Cây Dâu da - Đỗ Như Thuần

04.04.2016

Cây Dâu da - Đỗ Như Thuần

Tôi gặp cây Dâu da ở Tây Nguyên cách đây vừa đúng hai mươi năm, thoạt nhìn nó cũng bình thường như hàng vạn cây rừng khác. Nhưng vì sao không ai dám chặt bỏ? Nhiều năm qua cây vẫn sống âm thầm, lặng lẽ giữa vườn cùng với xoài, mít, sầu riêng, mãng cầu quả là chuyện lạ. Cây mọc thẳng, tán rộng lá xanh, vỏ xù xì, dưới gốc nhiều rễ nhô lên mặt đất như những tĩnh mạch. Ai đó vô tình chặt mấy nhát vào gốc, chút nhựa chắt ra từ đó khô quánh, đen đặc như máu.

Chủ nhân cây Dâu da là người gầy đét, da bánh mật, trán dô, răng vẩu, lưng trần chân đất, miệng luôn phì phèo tẩu thuốc, thỉnh thoảng nhổ nước bọt trước mặt khách không cần ý tứ. Ông có cái tên lạ hoắc: A. Toòng, không vợ, không con, ở trong một túp lều xiêu vẹo. Tài sản không có gì đáng giá ngoài mấy bộ áo quần, vài ché rượu cần và dụng cụ làm rẫy. Dân trong vùng đồn rằng: “Ông là người lập dị, có vợ rồi bỏ quách làm chị Rơ Chăm Thon đau khổ”. Sau giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh ông không ở trong bản mà dựng chòi ở cạnh cây Dâu da, khai khẩn vùng đồi để làm vườn như một định mệnh. Ông có đôi mắt tinh tường, tai còn nghe được tiếng rừng, tiếng thú phá nương và nói tiếng Kinh bập bẹ. Bình thường ông kiệm lời, ù lỳ làm rẫy một mình hầu như không tiếp xúc với bên ngoài, vậy mà khi có khách là bộ đội ông như người khác. Nhìn ông khó đoán tuổi, ông cười cầm canh với tôi. Tôi đang bị ông hút hồn như đi vào cõi thâm cung bởi lẽ tôi đang đi với một người mà số phận và một phần cuộc đời trai trẻ của anh đã gắn với Tây Nguyên, mắc nợ với cây Dâu da này.

Anh Thăng hơn tôi một giáp, đi bộ đội từ năm 1965 đến ngày giải phóng miền Nam ở mặt trận Tây Nguyên, từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều cương vị khác nhau. Bè bạn gọi anh là Nguyễn Thọ Gáo vì anh đánh giặc rất chì, bị thương nhiều lần nhưng vẫn ở đơn vị K20 Đặc công của mặt trận. Sau giải phóng miền Nam anh về tỉnh đội Gia Lai, Kon Tum. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra anh là một trong những cán bộ thuộc Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 có mặt sớm ở chiến trường. Tôi biết anh từ đó, sau  ngày rút quân khỏi Campuchia tôi được trên điều về làm trợ lý ở ngành Kỹ thuật Quân khu, anh Thăng là thủ trưởng Phòng Chính trị.

Tôi thích phong cách của anh, khi làm việc thì nghiêm túc kính trên, nhường dưới, ngoài giờ rất thoải mái. Thỉnh thoảng anh rủ tôi đi nhậu và trả tiền, anh nói: “Công việc cơ quan khô như ngói, toàn nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, cậu có cuộc đời thật phong phú, biết viết báo, làm thơ, thú vị lắm. Khi nào có dịp đi công tác Tây Nguyên mình đưa cậu đến mấy chỗ quen, khối chuyện để viết”.

Theo lời hẹn, trong một chuyến công tác ở Tây Nguyên hoàn thành sớm hơn dự kiến, anh đưa tôi về lại chiến trường xưa, nơi đã xảy ra trận chiến đấu quyết liệt giữa Tiểu đoàn 20 đặc công Tây Nguyên với một đại đội lính Mỹ phòng ngự trong công sự vững chắc tại cứ điểm Ngọc Công Giao. Lúc đó anh ở tổ đánh chiếm đầu cầu.

Ngọc Công Giao bây giờ là một quả đồi rộng, cây dại mọc um tùm. Những công sự bằng bê tông của Mỹ bị dân đào bới phế liệu còn trơ lại những chiến hào lở lói. Dưới chân Ngọc Công Giao nhà mới mọc lên san sát, điện giăng mắc về các thôn bản. Dòng Pô Cô vẫn hiền hòa tình tự chảy về xuôi. Từ Tân Cảnh có một con đường mới mở nối thị xã Kon Tum với đường Hồ Chí Minh tại ngã ba Đông Dương như một động mạch lớn.

Anh dẫn tôi đến một thung lũng cách trận địa khoảng 10km, ở đó có một rẫy nhỏ, xung quanh trồng bạch đàn và keo lá tràm để chắn gió. A. Toòng đón anh Thăng và tôi vào nhà.

Đến bên cạnh cây Dâu da, anh Thăng như gặp lại tri kỷ. Như có dòng điện chạy dọc sống lưng khiến tôi tai ù mắt hoa, cảm giác thật khó tả. Anh Thăng cẩn thận đặt các lễ vật rồi thắp nhang khấn “Tôi là Nguyễn Thọ Thăng, thuộc mũi 58 tiểu đoàn Đặc công 20 mặt trận Tây Nguyên xin thỉnh tên: Anh Xuân, anh Kính, anh Phong cán bộ tiểu đoàn và anh Tự, anh Mão cùng các đồng chí hy sinh bên gốc cây này sống khôn, thác thiêng cho tôi được tạ lỗi về sự muộn mằn sau 28 năm mới về thăm lại. Các anh có linh thiêng xin về đây để cùng gặp mặt...”.

Anh vái xong rồi đưa nhang cho tôi cắm đều quanh gốc Dâu da và phần đất xung quanh. Từ hai khóe mắt anh, tôi thấy ứa ra những giọt nước mắt, lần đầu tiên anh khóc, sống mũi tôi cay xè. Ông A.Toòng bỗng khịt mũi mấy cái rồi chạy vòng quanh gốc cây như kẻ lên đồng. Chạy được một lúc, ông A.Toòng ngồi bệt xuống đất thở hổn hển, trầm tư đưa tẩu thuốc lên miệng. Khói thuốc của ông cuộn vào khói nhang nghi ngút tạo thành những vòng xoáy rất đẹp. Ký ức trận đánh hiện về như mới hôm qua...

Đầu tháng 5 năm 1968, tiểu đoàn 20 được Bộ Tư lệnh Tây Nguyên giao nhiệm vụ đánh thắng một đại đội lính Mỹ phòng ngự vững chắc trong cứ điểm Ngọc Công Giao. Phải mất nhiều đêm trinh sát tiểu đoàn mới xác định được nơi đây có một đại đội Mỹ gồm 120 tên chốt giữ ở nhiều cụm phòng ngự xây dựng kiên cố, được bố phòng từ 10 đến 15 lớp kẽm gai, mìn các loại dày đặc, có cả súng phun lửa và hệ thống đèn pha cực mạnh.

Đêm tháng 5 trời Tây Nguyên đầy sao và tĩnh lặng, để chuẩn bị cho trận đánh lớn ai cũng háo hức, quyết tâm. Anh Nguyễn Trọng Kính, Chính trị viên tiểu đoàn triển khai kế hoạch trận đánh và dặn dò từng chi tiết nhỏ. Tất cả được ngụy trang theo màu đất, trang bị gọn nhẹ nhưng phải đảm bảo chắc thắng. Phải mất 6 giờ tiền nhập các mũi mới lọt vào cứ điểm an toàn và đồng loạt nổ súng vào lúc 2h15'. Bị đánh bất ngờ, bọn Mỹ trong công sự bắn như vãi đạn ra ngoài. Với lối đánh xuất quỷ nhập thần, thoắt ẩn, thoắt hiện các mũi nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Khi mũi thọc sâu đã chiếm được sở chỉ huy địch thì trời vừa sáng. Trận địa mù mịt khói lửa, xác địch nằm ngổn ngang, nhiều tên bị thương kêu rên thảm thiết. Kết thúc trận đánh có 80 tên Mỹ bị diệt tại chỗ, số còn lại bỏ chạy về hướng sân bay Đắc Tô, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại như ra đa xách tay, máy nghe nhìn đối phương, kho vũ khí bị phá hủy.

Trời hửng sáng địch ở Đắc Tô và các khu vực lân cận phản công. Pháo địch bắn tới tấp vào trận địa. Tiểu đoàn ra lệnh rút khỏi trận địa. Mũi của anh Thăng còn 22 đồng chí rút theo hai hướng cắt rừng về đơn vị. Bọn địch dùng máy bay, bom, pháo và thám báo băm nát, phong tỏa các ngả đường rút quân của ta. Trên trời bọn tâm lý chiến ra rả kêu gọi Quân giải phóng ra hàng. Đến ngày thứ 6, hai cánh quân tụ về bên cạnh cây Dâu da. Vừa đói, vừa khát, nhiều người không nhịn được ăn vội những quả Dâu da. 10 đồng chí kiệt sức vì đói và ngộ độc đã vĩnh viễn nằm lại bên gốc cây này. Mai táng đồng đội xong, số còn lại bí mật cắt rừng đi tiếp hai ngày mới gặp đơn vị...

Ông Toòng đứng dậy đi đi lại lại cắt đứt dòng suy nghĩ của chúng tôi. Ông chỉ vào cây Dâu da và nói: “Ngày tôi mới đến, xung quanh gốc cây có nhiều ngôi mộ. Cách đây mấy năm bộ đội đã quy tập về các nghĩa trang”.

- Bây giờ họ ở những đâu ?

Ông A.Toòng không trả lời anh Thăng mà nói giọng nhát gừng: “Mình cũng không biết nữa. Ngay cả nhà mình bị nó giết hết có tìm thấy được xác đâu”.

Anh Thăng lặng lẽ thắp tiếp một tuần nhang nữa, cạnh những thân nhang cháy dở nhiều vòng tròn xoắn lại thật lạ. Cõi âm dương như hòa vào nhau. Trời tự nhiên đổ mưa. Nhìn về phía Đắc Tô, thị trấn đã lên đèn.

Đ.N.T 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú