Phiên bản Tết

22.01.2024
Trần Vinh
Tết năm nay lão Giáp quyết định chơi lớn. Chẳng gì thì nhà lão cũng thuộc hộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” nhất nhì làng Hạ. Đã có lần lão được cán bộ huyện đưa xe đến tận ngõ mời lên tỉnh báo cáo điển hình về “trồng cây gì, nuôi con gì”. Cả làng Hạ này chưa có ai oách như lão. Bởi vậy, ngay từ đầu tháng Chạp lão đã gọi điện lệnh cho hai đứa con trai: “Tết này anh Thìn và anh Ngọ phải thu xếp đưa vợ con về sớm. Nhớ lái ô tô mang biển số Hà Nội và Sài Gòn về làng đấy nhé”!

Phiên bản Tết

Tranh của họa sĩ Vi Quốc Hiệp

Vốn là dân ngụ cư, không có họ hàng thân thích trong làng nên lúc nào lão Giáp cũng cảm thấy yếu thế. Lúc bình thường lão sống co mình nhưng khi có cơ hội thì lão sẽ bung lên cho cả làng biết lão chẳng phải dạng vừa. Hai đứa con của lão tuy không hợp với việc học văn hóa nhưng lại rất siêng năng tháo vát. Thằng Thìn học chưa hết cấp 3 thì bỏ ra Hà Nội học nghề sửa ô tô rồi xin vào làm cho một ga ra lớn. Nhờ tay nghề khá và bản tính chăm chỉ, trung thành nên Thìn may mắn được ông chủ thương gả con gái cho. Còn thằng Ngọ lại chỉ thích vào Sài Gòn làm ăn sinh sống. Khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, Ngọ cực khổ vô cùng. Có lẽ nhờ duyên số mà Ngọ cưới được cô vợ Sài Gòn chính gốc. Vợ chồng Ngọ rất giỏi nghề kinh doanh ăn uống nên ngày càng khấm khá. Nếu chỉ so về kinh tế thì hai thằng con lão cũng chẳng kém cạnh con cái nhà nào trong làng.

Làng Hạ đang đi đầu phong trào xây dựng “Nông thôn mới“, đường làng được bê tông hoá vào tận từng ngõ ngách. Đường vào nhà lão Giáp tuy ngoằn ngoèo nhưng đủ rộng để xe bốn bánh chạy đến giữa sân. Cái nhà gỗ mít ba gian của lão càng trở nên cũ kỹ nhỏ bé bên cái sân gạch rộng quá cỡ. Mỗi khi có người làng ghé chơi, lão đều vênh vang: “Bây giờ sân rộng không phải để phơi thóc. Sân rộng là để mỗi lần con cháu về còn có chỗ mà đậu vài cái xe bốn bánh”.

Chuẩn bị Tết, lão rủ mấy nhà hàng xóm đụng hẳn con bê béo nẫn, riêng nhà lão quyết luôn nửa con. Gặp ai lão cũng huyên thuyên: “Thời nay có tiền là có tất. Cứ chọn bê mập mà thịt, không cần xin xỏ phép tắc gì cả. Chẳng bù cho ngày xưa, Tết đến mới có tý thịt trâu già bò ốm dính nồi”. Người ta nói “miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ mãi”. Chẳng biết việc chia thịt Tết ngày xưa là “miếng ngon” hay “điều đau” mà lão cứ ám ảnh chưa thể nào quên được.

Chẳng riêng gì lão Giáp, hầu như những người lớn tuổi của làng Hạ cũng đều nhớ như in những lần chia thịt. Cái thời cả làng là một hợp tác xã, xã viên chỉ mong rét về đúng Tết. Rét có đậm thì trâu bò mới đổ. Trâu bò có đổ thì bà con xã viên mới có tý thịt ăn Tết.

Nhớ nhất là cái tết năm Kỷ Mùi, mãi đến ngày 28 tháng Chạp ông trời mới chịu rét đậm. Trâu nhà lão Mộc đổ gục. Ban chủ nhiệm hợp tác xã nhận cấp báo. Nửa đêm làng Hạ được phép mổ trâu. Tuy là trâu nhà lão Mộc nuôi nhưng lại là tài sản của hợp tác xã. Trâu làng nào đổ làng đó vui. Theo lệ, nhà có trâu đổ được hưởng bốn cái vó. Ra Tết thiếu trâu cày tính sau, trước mắt Tết này nhà lão Mộc sẽ có nồi ninh vó trâu khí thế nhất làng. Đám con lít nhít của lão hớn hở ra mặt.

Gần sáng việc mổ trâu hoàn tất. Ông Chủ nhiệm phóng đến trên chiếc xe đạp Thống Nhất, công bố phương án chia thịt:

– Làng ta có 298 khẩu, tính tròn thành 300 luôn. Chia đều thịt trâu thành 30 phần, mỗi phần đúng 4kg. Cứ ghép đủ 10 khẩu nhận 1 phần. Còn lại chuyển lên Ban quản trị để có cái làm tất niên mời lãnh đạo cấp trên.

Mới sáng sớm mà 30 phần thịt đã được chia đều tăm tắp giữa sân kho. Trẻ con, người lớn xách rổ rá kéo đến xúm xít như xem hội. Bà thư ký hợp tác xã cũng đã lập xong danh sách ghép khẩu chia thịt. Chẳng có mấy hộ vừa tròn 10 khẩu nên cứ phải ghép con bà này với con ông nọ. Hộ nhà lão Giáp được vào nhận thịt đầu tiên. Bê rổ thịt ra, bà con hỏi:

– Nhà anh Giáp được mấy cân?

– Vâng, nhà cháu cũng chỉ được có 4 cân thôi ạ.

Người nhận phần thịt trâu cuối cùng là lão Mộc. Ai cũng ngạc nhiên vì xưa nay từ củ khoai cho đến nắm đậu có bao giờ lão Mộc chịu nhận sau đâu. Bà thư ký gọi tên, lão ôm rổ lom khom bước tới phần thịt cuối cùng, cười nói hơ hớ:

– Bà con nhận cả rồi. Giờ đến tôi ạ, vui quá!

Sau khi lão Mộc hốt sạch phần thịt thì bà Lịch bỗng nhảy lên tru tréo:

– Thôi chết rồi! Nhà lão Mộc chỉ có 8 khẩu mà lão hốt nguyên cả phần 4 cân. Lúc nãy tay Giáp cũng nói nhận đủ 4 cân mà nhà hắn chỉ có 5 khẩu thôi. Toàn là quân lừa đảo!

Nghe vậy mấy bà từng là lực lượng phụ nữ “ba đảm đang” xúm lại chất vấn bà thư ký. Cũng may nhà lão Giáp ở gần bên kho nên bà thư ký nhón cổ lên hú một tiếng là gã ta chạy ù đến. Chắc tưởng còn dư tí thịt vụn nên mới nhanh chân vậy chứ ngày thường thì đừng hòng. Bà thư ký chỉ mặt:

– Lúc nãy anh Giáp nhận mấy cân?

– Dạ… nhà em chỉ nhận đúng 4 cân thôi ạ.

Bà thư ký nhăn mặt:

– Nhà anh có 5 khẩu, chỉ được 2 cân thôi. Còn 2 cân là của 5 đứa con nhà bà Chắt ghép qua. Sao anh lại nói nhận đủ 4 cân?

– Ờ… thì Tết đến em cứ nói à uôm chút cho sướng cái tinh thần, chứ phần thịt của con bà Chắt em chia xong rồi ạ.

Bà thư ký nguýt dài:

– Chỉ giỏi nhận quàng. Thịt trâu của nhà người ta cũng nhận của mình. Còn nhà lão Mộc tuy chỉ 8 khẩu nhưng được hỗ trợ thêm 8 lạng bù đắp thiệt hại trâu chết.

Các bà “ba đảm đang” lảng đi cùng với mấy tiếng cười nhạt. Trên sân kho chỉ còn lại những vệt máu loang lổ, mùi tanh tưởi, bầy nhặng xanh bay vù vù và cái nguýt dài của bà thư ký trong cơn gió lạnh tê tái.

28 Tết năm nay lão Giáp thật sự phởn phơ. Trong đầu lão có hẳn lịch trình đón Tết. Bao năm qua, vướng hết việc này sang việc khác nên nhà lão chưa khi nào có được cái Tết sum vầy đông đủ con cháu. Tết năm nay lão sẽ làm cho dân làng Hạ phải ngước nhìn và hai nàng dâu người thành phố cũng hết coi thường nhà chồng. Lão mong muốn có bữa tiệc năm mới ngay giữa sân gạch, sẽ dùng cái nong lớn, trải lá chuối thay cho mâm bàn. Thịt bê thui, bê luộc, bê tái đắp đống to như cái thúng úp giữa nong. Cả nhà ngồi vây quanh ăn uống thỏa thuê, ăn cho bỏ ghét cái thời khốn khó.

Rửa xong mấy bó lá dong để chuẩn bị gói bánh, lão Giáp ung dung ngồi gác chân “chữ ngũ” trước thềm nhà. Tiếng điều cày rít lên òng ọc, khói phả ra mù mịt như đám cháy. Lão chờ. Đến giờ Ngọ rồi mà sao chưa thấy đàn con cháu về. Đang mơ màng lão bỗng giật mình bởi tiếng người gọi đầu ngõ:

– Ông Giáp ơi… ra mà đón con cháu về Tết, về đến đầu làng rồi…

– Vâng vâng… tôi ra ngay ạ!

Lão Giáp quýnh quáng nhưng vẫn kịp chạy vào gian bếp dặn vợ:

– Bà nhanh tay lên! Trưa nay ăn tạm nhưng cũng phải kha khá nhé. À, bà nấu ngay ấm nước. Con cháu kéo về, bà con hàng xóm chạy qua xem dâu xem cháu cũng phải có bát nước miếng trầu chứ. Bây giờ tôi phải chạy ra đón chúng nó mới được…

Nói chưa xong lão đã tất tả chạy ù ra đầu làng. Đúng như lão Giáp yêu cầu, chẳng biết là xe thuê hay xe chính chủ nhưng rõ ràng một xe biển số Hà Nội, một xe biển số Sài Gòn. Xe nhà Ngọ từ trong Nam ra, xe nhà Thìn từ ngoài Bắc vào. Hai anh em hẹn nhau tập kết trên thị trấn, chờ đúng 11 giờ mới lái xe từ thị trấn về làng. Cả hai chiếc xe sơn màu đỏ chót làm cho đường làng thêm bừng lên sắc Tết. Mặt mũi lão Giáp nở phồng. Để xem chuyến này còn ai dám coi thường cha con nhà lão nữa không. Lão biết làng Hạ bây giờ chẳng thiếu gì xe nhưng xe gắn biển số Hà Nội và Sài Gòn mới là nhất. Hai xe nối nhau tiến vào làng, còi toè toè, đèn xi nhan nhấp nháy, mấy đứa trẻ thò tay ra vẫy liên tục. Lão Giáp chạy đến nơi thì hai chiếc xe chỉ cách đầu ngõ hơn dăm chục mét nhưng lão vẫn cố leo lên ngồi cho bằng được rồi cũng thò tay ra vẫy lia lịa. Chờ đến khi xe dừng hẳn giữa sân lão mới chịu bỏ tay xuống để mở cửa chui ra.

Vợ lão từ trong gian bếp bước ra, hết ôm chầm cháu này lại vuốt ve cháu khác. Cả năm đứa cháu đều được bà nội âu yếm, cưng nựng. Riêng cu Tý bé nhất nhưng cứ ôm lấy cổ bà. Vợ lão sung sướng khoe:

– Ông coi, đúng là “máu nào thâm thịt đó”, hơn ba năm rồi mới thấy mặt bà mà cháu có lạ lẫm gì đâu.

Cả nhà cười vui. Lão Giáp hào hứng:

– Được rồi, tối nay cho cu Tý ngủ với bà luôn. Bây giờ bà dọn nhanh bữa cơm tạm cho ông cháu tôi đi nào. Ăn xong cả nhà còn gói bánh chưng nữa đấy.

Nghe vậy nàng dâu Hà Nội cất giọng ngọt ngào:

– Dạ thưa bố, lúc nãy trong khi chờ đúng giờ về làng, sợ các cháu đói nên chúng con đã ăn trưa trên thị trấn rồi ạ.

Lão Giáp khựng lại nhưng kịp cười xoà:

– Không sao, đi đường là không được để các cháu đói. Thôi, hai anh chị và các cháu chắc mệt rồi, vào nghỉ trưa đi. Giường nào cũng có “chiếu điều hoà 3D” mới tinh. Hàng Đài Loan cả đấy. Không thua khách sạn đâu. Sướng nhé!

Đàn cháu lần đầu tiên nghe nói đến “chiếu điều hoà 3D” nên vừa reo vừa chạy vào trong nhà ngó nghiêng rồi gọi vọng ra:

– “Chiếu điều hoà 3D” để ở đâu hả ông?

– Ông trải sẵn trên mấy cái giường rồi đó. Hè mát Đông ấm. Các cháu cứ nằm thử mà xem.

Cả hai nàng dâu và đàn cháu đều cụt hứng. Thì ra “chiếu điều hoà 3D” một bề đan bằng sợi mây, một bề bọc nỉ có in mấy cái hình 3D ngộ nghĩnh vui mắt. Để chuẩn bị đón con cháu về ăn Tết, lão Giáp đã xuống tiền đầu tư mua sắm nhưng lão đâu biết con cháu lão bây giờ chỉ quen nằm giường nệm cao su mà thôi.

Lão Giáp không có thói quen nghỉ trưa. Ngồi trên bậu cửa, lão ngắm nhìn khu vườn được xã công nhận là “khu vườn kiểu mẫu”. Phần đất sát nhà được dùng để trồng cam bù, cây nào quả cũng lúc lỉu đỏ au. Kế đến là vườn rau sạch xanh mơn mởn. Nào là bắp cải, su hào, cải bẹ, cải ngồng, đậu bắp… nhưng thích nhất vẫn là những luống xà lách non tơ xoăn tít. Bên cạnh vườn rau là cái ao rộng, nước xanh bàng bạc, nuôi đủ các loại cá. Xung quanh bờ ao những cây quýt xếp hàng nghiêng mình soi bóng, quả đỏ như son, sai trĩu cành. Cách xa hơn chút nữa có đàn gà tơ óng mượt được quây lại bằng những tấm lưới. Ấn tượng nhất là đàn hươu sao đang vào kỳ lộc nhung căng mướt.

Lão nghe nói ở thành phố phụ huynh phải nộp bộn tiền để nhà trường đưa các cháu đi tham quan mấy khu vườn ở ngoại ô. Gọi đó là hoạt động trải nghiệm. Phải rồi, Tết này lão sẽ giúp các cháu tha hồ trải nghiệm. Không chừng hết Tết mà đàn cháu vẫn chưa chịu rời khu vườn để trở lại thành phố.

Cả nhà vừa nghỉ trưa xong, lão Giáp gọi ngay:

– Nào cả nhà dậy cùng gói bánh chưng. Bố Thìn và bố Ngọ làm thợ gói, hai mẹ và các cháu cùng phụ việc nhé. Ông sẽ gói cho mỗi cháu một cái bánh rùa.

Đàn cháu reo vui:

– Ôi thích quá! Bánh rùa to như cụ rùa!

– Cha bố anh, bánh rùa nhỏ như chú rùa con. Ngày còn bé bố Thìn bố Ngọ cũng mê bánh rùa lắm đấy.

Đến chiều những chiếc bánh chưng vuông vức đã xếp cao ở góc chiếu. Hai nàng dâu xăng xái xếp bánh vào cái “nồi quân dụng” to đùng. Lão Giáp chỉ dẫn:

– Xếp bánh vào nồi cũng là một nghệ thuật. Lớp bánh dưới cùng phải để rỗng ra một khoảng ở giữa. Như vậy thì tiếng sôi mới không ùng ục mà nghe ì oạp rất khí thế. Còn bánh rùa của các cháu xếp lên trên cùng. Đấy, như thế bánh sẽ chín đều, rền mà không nhão.

Thìn và Ngọ khệ nệ bê nồi bánh vào gian bếp, đặt lên mấy cục gạch kê sẵn rồi đổ đầy nước để ngâm cho bánh ngấm nước đều, đến tối sẽ nổi lửa nấu bánh. Lão Giáp hồ hỡi:

– Việc gói bánh đã xong. Hai chị vào phụ với mẹ chuẩn bị ăn tối. Khẩn trương lên để các cháu còn trải nghiệm nấu bánh chưng nữa chứ.

Hệ thống đèn led mà lão đã tăng cường cho dịp Tết được bật lên sáng trưng từ trong nhà ra ngoài ngõ. Bữa cơm dọn ra toàn là đặc sản quê hương như nhút mít, trám muối, tro om, măng luộc và có cả món chẻo đặc trưng nữa. Ngoài ra còn có món canh gà lá nghệ thơm sực mũi. Mấy đứa trẻ thấy các món lạ mắt muốn ăn liền. Lão Giáp vui miệng:

– Bữa này toàn đặc sản. Người đi xa về khoái mấy món này lắm. Nghe nói nhà hàng quán ăn trên thị trấn cũng nhờ mấy món đặc sản này mà hốt bạc đấy. Nào anh Thìn rót rượu ra đi, hũ nếp cái hoa vàng nút lá chuối này để dành cả năm rồi đó.

– Dạ… rượu bia… chắc để lúc khác. Anh em con lái xe nên kiêng rượu quen rồi. Cảnh sát giao thông dịp này làm gắt lắm bố ạ.

Lão Giáp xẵng giọng:

– Lúc khác là lúc nào? Ăn uống xong rồi canh nồi bánh chứ đi đâu mà sợ? Mà hai anh không uống thì tôi uống với ai?

Đám trẻ hăm hở ăn thử mấy món đặc sản quê. Vừa cho vào miệng chúng đã nhè ra không chịu ăn nữa. Lão đành đẩy qua vợ:

– Bà làm thêm món gì dễ ăn cho các cháu nhé.

Nàng dâu Sài Gòn vội đỡ lời:

– Dạ không cần đâu ạ. Chúng con đã chuẩn bị sẵn nhiều đồ ăn trong xe rồi ạ.

– Thế thì lấy cho các cháu ăn đi. Tết mà.

Nghe ông nội nói vậy cả đàn cháu reo lên sung sướng. Hai nàng dâu cũng gượng gạo ăn cho xong bữa. Vừa gác đũa, lão đã đứng dậy làm ra bộ vui vẻ:

– Nào, bây giờ các cháu theo ông đi trải nghiệm nổi lửa nấu bánh chưng nhé. Ta đi thôi…

Đàn cháu lại reo lên, nhảy chân sáo theo ông vào gian bếp. Lão chất củi rồi mồi lửa. Khói tỏa ra mù mịt. Đàn cháu co rúm như sắp ngạt thở, ho sặc sụa, nước mắt nước mũi trào ra. Khổ quá, đàn cháu của lão chỉ nhìn thấy khói trên tivi chứ nhà dùng bếp ga bếp điện thì lấy đâu ra khói. Lão vừa kéo mấy cháu chạy thoát ra ngoài sân vừa nói:

– Ông sơ ý quá, củi ướt, rơm ướt nên khói nhiều quá.

Gần nửa giờ sau củi cháy đượm, gian bếp đỡ khói, nồi bánh chưng bắt đầu sôi ì oạp đầy khí thế. Lão lại gọi đàn cháu:

– Nào, hết khói rồi, các cháu vào đây trải nghiệm tiếp, nghe tiếng nồi bánh sôi có vui không nào. Đi học mà cô giáo yêu cầu tả cảnh vui Tết ở quê thì nhớ tả cảnh ông cháu ta nấu bánh nhé.

Bốn đứa cháu lớn chỉ dám thập thò ngoài cửa bếp để nghe nồi bánh chưng sôi. Cu Tý giở chứng đòi mẹ đưa đi ị. Đèn nhà vệ sinh bật lên sáng choang. Thấy cái bệ xí loại chồm hổm nên cu Tý nhất định không chịu ngồi xuống mà cứ nhăn nhó vặn vẹo. Từ tháng trước lão Giáp đã chú ý nâng cấp nhà vệ sinh. Có ông bạn trên thị trấn sửa nhà nên lão xin được cái bệ xí cũ. Nói là cũ nhưng còn trắng tinh như mới. Đúng là trẻ con thành phố, cứ được voi lại đòi tiên…

Tình thế căng quá, nàng dâu Hà Nội bèn thẻ thọt:

– Hay là bố để chúng con đưa các cháu lên thị trấn nghỉ tạm. Đằng nào thì các cháu cũng không quen ngồi… chồm hổm và nằm “chiếu điều hoà” đâu ạ.

– Đúng đấy bố ạ. Đưa các cháu lên thị trấn xong rồi anh em con quay về thức nấu bánh với bố.

Nghe Ngọ nói vậy, lão nổi nóng:

– Tôi không cần người nấu bánh. Cái tôi cần là cả nhà sum vầy đón Tết. Cả đời bố mẹ rồi đến các anh đều sinh ra lớn lên ở cái nhà này. Vậy mà bây giờ vợ con các anh không thể ở đây được nữa hay sao? Mất gốc hết cả rồi. Hàng xóm láng giềng mà biết thì bố mẹ các anh còn mặt mũi nào nữa không?

Ngay lúc đó vợ lão kịp lên tiếng:

– Kìa ông, con cháu không có ý vậy đâu. Bây giờ khác trước rồi. Con cháu nhà cụ Đoàn, cụ Đặng, bà Đông về chơi nhưng cứ đến tối là kéo nhau lên thị trấn ngủ đấy thôi. Ông cứ mặc chúng nó. Con cháu thoải mái là ông bà ta vui rồi.

Trong nhà, vợ lão luôn âm thầm như cái bóng nhưng với lão thì vợ lại là cái chốt hãm không thể thiếu. Cũng may mỗi khi lão nổi nóng mà thấy ánh mắt hay nghe giọng nói của vợ là lão hạ hỏa ngay. Lão thở dài rồi nhẹ giọng:

– Thôi thì tuỳ các anh chị vậy. Sáng mai nhớ đưa các cháu về sớm. Tết nhất còn khối việc ra đấy.

Nghe ông nội nói vậy mấy đứa cháu liền nhảy dựng lên, đập tay nhau, miệng hô “oh yeah” vang cả nhà rồi cùng chạy ùa ra xe. Vợ lão nói với theo:

– Hai anh không phải quay về nấu bánh đâu. Mấy cháu ngủ trên đó mà không thấy bố lại chẳng chịu ngủ thì khổ.

Hai chiếc xe đỏ chót bật đèn sáng rực, quay đầu chở theo tiếng reo cười của đàn cháu từ từ rời khỏi nhà ông bà. Trong nhà chỉ còn lại hai cái bóng. Nồi bánh chưng cứ nhẫn nại kêu ì oạp ì oạp…

Sáng hôm sau, khi người của lò mổ vừa chở nửa con bê đến thì cũng là lúc hai chiếc xe đỏ chót đưa đoàn con cháu trở về. Lão Giáp hào hứng phân công:

– Sáng nay hai anh làm chỗ thịt bê này nhé. Phần lòng đưa ra ao mà làm cho sạch. Hai chị thì ra vườn hái rau. Toàn rau sạch cả đấy, thích rau gì cũng có. Còn bà chọn cho tôi súc thịt ngon nhất, luộc nhớ cho nhiều gừng vào nhé.

Phân công xong, lão ngồi bệt xuống thềm nhà, cầm điếu cày rít òng ọc. Mấy đứa cháu thích thú nhìn cái miệng ông nội giống hệt như cái ống khói trong phim hoạt hình. Lão ngồi nhìn đàn cháu chơi với nhau mà vui lây. Các cháu Hà Nội học nói giọng Sài Gòn. Các cháu Sài Gòn lại học theo giọng Hà Nội thành ra đứa nào cũng nói như ngọng. Vui đáo để. Lão sà vào đàn cháu nói ra vẻ bí mật:

– Bây giờ ông cháu ta cùng trải nghiệm vớt bánh nhé. Các cháu sẽ được nhận bánh rùa của mình luôn.

Mấy đứa cháu chưa quên “vụ khói lửa” tối qua nên đi theo lão vào bếp mà vẫn cứ nơm nớp. Chúng sợ cái nồi to đùng đang bốc khói nên chỉ dám đứng từ xa để xem ông nội vớt bánh.

Thịt bê luộc gừng nóng hổi thơm lừng được thái mỏng vun đầy mâm. Hai nàng dâu có dịp trổ tài pha chế nước chấm. Nàng dâu Hà Nội làm nước chấm chuẩn hương vị Hà Nội, nàng dâu Sài Gòn lại làm chuẩn hương vị Sài Gòn. Rau xà lách tươi rói, nhìn qua đã có cảm giác giòn tan trong miệng. Khế chua, chuối xanh, dưa chuột được xắt mỏng để bên rổ rau thơm đủ loại. Mấy xấp bánh tráng cuốn đặc biệt và bánh chưng xanh màu lá đã sẵn sàng. Lão Giáp xuýt xoa:

– Chà chà! Thơm ngon thế này thì không thể chờ thêm một giây nào nữa. Nào mời cả nhà vào tiệc. Trưa nay cả nhà ta chơi độc món bê luộc để lấy đà đón Tết. Các cháu cứ ăn thịt bê cho đã rồi ăn bánh chưng sau nhé. Nào, anh Ngọ rót rượu đi chứ.

Ngọ liếc nhìn qua Thìn rồi khôi hài:

– Dạ báo cáo đồng chí bố! Chấp hành mệnh lệnh của đồng chí bố, chúng con đã lái xe biển số Hà Nội và Sài Gòn tiến quân về làng đúng giờ G. Chưa thấy oai miếng nào mà đã phải thổi nồng độ liên tục. Mỗi đoạn đường từ đây lên thị trấn, không biết vì xe “số lạ” hay sao mà đi thổi về lại thổi, chẳng trượt lần nào.

– Biết làm sao bây giờ, Tết không rượu thì mất vui. Mà rượu vào có khi lại mất luôn cả Tết. À mà hai chị cũng phải học lái xe đi để còn đỡ cho chồng nữa chứ.

Nàng dâu Sài Gòn cười vui:

– Thế là bố chưa nghe câu bán xăng cho phụ nữ cũng là tội ác rồi. Mấy nhỏ bạn của con đều có bằng lái mà chồng chúng nó không đủ can đảm để ngồi xe vợ lái.

Nàng dâu Hà Nội phụ họa:

– Người ta nói phụ nữ lái xe đẹp như ngôi sao trên bầu trời. Ai cũng nhìn thấy ngôi sao nhưng ngôi sao thì chẳng nhìn thấy ai cả.

Mọi người nói cười vui vẻ, ăn uống lí lúp. Vợ chồng lão nhìn con cháu ăn ngon miệng càng cảm thấy hạnh phúc ấm áp. Đúng là Tết quê ăn đứt Tết thành phố! Toàn cây nhà lá vườn không lo độc hại gì cả. Nàng dâu Sài Gòn bỗng nhắc:

– Thịt bê thuộc loại thịt đỏ ăn nhiều không tốt. Bánh chưng ăn nhiều cũng dễ bị béo phì. Các con ăn vậy là quá nhiều rồi đấy.

Mấy đứa bé đều ngoan ngoãn đứng dậy. Vợ chồng lão như bị tuột mất cảm hứng. Bữa cơm lấy đà đón Tết kết thúc nhanh chóng.

Buổi chiều, lão Giáp bắt đầu cho các cháu tham quan trải nghiệm khu vườn. Không như lão nghĩ, cháu nào cũng thờ ơ trước “khu vườn kiểu mẫu” nổi tiếng của lão. Chỉ đến khi xem những con hươu đực có lộc nhung căng mọng thì mấy cháu mới tò mò rồi cãi nhau vì sao hươu cái không có sừng? Lão dẫn các cháu đến chỗ cây cam bù chín đỏ, quả sà sát đất. Mỗi cháu đều được tự tay hái cam, bóc cam. Khi vừa cho vào miệng ăn thử chúng đều nhăn mặt chê cam chua quá. Lão thở dài lẩm bẩm: “Đúng là trẻ con thành phố. Giống cam bù ngon nổi tiếng mà còn chê…”

Cuối cùng, trên khu vườn lão chỉ còn mỗi hoạt động câu cá. Trải nghiệm này người lớn còn mê huống chi trẻ con. Các cháu theo lão đến bên bờ ao, khi chưa kịp cầm lấy cần câu thì hai nàng dâu đã chạy ra kêu oai oái:

– Ở đây nước sâu, nguy hiểm lắm bố ơi. Bố cho các cháu vào chơi trong nhà đi ạ.

Vào nhà, mấy đứa nhỏ chẳng còn trò gì ngoài việc lôi điện thoại của bố mẹ ra chơi. Lão nhìn các cháu chúi đầu úp mặt vào điện thoại, nghe âm thanh chíu chát loạn xạ trộn với tiếng hò reo náo động. Lão chợt hiểu. Đó mới là thứ trẻ con ngày nay mê mẩn yêu thích nhất mà thôi. Giờ đây các cháu được về quê đón Tết nhưng nấu bánh chưng thì sợ khói; vớt bánh sợ nóng; ra vườn sợ kiến sợ ong; ra ao câu cá sợ đuối nước; nằm ngủ sợ chiếu điều hoà; ăn cam sợ chua; ăn món quê sợ mùi vị; ăn bánh chưng sợ béo phì; đi ị sợ ngồi chồm hổm… Cả “khu vườn kiểu mẫu” trù phú và ngôi nhà bình yên của ông bà đã trở thành nỗi chán nản lo sợ của đàn cháu. Chẳng hiểu cha mẹ, nhà trường giáo dục kiểu gì mà đàn cháu của ông lại ra nông nỗi như thế.

Kỳ thực lão Giáp chỉ muốn nhân dịp Tết để giúp cho các cháu hiểu biết, gắn bó hơn với ông bà và quê hương nguồn cội. Ấy vậy mà lão chưa làm được gì cả. Nói đúng hơn là lão càng cố làm cho các cháu hiểu thì các cháu lại càng xa cách hơn. Thôi thì còn mỗi việc đón giao thừa. Lão sẽ dồn hết khả năng để con cháu có một trải nghiệm thật ý nghĩa. Dĩ nhiên phải có màn cúng giao thừa ngoài trời và cúng gia tiên. Tiếp theo là lì xì mừng tuổi rồi đến tiết mục “khai bút đầu Xuân”. Cả nhà sẽ cùng khai bút vào cuốn sổ vàng. Riêng các cháu, lão sẽ hướng dẫn khai bút sao cho có chí hướng tương lai.

Tối 30 Tết, mới khoảng 9 giờ mà hai nàng dâu đã đến ngồi bên lão Giáp. Nàng dâu Hà Nội thỏ thẻ:

– Dạ thưa bố, chúng con và các cháu chưa biết không khí đón giao thừa ở quê ta như thế nào nên chúng con muốn dạo một vòng cho biết ạ.

– Ô hay! Giao thừa thì cả nhà phải quây quần chứ sao các anh chị lại rủ nhau chạy rông ngoài đường?

Nàng dâu Sài Gòn đỡ lời:

– Dạ thưa bố, bây giờ ở các nơi người dân rất thích đổ ra đường đón giao thừa bố ạ.

Ngay lúc đó vợ lão lại một lần nữa lên tiếng kịp thời:

– Tết mà ông! Con cháu có vui thì Tết mới vui. Ông cứ để cho con cháu thoải mái đi. Tôi nghe nói bây giờ người ta chơi Tết là chính chứ có phải ăn Tết như ông nghĩ nữa đâu.

Lão Giáp thở dài sườn sượt:

– Biết thế này thì tôi cũng chẳng yêu cầu con cháu về Tết làm gì. Thôi các anh chị muốn làm sao thì làm.

Nghe ông nội nói vậy đàn cháu lại nhảy dựng lên reo hò, đập tay nhau “oh yeah” ầm nhà rồi chạy ùa ra xe. Hai chiếc xe đỏ chót bật đèn sáng rực. Thìn thò đầu ra nói vọng vào:

– Đi chơi giao thừa xong chắc cũng muộn rồi nên chúng con cho các cháu nghỉ lại trên thị trấn luôn ạ.

Tiếng cười reo của các cháu theo xe mất hút ngoài ngõ. Cả khoảng sân rộng chỉ còn lại ánh đèn led sáng lạnh. Trong nhà hai bóng người bất động, tiếng thở dài phảng phất. Lão Giáp nhìn cái bóng vợ rồi than thở:

– Khi còn đói khổ xóm giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Bây giờ no đủ, con cháu xe pháo rình rang thì chẳng có ai thèm ngó đến nhà mình nữa bà ạ.

– Ông lại cả nghĩ rồi. Bà con cũng đang bận lo sắm tết nhất như nhà mình. Sáng mai sáng mốt lại vui vẻ đến nhà nhau chúc Tết cả thôi.

– Mấy hôm nay tôi thấy mình nghĩ khôn cũng thành dại, làm đúng cũng thành sai. Hình như tôi đang bị lạc mất con cháu, lạc mất xóm giềng, lạc mất cái Tết, lạc mất cả tôi nữa bà ạ.

Hai vợ chồng lão Giáp cứ rủ rỉ an ủi nhau mà quên mất giao thừa đã đến. Bỗng tiếng rít, tiếng lụp bụp của pháo hoa vang lên đâu đó. Trên lũy tre làng tung toé những chùm pháo hoa đủ sắc màu. Lão bừng tỉnh. Bước ra giữa sân, lão ngửa mặt về phía mấy ngọn tre làng, miệng lẩm bẩm: “Cầu cho Tết ngày nay cũng sẽ vui như Tết ngày xưa”!

(vanvn.vn)