Hóa Quê - bến sông huyền thoại

29.08.2022
Võ Văn Thắng
“Hóa Quê” có lẽ là cách ghi gần nhất với lối phát âm mộc mạc, dân dã của người địa phương khi gọi tên vùng đất của mình; một phần của vùng đất Hóa Quê nay là phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Tên “chữ” của nó xuất hiện cách đây gần 500 năm trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, viết là 化 閨, phát âm hơi cầu kỳ là “Hóa Khuê”.

Hóa Quê - bến sông huyền thoại

Sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng)

Nghĩa của từ “Hóa Khuê” có thể hiểu là một gian nhà với ô cửa nhỏ (khuê) đã được thay đổi tốt đẹp hơn lên (hóa). Có lẽ tiền nhân muốn gửi gắm một biểu tượng thay đổi tốt đẹp ở vùng đất tiếp nhận từ vua Chiêm Thành như món quà sính lễ trong đám cưới công chúa Huyền Trân đầu thế kỷ 14.

Hóa Khuê là phần đất cực nam của châu Ô - Lý, được vua nhà Trần của Đại Việt đổi tên thành Thuận - Hóa. Ban đầu, Hóa Khuê thuộc huyện Điện Bàn của Thuận - Hóa, đến năm 1604 thì tách khỏi Thuận - Hóa để nhập vào Quảng Nam. Địa hình của Hóa Khuê bao gồm một bến sông lớn, nơi gắn kết cửa biển Đà Nẵng với thượng nguồn sông Vu Gia qua nhánh sông Yên, và cả thượng nguồn sông Thu Bồn qua nhánh sông Vĩnh Điện.

Trang sách Đại Nam nhất thống chí chép về sông Vĩnh Điện. (Ảnh tư liệu)

Sách Đại Nam nhất thống chí (bản chữ Hán khắc in năm 1909) có đoạn chép về sông Vĩnh Điện, dịch nghĩa như sau: “Sông Vĩnh Điện ở phía bắc huyện [Diên Phước], là dòng tiếp nối theo hai nguồn Thu Bồn và Vu Gia, bắc đến xã Hóa Khuê Đông, hợp với sông Cẩm Lệ chảy vào cửa biển Đà Nẵng. Nối với sông này xưa có đường nước khúc khuỷu quanh co, lâu ngày bị bồi lấp. Năm Minh Mạng thứ ba [1822] sai Cai bạ Lê Đại Cương tổ chức đào theo dấu cũ, từ xã Câu Nhí đến xã Cẩm Sa, chừng hơn 850 trượng gọi là sông Vĩnh Điện. Hình thế của sông cạn và hẹp chỉ đủ đi thuyền. Năm thứ bảy lại sai Thống chế Trương Văn Minh chỉnh sửa dòng sông, dời xuống hơn 40 trượng, mở cửa sông riêng để lấy nước từ sông lớn, giăng dây cho thẳng, huy động dân đào quy mô, mấy tháng mới xong. Năm thứ mười bảy, đúc cửu đỉnh, lấy hình tượng sông này khắc vào Dụ đỉnh”.

Như vậy, từ xa xưa đã có một đường sông nối liền sông Thu Bồn với sông Cẩm Lệ, gặp nhau ở bến sông Hóa Khuê, trước khi đổ ra cửa biển Đà Nẵng. Đến thời vua Minh Mạng đã “lâu ngày bị bồi lấp” nên được khai thông theo dấu dòng sông cũ. “Dòng sông cũ” ắt đã có từ ngàn năm trước, từ thuở Chămpa. Những di tích đền tháp còn lại cho thấy có sự nối liền các khu cư trú và tín ngưỡng của cư dân Chămpa ven theo dòng sông này; đó là quần thể đền tháp Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), di tích Bồ Mưng (xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), quần thể tháp Bàng An (xã Điện An, thị xã Điện Bàn); ở các địa điểm này, trừ Quá Giáng, đều đã tìm thấy các văn khắc quan trọng của Chămpa.

Không chỉ sông Thu Bồn được nối liền với cửa biển Đà Nẵng bằng sông Vĩnh Điện xưa, mà dọc ven biển còn có dòng sông Cổ Cò tạo nên đường thông thương dễ dàng giữa cửa biển Hội An và cửa biển Đà Nẵng. Vào thế kỷ 17, nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán, thượng khách của chúa Nguyễn, cùng đoàn tùy tùng đi thuyền từ Hội An ra Đà Nẵng bằng sông Cổ Cò, ghé vãn cảnh chùa Non Nước - Ngũ Hành Sơn, cũng là nơi lưu dấu tín ngưỡng Phật giáo từ thời Chămpa.

Đặc biệt, khu vực bến sông Hóa Quê (Khuê Trung) từng là một trung tâm kiểu “cảng thị” của vương quốc Chămpa. Nơi đây có nhiều đền tháp, tu viện - dấu tích còn lại đến ngày nay. Một tấm bia của Chămpa dựng tại đây từ thế kỷ 10 (được tìm thấy vào đầu thế kỷ 20, hiện lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội) ghi chép về các công trình kiến trúc tại bến sông Hóa Quê, cho thấy cư dân nơi đây là tầng lớp thượng lưu của vương quốc Chămpa, những người “có khả năng hiểu thông suốt tất cả thông điệp của vua các nước gửi đến chỉ sau khi nhìn lướt qua trong chớp mắt”. Một trụ bia Chămpa khác được người dân Khuê Trung phát hiện vào năm 1985 khi đào móng làm nhà (hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) có nội dung về việc xây dựng ở đây một cơ sở tu tập và thờ thần, đặc biệt hé lộ tên gọi Rudrapura (thành phố Rudra). Có thể đó là tên gọi từ thời Chămpa để chỉ vùng đất bến sông, cửa biển kiên cường, mạnh mẽ, đối đầu giông bão như thuộc tính của thần Rudra trong thần thoại Hindu giáo?

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay Hóa Quê đã được các thế hệ người địa phương của Đà Nẵng và “tứ chánh lưu dân” cùng góp sức xây dựng thành một quê hương ngày càng văn minh, thân thiện trên nền tảng văn hóa lâu đời của một bến sông nhiều màu sắc huyền thoại và luôn sẵn lòng đón chào du khách thập phương.

(baodanang.vn)