Mật ngôn của sông

08.12.2020
Nguyễn Nhã Tiên
Sơ khai du mục tầm phương thảo Bùi Giáng

Mật ngôn của sông

Cả cái thị trấn Núi Nhạn quanh năm lấm lem bụi đỏ này hầu như không ai không biết tới “Nhiên khùng”. Thị trấn nằm trên một vùng đất giáp với núi non, chỉ một vài con đường cái lớn đất cấp phối đầy những ổ gà ổ voi, hễ mùa mưa thì bùn đất lênh láng, mùa nắng hạn thì bụi bay mù mịt. Từ ngày quy hoạch lại, đường cũ mở rộng ra, đường mới ngổn ngang đất đá, tiến độ ì ạch kéo dài từ năm này qua năm khác chưa xong, nên đã bụi bặm lại càng thêm bụi bặm.

Trong lúc dân thị trấn chen chúc nhau chường cho được ra mặt tiền đường cái lớn, chi ít cũng là một con hẻm to ở vào khu trung tâm của thị trấn, Nhiên thì ngược lại, xin chuyển nhà từ thị trấn vào dưới chân núi Nhạn. Đây là một khu đất hoang nằm ở ngoại ô thị trấn trải dài dưới chân núi Nhạn uốn lượn theo dòng sông Yên. Và vì giữa khu đất có một cái lô-cốt từ thời chiến tranh còn lại nên khu đất hoang này người ta đặt tên là “đất lô-cốt”.

Chính quyền thị trấn Núi Nhạn thấy lâu nay khu đất hoang này cây cỏ dại mọc um tùm, đã trở thành chỗ lưu niên cho dân đổ đủ các loại rác thải gây ô nhiễm môi trường, nên khi tiếp nhận đơn xin khai hoang mở trang trại của Nhiên, ông chủ tịch thị trấn cười tủm tỉm nói lầm thầm: “May đâu có thằng cha khùng này mà xóa đi được cái điểm đen ô uế môi trường bấy lâu nay”. Vậy là cơ quan tài nguyên môi trường cứ y theo bút phê đầy “thiện ý” của ông chủ tịch trong đơn, cấp khu đất lô-cốt cho anh. Ngày đi nhận tấm bìa đỏ công nhận quyền sử dụng đất về, Nhiên hả hê khoe với Tú - vợ anh, cái «chiến công» tay không bắt giặc của mình.

Đâu ngờ chị Tú đã không hưởng ứng, lại còn giậm chân kêu trời: “Trời đất! ông khùng ơi là ông khùng, tưởng ông nói chơi chơi, ai ngờ ông làm thiệt dắt vợ con vào cái hố rác trong hóc núi ấy”. Kêu trời trong nhà chưa đủ, chị Tú đi kêu với hàng xóm, với bà con bạn bè, với bất cứ nơi nào kêu được thì kêu. Đi đâu chị cũng mở đầu kể tội tình đức ông chồng quý hóa, rằng: “Ông Nhiên nhà tôi khùng hết thuốc chữa rồi. Ai đời thời buổi người ta chạy ngõ trước ngõ sau để được lô này lô kia mặt tiền ở phố, còn ổng lên cơn khùng đày ải vợ con vào tít tận xó núi”.

Đấy là buổi chiều đang dần tối, nằm với Nhiên trên nóc lô-cốt ngắm trăng non chênh chếch xuyên qua vòm lá thấp, tôi nghe anh dông dài kể lể cái lý do về sự ra đời của cái tên “Nhiên khùng”. Nói rồi anh cười ha hả bảo: “Cái tay chủ tịch ngày ấy tưởng lầm thầm trong miệng, tớ không nghe thấy gì à, tớ còn thừa biết ý chả mượn tay tớ để xóa sổ cái núi rác ấy chứ. Nhưng miễn được việc mình mới là cái đích tới cậu ạ”. Khoảnh khắc ấy, chả biết ngẫu hứng thế nào Nhiên lại véo von đọc thơ như giễu cợt với chính mình: Bởi quen ăn nói lùng khùng/ Trăm năm xã hội không dùng được cha!

Mà kể ra cũng... không ai dùng được Nhiên thật. Thời còn bao cấp, anh từng theo học ngành Mỹ thuật. Nhưng từ ngày ra trường anh chẳng xin được việc làm ở đâu, nên về quê lèng xèng mấy công việc pa-nô áp-phích ở xã, và rồi lấy vợ sinh con không rời quê nửa bước. Có người cho là do lý lịch của anh không rõ ràng, có người lại bảo anh có vẻ tốc tốc manh manh, anh thần kinh..., chả biết đâu mà lần chuyện đám đông. Là người cùng làng, nhưng tôi nhỏ cách xa anh gần cả giáp tuổi, công việc tôi lại ở phố quanh năm, nên cái khoảng cách ấy dường như để thêm mơ hồ những câu chuyện kể về anh. Để hình ảnh anh đối với tôi luôn là một huyền thoại.

Lý ra chiều nay, xong cái đám chạp mả ở nhà thờ tộc là tôi chạy xe thẳng một mạch về thành phố. Vậy rồi trong khi ngồi ăn giỗ, chuyện xưa chuyện nay thế nào lại dẫn tới cái đề tài “Nhiên khùng». Mỗi người mỗi kiểu kể theo trí nhớ mách bảo, sôi nổi gần như choán chỗ hết mọi câu chuyện khác. Rốt ráo rồi chung quy gần như một quan điểm: “Cái khùng của Nhiên là của quý, của hiếm”. Có người lại còn quy đổi thành tiền “Bạc tỷ cũng không mua nổi cái khùng ấy”. Tay chủ tịch thị trấn nay đã về hưu, vốn là người có họ hàng cháu ngoại của tộc họ nhà tôi, thì vừa vồn vã nói về cái trang trại bạc tỷ của Nhiên, vừa tỏ ra chút ơn ban phát: “Chưa tính tới hoa lợi cây trái, tính sơ sơ cái giàn bông lý dài cả cây số bên bờ sông Yên, cứ mỗi buổi sáng sớm dân buôn rau sạch ở ngoài phố vào hái, bà Tú vợ ông Nhiên đã thu mấy triệu bạc tráng miệng rồi. Không có tui thì “Nhiên khùng” làm chi có cơ ngơi đồ sộ như bây giờ”.

Trong nhiều lời bàn bạc vào ra sôi nổi về cái trang trại ở khu đất lô-cốt của vợ chồng Nhiên - Tú, chỉ có bác Giáo Khâm trưởng tộc của tôi là không mảy may động tới bạc tiền. Bác ngồi rung đùi nghe đám con cháu đoán già đoán non, tiếng to tiếng nhỏ về nguồn thu nhập kinh tế của Nhiên, chợt bác nâng tách rượu lên, hớp một ngụm, khà một tiếng rõ to rồi khẽ khàng đọc câu thơ như nói giữa trời không: Sơ khai du mục tầm phương thảo. Mọi con mắt ngơ ngác hướng về bác Giáo Khâm chả hiểu bác nói điều gì.

Cho mãi đến khi tiệc giỗ xong rồi, bác mới kéo tôi ngồi vào chiếu trà bày trên nền gạch hoa trước hàng hiên nhà tự đường, giọng khàn khàn bác hỏi tôi: “Nghe nói cháu làm nhà báo hử, tức là người có chữ chứ gì, vậy cháu hiểu câu thơ bác đọc vừa rồi là ý bác muốn nói gì đây?”. Tôi nhỏ nhẹ “dạ dạ”. Hai tay bưng ấm trà sẵn từ bao giờ tôi rót vào từng ly, vừa thơ mơ trả lời: “Dạ, ý bác muốn nói anh Nhiên là kẻ du mục đi tìm cỏ thơm ở chân núi Nhạn (chứ làm kinh tế chỉ là việc phụ)”.

Nghe tôi diễn dịch ứng cụ thể vào trường hợp anh Nhiên, bác trưởng tộc cười ha hả như kiểu hát bộ, rồi ông vỗ vỗ vào vai tôi khen lấy khen để: “Giỏi, giỏi, thằng này giỏi”. Thú thật, tôi chả giỏi giang gì, thơ ấy vốn của thi sĩ Bùi Giáng, tôi đã đọc không biết bao lần, nay liên tưởng đến việc ngược đời “bỏ phố về rừng” của Nhiên mà đoán chừng cái ý của bác trưởng tộc. “Tầm phương thảo - đi tìm cỏ thơm, đấy mới là cái lý do thằng Nhiên chọn lựa đất dưới chân núi Nhạn mà tìm về cháu ạ!”. Giọng bác Giáo Khâm đều đều như dẫn tôi vào thăm thẳm một chuyện cổ tích...

   “... Thời đánh Tây năm xưa, quân đội Pháp xây dựng cái lô-cốt đôi to tướng dưới chân núi Nhạn, nằm bên bờ sông Yên. Đây là vị trí quan trọng, một mặt canh giữ con đường bộ dẫn lên đồn Tây trên núi Nhạn, mặt khác để kiểm soát con đường thủy là sông Yên, đoạn chảy qua chân núi. Qua đến thời chế độ Sài Gòn, cái lô-cốt này biến thành một lao xá, tức là nhà tù, nơi giam giữ người bị tình nghi tham gia kháng chiến bị bắt vào đây. Trong số những tù nhân năm ấy có cô Kiều Thị Phúc, con gái của làng mình...”. Nghe đến đây tôi hỏi chen vào: “Là cô Phúc mẹ của anh Nhiên phải không bác?”. “Ừ, mẹ của thằng Nhiên đấy”. Bác Giáo Khâm đưa ly trà lên uống một hơi cạn, rồi kể tiếp: “Hồi đó Phúc là một nữ sinh xinh đẹp của trường trung học ở thị trấn. Người ta đoán chừng cô ấy bị bắt chẳng phải vì hoạt động bí mật bị lộ, mà vì cô... quá đẹp.

Mấy cha nội cảnh sát ở quận đeo đuổi tán tỉnh Phúc mãi không được nên chơi trò bẩn thủ đoạn, cài bẫy bỏ truyền đơn vào trong cặp sách của Phúc, rồi bày trò khám xét phát hiện, bắt Phúc vào giam ở nhà lao. Từ đấy số phận lại đưa đẩy Phúc qua một con đường run rủi khác. Những năm tháng trong nhà tù, nghe đâu Phúc đã cảm hóa và yêu một viên trung sĩ trông coi lính gác tại nhà lao. Mối tình thầm kín của họ đã không che giấu được viên sĩ quan chỉ huy trại giam. Thế rồi tay trung sĩ bị đày ra một đơn vị tác chiến, và nghe đâu sau đó mất tích luôn trong một chiến trận nào đấy. Số phận của Phúc cũng đầy bất trắc.

Niềm hy vọng cuối cùng tình yêu của Phúc là đứa con lớn trông thấy từng ngày cô mang trong bụng. Cho đến một ngày Phúc sinh nở trong nhà tù. Một nơi đầy bóng tối như thế mà ơn trời, thằng bé trai kháu khỉnh khôi ngô được “nâng như trứng hứng như hoa” không chỉ mỗi bàn tay mẹ Phúc chăm chút, mà còn là bàn tay thương yêu của tất cả các cô, các bác ở trong tù. Vậy rồi một ngày, thằng bé mới độ chừng sáu tháng tuổi, Phúc đã tìm cách gửi con về quê cho một người chị ruột nuôi dưỡng, riêng cô thầm nuôi ý nghĩ quyết vượt ngục.

Vị trí nhà giam nằm trên miệng vực bờ sông Yên. Quy chế cho các tù nhân là ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối được xuống sông làm vệ sinh, giặt giũ tắm rửa. Một chiều tối Phúc lấy cớ làm vệ sinh lâu hơn, kéo dài thời gian chờ tối hẳn sẽ vượt sông Yên. Lựa chọn này Phúc đã tính toán khả năng của mình, từ lúc còn đi học cô đã từng đoạt giải bơi lội của trường trung học thị trấn. Nhưng có một điều Phúc không lường hết được, đoạn sông chảy qua chân núi Nhạn nước vừa sâu vừa có nhiều xoáy nước chảy ngầm hung tợn. Đêm ấy vượt sông, Phúc đã bị dòng nước xoáy cuốn chìm không làm sao bơi qua được tới bờ bên kia. Con sông định mệnh đã vĩnh viễn ngăn đường Phúc trở về với đứa con trai côi cút của mình...”.

Kể tới đây con mắt bác Giáo Khâm đỏ rưng rưng, mắt tôi cũng cay xè. Chiến tranh đã lùi thật xa. Bao bi kịch của cuộc chiến giờ cũng đã rêu xanh, những vết thương xưa đã thành sẹo theo từng tháng năm vùi lấp dưới mấy lớp cỏ xanh hòa bình. Bác Giáo Khâm nói là kể lại cho tôi nghe để tôi hiểu ra cái lý do con đường cỏ thơm mà anh Nhiên bây giờ đang gieo vãi dưới chân núi Nhạn. Trông ra ngoài sân tự đường, nắng chiều đã vàng vọt úa màu sẫm hoàng hôn. Tôi đứng dậy khe khẽ “vâng dạ” rồi xin phép bác trưởng tộc ra về. Chạy xe ra khỏi cổng nhà thờ tộc, trước mắt tôi là núi Nhạn ửng ráng màu chiều hòa với ánh trăng non nớt thượng tuần trôi lơ lửng giữa màu mây lam xa vắng.

Bỏ xe máy đầu cổng ngõ, tôi lang thang bước vào trang trại của Nhiên. Chừng như nghe tiếng xe máy ngoài đầu ngõ, anh bước ra xem chừng. Trông thấy tôi, anh hơi chững lại ngạc nhiên nhìn giây lát rồi mới kêu lên: “Ui trời đất... cậu Hoàng, cậu từ đâu mà rơi xuống vào cái giờ nhá nhem sắp tối này?”. Hỏi rồi không đợi tôi kịp trả lời, anh xúc động cầm tay tôi nói: “Hiếm có khi nào Hoàng đến mà mẹ con Tú lại về ngoại vắng nhà, nhưng chẳng sao, trang trại gà vịt không thiếu thứ gì”. Tôi nói với anh: “Đã ăn giỗ ở nhà thờ tộc suốt từ trưa cho đến chiều, bụng dạ đâu mà chứa gà vịt nữa”. Đứng nhìn một lượt khắp trang trại, đập vào mắt tôi không phải các giống loài cây quả xanh ngát mênh mông, mà là cái hoa viên phía trước cái lô-cốt.

Hoa viên được chủ nhân công phu thiết kế tỉa tót bố trí vòng theo hình xoắn ốc. Cứ mỗi vòng xoắn là một loài hoa, cho đến tâm điểm là một pho tượng đá trắng tạc hình một nữ sinh ôm cặp sách trước ngực. Vòng xoắn cao hơn hết dưới chân tượng đá được trồng đặc biệt một loại cây hoa quỳ xứ Phật, lá có hình rẻ quạt, hoa nở tím ngan ngát thoang thoảng mùi hương chanh. Nhìn vào đằng sau hoa viên, tôi phát hiện cái lô-cốt thấp lè tè meo mốc dày lên mấy lớp trông như một ngôi cổ mộ chìm khuất phía sau pho tượng.

Nhiên vừa choàng vai tôi dẫn đi lòng vòng hoa viên vừa giải thích: «Hơn nửa thế kỷ rồi, bao trận lụt lớn đã bồi lấp mất cái lô-cốt chỉ còn cái nóc nhỏ nhô lên». Nói rồi anh kéo tay tôi bước lên nóc lô-cốt. Chả ai bảo ai, chúng tôi cùng nằm xuống sàn xi-măng mát lạnh ngửa mặt nhìn trời vầng trăng non khuyết nhọn ngược màu mây chìm dần về phía thượng nguồn. Khoảnh khắc ấy tôi đưa mắt hướng về phía pho tượng. Dưới màu trăng non và gió lùa qua những đài hoa hình xoắn ốc kia, tôi thấy mái tóc dài của pho tượng, cả vạt áo dài nữa, dường như đang chuyển động bay bay trong gió.

Tâm lý đang trong trạng huống phóng thể về một dĩ vãng hay là gì tôi không rõ. Nhưng quả là tôi đang thấy, đang nghe gió từ sông Yên dào dạt thổi qua khu vườn đồi anh Nhiên rì rào một thứ mật ngôn cứ như người xưa quanh quất trò chuyện đâu đây.

(baodanang.vn)