qua bản dịch tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, đã nói với chúng tôi (nhóm phóng viên TTXVN tới thăm ông tại nhà riêng ở La Habana): Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ của một vị lãnh tụ duy nhất của thế kỷ này đi vào tương lai.

Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) tỏ lòng thán phục đối với tác giả của Nhật ký trong tù là đại trí, đại nhân và đại dũng!

Đọc xong nguyên tác tập Nhật ký trong tù, nhà văn - nhà nghiên cứu lão thành nổi tiếng của Trung Quốc, Quách Mạt Nhược đã nhận xét: Toàn bộ hơn một trăm bài thơ, hơn 2.700 chữ, chỉ có một chữ thép. Vì sao vậy? Bởi vì người làm thơ có tinh thần thép. Nhà văn hóa uy tín này còn đề cao thơ Bác Hồ về giá trị nghệ thuật: Đặt chung với thơ Đường, thơ Tống cũng không phân biệt được!

Nhắc về những đánh giá khách quan của các học giả quốc tế có uy tín như trên là nhằm củng cố thêm căn cứ vững chắc để khẳng định giá trị lớn của tác phẩm Nhật ký trong tù. Về nhận xét thứ hai của cụ Quách Mạt Nhược phù hợp với đề tài nghiên cứu nảy sinh từ mối quan tâm của không ít độc giả: Âm hưởng thơ Đường luật trong Nhật ký trong tù.

Lý giải được thấu đáo vấn đề trên sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và nhận biết giá trị lâu bền của tác phẩm. Điều này còn có ý nghĩa trong việc học tập, tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa văn hóa của tiền nhân và nhân loại nói chung.

Trong suốt lịch sử chế độ phong kiến dài 2.132 năm (tính từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 trước công nguyên tới khi nhà Mãn Thanh bị cách mạng Tân Hợi lật đổ năm 1911), triều đại nhà Đường là cực thịnh nhất. Thơ Đường là đỉnh cao về văn hóa mà thời kỳ này để lại cho nhân dân Trung Quốc, đồng thời đóng góp vào nền văn minh của nhân loại. Tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Triều Tiên, đặc biệt là Việt Nam, chữ Hán được sử dụng phổ biến, văn hóa cổ Trung Quốc ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội trong suốt thời kỳ dài của chế độ phong kiến. Ở vào thế hệ của Bác Hồ, thơ Đường có ảnh hưởng khá nhiều. Kể cả trước đó, các nhà thơ Việt Nam đã sử dụng luật thơ Đường để sáng tác (bằng chữ Hán cũng như cả bằng chữ Nôm) như một thể loại văn học của chính mình mà thực chất đã được Việt hóa.

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống Nho học, được học tập và hoạt động trong môi trường có nhiều ảnh hưởng của văn hóa cổ Trung Quốc, với trí thông minh tuyệt vời nên Bác am tường Hán ngữ, hiểu sâu sắc thơ Đường, thơ Tống. Tập Nhật ký trong tù được Bác sáng tác trong thời gian 14 tháng bị giam cầm phi lý trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch (Mười bốn trăng tê tái gông cùm (Tố Hữu). Bác dùng chữ Hán để làm thơ cũng có thể còn bởi một lý do khác là để cho bọn cai ngục không nghi ngờ gì. Bác là nhà chính trị, hoạt động cách mạng chỉ với một mong ước cháy bỏng là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than, nước nhà được độc lập, người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Thơ đối với Bác là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh cách mạng, tự động viên, rèn luyện ý chí:

Ngâm thơ ta vốn không ham,

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

(Bài mở đầu tập Nhật ký trong tù)

Đường cách mạng đưa Bác tới nhiều nước, am hiểu nhiều nền văn hóa, sử dụng được các ngôn ngữ thông dụng của thế giới. Nghiên cứu thơ của Bác dễ nhận thấy dấu ấn của các nền văn hóa lớn khi đậm, lúc thoáng qua: sâu lắng trữ tình của Nga, lịch lãm của Pháp, uy mua của Anh, chặt chẽ sùng cổ của Trung Quốc... Song, ảnh hưởng nhiều nhất nhận thấy trong thơ của Người là thơ Lý, Trần (chữ Hán lẫn chữ Nôm) và thơ của các danh sĩ dân tộc mình: Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu...

Ở đây, giới hạn vấn đề chỉ đề cập nội dung Bác Hồ với thơ Đường luật. Thiết tưởng cần phác đôi nét chính của thơ Đường. Hai trào lưu chủ yếu trong quá trình tồn tại của thơ Đường là lãng mạn tích cực và hiện thực sâu sắc - đều mang giá trị nhân bản rất cao, thấm đậm tình người. Bài thơ Đường hay thì dù ngắn hoặc dài đều phải được cấu trúc chặt chẽ, cô đọng thành một thể hoàn chỉnh. Hài hòa về âm thanh, hình ảnh... được tạo ra bởi sự khéo léo sử dụng phép đối xứng. Thơ Đường luật có 6 yêu cầu nghiêm ngặt: niêm, luật, vần, đối, tiết tấu và bố cục. Các câu chữ có vị trí nhất định, nên mỗi chữ, mỗi ý cần phải đắt, không thiếu, không thừa. Thơ Đường ít nói thẳng mà chuộng cách nói vòng, nhưng phải hợp lý; lời ít ý nhiều, ý tại ngôn ngoại càng nhiều càng hay.

Thơ Đường được cả nền cả đỉnh. Bộ Toàn Đường thi được biên soạn vào đời nhà Thanh. Sách gồm 900 quyển có 49.403 bài thơ của 2.837 tác giả. Trong đó, hai thể thơ tứ tuyệt và thất ngôn bát cú chiếm vị trí cao. Thơ tứ tuyệt còn gọi là tuyệt cú. Luật thi để chỉ thơ 8 câu. Có lẽ do khuynh hướng cho rằng 8 câu là dài, nên cắt làm đôi, hai phần như nhau thành tứ tuyệt! Tuyệt do tiệt mà ra. Tiệt là cắt. Từ đây có danh từ tuyệt cú!

Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản Nhật ký trong tù vào năm 1991 với 133 bài thơ theo đúng trình tự của nguyên tác. Đây là bản chuẩn được sử dụng từ đó tới nay. Trong 133 bài với 2.700 chữ, có 125 bài tứ tuyệt (tuyệt cú). Thất ngôn bát cú (luật thi) có 2 bài, ngũ ngôn có 4 bài, tứ tuyệt liên hoàn có 1 bài và 1 bài chỉ có đầu đề - bài thứ 100 Liễu Châu ngục. Trong tập, có nhiều bài đúng quy cách, có cả bài theo thể Cổ phong và đôi khi dùng cả cách chiết tự để bông đùa.

Theo niêm, luật... của thơ Đường thì nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh (chữ đầu, chữ thứ ba, chữ thứ năm không bị luật trắc bằng chi phối, nhưng chữ thứ hai, chữ thứ tư và chữ thứ sáu nhất thiết phải đúng luật). Tuy vậy, cả những thi sĩ hàng đầu của thơ Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên... cũng có tuyệt đối tuân theo đâu, mà thường hay "phá rào". Các nhà văn cổ điển chân chính vẫn truyền thụ cho nhau lời bàn chí lý của Mạnh Tử: Bất dĩ văn hãi từ, bất dĩ từ hãi chi! (Ý nói: Đừng vì văn chương mà ép uổng lời nói; đừng vì lời nói mà ép uổng ý chí!) Bác Hồ rất am hiểu những điều ấy. Bài Cháu bé trong ngục Tân Dương của Nhật ký trong tù vẫn thấy phong vị Đường thi, nhưng luật thì được linh hoạt:

 Oa…! Oa…! Oa…!  

Cha trốn không đi lính nước nhà;

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,

Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

Nhiều từ Hán trong Nhật ký trong tù là từ bạch thoại. Điều này hầu như rất hiếm gặp ở thơ Đường. Trong thơ viết bằng chữ Hán của người Việt, có lẽ Bác là người đi đầu trong việc này.

Bản dịch của Nhà xuất bản Khoa học xã hội nói ở trên được dư luận đánh giá là khá tốt. Đọc tác phẩm, cảm nhận chung thấy thơ Bác giản dị, dễ hiểu.   Thiên nhiên là báu vật mà tạo hóa ưu ái dành cho con người nói chung và thi nhân nói riêng. Hầu như không có nhà thơ Đường nào không làm thơ về thiên nhiên. Bên trong thơ thường có hình bóng con người của thời ấy. Nhiều bài sống mãi với thời gian. Trong Nhật ký trong tù, Bác cũng đã nói về hoa, tả về trăng sáng... hình bóng con người trong thơ Bác là con người của thời hiện đại. Tư tưởng, tình cảm của người cách mạng trong Bác được thể hiện rõ và sâu lắng. Bài Tảo giải (Giải đi sớm) là một ví dụ:

Gà gáy một lần đêm chửa tan,

Chòm sao nâng nguyệt vượt

lên ngàn; 

Người đi cất bước trên đường thẳm,

Rát mặt đêm thu trận gió hàn.

 

Phương đông màu trắng chuyển

sang hồng,

Bóng tối đêm tàn quét sạch không;

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

Một bài thơ được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến khi tìm hiểu chất thép trong thơ của Bác: Cảm tưởng đọc Thiên gia thi. Nhắc tới điều này ở đây với ngụ ý nói lên quan niệm về thơ của Bác có phần khác với các nhà thơ cổ trong đó có thơ Đường. Hai câu cuối trong bài tứ tuyệt như sau:

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

(Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,

Thi gia dã yếu hội xung phong).

Cần lưu ý ba từ: nên có thép (ưng hữu thiết), chứ không phải chỉ có thép. Hai câu đầu trước đó của bài thơ, Bác viết Cổ thi thiên ái... Vì nếu dịch là Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp thì dễ sinh hiểu lầm ở người đọc là thơ xưa chỉ yêu thiên nhiên thôi. Dịch giả bỏ lọt từ thiên. Bác không quan niệm rằng thơ cổ đối lập với thiên nhiên.

Nghiên cứu toàn tập Nhật ký trong tù, có thể nhận thấy Bác Hồ vận dụng kiến thức thơ Đường luật một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn về thể loại, ngôn từ, thi tứ, bút pháp... Không riêng ở Nhật ký trong tù mà trong không ít bài thơ sau này của Người cũng thấy điều đó...

C.H.S 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú