Nhìn lại bức tranh văn hóa - nghệ thuật 2021: Nỗ lực thích ứng với đại dịch

14.01.2022
Hà Anh
Năm 2021 đã kết thúc, khép lại một năm nhiều khó khăn đối với mọi mặt của đời sống xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nhìn lại một năm qua có thể thấy nổi lên nhiều điểm sáng cần ghi nhận. Trong đó, sự nỗ lực thích ứng và duy trì hoạt động nghệ thuật giữa đại dịch để đạt được những thành quả đã thực sự là tín hiệu đáng khích lệ và lạc quan nhất.

Nhìn lại bức tranh văn hóa - nghệ thuật 2021: Nỗ lực thích ứng với đại dịch

Buổi giao lưu ra mắt trực tuyến cuốn sách "39 câu hỏi cho người trẻ" của nhà báo Phan Đăng do NXB Kim Đồng tổ chức.

Sân khấu thích ứng với "nhà hát online"

Trải qua năm 2020 - năm đầu tiên Việt Nam và thế giới chống chọi với đại dịch COVID-19, không chỉ ngành văn hóa nghệ thuật của Việt Nam mà cả thế giới lâm vào khủng hoảng, các hoạt động nghệ thuật gần như bị “đóng băng” để ưu tiên cho việc chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đến hết quý I/2021, các hoạt động văn hóa nghệ thuật bắt đầu được thiết lập trong trạng thái “bình thường mới” được một thời gian ngắn, thì tình hình dịch bệnh lại có diễn biến căng thẳng, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh. Chính vì thế, từ tháng 6/2021, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật một lần nữa bị gián đoạn trên quy mô cả nước.

Từ cuối tháng 7/2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã triển khai kế hoạch tổ chức các chương trình biểu diễn trực tuyến theo hình thức "nhà hát online" đến 12 nhà hát trực thuộc quản lý của Bộ. Các chương trình biểu diễn trực tuyến này được phát trực tiếp trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, trên Youtube, Facebook, Fanpage của Cục Nghệ thuật biểu diễn và trên các nền tảng số khác.

Vì thế, trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài, khán giả đã có cơ hội xem các chương trình ca nhạc, hòa nhạc trực tuyến như “Điều còn mãi”, “Những ngôi sao bất tử”, “Tổ quốc trong tim”, vở kịch “Trung thần”, chuỗi chương trình "Ở nhà cùng vui" với sự phối kết hợp của nhiều nhà hát… Tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều chương trình, tiết mục biểu diễn âm nhạc, kịch nói, kịch hát truyền thống được tổ chức ghi hình để phát trên các kênh truyền hình theo hình thức "nhà hát truyền hình" để phục vụ nhu cầu của khán giả.

Nhờ có biểu diễn trực tuyến với mô hình "nhà hát online", nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả không bị đứt gãy quá lâu, đồng thời khiến nghệ sĩ vẫn có cơ hội được biểu diễn, được làm nghề, rèn nghề chứ không thể cứ mãi “ngồi chơi xơi nước”.

Từ cuối tháng 8/2021, Nhà hát Chèo Việt Nam đã cho ra mắt chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê” phát trên các nền tảng trực tuyến của nhà hát như Youtube, Fapage vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần và được duy trì trong một thời gian khá dài. Các mini gameshow này được nhà hát giao cho các nghệ sĩ trẻ tài năng của nhà hát như Trần Thái Sơn, Việt Cường, Thanh Thảo, Vũ Ngoan, Xuân Chường… biểu diễn. Các nghệ sĩ vừa làm MC, vừa biểu diễn và giao lưu với khán giả trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, hấp dẫn khán giả yêu thích nghệ thuật chèo truyền thống, góp phần tôn vinh nghệ thuật truyền thống nên được rất đông khán giả ủng hộ.

Không chỉ có các nhà hát chủ động tạo ra các chương trình biểu diễn, sân chơi cho nghệ sĩ và khán giả, mà cá nhân các nghệ sĩ cũng chủ động tổ chức các chương trình biểu diễn nhỏ để phục vụ khán giả, fans hâm mộ của mình trên trang Facebook cá nhân và fanpage của mình, thu hút sự quan tâm, tương tác của khán giả.

Nhiều hoạt động triển lãm và đấu giá tranh trực tuyến

Năm 2021 cũng đánh dấu một năm nở rộ hình thức triển lãm và đấu giá tranh trực tuyến do hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài và trở nên căng thẳng trong nhiều tháng qua. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong những tháng cả thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa đều bị ngừng trệ, đời sống của nhân dân cũng như các bệnh nhân, lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Trung tuần tháng 7/2021, họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật là Phó Vạn An, sinh năm 2007) -  cậu bé đang được xem là “thần đồng hội họa Việt”, người đạt Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2021 ở hạng mục “Khát vọng Dế Mèn” đã tổ chức triển lãm trực tuyến và bán đấu giá tranh thành công ở 2 phiên, thu được số tiền lên tới gần 3 tỉ đồng đóng góp cho công tác phòng chống dịch. Những việc làm và đóng góp cho xã hội của cậu bé Xèo Chu đã tạo nên một nguồn năng lượng tích cực để các nghệ sĩ, các nhà hảo tâm tích cực tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động nghệ thuật, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công tác chống dịch, nỗ lực đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Theo một con số được công bố, từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, đã có hàng ngàn bức tranh được bán đấu giá để ủng hộ công tác phòng chống dịch. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2021 đã có rất nhiều triển lãm, hoạt động đấu giá tranh để gây quỹ, ủng hộ công tác phòng chống dịch. Có thể kể đến các hoạt động của Trung tâm mỹ thuật Bụi, Vietnam Art Space, Viet Art Exchange, Indochine Art… Một số họa sĩ, người sưu tầm cũng tự bán tranh của mình để ủng hộ công tác phòng dịch như Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng A Sáng… Trong đó phải kể đến chương trình “Hướng về Sài Gòn - Kết nối yêu thương” do fanpage Vietnam Art Space (Không gian nghệ thuật Việt) tổ chức đã kêu gọi được 150 tác phẩm của các họa sĩ gửi đến. Số tiền thu được từ hoạt động đấu giá là 500 triệu đồng để ủng hộ người dân TP. Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, hội họa với đặc trưng của mình là hoạt động cá thể, độc lập cho nên những “khoảng lặng” trong thời kỳ giãn cách đã cho họa sĩ có thêm thời gian để tập trung sáng tác và tổ chức triển lãm. Sự thích ứng nhanh chóng của giới họa sĩ trong việc tổ chức triển lãm trực tuyến, đấu giá tranh trực tuyến thực sự đã đem lại những hiệu quả tích cực, khích lệ sự sáng tạo, góp phần phục vụ xã hội, đồng thời lan tỏa thông điệp yêu thương, chia sẻ.

Nở rộ hình thức ra mắt sách trực tuyến

Theo thông lệ, hàng năm ngành xuất bản thường có vài đợt hội sách được tổ chức tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, vào Ngày sách Việt Nam 21/4 hàng năm, nhiều hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc được tổ chức sôi động ở các tỉnh, thành cũng như trong hệ thống các nhà trường. Nhưng từ năm 2020, do yếu tố dịch bệnh nên Hội Sách thường niên được tổ chức vào Ngày sách Việt Nam đã được chuyển sang hình thức trực tuyến và được đặt tên là "Hội sách trực tuyến quốc gia".


"Hội sách trực tuyến quốc gia 2021" vẫn được tổ chức tại sàn sách trực tuyến quốc gia "book365.vn", kéo dài từ ngày 17/4 đến ngày 15/5/2021 với thông điệp "Sách cho mọi nhà". Theo thống kê, sau gần 1 tháng diễn ra, "Hội sách trực tuyến quốc gia 2021" đã bán được khoảng 40 ngàn cuốn sách, nhiều gấp 3 lần kết quả thu được từ "Hội sách trực tuyến quốc gia 2020". Trong đó, nhiều hoạt động ra mắt, giới thiệu sách trực tuyến, giao lưu với độc giả diễn ra trong khuôn khổ hội sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, người yêu sách. Qua đó, dần hình thành thói quen mua sách online và độc giả cũng quen dần với việc tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi thông qua hình thức trực tuyến.

Do yêu cầu hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người để phòng dịch, nhiều NXB, tác giả trong năm 2021 đã tổ chức các buổi ra mắt sách trực tuyến với sự tham gia của nhiều người. Có thể nói, buổi ra mắt cuốn sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” nhân 100 ngày mất của Nguyễn Huy Thiệp diễn ra trên nền tảng trực tuyến Zoom vào đầu tháng 7/2021 và được phát trực tiếp trên ứng dụng Facebook là sự đánh dấu cho một xu hướng mới trong hoạt động của ngành văn học và xuất bản trong thời buổi bệnh dịch hoành hành...

Sau đó, hàng loạt các NXB bắt đầu sôi nổi tổ chức hoạt động ra mắt sách trực tuyến như NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ, NXB Trẻ, Công ty cổ phần và truyền thông Nhã Nam... Rất nhiều cuốn sách đã được giới thiệu, phát hành thông qua hình thức trực tuyến, mở ra cơ hội mới, sự tự tin và hào hứng cho các NXB, tác giả và độc giả. Bởi vì, nhờ có hình thức trực tuyến, mà người làm sách - tác giả - độc giả trở nên vô cùng gần gũi, thân thiện, xóa mờ mọi khoảng cách về địa lý, không gian để tiến đến gần nhau hơn...

(vnca.cand.com.vn)